Bài viết của Vũ Thanh, đệ tử Đại Pháp tại tỉnh Cát Lâm
[MINH HUỆ 31-05-2024] Tôi đắc Pháp vào ngày 17 tháng Giêng năm 1998, đó là ngày mà cả đời tôi sẽ không quên. Vào thời khắc khi lần đầu tiên nghe Sư tôn giảng Pháp, tôi đã thật sự cảm thấy mình đắc Pháp quá muộn. Mặc cho nắng mưa, hằng ngày tôi đều kiên trì đến điểm luyện công để học Pháp, luyện công. Trong vòng chưa đầy hai tháng sau khi bước vào tu luyện, những căn bệnh tôi từng mắc suốt nhiều năm như bệnh dạ dày, thoái hóa đốt sống cổ, bệnh phong thấp đều biến mất. Ban đầu tôi không biết Đại Pháp có thể trị bệnh, chỉ cảm thấy Đại Pháp là tốt, giảng thiện giảng đức, sâu thẳm trong tâm tôi rất thích nghe. Đây chính là duyên phận của tôi!
Từ đó trở đi, tôi sống vui vẻ hạnh phúc, giống như một đứa trẻ lưu lạc đã tìm về với gia đình. Cảm ơn Sư tôn đã tịnh hóa thân tâm của đệ tử, đưa tôi từ một người tự tư, tham lam thành một người thiện lương, không tranh đấu với người khác.
Tuy nhiên, vào tháng 7 năm 1999, tập đoàn Giang Trạch Dân lưu manh đã bắt đầu cuộc bức hại phô thiên cái địa đối với nhóm người lương thiện này. Khi đó, điểm luyện công của chúng tôi không thể duy trì được nữa, tôi chỉ có thể luyện công ở nhà. Người nhà chịu nhận tuyên truyền độc hại trên truyền hình nên can nhiễu tôi, tôi cũng bị cảnh sát thường xuyên đến nhà lục soát và sách nhiễu. Người thân, bạn bè chưa minh chân tướng cũng đến công kích tôi, thật sự có cảm giác như thể trời sập đến nơi. Thế nhưng, tâm tôi kiên định, cho dù gặp tình huống như thế nào, tôi cũng không bao giờ ly khai Đại Pháp, không thể phản bội Đại Pháp. Tôi biết rõ tôi tu luyện Đại Pháp là chân chính nhất, Sư phụ của tôi thật vĩ đại! Tôi biết chúng tôi không sai khi tu luyện Đại Pháp.
Chứng thực Pháp
Hồi đó, tôi trồng rau rồi mang xuống làng bán. Dân làng ở đây biết tôi tu luyện Pháp Luân Công. Tôi thường kể cho bà con nghe những gì bản thân đã được thụ ích nhờ tu luyện Đại Pháp, về việc Sư tôn dạy chúng tôi chiểu theo Chân-Thiện-Nhẫn làm người tốt, không làm điều xấu, và rằng Pháp Luân Công đối với nước với dân có trăm điều lợi mà không một điều hại, hầu như đi tới đâu tôi giảng tới đó.
Có lần, tôi đến thôn bên bán rau, mấy ông lão đang ngồi quây quần bàn tán về những lời dối trá vu khống Pháp Luân Công mà họ nghe được trên TV. Thấy tôi tới, họ càng nói hăng hơn. Tôi liền dừng lại, kiên nhẫn kể cho họ nghe trải nghiệm của mình: “Bản thân cháu từ khi tu luyện Đại Pháp, đã có thể đối xử tử tế với người già, tôn kính cha mẹ chồng, mọi lúc mọi nơi đều nghĩ cho cha mẹ chồng, thường mang đồ ăn ngon đến cho họ. Mỗi năm cháu đều biếu họ tiền dưỡng già, tiền thuốc men, và không so đo”. Tôi kể với họ rằng chồng tôi có năm anh em, chồng tôi là thứ tư. Bố mẹ chồng tôi sống ở nhà người anh thứ hai. Những ông lão này đều thích con dâu hiền lành tốt tính, những gì tôi nói chạm đến nỗi lòng của họ. Tôi nói những người tu luyện Đại Pháp chúng tôi đều là những người thiện lương như vậy nhưng lại phải chịu bức hại như thế. Họ nghe xong thì minh bạch và cũng nhận ra những gì họ thấy trên TV đều là giả dối.
