Bài viết của Đức Tường, phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 16-10-2021] Các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã tổ chức một cuộc mít-tinh và diễu hành ở Leipzig vào ngày 9 tháng 10 năm 2021 nhằm giới thiệu môn tu luyện và phổ biến cho mọi người biết việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bức hại môn tu luyện trong 22 năm qua như thế nào.
Ngày 9 tháng 10 là một ngày quan trọng ở Leipzig đánh dấu cuộc biểu tình ôn hòa, còn được gọi là cuộc biều tình Lichtfest, năm 1989. 32 năm trước, 70.000 người đã biểu tình ôn hòa ở Leipzig, dẫn đến sự sụp đổ của bức tường Berlin và thống nhất nước Đức.
Đầu tiên, các học viên tập trung tại quảng trường Augustusplatz để tham gia lễ mít-tinh vào buổi trưa, sau đó, họ diễu hành qua các tuyến phố đông đúc ở trung tâm thành phố. Dẫn đầu đoàn diễu hành là đội trống lưng, theo sau là chiếc thuyền Pháp có in hình sách Chuyển Pháp Luân. Một số học viên cầm sách Chuyển Pháp Luân với các ngôn ngữ khác nhau, trong khi các học viên khác biểu diễn các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp. Phần tiếp theo của đoàn diễu hành tập trung vào cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Đại Pháp và việc chính quyền ĐCSTQ thu hoạch nội tạng từ các học viên còn sống.
Các học viên kháng nghị ôn hòa tại Augustusplatz, ngày 9 tháng 10 năm 2021.
Mọi người dừng lại quan sát khi các học viên diễu hành ôn hòa qua trung tâm Leipzig, ngày 9 tháng 10.
Thứ Bảy, ngày 9 tháng 10, là một ngày mùa thu đẹp trời và có nhiều người ra ngoài tận hưởng ngày nghỉ cuối tuần. Nhiều người dừng lại xem diễu hành đã chụp ảnh và nhận tờ thông tin từ các học viên. Một số nói chuyện với các học viên và hỏi họ có thể học Pháp Luân Đại Pháp ở đâu.
Là một phần của các sự kiện trong ngày, các học viên đã dựng hai quầy thông tin ở trung tâm thành phố để cung cấp thông tin về cuộc bức hại của ĐCSTQ. Nhiều người đã ký vào bản kiến nghị để lên án cuộc bức hại.
Mọi người tìm hiểu về Pháp Luân Đại Pháp.
Một phụ nữ hỏi một học viên địa điểm học Pháp Luân Công và hỏi liệu bà có thể học được không.
Mọi người ký bản kiến nghị để phản đối cuộc bức hại.
Hiệp hội nhân quyền thế giới (ISHR): Sự tương phản rõ rệt giữa Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công và sự tà ác của ĐCSTQ
Ông Hubert Körper, người đứng đầu Nhóm công tác Trung Quốc của Hiệp hội Nhân quyền Thế giới (ISHR), đã gửi một bức thư bày tỏ sự ủng hộ. Một học viên đã đọc bức thư này tại lễ mít-tinh.
Trong thư, ông Körper nói rằng ĐCSTQ không ngừng bức hại mọi người, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công vì họ không chịu từ bỏ đức tin của họ. Các nhân quyền ở Trung Quốc như quyền sống, quyền tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp và tự do ngôn luận đã bị chà đạp.
Ông Körper viết, “Là một tổ chức nhân quyền, chúng tôi đã nhiều lần được hỏi rằng “Tại sao ĐCSTQ lại bức hại các nhóm ôn hòa như Pháp Luân Công?” Năm 1998, chính phủ Trung Quốc ước tính số lượng học viên Pháp Luân Công lên đến 70 đến 100 triệu người. Phải chăng với số lượng học viên đông như thế sẽ tạo nên mối đe dọa đối với chính quyền Trung Quốc? Thực ra, nguyên nhân thực sự dẫn đến những tội ác nhân quyền nghiêm trọng của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công có thể là một nguyên nhân khác: Tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công trái ngược hẳn với bản chất tà ác của chế độ ĐCSTQ.”
