Bài viết của Thạch Xuyên

[MINH HUỆ 19-08-2020] Điều mà các nhà độc tài sợ nhất là mất đi sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang, mà khi điều này xảy ra, nó giống như một con thú dữ bị mất răng.

Trong cuộc Cách mạng Romania, mặc dù ban đầu quân đội nổ súng theo lệnh của nhà độc tài Nicolae Ceausescu, sau đó họ đã đổi phe và ủng hộ cuộc nổi dậy của quần chúng, dẫn đến cái chết của Ceausescu.

Sự kết thúc của chủ nghĩa cộng sản Romania

Khi Nicolae Ceausescu, cựu độc tài cộng sản Romania lên nắm quyền, nền kinh tế Romania đã suy thoái sau một thời gian ngắn tăng trưởng. Điều này dẫn đến tình trạng thực phẩm, nước, dầu, nhiệt, điện, thuốc men và các nhu yếu phẩm bị thiếu hụt nghiêm trọng đến mức phải dùng đến chế độ phân phối.

Hơn nữa, vào năm 1971, sau chuyến thăm Tung Quốc và Triều Tiên, Ceausescu đã ban hành Luận cương tháng Bảy và bắt đầu một cuộc cách mạng văn hóa nhỏ tương tự như của Trung cộng. Tự do ngôn luận bị kiểm soát cực kỳ gắt gao, ngay cả một chiếc máy đánh chữ ở nhà, người dân cũng phải đăng ký với chính quyền. Dân chúng chỉ có thể dùng những câu chuyện đùa chính trị để chế nhạo chính phủ.

Những cuộc khủng hoảng này đã dẫn đến sự phản đối gay gắt của công dân Romania, đỉnh điểm là năm 1989. Khi Ceausescu tiếp tục kịch liệt công kích các cuộc cách mạng chống cộng vào tháng 11 năm 1989, và chính phủ của ông ta tìm cách trục xuất một mục sư vào tháng sau đó, các sinh viên đã tham gia một cuộc biểu tình tự phát. Ngày 17 tháng 12, lực lượng quân đội và cảnh sát đã nổ súng; nạn nhân gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em.

Khi tình hình leo thang, ngày 20 tháng 12, trong một bài phát biểu trên truyền hình, Ceausescu đã dán nhãn cho cuộc biểu tình này là “vụ can thiệp của các thế lực nước ngoài vào công việc nội bộ của Romania” và là “cuộc ngoại xâm đối với chủ quyền của Romania”. Ngày hôm sau, ông ta đã gọi một cuộc kháng nghị lớn ở Bucharest là “phong trào ủng hộ tự phát” cho nhà độc tài này, mặc dù thực ra ông ta đã bị la ó và chất vấn trong sự kiện đó. Mặc dù ngày hôm đó binh lính đã dọn sạch đường phố và bắt giữ hàng trăm người, nhưng ngày hôm sau lại có nhiều người hơn nữa tham gia biểu tình.

Ngày 22 tháng 12, sau cái chết bí ẩn của Bộ trưởng Quốc phòng Romania, Ceausescu liền nắm quyền lãnh đạo quân đội. Khi tin rằng Bộ trưởng Quốc phòng đã bị sát hại, gần như toàn thể binh lính đã quay sang trung thành ủng hộ cách mạng.

Sau khi vợ chồng Ceausescu bỏ trốn, đầu tiên là trực thăng sau đó bằng xe hơi, hầu như tất cả các đài phát thanh của Romania đều phát đi cùng một thông điệp: “Các công dân hãy lưu ý, Ceausescu và bà Elena, kẻ thù của nhân dân, đang tẩu thoát trên một chiếc sedan Dacia màu tía cướp được. Hãy bắt giữ chúng.” Ceausescu và vợ đã bị bắt và bị xử tử ba ngày sau đó.

Những kẻ độc tài như Ceausescu đã chết, nhưng đất nước mà họ từng cai trị vẫn còn đó, dân chúng vẫn còn đó, quân đội vẫn là quân đội, và cảnh sát vẫn là cảnh sát. Điều này cho thấy quân đội và cảnh sát không phải là tài sản riêng của các nhà độc tài, mà là của nhân dân. Thoát khỏi những kẻ độc tài không phải là sự kết thúc của đất nước và người dân sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trong vài thập kỷ qua, những gì đang diễn ra ở Trung Quốc cũng là câu chuyện về những binh lính và cảnh sát bị tẩy não mà mù quáng đi theo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và giờ đã bắt đầu thức tỉnh trước sự tàn bạo của ĐCSTQ.