Từ năm 2001 về sau, tập đoàn tà ác lưu manh lại bịa đặt dối trá, dàn dựng Vụ tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn, khiến chúng tôi giảng chân tướng càng khó hơn. Lúc ấy, mấy đồng tu trong thôn chúng tôi bắt đầu phân vùng phát tờ rơi và cuốn sách nhỏ đưa chân tướng đến khắp mọi nơi trong thị trấn, cũng phát cả các huyện lân cận.
Tôi nhớ có lần vào mùa đông, tôi phối hợp cùng một đồng tu đi bộ đến một thị trấn cách đó 20 km để phát tài liệu chân tướng. Ngay khi mặt trời lặn, chúng tôi bắt đầu khởi hành từ nhà, mỗi người mang theo một túi to. Chúng tôi không phát ở thôn mình mà đi được 10 km mới bắt đầu phát. Ở nông thôn, mùa đông người ta đi ngủ sớm, nhưng cũng có người còn thức và vẫn để đèn. Các làng lại không gần nhau, bình thường, hai người chúng tôi vào thôn sẽ đi phát tài liệu từ trong ra ngoài. Với một số thôn lớn và có nhiều ngõ ngách, chúng tôi tách ra để phát rồi hẹn nhau ở cổng làng bên. Chúng tôi không dám nói chuyện, chỉ nhắc nhau phát chính niệm. Khi phát xong tài liệu chân tướng, cả hai chúng tôi đều cảm thấy nhẹ nhõm. Tính ra thì chúng tôi đã phát tài liệu được cho 13 thôn.
Trên đường trở về, chúng tôi trông thấy có người cầm tài liệu chân tướng được phát đang đọc ở nhà. Cả hai chúng tôi đều vui mừng biết bao! Lúc này đã quá nửa đêm, bình minh sắp rạng, trên đầu cả hai chúng tôi đều phủ đầy sương giá, ngay cả lông mi cũng ướt đẫm sương. Chúng tôi biết rằng lần nào cũng đều nhờ Sư tôn bảo hộ, chúng tôi chỉ là làm một chút việc vặt mà thôi.
Dưới đây là một số câu chuyện nhỏ trong quá trình tu luyện của tôi.
Tu khứ tâm lợi ích
Năm 2010, bởi vì tôi xuất ra một niệm, hy vọng tôi có thể mưu sinh ở chợ, bán chút hàng, lại có thể thuận tiện giảng chân tướng. Niệm này vừa xuất ra, Sư tôn liền an bài cho tôi thuê được một chỗ bán hàng. Việc bán hàng ban đầu rất khó, không ít người bán hàng lục đục với nhau, người cũ bắt nạt người mới, luôn tìm cách đẩy người mới đến thất bại mới thôi. Nếu tôi không tu luyện Đại Pháp, tôi sẽ tức giận và không thể kiên trì mà tiếp tục được.
Có lần, bà chủ sạp vải kế bên cạnh tôi nói rằng con trai bà ấy sinh con, bà phải đến chăm cháu, muốn cho tôi thuê lại sạp hàng của bà. Tôi đồng ý, bà ấy nói: “Tôi sẽ đi trong bảy tháng, cô đưa tôi 700 Nhân dân tệ.” Hôm đó tôi không mang theo tiền nên đến nhà anh thứ tư vay 700 Nhân dân tệ rồi đưa cho bà ấy. Tuy nhiên, mới bốn tháng trôi qua bà ấy đã quay trở lại, còn đem theo không ít hàng hóa. Bà ấy nói với tôi: “Tôi vẫn bán hàng ở đây”. Tôi nói: “Còn ba tháng nữa mà”. Bà ấy nói: “Không được“. Tôi nói: “Vậy chị trả lại em 300 Nhân dân tệ”. Bà ấy nói: “Một xu tôi cũng không trả, đây là sạp của tôi. Chúng ta chưa có cam kết nào cả. Cô có thể kiện ai cũng được, nhưng tôi không trả lại đâu”.
