Bài của Thanh Ngôn
[MINH HUỆ 20-12-2005] Triệu Nhu là người thời Bắc Ngụy (396-535 sau Công nguyên), thời trẻ nổi tiếng đức hạnh và học giỏi khắp vùng. Ông khoan dung nhân hậu, nhiều lần đảm nhiệm chức quan Trứ tác lang, thái thú Hà Nội.
Triệu Nhu có lần đi đường nhặt được một thỏi vàng người khác đánh rơi, ông liền gọi người mất của lại để đưa trả.
Sau này, có một người biếu Triệu Nhu mấy trăm chiếc lưỡi cày, thế là ông bèn cùng con trai tên là Thiện Minh mang tới chợ phiên để bán. Có một người muốn mua lưỡi cày của Triệu Nhu, ông nói giá 20 cuộn lụa. Một thương nhân khác thấy ông nói giá thấp quá, liền trả giá 30 cuộn lụa để lấy hàng. Thiện Minh liền muốn bán cho thương nhân ấy, nhưng Triệu Nhu nói:“Giao dịch với người ta, một lời đã nói ra, làm sao có thể vì thấy lợi mà động tâm được?”. Thế là lập tức bán cho người đầu tiên với giá 20 cuộn lụa.
Người dân quanh đó nghe nói về chuyện ấy đều rất khâm phục Triệu Nhu.
Cổ nhân cho rằng một người phẩm hạnh cao thượng cần phải “Gặp lợi thì nghĩ đến chính nghĩa”, tức là khi đối mặt với lợi ích cá nhân liền nghĩ xem liệu như thế có phù hợp với chuẩn mực đạo đức hay không. “Lời nói đáng tin, thành thực không lừa dối” được xem như bảo bối của các doanh nhân, cũng là đức tốt mà người ta đều cần phải có. Doanh nhân nếu gặp lợi bỏ quên chính nghĩa, bịp dối người ta, như thế chỉ lấy được cái lợi nhỏ trước mắt nhưng về sau sẽ không còn khách nào quay trở lại nữa. Chung sống với mọi người cũng là đạo lý ấy, không ai kết giao với những người dối trá.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2005/12/20/116894.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2006/1/11/68885.html
Đăng ngày: 29-05-2011. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.