Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Hồng Kông

[MINH HUỆ 19-07-2024] Ngày 20 tháng 7 năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu công khai bức hại Pháp Luân Công, và cuộc bức hại vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Suốt 25 năm qua, dù trong hoàn cảnh bị hạn chế, “một quốc gia, hai chế độ”, các học viên Pháp Luân Công tại Hồng Kông vẫn thường xuyên lên tiếng cho các học viên bị bức hại ở đại lục.

Video: Các học viên Pháp Luân Công tại Hồng Kông tưởng niệm các học viên đã bị ĐCSTQ bức hại đến chết vào ngày 20 tháng 7.

Các hoạt động phản bức hại trong công viên

Từ khi đại dịch COVID bùng phát, việc ĐCSTQ ban hành “Luật An ninh Quốc gia” vào năm 2020 và thêm luật “Điều 23” của chính phủ Hồng Kông trong năm nay, người dân Hồng Kông khó có thể tổ chức các cuộc kháng nghị ôn hòa hoặc bất kỳ cuộc diễu hành “ngày 20 tháng 7” quy mô lớn nào để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Bất chấp những khó khăn này, các học viên Pháp Luân Công tại Hồng Kông vẫn tích cực hoạt động. Họ tổ chức theo cách riêng, trong các công viên hay trên cầu vượt, để kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại của ĐCSTQ suốt 25 năm qua.

Vào một buổi sáng cuối tuần tháng 7 năm 2024, hơn chục học viên đã cùng nhau luyện công trong Công viên Lai Chi Kok, sau đó, họ căng một biểu ngữ ghi “25 năm nỗ lực kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công” và quay một đoạn video ngắn kêu gọi “Hãy chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công”.

Bà Trương, người đã tu luyện Pháp Luân Công được 30 năm, cho biết: “Chúng tôi đang ở trong một công viên xinh đẹp ở Hồng Kông và có thể tự do luyện công, nhưng thật đau lòng khi biết các học viên Pháp Luân Công ở đại lục vẫn đang bị bức hại”. “Hôm nay, tôi ra ngoài để kêu gọi ĐCSTQ hãy chấm dứt bức hại Pháp Luân Công và cũng kêu gọi mọi người trên khắp thế giới hãy lưu tâm và không nhắm mắt làm ngơ trước cuộc bức hại.”

Ông David, người mới học Pháp Luân Công, lần đầu tiên tham gia vào các hoạt động như vậy. Ông cho biết ông hy vọng sẽ có nhiều công dân Hồng Kông hơn biết được sự thật về cuộc bức hại. “Pháp Luân Công rất tốt. Pháp môn này khiến mọi người chú ý đến sức khỏe. Nhưng quan trọng hơn, nó khuyến khích mọi người nâng cao tiêu chuẩn đạo đức của mình”, ông nói.

Đối mặt với chế độ ĐCSTQ và đấu tranh cho quyền được tự do tu luyện

Trong 25 năm qua, trước áp lực của chế độ cộng sản Trung Quốc, các học viên tại Hồng Kông vẫn ủng hộ nỗ lực của các học viên đại lục trong việc kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại và đấu tranh cho các quyền dân sự và tự do cho người dân Hồng Kông. Thắng lợi vang dội nhất là “Vụ án cản trở đường phố”. Sau khi các học viên thắng kiện, lãnh đạo Đảng Dân chủ Hồng Kông Tư Đồ Hoa đã viết: “Pháp Luân Công đã giành được thắng lợi lớn trong việc bảo vệ quyền tổ chức kháng nghị của mọi công dân Hồng Kông.”

“Vụ án cản trở đường phố” (còn gọi là “Vụ án Dương Mỹ Vân”) được coi là một vụ kiện rất quan trọng liên quan đến quyền tự do kháng nghị của người Hồng Kông và đã được đưa vào nội dung của một trong những khóa học pháp lý bắt buộc của Đại học Hồng Kông. Nó đã trở thành cơ sở pháp lý then chốt để bảo vệ quyền tự do hội họp và biểu đạt của người Hồng Kông. Vụ án cũng được đề cập trong Bộ luật Tố tụng của Bộ Tư pháp và trong Hướng dẫn của Cảnh sát.

Vụ án được khởi tố sau khi 16 học viên Pháp Luân Công người địa phương và Thụy Sỹ tuyệt thực và ngồi trước Văn phòng Liên lạc của Chính phủ Nhân dân Trung ương vào ngày 14 tháng 3 năm 2002. Tất cả họ đều bị bắt. Ba năm sau, vào năm 2005, các học viên đã thắng kiện tại Tòa Chung thẩm. Năm thẩm phán, trong đó có Chánh án đầu tiên của Tòa Chung thẩm, ông Andrew Lee, đã ra phán quyết rằng các vụ bắt bớ là bất hợp pháp và nhấn mạnh rằng các tòa án nên đưa ra cách luận giải cởi mở hơn về quyền tự do ngôn luận và tự do biểu tình được đảm bảo theo quy định của Luật Cơ bản.

Trong số học viên bị bắt có bà Lưu Huệ Khanh. Hồi tưởng lại vụ kiện đó, bà thừa nhận quá trình này rất gian nan và đã có lúc bà định từ bỏ việc kháng cáo. Cuối cùng, bà đã nhận ra tầm quan trọng của vụ án và cùng các học viên khác quyết tâm kháng cáo lên Tòa Chung thẩm để khôi phục thanh danh của mình. Vụ án cũng đã thiết lập cơ sở pháp lý để các học viên Pháp Luân Công có thể giảng chân tướng cho công chúng.

Bà Lưu cho biết: “Mặc dù bây giờ chúng tôi không còn được kháng nghị hay diễu hành nữa, nhưng chúng tôi vẫn có thể trực tiếp giảng chân tướng và phát báo”. “Dù không gian bị thu hẹp nhưng chúng tôi vẫn có thể làm được những gì nên làm.”

