Bài viết của Cửu Tiêu

[MINH HUỆ 03-11-2011] Tôi đã gặp rắc rối bởi một vấn đề trong thời gian dài. Đôi khi tôi chú ý thấy những vấn đề mà các đồng tu hoặc một nhóm nào đó gặp phải, và tôi nghĩ rằng nhận thức của tôi về Pháp là chính xác nên tôi cần phải chỉ ra những vấn đề đó. Thế nhưng, sau khi tôi làm vậy, nó thường không đạt được hiệu quả tốt, đặc biệt khi những người khác cảm thấy họ bị chỉ trích, có khi thậm chí còn khởi tác dụng phụ. Do đó dần dần tôi nói ít đi. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu không nói ra thì không thể giải quyết vấn đề, rốt cuộc nguyên nhân nằm ở đâu?

Cho đến gần đây, khi học Pháp tôi mới nhận ra rằng: mặc dù tôi đã nhận ra bản chất của vấn đề, nhưng tôi đã có những thiếu sót khi truyền đạt lại.

Sư Phụ giảng rằng:

“Đại Pháp là viên dung, ba chữ Chân-Thiện-Nhẫn mà tách ra, thì đều có đầy đủ đặc tính Chân-Thiện-Nhẫn như nhau, bởi vì vật chất là do vật chất vi quan tổ hợp thành, mà vật chất vi quan lại là do vật chất vi quan hơn tổ hợp thành, mãi cho đến cùng tận. Như thế Chân cũng là Chân-Thiện-Nhẫn cấu thành, Thiện cũng là Chân-Thiện-Nhẫn cấu thành, Nhẫn cũng như thế là Chân-Thiện-Nhẫn cấu thành.” (“Nói sơ về Thiện”, trích Tinh tấn yếu chỉ)

Tôi đã nhận ra vấn đề của mình. Mặc dù những gì tôi nói là đúng với tình huống, lời nói đã “Chân”, nhưng trong “Chân” của tôi thiếu “Thiện”, thiếu “Nhẫn”. “Chân” là do Chân-Thiện-Nhẫn cấu thành. Nếu trong “Chân” mà không có “Thiện”, không có “Nhẫn”, thì đó không phải là “Chân” thực sự thuần chính, vô ngã.

Vì vậy tôi đã nhìn lại mục đích của mình khi tôi nói ra mỗi lời “chân”. Đó là bởi tôi đang muốn người khác tán thành với tôi? Hay là bởi tôi thành thật muốn giúp người khác? Có thể là cả hai, vậy nhưng nó không thuần tịnh. Những lời “chân” của tôi bị trộn lẫn với rất nhiều ý định ích kỉ như: oán trách, phê phán, chứng thực bản thân và áp đặt quan điểm của bản thân lên người khác, đặc biệt khi tôi nghĩ rằng tôi cao minh hơn người, hoặc muốn gấp gáp hoàn thành sự tình nào đó, hoặc nhất thời chỉ muốn trổ tài ăn nói.

Đôi khi tôi nghĩ: “Có vấn đề gì khi nói ra sự thật kia chứ? Thậm chí nếu anh ta không bằng lòng khi nghe nó, tôi vẫn phải nói bởi vì đó là sự thật!” Như thể rằng nếu chân lí thuộc về tôi, tôi có thể biến nó thành đại bác để công kích người khác. Kiểu “chân lí” đó không thể đạt hiệu quả tốt mà thậm chí còn làm người khác bị tổn thương.

Sư Phụ đã giảng trong bài “Thanh tỉnh” (Tinh tấn yếu chỉ) rằng:

“Tôi không chỉ là dạy chư vị Đại Pháp, tác phong của tôi cũng là để lưu lại cho chư vị, ngữ khí, thiện tâm trong công tác, thêm vào đó là đạo lý có thể cải biến nhân tâm, chứ mệnh lệnh vĩnh viễn không thể!”

Ngay cả khi một đạo lí chắc chắn là đúng, đó cũng chỉ là ở một phương diện. Khi “Chân” mà không đủ Thiện, không đủ Nhẫn, không nghĩ cho người khác và thiếu bao dung, thì tôi chỉ là một người “bộc trực” thông thường trong xã hội. Nó khác xa so với “Chân” trong Pháp lý. Vậy nên tôi tự nhắc mình rằng: tôi đã nghĩ đến cảm nhận của người khác trước khi đưa ra nhận xét hay chưa? Tôi có xét xem người nghe có năng lực tiếp thu hay không? Tôi đã đặt mình vào vị trí người khác hay chưa? Nếu như người nghe không thể tiếp thụ, tốt hơn là tôi không nên nói quá kiên quyết. Bất kể là mục đích tốt đến đâu, nhưng phương pháp không thích hợp, tôi vẫn có thể biến hảo tâm của mình thành sự phá hoại. Tôi phát hiện ra rằng, khi lời tôi nói xuất phát từ thiện ý trong nội tâm, khẩu khí tự nhiên sẽ hòa nhã, và người nghe có thể dễ dàng tiếp thu “đạo lí” của tôi.

Cũng như vậy, trong “Thiện” có “Chân”, có “Nhẫn”. Đôi khi chúng ta có biểu hiện hòa nhã, nhưng thực tâm lại không như vậy. Đôi khi lời nói nghe rất ân cần, thế nhưng chỉ sau vài lời vòng vo, các toan tính cá nhân lại nổi rõ lên bề mặt. Sư Phụ đề cập đến điều này trong “Giảng Pháp trong buổi họp mặt học viên khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”:

“Ngược lại, những học viên cá biệt cũng vậy, ngoài mặt đối xử với mọi người rất hiền từ, nhưng lời nói ra lại mang rất nhiều nhân tố cá nhân, thậm chí có cả những nhân tố khiêu khích người khác. Bề mặt ngoài rất ôn hoà, (mọi người cười) đó là sự dối trá, đó tuyệt đối không phải là thái độ nên có của người đệ tử Đại Pháp.”

