Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 09-05-2022] Một người dân ở tỉnh Hồ Nam đã trốn khỏi nhà và chuyển đến tỉnh Hải Nam ở miền Nam Trung Quốc để tránh bị bức hại bởi đức tin vào Pháp Luân Công. Anh đã bị bắt vào tháng 9 năm 2002 ở Hải Nam vì tập các bài công pháp của Pháp Luân Công. Từ đó không một ai kể cả gia đình nghe tin tức gì về anh. Khi đó anh 33 tuổi. Đã 20 năm trôi qua từ khi anh mất tích và gia đình vẫn tiếp tục tìm kiếm anh.

97525b8afd26ed54932e7ed78b82f17a.jpg

03b3ef09997cfcb6ecd2505ff0682148.jpg

19abfbe5e8043018290af71dd589a609.jpg

Anh Dương Ái Kim

Anh Dương Ái Kim ở huyện Trung Phương, thành phố Hoài Hoá, tỉnh Hồ Nam, trở thành một học viên Pháp Luân Công vào năm 1997. Sau đó, chứng động kinh, căn bệnh anh mắc phải từ chín tuổi và suýt giết chết anh vài lần, đã biến mất. Vì anh từ chối từ bỏ Pháp Luân Công khi chính quyền bắt đầu cuộc đàn áp vào tháng 7 năm 1999 nên cảnh sát đã bắt và giam giữ anh bốn lần. Cảnh sát địa phương cũng đến nhà anh để hành hung và hăm doạ anh nhiều lần. Có lần anh chảy nhiều máu đến nỗi máu bắn tung toé trên sàn và tường. Anh suýt chết vì ngộ độc khí carbon monoxide trong khi bị giam vào tháng 2 năm 2001.

Sách nhiễu, bắt giữ và tra tấn

Hai tháng sau khi cuộc đàn áp bắt đầu vào năm 1999, bốn viên chức thuộc làng Cẩm Khê đã đến nhà anh lúc 4 giờ sáng vào một ngày trong tháng 9. Họ bắt anh và đưa anh vào trại tạm giam Huyện Trung Phương để giam giữ 15 ngày. Sự xáo trộn tinh thần đột ngột đã khiến bệnh động kinh của anh tái phát.

Để phản bức hại, anh Dương đã cùng cha mình là ông Dương Xuân Hy, mẹ là bà Dương Mỹ Tú, và bảy học viên khác, gồm ông Dương Mãn Sanh và bà Đinh Hương Liên đến Bắc Kinh vào tháng 11 năm 1999. Cảnh sát vũ trang tại Quảng trường Thiên An Môn đã đánh đập và bắt giữ tất cả ngay khi biết họ tu luyện Pháp Luân Công. Chính quyền từ quê của anh Dương đã đến Bắc Kinh để đưa họ về và giam trong trại tạm giam Trung Phương.

Sau 15 ngày, anh Dương cùng cha mẹ và ông Dương Mãn Sanh, bà Đinh Hương Liên bị chuyển đến làng Cẩm Khê. Các viên chức làng cố ép họ ký vào các tuyên bố từ bỏ đức tin và đảm bảo họ không đến phản đối ở Bắc Kinh nữa. Năm học viên đã từ chối và bị nhốt trong toà nhà của làng hơn 10 ngày và bị ép trả 70 Nhân dân tệ trước khi được thả.

Tháng 3 năm 2000, người của Phòng 610 Huyện Trung Phương, Sở Công an Huyện và Đồn Công an Làng Cẩm Khê đã xông vào ngày anh Dương. Không thông qua quy trình pháp lý nào, họ đã đưa anh vào trại tạm giam Huyện Trung Phương trong 15 ngày.

Bốn người thuộc chính quyền làng Cẩm Khê đã bắt giữ anh Dương, mẹ anh và bốn học viên khác là ông Dương Vân Sanh, bà Dương Tú Anh, ông Dương Mãn Sanh, bà Đinh Hương Liên và đưa đến một trung tâm tẩy não vào ngày 12 tháng 4 năm 2000. Họ tuyên bố đây là để ngăn các học viên đến Bắc Kinh để phản đối trong ngày nhạy cảm 25 tháng 4. Sáu học viên đã tuyệt thực để phản đối việc giam giữ tuỳ tiện. Họ được thả ra ba ngày sau đó.

Ngày 6 tháng 6 năm 2000, năm viên chức đã đến nhà anh Dương trên một chiếc máy kéo. Họ lôi anh ra khỏi nhà. Khi anh kháng cự, một người đã nắm hai chân anh lôi đi trên sàn đất đến phía chiếc máy kéo. Da trên lưng anh bị rách và máu dính vào quần áo và nền đất.

Một người hàng xóm la lên: “Anh ấy bị bệnh và ông sẽ giết anh ấy mất.”