Về đến nhà, tôi suy nghĩ đến nửa đêm, phải làm sao đây? Những người buôn bán ở chợ chẳng phải sẽ chê cười tôi sao? Hàng của tôi cũng không ít, bày ở đâu bây giờ? Lúc này, tôi nhớ đến Pháp của Sư tôn:
“Mọi người thử nghĩ xem, [người] chịu khổ một cách minh bạch chẳng đúng là chư vị, [người] phó xuất chẳng đúng là chủ nguyên thần của chư vị, khi mất đi những thứ tại người thường, chẳng phải chư vị chịu mất một cách minh bạch đúng không? Công ấy nên để chư vị được, ai mất thì được. Do đó đây chính là nguyên nhân vì sao pháp môn này của chúng ta, không hề thoát ly hoàn cảnh phức tạp này nơi người thường để thực hành tu luyện.” (Bài giảng thứ tám, Chuyển Pháp Luân)
Tôi nghĩ lần này tôi nhất định phải vượt qua khảo nghiệm, tu khứ tâm lợi ích, tâm tranh đấu. Tôi liền buông tâm xuống. Ngày mai tôi sẽ đến muộn, bà ấy bày hàng xong, tôi mới bày, cho tôi còn lại bao nhiêu chỗ thì tôi bày bấy nhiêu. Hôm sau, khi tôi đến, thấy bà ấy quả nhiên đã bày xong rồi. Trong bốn mét tôi thuê của bà ấy, bà ấy chiếm đến 3 mét, còn chừa lại 1 mét cho tôi. Tôi cũng không nói gì. Lúc chồng bà ấy tới, thấy tôi không nhắc đến chuyện trả lại tiền, ông ấy có chút ngượng ngùng và bảo muốn đãi chúng tôi một bữa, nhưng tôi nói không cần làm vậy.
Mấy ngày sau, trời mưa to, đó là trận mưa giông kèm sấm chớp, lại đến quá đột ngột. Tôi thu dọn hết hàng nhanh nhất có thể. Ngày hôm đó, chồng của bà ấy không đến, bà ấy có một mình bận cuống cuồng. Nhà bà ấy bán bông, vải vóc, gối, là những hàng rất kỵ nước. Nhìn thấy bông cùng vải vóc sắp bị ngấm nước, tôi vội vàng giúp bà ấy che chắn lại. Dọn xong, cả tôi và bà ấy quần áo đều ướt sũng. Bà ấy nói: “Hôm nay là nhờ có cô, cảm ơn cô nhé!” Tôi nói: “Chị không cần cảm ơn, Sư phụ dạy chúng em làm người tốt, coi việc giúp người là niềm vui”. Nếu không tu Đại Pháp, tôi sẽ không làm được như vậy.
Tu khứ tâm tranh đấu
Mùa hè năm 2022, con trai tôi nói: “Mẹ ơi, ngày mai con sẽ ra chợ bán dưa, mẹ để chừa cho con 2 mét nhé”. Tôi nói: “Ừ”.
Ngay từ sáng sớm, con tôi đã tới với một xe đầy ắp dưa và bắt đầu bày bán. Hàng bày xong cũng là lúc chợ bắt đầu có người đến mua. Đúng lúc này, người phụ nữ bán dưa nhà kính ở trong vùng đến, trỏ tay mắng con tôi: “Cậu bày nhiều dưa thế, chẳng phải là muốn bán tranh dưa của chúng tôi sao?” Con tôi nói: “Chị à, chị bán của chị, tôi bán của tôi mà”. Cô ấy vẫn chửi bới không ngừng, càng lúc càng gay gắt. Con tôi vẫn bình tĩnh không nói gì, tôi vội vàng đến nói mấy câu hữu hảo, rằng chúng tôi sẽ không bán phá giá để cạnh tranh với cô ấy.
