Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 30-10-2023] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1997, khi 10 tuổi. Từ nhỏ, tôi không thông minh hay xinh đẹp đặc biệt gì mà lại còn hơi vụng về, ngốc nghếch. Tuy vậy, tôi thường có những suy nghĩ kỳ lạ lóe lên trong đầu: “Tại sao mình lại tồn tại trên thế giới này? Tại sao mình lại là mình? Tại sao mình lại ở trong cơ thể này?” Tôi không trả lời được những câu hỏi của bản thân, đầu tôi trống rỗng và tôi đứng đó, nhìn chằm chằm vào chính mình mà không biết tại sao.
Khi lên bốn hoặc năm tuổi, tôi đã trải qua một sự việc rất kỳ lạ. Tôi ở nhà một mình và thèm ăn thạch. Trước chỗ tôi ngồi có một chiếc hộp gỗ không đậy nắp nhưng bị chắn bởi một tấm màn nhỏ. Tôi lẩm bẩm: “Tôi muốn ăn thạch! Tôi muốn ăn thạch!” Vừa nói xong, một viên thạch màu vàng lăn ra từ bên trong hộp gỗ. Tôi vừa ngạc nhiên vừa vui mừng. Tôi mở thạch ra ăn thử. Rất ngon. Tôi muốn ăn nữa nên lại nói thêm vài lần mà thạch không chạy ra nữa. Tôi kể lại chuyện này cho mọi người mà không ai chịu tin tôi. Còn tôi thì nhớ mãi không quên.
Khi xem truyền hình có những câu chuyện về thần tiên và ác quỷ, tôi chưa bao giờ nghĩ những điều này là giả. Vì vậy, khi gặp được Pháp Luân Đại Pháp, tôi biết là mình muốn tu luyện và ý muốn này xuất ra từ sâu thẳm trái tim tôi. Trong vài năm đầu tiên sau khi đắc Pháp, tôi rất vui. Tôi đến điểm luyện công, giảng chân tướng, nghe băng ghi âm các bài giảng Pháp của Sư phụ, tham gia học Pháp nhóm và các buổi chia sẻ, mọi người cùng nhau chia sẻ thể ngộ và trải nghiệm tu luyện của mình.
Sau khi cuộc đàn áp bắt đầu vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, tôi trở nên kém tinh tấn hơn. Tôi dần mất hứng thú luyện công và sau một thời gian thì dừng hẳn. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi vẫn học Pháp, điều này giúp tôi không bị cuốn vào vòng xoáy của xã hội. Mẹ tôi, cũng là một học viên, chưa bao giờ bỏ rơi tôi, bà nhắc nhở tôi học Pháp, theo sát tôi để tôi không xa rời các nguyên lý của Đại Pháp.
Khi lớn hơn, tôi bị chìm trong các trò chơi trên điện thoại di động và các câu truyện trên mạng. Mặc dù biết những điều này không tốt nhưng tôi không thể dứt ra được. Rồi tôi kết hôn với một người không phải là học viên, và đột nhiên, trong tư tưởng tôi trở nên chín chắn. Tôi nhận ra rằng mình không thể tiếp tục giải đãi được. Tôi vật lộn để trở lại trạng thái tinh tấn như thuở ban đầu. Mãi cho đến đầu năm nay khi Sư phụ công bố kinh văn “Vì sao có nhân loại?” thì tôi mới thực sự tu luyện tinh tấn trở lại.
Lý do tôi không thể tinh tấn là vì tôi học Pháp không đủ nên tôi quyết định tăng cường thời gian học Pháp. Công việc của tôi không quá bận rộn nên ban ngày tôi dành thời gian để học Pháp được nhiều hơn. Tôi tìm được một chiếc điện thoại cũ, xóa hết dữ liệu, đặt ở chế độ máy bay và không lắp thẻ SIM. Nó chủ yếu được sử dụng để học Pháp. Tuy nhiên, tôi không có phiên bản điện tử sách Đại Pháp. Tôi lên trang web Minh Huệ tìm kiếm trên nhưng không tìm được. Tôi dùng camera điện thoại để chụp lại một số bài kinh văn ngắn và tải xuống một số bài kinh văn mới nhất.
