Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 11-06-2024] Tôi là một đệ tử Đại Pháp đắc Pháp từ năm 1996. Năm nay tôi đã 73 tuổi. Tôi xin báo cáo lên Sư phụ về quá trình tu tâm của mình trong năm vừa qua, đồng thời cũng là chia sẻ trải nghiệm với các đồng tu.

Tu bỏ thói quen phàn nàn

Cách đây một năm, tôi bắt đầu gặp vấn đề về sức khỏe. Tôi cảm thấy thân thể nặng nề và phần eo căng cứng. Tôi liên tục hướng nội để tìm kiếm các chấp trước của mình và cuối cùng đã phát hiện ra tâm phàn nàn.

Tôi thường phàn nàn với chồng vì những chuyện vụn vặt, chẳng hạn như việc ông ấy bày bừa trong phòng tắm, vứt tàn thuốc lá và rác khắp nơi, hay việc ông ấy mặc chiếc quần cũ sờn rách mà không chịu thay quần mới. Tôi cũng hành xử giống như vậy với cháu gái, thường hay phàn nàn về sự lãng phí và bừa bộn của cháu.

Đôi khi sự phàn nàn không ngừng của tôi khiến chồng khó chịu, đến mức ông ấy phải lớn tiếng quát lên. Tôi cảm thấy bị xúc phạm, lại quay sang biện minh cho việc phàn nàn của mình rằng tôi làm vậy là vì tốt cho ông ấy. Chỉ vì những chuyện vụn vặt này mà không khí gia đình tôi trở nên căng thẳng.

Tôi hướng nội tìm bản thân xem tại sao lại như vậy. Một hôm, sau khi đọc xong bài chia sẻ của đồng tu, tôi chợt nhận ra mình có tâm phàn nàn. Tôi đã phân tích chấp trước này một cách cẩn thận, tìm xem còn những tâm chấp trước nào ẩn sau đó. Tôi phát hiện ra tâm tranh đấu, tâm hiển thị, tâm cho rằng mình tốt hơn người khác và thích chỉ tay năm ngón. Tôi cũng tự đặt mình lên cao và dễ căng thẳng khi đối mặt với mâu thuẫn. Sau sự phàn nàn có quá nhiều tâm chấp trước như thế, bảo sao tôi lại cảm thấy thân thể nặng nề.

Sau đó, tôi cố gắng kiềm chế để bản thân không phàn nàn. Nếu thấy cháu gái làm chưa tốt, tôi cố gắng giúp đỡ cháu đồng thời giải thích cho cháu và hướng dẫn cháu làm cho đúng. Nhờ vậy, không khí trong gia đình không còn nặng nề và tôi lại cảm thấy nhẹ nhõm và vui vẻ.

Từ “bất mãn” đến “sẵn lòng”

Vợ chồng tôi lấy nhau hơn 40 năm, chưa bao giờ xảy ra tranh chấp về tiền bạc hay bất đồng với gia đình họ hàng hai bên, vậy mà lại cãi nhau chỉ vì ông ấy không làm việc nhà. Tôi cảm thấy thật bất công: tại sao tôi phải một mình làm hết mọi việc, từ nuôi dạy con cái cho đến chăm sóc cháu chắt, tôi làm việc vất vả cả đời, trở nên cáu bẳn và già nua.

Sau khi tu luyện Đại Pháp, tôi đã minh bạch câu trả lời trong lời giảng của Sư phụ:

“Trong Phật giáo giảng rằng: Con người sống chính là [vì] nghiệp lực luân báo. Chư vị nợ họ [gì], họ sẽ tìm chư vị đòi nợ; nếu lấy quá đi thì sau này họ sẽ hoàn lại cho chư vị. Con không hiếu thuận với cha mẹ, [thì] sau sẽ đổi lại; nó luân chuyển qua lại như thế.” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)

Tôi hiểu rằng kiếp trước mình đã nợ ông ấy rất nhiều, và kiếp này tôi phải trả nợ. Tôi bắt đầu không còn cảm thấy “bất mãn” như trước nữa.

Nhưng bất cứ khi nào trở nên mệt mỏi vì phải làm một đống việc, từ đi chợ, nấu ăn, lau nhà đến giặt quần áo, lại cộng thêm ba việc mà đệ tử Đại Pháp cần làm, bận rộn túi bụi, lại thấy ông ấy ngồi trên sofa nhàn nhã uống trà, hút thuốc, xem TV, tâm oán hận của tôi lại bùng lên, tôi quên mất việc mình phải trả nợ và sau đó tôi lại hối hận. Chuyện cứ lặp đi lặp lại như vậy nhiều lần.

Sư phụ đã điểm ngộ cho tôi bằng Pháp lý:

“Cho nên người nào có mệnh của người đó, nói rằng chúng ta cứ muốn người khác như thế nào, thì nhất định không được, bởi vì sinh mệnh của con người không phải do con người an bài, [mà] là Thần đến an bài. Cũng không thể nói tới vấn đề chư vị để lại cho họ thống khổ hay không thống khổ gì đó, những vấn đề này sớm đã được an bài rồi.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Houston [1996])

Lời giảng của Sư phụ khiến tôi rất chấn động. Từ đó trở đi, những so sánh, oán hận, bất bình và thậm chí là hận thù của tôi đối với chồng dần dần tan biến. Nửa năm sau, khi thái độ bất mãn quay trở lại với tôi, Sư phụ lại từ bi điểm hóa cho tôi. Một hôm, tôi mơ thấy mình đang ngồi thoải mái trên một chiếc xe kéo, có một con vật đang kéo tôi về phía trước. Con vật này trông giống như một con dê. Sau khi tỉnh dậy, tôi chợt ngộ ra chồng mình sinh năm Mùi, năm con dê. Tôi hiểu ra rồi. Hóa ra ở kiếp trước ông ấy đã làm việc chăm chỉ phục vụ tôi như vậy. Từ đó trở đi, tôi hoàn toàn buông bỏ sự bất mãn của mình và sẵn lòng làm tất cả mọi việc.

Cảm tạ Sư tôn đã từ bi điểm ngộ, đệ tử lại khiến Sư phụ bận tâm rồi.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/6/11/478018.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/7/27/219236.html

Đăng ngày 12-08-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share