Tôi với mẹ cô ấy cùng bán ở chợ đã nhiều năm nay và rất hòa hợp. Tôi thường giúp mang rau đến tận nhà cho bà ấy. Lúc ấy người mẹ cũng ở đó, nhưng cô ấy không chịu nghe ai nói, vẫn tiếp tục mắng mỏ. Một lúc sau, cô ấy bê mấy thùng dưa đầy ắp tới, hết thùng này đến thùng khác, đặt quanh sạp của chúng tôi, còn đặt mấy thùng ngay trước quầy của tôi. Tôi nói với con trai: “Chúng ta đừng nói gì cả”. May mắn thay, con trai tôi từ nhỏ đã nghe các bài giảng của Sư phụ nên cháu cũng nghe lời, bình tĩnh không nói gì.
Cô ấy bắt đầu bán dưa, với vẻ khó chịu, lớn tiếng nói rằng dưa nhà tôi mùi hôi, còn dưa nhà cô ấy thơm ngon. Khi có người đứng trước quầy dưa nhà tôi, cô ấy liền gây rối. Cứ như thế suốt buổi sáng, có 30 thùng dưa mà nhà tôi thậm chí chưa bán nổi 2 thùng. Con trai tôi muốn ra chỗ khác để bán nhưng không đi được, xe cộ ở khắp mọi nơi, không tài nào ra khỏi đó được. Ước chừng đến khoảng 10 giờ sáng, con trai tôi mới có thể thoát ra và chở dưa về nông thôn bán. Dưa của nhà cô ấy bán rất chạy, cô ấy rất đắc ý. Lúc xe của con trai tôi chở dưa đi nơi khác bán, cô ấy đứng cách tôi một mét, hả hê nói với những người đến mua rằng: “Tôi đã bảo cậu ta không bán nổi một thùng rồi mà! Thối, hỏng hết cả rồi!”, và còn nói thêm mấy lời khó nghe nữa.
Tôi lúc ấy vừa định nói vài câu, lập tức nhớ tới bài thơ “Độ nhân độ kỷ nan” trong kinh văn “Hồng Ngâm VI” mà Sư phụ mới công bố.
“Thượng sĩ văn nan nhất tiếu giải”
Tạm dịch:
“Thượng sỹ gặp việc khó, cười một cái là giải được” (Độ nhân độ kỷ nan, Hồng Ngâm VI)
Tôi muốn làm thượng sỹ, chiểu theo Pháp để yêu cầu bản thân, nhờ không ngừng nhẩm niệm thơ của Sư phụ, tôi mới qua được quan này.
Sau khi cô ấy rời đi, không ít người bán hàng ở chợ quen biết tôi đều tới nói: “Chị sợ gì cô ấy chứ? Sao chị lại hiền quá thế? Con chị im lặng đã đành, sao chị cũng không nói gì thế? Khi cô ta bày hàng trước sạp của chị, sao chị không đuổi cô ấy đi! Xem ra chị để cho người ta bắt nạt rồi! Để người ta cưỡi lên đầu lên cổ cũng không nói gì. Nếu là tôi, dứt khoát là không được!” Cũng có người giơ ngón tay cái nói với tôi: “Chị ơi, chị thật giỏi, em không thể làm như thế được!” Tôi nói: “Sư phụ của tôi dạy chúng tôi Chân-Thiện-Nhẫn và làm người tốt. Vậy nên tôi không giống như người ta, tranh tranh đấu đấu mà làm gì”.