Trong cuộc nội chiến Trung Quốc, quân đội của ĐCSTQ đã nổ súng vào những người chạy trốn khỏi nạn đói

Ở Trung Quốc, ĐCSTQ đã tẩy não binh lính bằng những thứ học thuyết tàn bạo, biến họ thành cỗ máy giết người táng tận lương tâm. Một ví dụ là Cuộc vây hãm Trường Xuân (thành phố thủ phủ của tỉnh Cát Lâm) vào năm 1948 ngay trước khi ĐCSTQ nắm quyền ở Trung Quốc.

Ngày 1 tháng 10 năm 2009, một bài báo trên tờ New York Times với tựa đề “Trung Quốc không nói lời nào trước sự chấn động về sự trỗi dậy của những người cộng sản” viết: “Điều mà sử sách Trung Quốc ca ngợi là một trong những chiến thắng quyết định của cuộc chiến, quân đội của Mao đã chiếm được Trường Xuân mà không mất đến một phát đạn nào bằng cách khiến đơn vị đồn trú hùng mạnh của Quốc Dân Đảng đang chiếm đóng ở đó bị đói đến chết. Nhưng điều mà câu chuyện chính thức không tiết lộ là trong cuộc vây hãm khu vực Đông Bắc thành phố Trường Xuân từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1948, ít nhất đã có 160.000 dân thường cũng bị thiệt mạng.”

Thành phố Trường Xuân không phải bị chiếm đoạt bằng vũ lực, mà là do quân đội của ĐCSTQ đã vây siết quân đội của Quốc Dân Đảng (KMT) và dân chúng trong thành phố cho đến khi họ cạn lương thực và chết đói. Chính sách của ĐCSTQ vào thời điểm đó là “biến Trường Xuân thành một thành phố chết”. Hơn nữa, ĐCSTQ đã ra lệnh cho quân đội của mình nổ súng cả vào những thường dân chết đói đang tìm cách chạy trốn khỏi thành phố để sinh tồn.

Theo “Hồ sơ lịch sử chọn lọc của Bộ Chỉ huy Quân khu Thẩm Dương”, ĐCSTQ đã ra lệnh cho binh lính tàn sát những người đói trốn khỏi thành phố: “Không được để những người chết đói ra khỏi thành phố. Những ai đã ra ngoài phải bị chặn lại và đưa về… Dân chúng quỳ thành từng nhóm trước lính canh của chúng tôi và cầu xin cho họ đi. Có những người đành bỏ cả trẻ sơ sinh và con nhỏ mà bỏ chạy; có người treo cổ tự vẫn trước mặt lính canh của chúng tôi… Một số quân lính đã kín đáo để một số người đi, nhưng họ liền bị kỷ luật. Ngay sau đó, tình hình thay đổi, quân lính lại bắt đầu đánh đập, chửi bới và trói người dân, thậm chí nổ súng vào bất cứ ai cố gắng trốn thoát khỏi thành phố. Một lượng lớn dân thường đã bị giết như thế.”

Một sỹ quan quân đội quốc gia Quốc Dân Đảng nhớ lại: “Bên ngoài cổng thành, thi thể thường dân nằm thành hàng như thể vạch ra giới tuyến giữa hai đội quân đối lập. Những người chết đói đã ra khỏi thành phố, nhưng họ không thể vượt qua sự phong tỏa của quân đội ĐCSTQ và họ không thể quay trở lại thành phố. Một số tiếp tục chạy tới chạy lui cho đến khi gục ngã hoặc bị giết. Cả trong mơ tôi cũng nhớ những đứa trẻ sắp chết nhìn chằm chằm vào tôi.”

Trong cuốn sách “Quan sơn đoạt lộ” của mình, nhà văn Đài Loan Vương Đỉnh Quân đã ghi lại lời kể của một chỉ huy đại đội Quốc Dân Đảng rằng, khi quân lính ĐCSTQ thấy những người chết đói quỳ xuống cầu xin họ, họ cũng rơi nước mắt, song họ vẫn một mực thi hành mệnh lệnh.

