Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Thụy Sỹ

[MINH HUỆ 14-07-2024] Để kỷ niệm 25 năm phản bức hại của các học viên Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) ở Trung Quốc, ngày 20 tháng 7, các học viên thuộc khu vực nói tiếng Pháp ở Thụy Sỹ đã tổ chức mít-tinh trước Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Sáu ủy viên Hội đồng cùng một đại diện từ Tổ chức Công giáo Hành động Chống Tra tấn (ACAT Suisse) đã phát biểu tại buổi mít-tinh để thể hiện sự ủng hộ.

Hơn 30 quan chức chính phủ và cựu Thị trưởng Geneva Alfonso Gomez đã gửi thư đến Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp để bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc kháng nghị ôn hòa của các học viên nhằm phản đối cuộc bức hại trong những năm qua.

Đại diện Pháp Luân Công: Chúng tôi kêu gọi chính quyền liên bang và các bang của Thụy Sỹ quan tâm đến cuộc bức hại

Một đại diện Pháp Luân Công phát biểu: “Trong 25 năm qua, cũng như mọi năm, tại cuộc họp của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc, chúng tôi lại đứng bên ngoài tòa nhà Palais Wilson, dù mưa hay nắng, để kiến nghị ôn hòa cũng như yêu cầu Trung Quốc chấm dứt bức hại các học viên Pháp Luân Công. Một lần nữa, chúng tôi xin nhắn nhủ tới xã hội quốc tế cũng như chính phủ liên bang và chính quyền các bang của Thụy Sỹ rằng những tội ác chống lại loài người như vậy vẫn đang diễn ra ở Trung Quốc.”

Thành viên Đại Hội đồng Geneva: Tôi hy vọng chúng ta có thể chấm dứt cuộc bức hại vào năm tới

Ông Cédric Jeanneret, Thành viên Đại Hội đồng Geneva, phát biểu tại buổi mít-tinh: “Tôi là Thành viên của Đại Hội đồng Geneva. Với tư cách là đại diện của người dân, hôm nay, tôi đến đây để bày tỏ sự ủng hộ của chúng tôi đối với những người bị bức hại vì đức tin của họ. Geneva là một thành phố luôn chào đón những người bị bức hại vì đức tin. Chúng tôi cảm ơn các bạn đã hiện diện và sống nhân văn với những giá trị gắn kết chúng ta lại với nhau.“

70306b4bd05cc4b9f4532beecc0b08fa.jpgÔng Cédric Jeanneret, Thành viên Đại Hội đồng Geneva, phát biểu tại buổi mít-tinh.

Ông tiếp tục: “Bởi vậy, điều tôi có thể làm hôm nay là kiến nghị với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rằng các học viên Pháp Luân Đại Pháp không có kỳ vọng gì ngoài mong muốn sống trong sự hài hòa, bao dung, và tôn trọng lẫn nhau.”

“Tôi muốn nói với chính quyền ĐCSTQ rằng hạnh phúc trên hành tinh này không cần phải đo lường bằng chiều rộng màn hình được sản xuất tại các nhà máy, mà phải nhìn vào tình trạng sức khỏe và sự hòa hợp giữa người với người. Những giá trị này mới làm nên sự thịnh vượng lâu dài, bền vững.”

“Hãy nhìn xem, cuộc bức hại này đã kéo dài 25 năm rồi. Tôi hy vọng năm tới chúng ta sẽ có thể kỷ niệm năm đầu tiên chấm dứt cuộc bức hại này. Chúng ta có thể ăn mừng cùng những người sống trên hành tinh xinh đẹp này, gồm cả người Trung Quốc, người Châu Âu, người Geneva và người Anh. Tôi hy vọng chúng ta có thể lan tỏa Chân-Thiện-Nhẫn.”

Ủy viên Hội đồng Quốc gia: Cảm ơn vì mọi điều các bạn đã làm, tôi hoàn toàn ủng hộ các bạn

Ông Christian Dandrès, Ủy viên Hội đồng Quốc gia, phát biểu tại buổi mít-tinh: “Tôi muốn bày tỏ rõ ràng rằng tôi luôn ở đứng về phía các bạn, bởi các bạn là nạn nhân của cuộc bức hại. Tôi cho rằng bảo vệ nhân quyền, có khả năng hành động và phản đối cuộc bức hại của mọi quốc gia, đặc biệt là ở Trung Quốc, chắc chắn là trọng tâm của một số vấn đề.”

2024-7-13-swiss-fbh-rpt-04.jpgÔng Christian Dandrès, Ủy viên Hội đồng Quốc gia, phát biểu tại buổi mít-tinh.

“Đồng thời, tôi nghĩ đất nước Thụy Sỹ chúng ta nên làm điều gì đó bởi vì Thụy Sỹ vẫn có các mối quan hệ với Trung Quốc, Thụy Sỹ cần phải có hành động để thay đổi chính sách của liên bang trong vấn đề với ĐCSTQ. Vì vậy, tôi muốn cảm ơn các bạn vì những gì các bạn đã làm và tôi hoàn toàn ủng hộ các bạn.”

Ủy viên Hội đồng Quốc gia: Hãy tiếp tục ủng hộ Pháp Luân Công

2024-7-13-swiss-fbh-rpt-03.jpgÔng Mauro Poggia, Ủy viên Hội đồng Quốc gia, phát biểu tại buổi mít-tinh.

Trong bài phát biểu của mình, ông Mauro Poggia, Ủy viên Hội đồng Quốc gia, cho biết ông sẽ tiếp tục ủng hộ Pháp Luân Công cho đến khi chiến thắng cuộc bức hại này.