Một viên chức hét lên: “Tôi sẽ chịu trách nhiệm nếu anh ấy chết.”

Những người hàng xóm vây quanh họ nói: “Hãy đưa ra một thông báo chính thức và ký tên của anh vào vì anh muốn chịu trách nhiệm”.

Vì vậy các viên chức đã bỏ cuộc và rời đi. Hôm sau, họ quay trở lại và bắt anh Dương cùng cha anh, nhốt họ trong toà nhà của làng trong 25 ngày. Hai cha con mỗi người bị tính 146,7 Nhân dân tệ tiền ăn.

Vào một buổi sáng tháng 11 năm 2011, khi anh Dương và gia đình đang luyện Pháp Luân Công tại nhà thì chín viên chức của chính quyền làng xông vào. Không nói lời nào, họ lôi anh Dương vô bếp và đánh đập anh. Họ đuổi theo anh Dương ra bên ngoài, đè anh xuống và tiếp tục đánh đập anh. Máu của anh dính trên sàn, tường và quần áo của các viên chức. Các hàng xóm của anh đã bước ra để ngăn việc đánh đập và bắt giữ anh. Các viên chức đã bắt cha mẹ anh và giam họ 11 ngày trong toà nhà của làng, trong thời gian này các viên chức cố ép cha mẹ anh và ba học viên khác ký vào một tuyên bố hứa không đi phản đối ở Bắc Kinh.

Ngày 11 tháng 2 năm 2001, anh Dương cùng mẹ đến một nghĩa trang để viếng người anh trai đã khuất của bà. Các viên chức đã theo dõi họ và đưa họ đến một ngôi nhà gạch nhỏ. Họ bịt kín các cửa sổ bằng những thanh gỗ với cái cớ ngăn học viên đi Bắc Kinh lần thứ ba. Ngôi nhà chỉ có một cái ghế sofa và một cái nồi đốt than để sưởi ấm. Hai người đã suýt chết vì ngộ độc carbon monoxide. Người họ cứng đờ và không thể di chuyển. Một chỗ trên quần bà Dương bị than đốt cháy. Vào buổi sáng, một viên chức mang bữa sáng đến thấy họ không cử động đã hét lên. Bà Dương đã tỉnh dậy khi nghe tiếng hét. Tuy nhiên, người này nói với những người khác rằng bà Dương ngất đi trong khi thiền định và vì thế bị bắt lửa và anh ta đã giúp dập lửa.

Anh Dương, mẹ anh và một học viên khác là bà Dương Tú Anh đã đến làng lân cận để nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Một người đã tố cáo họ với cảnh sát để lấy 500 Nhân dân tệ tiền thưởng mỗi người. Hàng chục cảnh sát ở làng Loan Khê đã đưa ba người đến một trường trung học, còng tay họ vào một khán đài bóng rổ và đánh đập họ trong một giờ.

Sau đó, họ còng tay anh Dương và bà Dương Tú Anh vào vòng bóng rổ và treo họ lên. Họ bị đánh đập và treo đến khi ngất đi vì đau đớn. Tối đó ba học viên bị đưa đến trại tạm giam Bạch Hổ Não ở trấn An Giang, thành phố Hồng Giang. Họ đã thả anh Dương và mẹ anh sau khi tống tiền 10.000 Nhân dân tệ. Bà Dương Tú Anh bị giam thêm bốn tháng nữa. Tháng 12 năm 2001, họ đưa bà vào Trại Lao động Cưỡng bức Bạch Mã Lũng ở thành phố Chu Châu, tỉnh Hồ Nam để thụ án 18 tháng.

Tháng 5 năm 2002, các viên chức ở làng Cẩm Kê bắt đầu xông vào nhà của các học viên địa phương và lục soát. Họ đã lấy đi hai con bò, một cái TV, hai máy radio và một cái quạt của anh Dương. Việc bắt giữ, đánh đập và giam giữ không ngừng đã buộc anh Dương phải rời khỏi nhà và làm việc ở làng Bảo Phương thuộc tỉnh Hải Nam (cách nhà khoảng 750 dặm). Các viên chức ở quê anh nhanh chóng theo anh đến đó và đưa anh đến Đồn Công an làng Bảo Phương. Họ bắt anh phải báo cáo cho cảnh sát mỗi ngày và giám sát các hoạt động của anh.

Sáng ngày 6 tháng 9 năm 2002, anh Dương ngồi thiền trên một bãi cỏ cạnh nhà. Một cảnh sát thuộc Đồn Công an Bảo Phương đã đến và bắt giữ anh. Lâm Minh Quần, phó Sở Công an Thành phố Văn Xương, đã lệnh giam anh Dương tại Đội An ninh Chính trị của Sở Công an. Dù cảnh sát nói rằng đã thả anh Dương nhưng không ai nghe tin tức gì về anh kể từ đó.