Nói đi nói lại, khi chúng ta không thể đạt “Thiện” chân chính, chẳng qua là vì chúng ta còn ích kỷ. Thiện của các đệ tử Đại Pháp chính là dựa trên nhận thức về chân lý của vũ trụ, chính là thể hiện của sự quay về bản chất chân chính của chúng ta. Thiện cần phát xuất từ nội tâm. Nếu không thì “Thiện” đó không phải là Thiện chân chính, vì nó vẫn còn hữu lậu.

Để đắc Thiện chân chính, cần phải có lực nhẫn nại và tâm không phân biệt người tốt xấu. Hành Thiện với người thiện thì thật đơn giản. Nhưng không dễ dàng để có thể hành Thiện với người ác. Khi Phật Milerepa truyền Pháp cho cô của mình – người đã hại ông, người cô này vẫn tiếp tục chế nhạo ông. Mặc dù vậy, ông vẫn nhẫn nại trước sự hung ác của người cô. Cuối cùng cô ta đã được hóa độ.

Sư Phụ giảng trong “Giảng Pháp tại Pháp hội Quốc tế Washington DC năm 2009”:

“Đây là Từ Bi; Ông không có cố ý biểu hiện ra, không phải là biểu hiện thiện ác hay vui thích của con người. Không phải là ‘bạn đối với tôi tốt thì tôi biểu hiện Thiện với bạn’. Ông không có đòi giá cả, không kể báo đáp; hoàn toàn là vì chúng sinh.”

Thiện chân chính là vô ngã và hoàn toàn vì người khác.

Trong “Nhẫn” cũng có “Chân” và “Thiện”. Sư Phụ giảng trong bài “Thế nào là Nhẫn”:

Nhẫn mà uất hận, uỷ khuất, hay đẫm lệ là cái nhẫn của người thường với chấp trước vào tâm lo nghĩ, hoàn toàn không hề nảy sinh uất hận, không cảm thấy uỷ khuất thì mới là cái Nhẫn của người tu luyện.” (Tinh tấn yếu ch’ỉ’)

Để có thể cam chịu mà không oán giận hay uất ức, tôi hiểu rằng, cần phải có tâm Đại Thiện và không chấp trước vào được mất của bản thân. Khi khổ nạn xuất hiện, các đệ tử Đại Pháp có thể đối mặt với thử thách và đứng vững trước những khổ nạn to lớn. Điều này nhất định là nhờ dựa trên Pháp mà chúng ta có thể đạt được chính niệm không gì có thể lay động.

Đồng thời, “Nhẫn” của chúng ta không phải là bị động. Bởi nội hàm điều này là vì trọng trách đối với chúng sinh và Đại Pháp. Có những lúc xuất hiện một số vấn đề cá nhân lệch khỏi Pháp khá nghiêm trọng, một số học viên trở nên tiêu cực. Họ nói rằng: “Chẳng phải tu tại tự kỉ hay sao? Hãy hướng nội đi. Không cần phải đấu tranh vì điều gì cả. Chúng ta cần từ bi với các đồng tu.” Điều này nghe qua có vẻ chí lí, nhưng tôi cho rằng đó không phải là Nhẫn chân chính. Đó là đối đãi với mâu thuẫn một cách tiêu cực, trốn tránh và đẩy trách nhiệm. Chúng ta cần nhận thức được hậu quả của loại “Nhẫn” này. Nó có thể mang đến thất bại và gây trở ngại cho việc cứu độ chúng sinh.

Nhẫn không phải là hèn nhát, càng không phải là thuận chịu [những điều] trái nghịch.” (“Nhẫn vô khả nhẫn”, trích Tinh tấn yếu chỉ 2)

Nhẫn của chúng ta cần lấy cơ điểm dựa trên tu luyện trong Chính Pháp, không phải cho chúng ta. Chúng ta không thể đặt tu luyện cá nhân lên trên trách nhiệm đối với Pháp. Các đệ tử Đại Pháp nên có trách nhiệm với các nhân tố chính diện và chính lại các nhân tố phụ diện.

Thêm vào đó, Sư Phụ đề cập đến trong rất nhiều kinh văn rằng đệ tử Đại Pháp có tật “bất nhượng biệt nhân thuyết”. Khi một người có thiếu sót, mà không thừa nhận cho dù đã được chỉ rõ ra, như vậy là bất Chân. Khi người khác nhắc nhở, không cảm tạ người ta mà thậm chí còn nói xấu sau lưng, như vậy là bất Thiện. Nổi nóng ngay khi người khác nhắc nhở, như vậy là bất Nhẫn. “Bất nhượng biệt nhân thuyết” kỳ thực là một loại trạng thái bất Chân, bất Thiện, bất Nhẫn – là rời xa đặc tính vũ trụ. Nếu chúng ta không cải biến tật xấu này, làm sao chúng ta có thể tự xưng rằng mình đang tu luyện Chân – Thiện – Nhẫn?

Trên đây chỉ là thiển ngộ của tôi về Pháp. Chân – Thiện – Nhẫn là Pháp của vũ trụ với nội hàm vô biên, thâm sâu không thể đo lường. Xin từ bi chỉ rõ những điều chưa phù hợp.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2011/11/3/交流–浅悟真、善、忍同修-248642.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2011/11/8/129288.html
Đăng ngày 07-12-2011; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share