Khi được hỏi tại sao bà có thể kiên trì phản bức hại, phó xuất tiền bạc, công sức, thậm chí có nguy cơ đến an toàn cá nhân trong suốt 25 năm qua, bà Lưu trả lời: “Nếu bạn có niềm tin, bạn sẽ hiểu, bởi vì sức mạnh của đức tin vô cùng mạnh mẽ.” Bà cho biết mặc dù chồng bà không tu luyện Pháp Luân Công nhưng ông luôn hiểu và ủng hộ bà.

Một vụ việc Pháp Luân Công được biết đến khác liên quan đến việc xem xét tư pháp khi Sở Di trú từ chối cấp thị thực một cách vô lý cho các nghệ sỹ Shen Yun. Shen Yun là đoàn múa cổ điển Trung Hoa nổi tiếng thế giới được thành lập tại New York bởi các nghệ sỹ tu luyện Pháp Luân Công. Năm 2010, Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun dự kiến đến ​​biểu diễn tại Hồng Kông nhưng đã buộc phải hủy chuyến lưu diễn sau khi Cục Di trú từ chối cấp thị thực cho các thành viên của Đoàn. Năm 2011, thẩm phán Tòa án Tối cao lúc đó đồng thời là Chánh án đương nhiệm của Tòa Chung thẩm, ông Andrew Cheung, đã đưa ra phán quyết có lợi cho Shen Yun và lật ngược quyết định từ chối cấp thị thực của Sở Di trú. Phán quyết của ông nhấn mạnh tầm quan trọng của sự công bằng trong quá trình thực hiện của Sở Di trú.

Thuyết phục mọi người thoái ĐCSTQ để thức tỉnh lương tâm người dân Trung Quốc

Đầu năm 2023, khi chính sách “Zero-Covid” nhằm đối phó với đại dịch của ĐCSTQ thất bại, khách du lịch đại lục lại đổ xô đến Hồng Kông sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Mặc dù không được phép trưng bày biểu ngữ tại các điểm du lịch ở Hồng Kông, nhưng các học viên Pháp Luân Công vẫn có thể phát tài liệu cho du khách và khuyên họ thoái xuất khỏi các tổ chức của ĐCSTQ.

Bà Liêu đã ngoài 80 nhưng bước đi nhanh nhẹn và có giọng nói sang sảng. Bà cầm chiếc điện thoại di động có mã QR giúp vượt qua sự kiểm duyệt internet của ĐCSTQ và mỉm cười giơ lên cho du khách. Bà bảo họ quét mã bằng điện thoại để xem những tin tức bị ĐCSTQ chặn. Bà Liêu thích trò chuyện với khách du lịch với hy vọng qua cuộc trò chuyện có thể thức tỉnh lương tâm và ý thức về công lý của họ. Bà nhắc họ hãy giữ tấm lòng thiện lương và tuân theo các tiêu chuẩn đạo đức của con người.

Một du khách nói với bà: “Bà ơi, bà đừng nói về chuyện đó nữa. Bây giờ ai dám làm người tốt nữa bà.”

Bà Liêu đáp lại: “Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao điều này lại xảy ra không? Chính Đảng Cộng sản đã đầu độc người Trung Quốc bằng chủ nghĩa vô Thần, nên người dân không còn tin vào Thần Phật nữa. Đó là nguyên do tại sao thành như thế này.”

Bà Liêu rất vui vì nhiều người trò chuyện với bà đều sẵn sàng thoái ĐCSTQ sau khi biết đến cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ.

Nhà sử học ngưỡng mộ các học viên Pháp Luân Công

Trong 25 năm qua, các học viên Pháp Luân Công đã phản bức hại một cách ôn hòa và giành được nhiều sự đồng cảm cũng như ủng hộ từ công chúng. Tiến sỹ Dương Dĩnh Vũ, một nhà sử học Hồng Kông, cho biết: “Khi tôi tiếp xúc với bất kỳ học viên Pháp Luân Công nào, tôi đều cảm nhận được sự quyết tâm hành xử theo bản chất tốt đẹp của con người và họ luôn đối xử hòa nhã với người khác. Tôi thực sự ngưỡng mộ họ và cũng cảm thấy rất dễ chịu.”

Ông Dương phụ trách Ban lịch sử tại Cơ quan Đánh giá và Khảo thí Hồng Kông (HKEAA) từ năm 2005 đến năm 2020, sau đó ông bị buộc phải từ chức do bị cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ chỉ trích. Ông cho biết, sau năm 2019, ĐCSTQ đã tăng cường hạn chế nhân quyền ở Hồng Kông, điều này cũng làm cho nhiều người Hồng Kông có thiện cảm hơn với các học viên Pháp Luân Công. Người ta nhận ra rằng các học viên đã bắt đầu đấu tranh cho nhân quyền trước 20 năm so với dân chúng còn lại ở Hồng Kông. “Việc ĐCSTQ phỉ báng Pháp Luân Công và việc ĐCSTQ bôi nhọ phong trào phản kháng ở Hồng Kông là có cùng bản chất. Vậy nên, sau khi trải qua thử thách này, người dân Hồng Kông có thêm đồng cảm với Pháp Luân Công”, ông Dương nhận định.

Ông Dương Dĩnh Vũ còn cho biết, trước đây có nhiều người hiểu lầm Pháp Luân Công, nhưng khi sự tà ác của ĐCSTQ ngày càng bị phơi bày, thì ngày càng có nhiều người bắt đầu thông cảm và ủng hộ Pháp Luân Công.

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/7/19/479869.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/7/24/219193.html

Đăng ngày 26-07-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share