Ông Mauro Poggia phát biểu: “Trong 25 năm qua, nhiều người thân và bạn bè đã chết trong cuộc bức hại vô nghĩa này. Nơi đây, Geneva là thủ đô của nhân quyền, là nơi lưu giữ Công ước Geneva. Tất nhiên, chúng ta cần phải đứng lên kêu gọi, chúng ta quan tâm, chúng ta không ngừng yêu cầu chính phủ này trả lại tự do cho những người chưa từng làm gì có hại cho ai. Chúng ta hy vọng một ngày nào đó có thể gặp nhau ở đây và cùng nói: ‘Cuộc bức hại cuối cùng đã kết thúc, công lý đã chiến thắng.’”

Ủy viên Hội đồng Quốc gia: Thụy Sỹ phải lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công

2024-7-13-swiss-fbh-rpt-02.jpgÔng Carlo Sommaruga, Ủy viên Hội đồng Quốc gia, đã gửi thư bày tỏ sự ủng hộ.

Ông Carlo Sommaruga, Ủy viên Hội đồng Quốc gia, viết trong thư: “Nhân dịp 25 năm Pháp Luân Công phản đối cuộc bức hại của ĐCSTQ, tôi muốn bày tỏ sự ủng hộ đối với các học viên Pháp Luân Công sống theo thiện và nhẫn. Bởi vì những giá trị này vô cùng quan trọng đối với bất kỳ xã hội nào, dù là Trung Quốc hay Thụy Sỹ.”

“Hơn nữa, đây là những giá trị mà chúng tôi coi trọng trên trường chính trị cũng như xã hội ở Thụy Sỹ. Đây là những giá trị vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, cuộc bức hại Pháp Luân Công và tội giết người đã gây ra những hệ lụy cực lớn.”

“Cuộc bức hại này thực sự tồn tại, không chỉ nhắm vào Pháp Luân Công, mà còn nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng. Cuộc bức hại này phải chấm dứt. Do vậy, tại cuộc mít-tinh này, cũng như nhiều chính trị gia và những người được nhiều người biến đến ở khắp nơi trên thế giới, tôi kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công, trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công.”

“15 năm trước, cũng như nhiều quốc gia và nền kinh tế châu Âu, với nguyên tắc tự do thương mại với Trung Quốc, Thụy Sỹ cho rằng khi Trung Quốc có điều kiện kinh tế khá hơn, thì cũng sẽ có dân chủ và thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản của cá nhân. Song, thực tiễn lại cho thấy điều hoàn toàn ngược lại.”

“Trong thập kỷ qua, mà có lẽ là còn lâu hơn nữa, Trung Quốc đã không ngừng leo thang đàn áp các phong trào tôn giáo và tín ngưỡng như Pháp Luân Công. Trong hoàn cảnh cụ thể hiện nay, các nước phương Tây cần phải nhận thức rõ ràng và nỗ lực phối hợp.”

“Chúng tôi nhận thấy EU có lập trường chính trị nhất định. Chúng tôi cũng thấy Hoa Kỳ có động thái chính trị. Thụy Sỹ cũng phải đưa ra tuyên bố rõ ràng, đặc biệt là từ góc độ thỏa thuận kinh tế mà Thụy Sỹ hiện đã đạt được với Trung Quốc.”

Đại diện của tổ chức I’ACAT: Chúng tôi kêu gọi ĐCSTQ chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công

Ông Étienne Cottier, nhân viên pháp lý của tổ chức l’ACAT, phát biểu tại buổi mít-tinh: “Hôm nay, tôi đến đây đại diện cho l’ACAT, một tổ chức có trụ sở chính tại Bern đã phản đối tra tấn và án tử hình nhiều thập kỷ qua. Gần tám năm qua, chúng tôi đã theo dõi các cuộc kháng nghị ôn hòa của Pháp Luân Công vì quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là quyền tự do tín ngưỡng, hội họp và hiệp hội.”

“25 năm trước, vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, lãnh đạo ĐCSTQ bấy giờ là Giang Trạch Dân đã ra lệnh tiêu diệt Pháp Luân Công bằng mọi giá. Trong những thập kỷ sau đó, hàng trăm nghìn học viên đã bị phân biệt đối xử do truyền thông Trung Quốc tuyên truyền phỉ báng pháp môn tu luyện này. Hàng trăm ngàn người, như các bạn đã biết, đã bị giam giữ phi pháp mà không qua xét xử, bị cưỡng bức lao động, bị tra tấn, hoặc bị giết hại chỉ vì họ thuộc diện mà Đảng cho là không kiểm soát được.”

“Tuy nhiên, quy mô của cuộc bức hại đã dẫn đến những hành vi tương tự nhưng cũng đáng trách không kém. 25 năm sau, cuộc bức hại vẫn tiếp tục tạo ra những nạn nhân mới; nạn thu hoạch nội tạng vẫn tiếp tục làm giàu cho những công chức, bác sỹ và nhà tù tham lam, vô liêm sỉ.”

“Chúng tôi yêu cầu ĐCSTQ chấm dứt cuộc bức hại này; Chúng tôi yêu cầu điều tra độc lập các hành vi bạo lực và đưa thủ phạm ra công lý; Chúng tôi kêu gọi Liên Hợp Quốc, hội đồng quốc gia, chính phủ Thụy Sỹ, cũng như tất cả các cơ quan tương ứng ở mọi quốc gia hãy lên án mạnh mẽ những hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.”

Ông Daniel-Dany Pastore, Ủy viên Hội đồng Thành phố Geneva, ông Diego Esteban, Ủy viên Hội đồng Quốc gia, và ông André Pfeffer, Ủy viên Hội đồng Quốc gia cũng có bài phát biểu tại buổi mít-tinh để bày tỏ sự ủng hộ đối với Pháp Luân Công.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/7/14/479691.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/7/15/219037.html

Đăng ngày 20-07-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share