Ông Körper cũng đề cập về việc ĐCSTQ bị buộc tội thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống để trục lợi. Ông chỉ ra rằng, từ năm 2000, ngay sau khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Công, số lượng các trung tâm ghép tạng của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể.
Ông nhận xét rằng các chính sách nhân quyền của Trung Quốc dưới thời ĐCSTQ sẽ không bao giờ thay đổi, và chính quyền này sẽ luôn phớt lờ nhân quyền để củng cố quyền lực hoặc che đậy những tội ác mà nó đã gây ra.
Cư dân: Pháp Luân Công đem đến sự tươi sáng
Ông Thorsten Bern-Schneider và vợ ông, bà Anne
Ông Thorsten Bern-Schneider và vợ ông, bà Anne, ký vào bản kiến nghị để phản đối cuộc bức hại. Ông Thorsten chỉ về phía các học viên đang diễu hành và nói, “Tôi bị thuyết phục bởi đoàn diễu hành tuyệt vời này. Tôi theo dõi, cảm nhận và yêu thích nó. Chữ ký của tôi chỉ là một đóng góp nhỏ thôi.”
Ông cho hay ông nghĩ thế giới được tạo ra bởi hai thứ, “Ánh sáng và bóng tối. Bóng tối thuộc về quỷ Satan.” Ông chỉ vào ánh mặt trời đang chiếu rọi xuyên qua những đám mây, tỏa sáng lên vạn vật và đưa ra ví dụ rằng các học viên Pháp Luân Đại Pháp cũng mang lại sự tươi sáng cho mọi người.
Ông nói tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp rất tốt, việc một người tuân theo Chân-Thiện-Nhẫn trong cuộc sống hàng ngày thật tuyệt vời.
Ông Bern-Schneider nói cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp của ĐCSTQ thật kinh hoàng. Ông chỉ ra rằng bóng tối sợ ánh sáng. Ánh sáng soi rọi lập tức xóa tan bóng tối.
Ông cho biết, “Những gì chúng ta đang thấy (cuộc diễu hành của các học viên) thật màu sắc, xán lạn, ấm áp và rực rỡ. Bóng tối không thể chiến thắng.”
Nhạc sỹ: Các phương tiện truyền thông cần phải vạch trần cuộc bức hại của ĐCSTQ
Bà Sybille ký bản kiến nghị.
Bà Sybille, một nhạc sỹ, đã dừng lại để quan sát. Bà cho biết những bất công đó thu hút sự chú ý của mọi người khiến họ không thể bỏ qua và bà đã ký vào bản kiến nghị.
Bà nói bà phản đối việc đàn áp bất kỳ ai có ý kiến khác biệt. Bà biết những gì đang xảy ra với môn tu luyện Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Bà cho hay người phương Tây hầu như biết rất ít về cuộc bức hại, và các phương tiện truyền thông cần phải đưa tin về sự việc này nhiều hơn, cũng như thảo luận về việc người phương Tây cần có động thái ra sao trước cuộc bức hại này.
Bà nói bà đã đọc các bài báo về việc ĐCSTQ thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống nhưng thông tin này rất ít khi được công bố. Bà nhận định rằng đó chính là một vụ bê bối lớn.
Bà nói, “Chúng ta cần phải hành động nhiều hơn. Các công ty Đức đang hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc cũng cần phải hành xử khác đi.”
Phóng viên đã nghỉ hưu: Mỗi chữ ký đều quan trọng
Bà Beate Burde, y tá, và ông Ulli Burde, phóng viên đã nghỉ hưu
Bà Beate Burde, một y tá đến từ Frankfurt và ông Ulli Burde, một nhà báo đã nghỉ hưu, đã ký vào bản kiến nghị để phản đối cuộc bức hại. Đây là lần đầu tiên bà Burde nghe nói về Pháp Luân Đại Pháp. Sau khi trò chuyện với một học viên, bà cho biết, “Việc ký vào bản kiến nghị rất có ý nghĩa.”