Sau khi đọc các bài giảng của Sư phụ, tôi biết mình cần học sách Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Đại Pháp. Tuy nhiên, tôi vẫn không thể tìm thấy phiên bản điện tử trên trang web Minh Huệ nên tôi đã chụp ảnh bài giảng đầu tiên và tiếp tục tìm bản sách điện tử. Tôi nghĩ rằng nếu không tìm được, tôi sẽ chụp ảnh từng trang cuốn Chuyển Pháp Luân. Tôi quyết tâm học Pháp. Sư phụ đã nhìn thấy tâm nguyện chân thành của tôi và cho tôi tìm thấy phiên bản điện tử trên trang web Minh Huệ. Tôi không những có được sách Chuyển Pháp Luân mà còn có được các sách Đại Pháp khác. Tôi rất vui mừng và không ngừng cảm tạ Sư phụ từ tận đáy lòng.
Tại chỗ làm, bất cứ khi nào có thời gian, tôi đều đọc sách Đại Pháp. Sau khi đọc hết các sách, tâm lười biếng của tôi trỗi dậy. Đọc sách Pháp hàng ngày giống như một nhiệm vụ, và khi hoàn thành nhiệm vụ đó, tôi thường nghĩ: “Đã xong, mình có thể thư giãn và xem điện thoại chút.”
Tôi ý thức rõ ràng là tôi đã sử dụng điện thoại quá nhiều. Tôi cố gắng bỏ thói quen này trong nhiều năm mà vẫn không bỏ được. Mỗi lần nhìn vào điện thoại, tôi lại cảm thấy lo lắng và tự nhủ: “Sao mình lại yếu nhược thế? Không lẽ không thể đặt điện thoại xuống được sao?” Tuy nhiên, tôi cảm thấy tay mình bị hút vào chiếc điện thoại và tôi không thể đặt nó xuống. Cảm thấy lo lắng nhưng dường như tôi không thể thay đổi được. Tôi đã âm thầm cầu xin Sư phụ giúp đỡ để cai nghiện điện thoại.
Một ngày nọ, khi đang học Pháp, tôi nhớ đến một đoạn Pháp của Sư phụ. Sư phụ giảng:
“Tuy nhiên nếu người ta hỏi mà khí công sư giả trả lời không được, thì người ta chẳng phải sẽ biết vị này là giả? Do vậy vị này dám nói lung tung, nói rằng huyền quan nhất khiếu ở trên đầu chỗ tiểu tiện. Nghe thật quá khôi hài. Chư vị chớ có cười, cuốn sách này đã xuất bản ngoài xã hội rồi. Vậy cũng nói, sách khí công hiện nay đã ở mức khôi hài đến thế; tôi nói rằng chư vị đọc những thứ đó nào ích gì; [chúng] vô dụng, chỉ có thể hại người.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)
Đoạn Pháp này giống như một lời cảnh tỉnh, khiến tôi cảm thấy miễn cưỡng khi nhấc điện thoại lên lần nữa. Sư phụ đã dùng những Pháp lý để khai sáng cho tôi, giúp tôi loại bỏ những vật chất tiêu cực đang kiểm soát mình. Lần này, tôi không bao giờ nghĩ đến việc sử dụng điện thoại của mình nữa. Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề này, giữa hiểu và hành vẫn còn khoảng cách. Sư phụ đã giúp tôi loại bỏ hầu hết các vật chất tiêu cực, phần còn lại phụ thuộc vào ý chí và chính niệm của tôi.
Tôi đã có thể giảm đáng kể thời gian sử dụng điện thoại của mình, điều này khiến tôi cảm thấy khá ổn. Tưởng chừng đã bỏ được hoàn toàn thói quen xấu này nhưng chỉ sau một thời gian, tôi lại cảm thấy cuộc sống nhàm chán và mong muốn được thư giãn. Khi cầm sách Đại Pháp lên để đọc, tôi lại không muốn đọc và không thể ngồi yên để học Pháp. Toàn thân tôi khó chịu. Thực ra đó là sự giằng co của vật chất bất hảo đó trước khi bị hủy diệt. Đôi khi, tôi nhấc điện thoại lên và lại ngay lập tức đặt nó xuống. Một số lần khác, trong đầu tôi nảy ra ý nghĩ rằng kiểm tra điện thoại một lúc cũng không sao. Ý nghĩ này đã đánh lừa tôi vài lần. Có lần, tôi nhấc máy lên, suốt một hai giờ tôi không thể đặt xuống được.
