Bài viết của học viên Pháp Luân Công tại Ý

[MINH HUỆ 13-07-2024] Tại phiên điều trần của Thượng viện Ý ở Rome vào ngày 26 tháng 6 năm 2024, Thượng nghị sỹ Cinzia Pellegrino, thành viên của Ủy ban Nhân quyền Thượng viện Ý và Ủy viên Chính sách của EU, đã có bài phát biểu về cuộc bức hại và tra tấn mà các học viên Pháp Luân Công đang phải gánh chịu ở Trung Quốc.

9f990a4288f7a2721002a4c8fe9f402f.jpg

Thượng nghị sỹ Cinzia Pellegrino của Cộng hòa Ý phát biểu tại phiên điều trần.

ca8f524c1bb12e0acb42a0a6c91131eb.jpg

Bà Cinzia Pellegrino (thứ năm từ phải sang) tham gia cùng các học viên Pháp Luân Công trong buổi mít- tinh trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Rome vào ngày 26 tháng 6 năm 2024.

Năm nay ghi dấu 25 năm nỗ lực phản bức hại ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công. Ngày 25 tháng 6 năm 2024, Hạ viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua dự thảo HR 4132, Đạo luật bảo vệ Pháp Luân Công. Dự luật này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những thủ phạm của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng, và yêu cầu ĐCSTQ chấm dứt cuộc bức hại.

Ngày 29 tháng 6, Đài phát thanh Radicale (Radio Radicale) đã phỏng vấn các học viên Pháp Luân Công tại Ý về việc Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự thảo Đạo luật bảo vệ Pháp Luân Công. Radio Radicale đã đưa tin về tình hình nhân quyền của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc nhiều năm qua. Trong cuộc phỏng vấn, đài phát thanh đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của dự luật này của Hoa Kỳ, đặc biệt là khi dịp kỷ niệm 25 năm phản bức hại đang đến gần.

Ngày 26 tháng 6 là Ngày Quốc tế Hỗ trợ Nạn nhân Tra tấn. Tại một phiên điều trần của Thượng viện ở Rome, Thượng nghị sỹ Pellegrino đã có bài phát biểu và đề nghị chấm dứt việc bức hại các học viên Pháp Luân Công bằng hình thức tra tấn. Bà cũng lên án nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng và ủng hộ những nỗ lực của các học viên Pháp Luân Công nhằm phản đối cuộc bức hại. Bài phát biểu của bà có tiêu đề: “Chấm dứt tra tấn – Không ngừng ủng hộ những người chống lại nó”.

Trong bài phát biểu của mình, Thượng nghị sỹ Pellegrino nói: “Hôm nay, tôi muốn nhắc nhở chúng ta hãy đặc biệt lưu ý đến một sự thật rằng: các học viên Pháp Luân Công đang phải chịu đựng tra tấn ở Trung Quốc. Pháp Luân Công là một lối sống dựa trên các nguyên tắc, pháp môn này đề cao lòng từ bi và bao dung, với triết lý sống thản đãng và hòa bình. Đó là một loại tín ngưỡng tâm linh mà từ khi được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992, đã nhanh chóng thu hút 70 đến 100 triệu người ở Trung Quốc theo học. Mặc dù bản chất của môn này là dựa trên sự an hòa và thiền định với mục đích nâng cao thể chất và tinh thần của con người, nhưng những người theo môn này đã bị chế độ đương thời của Trung Quốc bức hại và đàn áp một cách có hệ thống và vô nhân đạo, và vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Hơn 100.000 người đã bị đưa đến các trại lao động và hàng nghìn người đã bị kết án hơn 18 năm tù giam.

“Đáng lưu ý nhất là, ngoài việc bắt bớ phi lý, sỉ nhục cũng như xâm phạm tình dục không thể diễn tả nổi, các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc còn phải chịu một cuộc bức hại tàn bạo, thậm chí còn có cả cưỡng bức mổ lấy nội tạng từ người sống mà không gây mê. Cam kết của chúng ta về chống tra tấn cần phải vô điều kiện và duy trì lâu dài. Chúng ta cũng phải hết sức lưu ý đến các học viên Pháp Luân Công và các nhóm thiểu số khác (người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và người theo đạo Cơ đốc) ở Trung Quốc.“

“Chúng ta phải ủng hộ mọi sáng kiến ​​nhằm bảo vệ nền dân chủ, tự do tôn giáo và tự do ngôn luận, đồng thời khẳng định lại sự lên án mạnh mẽ của chúng ta đối với các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc. Hôm nay, tôi muốn nói rằng: chúng ta phải tăng cường hỗ trợ các nạn nhân và cam kết là một tổ chức nỗ lực bền bỉ vì một thế giới không có tra tấn cũng như mọi hành vi vũ nhục tàn bạo, và là tổ chức mang lại phẩm giá cho người khác.”

Bài phát biểu của Thượng nghị sỹ Pellegrino cũng được hãng thông tấn hàng đầu Ý, ANSA, đưa tin.

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/7/13/479641.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/7/15/219041.html

Đăng ngày 17-07-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share