Ông Burde cũng cho biết đây là lần đầu tiên ông chứng kiến hoạt động của các học viên và ông muốn tìm hiểu thêm về điều này. Ông cho hay việc chính phủ Đức cần phải hành động để chấm dứt cuộc bức hại của ĐCSTQ là rất quan trọng. “Mặc dù nước Đức không lớn và châu Âu không có nhiều ảnh hưởng như chúng ta mong đợi nhưng mỗi chữ ký đều quan trọng,” ông nói.
Giáo viên Đại học: Hy vọng cuộc bức hại sẽ sớm chấm dứt
Bà Annemarie van der Wijk, giảng viên Đại học Leipzig, cho biết buổi tập trung của các học viên diễn ra rất ôn hòa, và bà muốn biết thêm về Pháp Luân Đại Pháp. Sau khi nói chuyện với một học viên, bà đã biết về cuộc bức hại và ký vào bản kiến nghị.
“ĐCSTQ bức hại những người tốt sống theo Chân-Thiện-Nhẫn,” bà nói. “Tôi không thể hiểu được. Tôi hy vọng cuộc bức hại này sớm chấm dứt.”
Ông Nietzschmann, từng bị Đảng Cộng sản Đông Đức bắt giam, hiểu rõ bản chất thực sự của chủ nghĩa cộng sản.
Năm 1981, ông Nietzschmann phải trốn khỏi Đông Đức cũ. Ông từng bị chính quyền cộng sản Đông Đức bắt giam. Ông cho biết ông hiểu rõ bản chất thực sự của đảng cộng sản. Sau khi ký vào bản kiến nghị, ông nói: “Tôi nghĩ rằng cuộc bức hại nhân quyền là sai trái. Không thể như thế được.“ Ông lên án cuộc bức hại của ĐCSTQ.
Giám đốc công ty đã nghỉ hưu: Tôi ủng hộ Pháp Luân Đại Pháp
Bà Kitty Mocikat và chồng bà
Trước khi nghỉ hưu, bà Kitty Mocikat làm phiên dịch viên còn chồng bà là người đứng đầu một công ty lớn. Họ đến từ Bavaria, Đức.
Sau khi ký bản kiến nghị, bà Mocikat nói, “Tôi phản đối việc mổ cắp nội tạng và cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp. Mọi người đều có quyền sống và quyền được hưởng tự do.”
Ông Mocikat cho biết, “Tôi ủng hộ Pháp Luân Đại Pháp từ tận đáy lòng mình.”
Bối cảnh: Pháp Luân Đại Pháp là gì?
Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) được Đại sư Lý Hồng Chí lần đầu truyền xuất ra công chúng vào năm 1992 tại thành phố Trường Xuân, Trung Quốc. Tới nay, môn tu luyện này đã truyền rộng đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Với nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn cùng năm bài công pháp nhẹ nhàng, môn tu luyện đã được hàng triệu người đón nhận và bước vào tu luyện, họ đều được trải nghiệm sự đề cao cả về sức khỏe lẫn tinh thần.
Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), coi sự phổ biến ngày càng mạnh mẽ của môn tu luyện này là mối đe dọa đối với hệ tư tưởng vô thần của Đảng, nên đã ban hành lệnh cấm vào ngày 20 tháng 7 năm 1999.
Trang Minghui.org đã xác nhận hàng nghìn học viên đã mất mạng trong 22 năm qua vì bị bức hại. Con số thực tế được cho là còn cao hơn nhiều. Nhiều người hơn nữa đã bị cầm tù và tra tấn vì đức tin của họ.
Có bằng chứng cụ thể cho thấy ĐCSTQ hậu thuẫn cho việc giết hại các học viên bị giam cầm để thu hoạch nội tạng của họ và cung cấp cho ngành công nghiệp ghép tạng.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giang, ĐCSTQ đã thành lập Phòng 610, một tổ chức ngoài vòng pháp luật có quyền vượt trên cả hệ thống cảnh sát và tư pháp, và có chức năng duy nhất là tiến hành cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/10/16/432598.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/10/18/196215.html
Đăng ngày 20-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.