Tôi đã cố gắng hết sức để ước thúc bản thân. Thời gian dùng điện thoại trong ngày làm việc của tôi ngày càng ít đi và tôi không thể sử dụng điện thoại trong giờ nghỉ trưa. Tuy nhiên, vào buổi tối trước khi đi ngủ, tôi có thói quen sử dụng thiết bị điện tử để xem các đoạn video ngắn. Vì thời gian sử dụng ngắn nên ban đầu tôi không nhận ra tác động đối với mình, nghĩ rằng vì đã kiên trì suốt cả ngày nên buổi tối xem video một lát cũng không sao. Tuy nhiên, tôi thấy mình đã không thể dậy luyện công vào buổi sáng. Tất cả là từ tâm an dật của tôi mà thành. Ý nghĩ lười biếng muốn thư giãn và thoải mái thực ra là quan niệm được hình thành. Sau khi nhận ra vấn đề, tôi không còn xem video trên điện thoại hay dùng bất kỳ thiết bị điện tử nào khác vào ban đêm nữa. Thay vào đó, tôi dành buổi tối để học thuộc Pháp hoặc phát chính niệm. Sau một thời gian, tôi đã hoàn toàn loại bỏ được chấp trước vào điện thoại của mình.
Trong quá trình từ bỏ chấp trước, tôi phát hiện ra nhiều chấp trước hơn, chẳng hạn như thiếu kiên nhẫn, sợ hãi và lo lắng. Tôi thường nghĩ đến việc loại bỏ hoàn toàn chấp trước ngay sau khi phát hiện ra nó. Tuy nhiên, khi xuất hiện lại vấn đề tương tự, chấp trước đó liên tục can nhiễu tôi, tôi thiếu chính niệm và vội vàng loại bỏ các chấp trước khác. Nhưng sự thiếu kiên nhẫn này khiến tôi xa rời Pháp, vì tâm kiên định cần phải bất biến. Tôi nhận ra rằng tôi cần đạt được như Sư phụ đã giảng về “…dần dần, từ từ và an hòa…” (Chương II trong Đại Viên Mãn Pháp), trái ngược với những cách thức làm việc cực đoan của tôi.
Tôi đã ước thúc bản thân chiểu theo Pháp, nhưng tôi chưa thực sự đồng hóa với Pháp. Khắc chế chấp trước của mình để tu, tôi cảm thấy khổ và tiến bộ rất ít trong tu luyện. Tựa như một người tu luyện trong núi sâu rừng già, dần dần bào mòn chấp trước. Sau khi đồng hóa với Pháp, các chấp trước ngay lập tức được loại bỏ, như thể nó chưa từng xuất hiện, và tôi cảm thấy bình yên và tĩnh lặng.
Bài học ghi nhớ là tôi cần học Pháp nhiều hơn. Học Pháp nhiều hơn cho phép tôi thức dậy đúng giờ để luyện công buổi sáng, phát chính niệm với tâm trí tập trung hơn và cải thiện trạng thái giảng chân tướng Pháp Luân Đại Pháp.
Mặc dù đôi khi tôi gặp phải khó khăn trong việc học Pháp, chẳng hạn như cảm thấy buồn ngủ và không tĩnh, nhưng tôi vẫn kiên trì. Nhờ kiên trì, tôi bắt đầu tinh tấn hơn và thể ngộ được sâu sắc Pháp trân quý như thế nào. Trong những năm qua, tôi vô cùng biết ơn sự từ bi của Sư phụ. Tôi quyết tâm bắt kịp tiến trình Chính Pháp và trở về nhà cùng Sư phụ.
Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/10/30/467592.html]
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/12/11/213290.html
Đăng ngày 02-05-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.