Bài viết của một phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 14-02-2023]

Tên: Hạ Văn Trọng (夏文仲)
Giới tính:Nam
Tuổi: 59
Thành phố: Hàm Đan
Tỉnh: Hà Bắc
Nghề nghiệp: Nhân viên Cục Thủy lợi Huyện Thành An
Ngày mất: 14 tháng 3 năm 2005
Ngày xảy ra vụ bắt giữ cuối cùng: 31 tháng 8 năm 2002
Nơi giam giữ cuối cùng: Nhà tù Ký Đông

Tên: Trương Lan Phượng (张兰凤)
Giới tính: Nữ
Tuổi: Không rõ
Thành phố: Hàm Đan
Tỉnh: Hà Bắc
Nghề nghiệp: Giáo viên tiểu học
Ngày mất: Không rõ
Ngày xảy ra vụ bắt giữ cuối cùng: 25 tháng 4 năm 2012
Nơi giam giữ cuối cùng: Công an Huyện Lâm Chương

Không lâu sau khi ông Hạ Văn Trọng, một cựu nhân viên của Cục Thủy lợi Huyện Thành An ở thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, bước vào tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996, ông bỏ hẳn hút thuốc lá và uống rượu.

Vợ ông, bà Trương Lan Phượng, một giáo viên tiểu học, cũng đã có chuyển biến về sức khỏe rõ rệt sau khi bắt đầu học luyện Pháp Luân Công. Bệnh tim, chứng chóng mặt và ho kinh niên khiến bà thường xuyên phải nằm một chỗ đều biến mất.

Cả hai vợ chồng đều vô cùng biết ơn Pháp Luân Công về những lợi ích mà họ được thụ hưởng. Trong thời gian rảnh, họ cùng nhau đi đến các thôn làng và thị trấn lân cận để quảng bá pháp môn tu luyện này, khiến nhiều người hơn nữa theo học Pháp Luân Công.

Cái chết của người chồng

Vì truyền rộng Đại Pháp, họ bị liệt vào danh sách mục tiêu trọng yếu khi chính quyền cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại vào năm 1999. Cảnh sát liên tục đến sách nhiễu họ, có khi còn leo tường đột nhập vào nhà họ lúc nửa đêm. Ông Hạ đã bị bắt ít nhất 10 lần và bị giam nhiều năm trời. Đơn vị công tác đã sa thải ông, và khoản tiền bị cưỡng chế nộp do cảnh sát tống tiền càng khiến gia đình vốn đã eo hẹp về tài chính lại càng thêm túng quẫn.

Năm 2000, do ông Hạ đang bị giam giữ, gia đình ông và quan chức thôn đã phải đưa ra yêu cầu tại ngoại đặc biệt để ông có thể đến dự tang lễ của con dâu mình. Đến cả con gái của ông cũng hiếm khi được gặp ông sau khi cô ấy kết hôn vào năm 2001. Gia đình cũng đã phải nỗ lực rất nhiều để ông Hạ tại ngoại tạm thời để tham dự đám tang của cha ông vào năm 2002.

Di ảnh của ông Hạ Văn Trọng

4ad764f0588089793f1c5d6a017cea27.jpg

Ông Hạ Văn Trọng và vợ là bà Trương Lan Phượng khi đến thăm Vạn Lý Trường Thành năm 1999

Ngày 12 tháng 2 năm 2001, trong khi ông Hạ bị giam trong trại tạm giam địa phương, hơn 50 cảnh sát đã tới trại, trói ông với một học viên khác là ông Trạch Liên Sinh, và áp giải họ đi diễu phố trong 2 tiếng đồng hồ.

Khi trở lại trại tạm giam, cả hai người đàn ông đều bị lĩnh án lao động. Do tuổi tác của ông Trạch đã cao và ông Hạ thì bị huyết áp cao ở mức nguy hiểm, Trại Lao động Cưỡng bức Thành phố Hàm Đan đã từ chối tiếp nhận họ. Cảnh sát vẫn từ chối thả họ mà thay vào đó lại chuyển họ đến trại tạm giam Huyện Thành An. Ông Trạch đã qua đời ngay sau đó.