7e43b21ce315f2460fe68a25b0a320a0.jpg

ac3d1de612154e910a44503dccb60b3b.jpg

Thông báo của cảnh sát thuộc Đồn Công an Bảo Phương, người đã bắt giữ anh Dương, miêu tả việc bắt giữ vào ngày 6 tháng 9 năm 2002

Gia đình anh Dương đã nhiều lần đến Sở Công an Thành phố Văn Xương để tìm anh nhưng lại bị phó sở chửi bới và hăm doạ.

Cha của anh Dương đã qua đời và không thể gặp anh lần cuối. Trước khi qua đời, ông đã viết hàng chục bức thư gửi đến Văn phòng Thỉnh nguyện của Sở Công an Thành phố Văn Xương. Ông chỉ nhận được một bức thư trả lời vào tháng 10 năm 2007 rằng: “Mọi thứ rất phức tạp và chúng tôi sẽ trả lời trong 60 ngày”. Gia đình không còn nghe phản hồi gì nữa.

Đã 20 năm trôi qua từ khi anh Dương mất tích. Gia đình tiếp tục tìm kiếm anh và lo lắng cho anh. Khi tin tức về việc mổ cướp nội tạng có hệ thống của chế độ cộng sản Trung Quốc từ các học viên còn sống bị phanh phui, sự đau đớn và buồn bã của gia đình anh nặng nề hơn.

Trong 23 năm bức hại, một lượng lớn các học viên Pháp Luân Công đã mất tích sau khi họ đến Bắc Kinh để phản đối hay bị giam trong các trại lao động cưỡng bức, nhà tù, trại tạm giam và bệnh viện tâm thần. Nhiều học viên bị bắt tại nhà, nơi làm việc hoặc trên đường và không ai nghe gì về họ kể từ đó. Theo Minh Huệ Net, các vụ mất tích lan ra hơn 30 tỉnh, thành phố và khu tự trị ở Trung Quốc.

***

Dưới đây là bản dịch về thông báo bắt giữ anh Dương của cảnh sát.

Báo cáo vụ việc của Sở Công an Thành phố Văn Xương

Lúc 7 giờ 30 phút sáng ngày 6 tháng 9 năm 2002 (Thứ Sáu), cảnh sát Ngô Sướng thuộc đồn của chúng tôi nhận được một cuộc gọi từ Chung Ái Kim, chủ của Ao Cá Đại Phẩm. Chung nói rằng một người đàn ông (nói tiếng phổ thông) đang ngồi thiền trên mặt đất của ngọn đồi gần đó. Họ nghi ngờ rằng anh ấy là một học viên Pháp Luân Công và đề nghị đồn của chúng tôi cử một người đến kiểm tra.

Sau khi nhận cuộc gọi, Ngô Sướng đã báo cáo cho trưởng đồn Phù Nho Tiến, người này lập tức cùng cảnh sát Vân Xương Quý đến hiện trường. Chung, người tố cáo, và chồng bà ấy vẫn ở đó. Ngay khi đến nơi, Phù đã nói chuyện với hai vợ chồng, họ cho biết đã nói chuyện với người đàn ông. Anh ấy chỉ nói rằng anh ấy đến từ Bắc Kinh và không có gì khác. Sau đó Phù và cảnh sát Vân đưa người đàn ông này đến Đồn Công an Bảo Phương. Khi lục soát người, chúng tôi chỉ tìm thấy một hướng dẫn cách học Pháp Luân Công trên thân người này. Nội dung hướng dẫn đều là anh ấy chép tay. Anh ta không mang theo căn cước bên người.

Trưởng đồn Phù đã tìm kiếm dữ liệu về đăng ký tạm trú và những người bất đồng chính kiến trong khu vực nhưng không tìm thấy ai phù hợp với miêu tả của người này. Anh ta nói rằng mình đến từ Bắc Kinh và không cho chúng tôi biết tên và địa chỉ. Chúng tôi đưa cho anh ta nước uống nhưng anh ta từ chối uống và giữ im lặng trong suốt thời gian đó.

Sau đó, tôi đã báo cáo tình huống cho bộ phận chính trị của Sở Công an Thành phố Văn Xương và xin chỉ đạo của phó sở Lâm Minh Quần. Theo chỉ đạo của Lâm, chúng tôi được yêu cầu đưa anh ta đến Sở Công an Thành phố Văn Xương để điều tra thêm. Do đó, chúng tôi đã để cảnh sát Ngô và Vân đưa người này đến văn Phòng tiếp công dân của sở công an sau 8 giờ sáng. Sau khi gặp người của bộ phận chín trị của Sở Công an Thành phố Văn Xương, chúng tôi bàn giao người đàn ông này cho họ tại Phòng tiếp công dân.

Người báo cáo: Phù Nho Tiến, Đồn Công an Bảo Phương

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/5/9/442296.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/5/20/201400.html

Đăng ngày 15-06-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share