Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Ẩn Độ
[MINH HUỆ 12-03-2024] Một phó giáo sư của Học viện và Bệnh viện Nha khoa Chính phủ (HVBVNKCP) ở Nagpur, Ấn Độ đã mời các học viên giới thiệu về Pháp Luân Đại Pháp cho sinh viên vào ngày 2 tháng 3 năm 2024. Các sinh viên không chỉ học các bài công pháp mà còn nghe về cuộc bức hại đang diễn ra ở Trung Quốc.
HVBVNKCP là một học viện nổi tiếng được thành lập vào năm 1968 và tọa lạc trong khuôn viên rộng 196 mẫu Anh của Học viện Y tế Chính phủ, đây là khuôn viên về y tế trực thuộc chính phủ rộng nhất ở Châu Á. Buổi hướng dẫn các bài công pháp kéo dài một giờ thuộc môn học chăm sóc sức khỏe được tổ chức tại ký túc xá của HVBVNKCP. Các giảng viên thay phiên nhau điều phối các lớp học này.
Sinh viên học các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp tại Học viện và Bệnh viện Nha khoa Chính phủ (HVBVNKCP) ở Nagpur, Ấn Độ, ngày 2 tháng 3.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Shweta Sonawane, một học viên Pháp Luân Đại Pháp, đã mời các học viên địa phương đến giới thiệu về môn tu luyện cho các sinh viên của học viện. Buổi học có rất nhiều sinh viên tham dự và hầu hết đều là sinh viên năm nhất. Họ rất hào hứng học các bài công pháp nhẹ nhàng của Pháp Luân Đại Pháp và nhiều người cho hay họ cảm thấy bình yên và tràn đầy năng lượng sau khi luyện công.
Tràn đầy năng lượng và sảng khoái
Cô Khwaish (bên trái) và cô Komal cho biết họ thích các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp.
Cô Khwaish, sinh viên năm thứ nhất, cho hay cô cảm thấy rất điềm tĩnh sau khi tập bài công pháp tọa thiền: “Em cảm thấy rất sảng khoái. Trước khi tham dự lớp học này, em bị đau đầu, nhưng bây giờ thì em ổn rồi.”
Sinh viên năm thứ hai Komal cho biết: “Luyện công thật thư giãn. Chúng em không biết gì về Pháp Luân Đại Pháp, chúng em chỉ biết về yoga thôi. Đây là một phương pháp mới mẻ để chúng em tìm hiểu, và có vẻ như Pháp Luân Đại Pháp không tốn thời gian lắm và chúng ta có thể thực hành hàng ngày. Em cảm thấy tỉnh táo hơn sau khi tập các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp.”
Các giảng viên khuyên tập Pháp Luân Đại Pháp
Các học viên đã nói với những người tham dự về lợi ích sức khỏe của Pháp Luân Đại Pháp và giải thích một số khảo sát trên khắp thế giới cho thấy việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp có tác động tích cực đến hệ thống miễn dịch cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần như thế nào.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Kalpak Peter cho biết môn tu luyện thiền định như Pháp Luân Đại Pháp nên trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Kalpak Peter, người phụ trách tiết học sức khỏe ngày hôm đó, cũng đã thử luyện các bài công pháp. Anh cho hay anh có thể cảm nhận được tác dụng của Pháp Luân Đại Pháp giống như những gì các học viên mô tả và anh sẽ tìm hiểu về môn tu luyện. Anh khuyên mọi người hãy thử thực hành Pháp Luân Đại Pháp để vượt qua áp lực và căng thẳng trong công việc.
“Pháp Luân Đại Pháp không chỉ là luyện các bài công pháp. Đây còn là một quá trình tiến đến giác ngộ thông qua thiền định, nên nhất định sẽ làm giảm bớt căng thẳng”, anh nói. “Ngày nay, áp lực tinh thần là rất phổ biến và ai ai cũng đều phải chống chọi với nó.”
Tiến sỹ Kalpak Peter (đầu tiên từ trái sang) và Tiến sỹ Shweta Sonawane (thứ hai từ trái sang) khích lệ mọi người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp để vượt qua căng thẳng.
Tiến sỹ Shweta cho biết thế hệ trẻ ngày nay đang tìm kiếm một con đường khác để rèn luyện sức khỏe, một phương pháp có tính “sáng tạo, khoa học, hiệu quả và dễ áp dụng trong cuộc sống hàng ngày”.
Cô cho biết thêm: “Pháp Luân Đại Pháp có tác động kép đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần của mỗi người, khiến pháp môn này rất phù hợp với nhu cầu trong thời kỳ hiện đại. Việc các sinh viên biết đến môn này và cân nhắc tu luyện là rất quan trọng”, theo đó các em có thể khám phá sự thiện lương vốn có bên trong mình, đồng thời làm phong phú thêm cuộc sống của bản thân.
Về các đạo lý cốt lõi Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp, Tiến sỹ Shwetha cho rằng trong thế giới cạnh tranh ngày nay, mọi người đều cố gắng chứng tỏ bản thân. Việc đề cao giá trị bản thân được xem trọng hơn mọi thứ khác.
Cô nói: “Các đức tính căn bản như Chân-Thiện-Nhẫn thường bị coi nhẹ, mặc dù chúng đóng vai trò quan trọng trong hạnh phúc của cá nhân và hòa bình của xã hội”. “Việc giao tiếp một cách trung thực và chân thành là điều thiết yếu để gây dựng sự thấu hiểu và giải quyết mâu thuẫn. Sự thiện lương giúp tạo ra một xã hội nhân ái và biết cảm thông, nơi mọi người giúp đỡ lẫn nhau. Bao dung cũng là điều không thể thiếu để có sự chung sống hòa bình. Vì vậy, nhất thiết phải gieo hạt giống những đức tính này cho sinh viên.”
Bác sỹ: Đừng thờ ơ trước nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của Trung Quốc
Tiến sỹ Avinash Gedam là một bác sỹ đã nghỉ hưu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, ông đã đến thăm nhiều trường học và học viện ở Nagpur để giới thiệu về môn tu luyện. Ông nói với các sinh viên về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.
Ông nói rằng các sinh viên lắng nghe rất chăm chú, đặc biệt là khi ông nói về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc do chính nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn. “Là một bác sỹ, tôi không thể thờ ơ trước nạn diệt chủng này – nó cực kỳ tàn ác và đáng lẽ không nên xảy ra. Những bác sỹ trẻ tương lai này nên biết đến nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng đang diễn ra ở Trung Quốc để họ có thể truyền rộng thông tin quan trọng này tới những người khác và không khuyên bệnh nhân của họ sang Trung Quốc để cấy ghép nội tạng.”
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/3/12/474140.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/3/13/216194.html
Đăng ngày 14-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.