Ngày 31 tháng 8 năm 2002, ông Hạ và bà Trương cùng bị bắt tại một cuộc họp mặt có 68 học viên tham dự. Cảnh sát đánh đập các học viên bằng dùi cui và thắt lưng da, đốt họ bằng tàn thuốc lá và đập đầu họ vào tường. Một trong những học viên là ông Tầm Thụy Lâm đã tử vong vào ngày 8 tháng 9 cùng năm trong khi bị bức thực ở trong trại tạm giam Lâm Chương.

Tại trụ sở Công an Huyện Thành An, ông Hạ bị sốc điện bằng dùi cui. Cảnh sát còng tay ông vào lan can sắt ở hành lang và để ông đứng đó suốt đêm. Sau 6 ngày bị tra tấn, huyết áp của ông tăng lên mức cao nguy hiểm. Ông mất năng lực ngôn ngữ và hành vi. Bất chấp tình trạng đó, cảnh sát đã giam giữ ông trong 1 năm trước khi bí mật kết án ông 4 năm tù vào tháng 8 năm 2003.

Về phía bà Trương, bà được trả tự do sau 5 tháng bị giam giữ. Cảnh sát đã tống tiền bà 5.000 Nhân dân tệ.

Ban đầu, ông Hạ bị giam ở trong Nhà tù Đại Minh, ở đây lính canh đã lột quần áo của ông và đánh ông bằng thước gỗ. Sau đó ông bị chuyển đến Nhà tù Ký Đông. Hơn một năm bị tra tấn trong đó khiến thần trí ông không còn tỉnh táo. Ông ấy cũng bị thương nặng ở một chân và liên tục đi ngoài ra máu. Chỉ đến khi ông ấy suýt mất mạng, các lính canh mới chịu thả ông ra.

2023-2-12-201953-1.jpg

8ddf682618daa6cc9388785cacbef285.jpg

Ông Hạ đã mất khả năng vận động khi được trả tự do

Gia đình ông Hạ hỏi ông bị tra tấn như thế nào trong tù. Mặt ông biểu hiện ra sự đau đớn tột cùng, nhưng ông không thể biểu đạt thành lời được nữa. Ông rơm rớm nước mắt và liên tục lặp lại: “(Họ) Thật đê hèn! Thật đê hèn!”

Ngày 14 tháng 3 năm 2005, chỉ 37 ngày sau khi được thả, người đàn ông 59 tuổi này cứ thế mà qua đời một cách oan uổng. Vết tích để lại từ dây trói và của những tra tấn ở trong tù vẫn còn hằn rõ khi ông mất.

Sau khi cảnh sát nghe tin ông qua đời, họ đã xuất hiện tại lễ tang ông và cố gắng cạy mở quan tài để chụp hình ông. Mặc dù cảnh sát đã phải nhượng bộ trước sự phản ứng kịch liệt từ phía gia đình, họ vẫn bắt gia đình phải hỏa táng ông thay vì được chôn cất.

Người vợ qua đời 7 năm sau

Ngày 25 tháng 4 năm 2012, 7 năm sau khi ông Hạ qua đời, bà Trương (khi đó 64 tuổi) bị bắt khi đang lái xe đi cùng với một người họ hàng. Cảnh sát cáo buộc bà phân phát tài liệu Pháp Luân Công và nhốt bà ở trụ sở Công an Huyện Lâm Chương và phân công 4 cảnh sát giám sát bà.

Mặc dù bà Trương được phát hiện bị huyết áp cao và bệnh tim nặng, cảnh sát vẫn cố tìm cách tống giam bà. Với nỗ lực giải cứu không ngừng nghỉ từ phía gia đình, cuối cùng bà đã được tại ngoại sau khi nộp cho cảnh sát 10.000 Nhân dân tệ.

Sau đó, cảnh sát vẫn không ngừng đến sách nhiễu bà. Không chịu nổi áp lực và nỗi sợ hãi to lớn thường trực, bà cũng qua đời không lâu sau đó.

Báo cáo liên quan bằng tiếng Trung:

全县闻名好人-生前十次被抓

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/2/14/456743.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/2/16/207346.html

Đăng ngày 11-03-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share