Người chỉ huy nhớ lại “Nếu những người chết đói không nghe lời họ, họ vẫn sẽ bắn những người đó. Ông đã tận mắt thấy những thi thể đang chảy máu. Ông nói ông choáng vì ĐCSTQ có thể huấn luyện quân lính của họ hành xử như thế… quân lính của họ có thể đi ngược lại nguyên tắc đạo đức và lương tâm khi thực hiện mệnh lệnh. Lính Quốc Dân Đảng không bao giờ có thể làm những điều vô nhân đạo như vậy. Chúng tôi sẽ không bao giờ làm những điều như vậy.”

Cảnh sát ĐCSTQ đang thức tỉnh

Dưới sự cai trị bạo ngược của ĐCSTQ, quân đội và cảnh sát đã trở thành một bộ máy nhà nước để đàn áp người dân, chứ không còn là cơ quan bảo vệ nhân dân. Hàng năm, ĐCSTQ phân bổ một lượng lớn ngân sách và tiền thưởng làm động lực để đàn áp người dân với danh nghĩa “duy trì ổn định trong nước”.

Từ tháng 7 năm 1999, khi Giang Trạch Dân phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công, một lượng lớn học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ bất hợp pháp và bị tra tấn dã man, và khiến hàng ngàn người đã mất mạng.

Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực không ngừng của các học viên Pháp Luân Công trong việc giảng chân tướng suốt những năm qua, một số cảnh sát và nhân viên an ninh trong nước đã hiểu ra sự bất hợp pháp và tàn bạo của cuộc bức hại Pháp Luân Công. Họ cảm động trước sự thiện lương và bền bỉ của các học viên Pháp Luân Công. Nhiều cảnh sát đã thức tỉnh lương tâm và trở nên sáng suốt trước những dối trá của ĐCSTQ.

Một học viên Pháp Luân Công từng có gần 1.000 vỏ đĩa CD cất trong kho nhà mình để đựng đĩa DVD mang thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Một ngày nọ, hai cảnh sát từ đồn cảnh sát khu vực đến khám xét cửa hàng của anh và tìm thấy những vỏ đĩa CD. Khi người học viên cố gắng khuyên ngăn họ đừng tịch thu chúng, họ tuyên bố rằng họ chỉ tuân theo lệnh của phòng an ninh nội địa.

Người học viên nói với họ: “Trước khi Đông và Tây Đức thống nhất, một người lính Đông Berlin đã được lệnh nổ súng vào bất cứ ai cố gắng vượt qua bức tường Berlin. Anh ta đã bắn chết một thanh niên. Sau khi bức tường bị phá bỏ, người lính bị buộc tội và bị kết án tù. Cấp trên đã lệnh cho anh ta nổ súng, còn người lính đã chọn bắn trúng mục tiêu của anh ta. Tôi biết cấp trên của các anh lệnh cho các anh tới đây lục soát nơi này, nhưng ông ấy không nói cụ thể với các anh là đem những thứ này đi.”

Hai cảnh sát đã lấy vỏ hộp CD của anh ấy ngày hôm đó, nhưng ngay sau đó đã bí mật trả lại chúng tại một cửa hàng của học viên này ở gần đồn cảnh sát.

Vào một dịp khác, khi một cảnh sát trưởng mới được bổ nhiệm đến đồn địa phương, anh ta gọi điện thoại cho người học viên này, bảo cửa văn phòng của anh ta bị hỏng và hỏi người học viên có thể đến sửa nó không. Nhưng khi người học viên này đến nơi, anh đi vào phòng của trưởng đồn thì không có ai ở quanh đó, cửa cũng không phải bị hỏng, mà chỉ thấy một chiếc túi có hơn 20 cuốn sách của Pháp Luân Công ở gần cửa.

Người học viên nhận ra vị cảnh sát trưởng muốn để anh lấy những cuốn sách bị tịch thu đó. Anh mang số sách đó về và rất mừng cho sự lựa chọn của cảnh sát trưởng.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/8/19/410692.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/9/23/186906.html

Đăng ngày 28-09-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share