Buổi trưa, tôi về nhà ăn cơm, con trai tôi và con dâu tôi cũng về, tôi nói với hai con: “Các con, các con đã làm rất tốt, không so đo với cô ấy là đúng rồi. Cô ấy mắng mỏ chúng ta suốt cả buổi sáng là đã cấp đức cho chúng ta, một xe dưa cũng không chứa hết”. Con trai tôi nói: “Hôm nay về nông thôn con bán rất đắt hàng, qua hai, ba làng đã bán được hơn một nửa, chỉ còn lại mấy thùng. Con tính thì hôm nay xe dưa này có thể kiếm được 1.400 Nhân dân tệ.” Tôi biết tất cả đều là Sư tôn giúp nên dưa của chúng tôi không bị hỏng. Cảm ơn Sư phụ!
Tu khứ tâm tật đố
Đối diện sạp của tôi có một bà cũng bán hàng giống tôi. Vợ chồng bà ấy làm nghề này đã nhiều năm rồi. Nhưng sạp của tôi lại đông khách hơn, vì tôi bán hàng chính hãng, đúng giá, chưa bao giờ lừa gạt, đến mua hàng phần lớn là khách quen. Tôi thường giảng chân tướng cho khách hàng, khuyên họ làm tam thoái và tôi sử dụng tiền có in chân tướng. Mọi người đều biết tôi tu luyện Đại Pháp, không gạt người, khi người già đến mua hàng, tôi đều giảm giá cho họ.
Có lần, một người phụ nữ tàn tật cùng chồng đến mua hàng. Bà ấy muốn mua quần, nhưng chồng bà ấy nói: “Chúng ta đâu có tiền, đừng mua nữa”. Người phụ nữ đã khóc. Tôi chứng kiến cảnh này, liền cầm chiếc quần đưa cho bà ấy: “Chị cầm lấy mà mặc, không cần trả tiền đâu”. Người phụ nữ nhận chiếc quần, nhìn sang chồng. Ông ấy nói: “Không được, vài hôm nữa có tiền, tôi nhất định sẽ quay lại trả chị”. Mấy ngày sau, ông ấy quay lại đưa tiền cho tôi. Tôi không muốn lấy, nhưng ông ấy nói: “Không được thế”, và nhất định trả tiền cho tôi. Tôi đành lấy bằng giá vốn. Khi có người đến đổi hàng, dù họ đã mua trước đó bao lâu, tôi đều sẵn sàng đổi, khiến khách hàng luôn vừa lòng. Cứ như vậy, tôi có được chữ tín nên khách hàng ngày càng nhiều lên.
Thấy tôi bên này có nhiều người đến mua hàng, bà ở sạp đối diện bèn cố gắng kéo khách qua bên bà ấy. Một lần, tôi đang bán hàng, bà ấy lớn tiếng nói: “Tới đây đi, qua đây!” còn dùng tay ra hiệu qua bên cửa hàng bà ấy. Chồng tôi biết chuyện thì bảo: “Bà ấy lại lôi kéo khách, em nên mắng bà ấy”. Tôi thầm nghĩ: “Mình là người tu luyện Đại Pháp, mình không thể mắng người ta. Nếu bà ấy lại lôi kéo khách thì mình giả như không thấy. Nếu bà ấy bán được nhiều hơn, mình sẽ mừng cho bà ấy. Việc này chính là để mình tu khứ tâm tật đố. Mình nên đắc được bao nhiên thì sẽ đắc được bấy nhiêu”.
Qua nhiều năm như vậy, tôi có thể đi được tới hôm nay, mỗi bước đều thấm đẫm sự vất vả của Sư tôn, đều là nhờ Sư tôn nhọc lòng coi sóc. Chúng ta chỉ có cách vâng lời Sư tôn, làm tốt ba việc, tinh tấn thực tu, trở thành đệ tử chân tu của Ngài.
(Bài viết được chọn đăng nhân kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới trên Minghui.org)
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/5/31/477621.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/6/10/218557.html
Đăng ngày 09-07-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.