Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 03-08-2020] Tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được 26 năm và đã trải qua rất nhiều khó khăn trên con đường tu luyện của mình. Càng nhiều nhân tâm, tôi càng gặp phải nhiều khổ nạn. Tôi muốn chia sẻ về những khổ nạn mà mình từng chịu đựng, cả về thân thể và những phương diện khác. Tôi hy vọng mình có thể minh bạch Pháp hơn, hoàn toàn phủ nhận bức hại của cựu thế lực, và khích lệ các học viên khác.

Một ngày trước ngày 20 tháng 7 năm 1999, tôi mang máy cát-xét đến điểm luyện công. Vì cuộc bức hại sắp bắt đầu, nên bầu không khí có chút căng thẳng, và tôi là người duy nhất ở đó. Tôi đang trải qua giai đoạn tiêu nghiệp và đã không ăn trong ba ngày, thêm vào đó tôi bị sốt và cảm thấy vô cùng khó chịu. Khi đang thực hiện động tác Đầu đỉnh bão luân, tôi nhớ lại những gì Sư phụ Lý Hồng Chí đã giảng:

Viên mãn đắc Phật quả
Cật khổ đương thành lạc
(Khổ Kỳ Tâm Chí, Hồng Ngâm)

Tạm dịch:

Viên mãn đắc Phật quả
Lấy chịu khổ làm vui

Tuy nhiên, tôi rất yếu và hầu như không thể nhấc được cánh tay lên. Tôi nghĩ: “Sư phụ, đệ tử sao lại vui không nổi thế này?” Ngay lúc đó, điều kỳ diệu đã xảy ra, toàn bộ cánh tay của tôi bắt đầu trở nên nhẹ nhàng phiêu đãng, và tôi đột nhiên cảm thấy rất khoan khoái, tất cả thống khổ trong nháy mắt đều biến mất. Tôi bắt đầu rơi nước mắt, vì Sư phụ đã gỡ khối nghiệp lực lớn cho tôi. Mặc dù đã ba ngày không ăn, nhưng tôi vẫn tràn đầy năng lượng và có thể giúp người khác đẩy xe lên dốc.

Tìm ra những sơ hở trong tư tưởng của bản thân

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp, tôi đã lên Bắc Kinh để thỉnh nguyện với chính phủ vào tháng 11 năm 1999. Tôi đã bị giam giữ bất hợp pháp trong một tháng. Năm 2001, vì tặng đĩa DVD giảng chân tướng cho học sinh, tôi đã bị các phụ huynh tố cáo. Cảnh sát bắt giữ tôi, và tôi bị đưa tới trại lao động cưỡng bức trong một năm. Tôi bị kết án phi pháp 5 năm tù vào năm 2004. Mỗi lần bị bức hại về thể chất và tinh thần, tôi gần như đã đến cực hạn chịu đựng của mình.

Tôi chỉ biết về tu luyện cá nhân, luôn cho rằng tâm tính của tôi không đạt tiêu chuẩn của Pháp, và chính nghiệp lực đã mang đến những khổ nạn, trong khi tôi rất mơ hồ về tu luyện Chính Pháp. Khi ở trong tù, tôi thường học thuộc Pháp, học Pháp. Sau đó, tôi nhận ra rằng mình luôn thừa nhận và thụ động chịu đựng bức hại của tà ác, hoặc miễn cưỡng chấp nhận nó.

Sau khi nhận ra điều đó, tôi bắt đầu chính lại mọi suy nghĩ của mình. Càng hướng nội, tôi càng tìm ra nhiều vấn đề trong tư tưởng của mình. Đó là những suy nghĩ tiêu cực, cảm giác chán nản, bất lực chấp nhận cái gọi là thực tại, gồm cả can nhiễu từ các tín tức ngoại lai, và cách tôi phán xét mọi thứ. Nếu tiếp tục đi sâu hơn, tôi nhận ra rằng bất cứ khi nào không ở trong Pháp, tư tưởng của tôi sẽ phù hợp với các sinh mệnh của cựu vũ trụ.

Các sinh mệnh của cựu vũ trụ không biết Pháp tồn tại trong vũ trụ, và cũng không biết có tồn tại khái niệm chứng thực Pháp. Tuy nhiên, tất cả các vấn đề mà học viên chúng ta phải đối mặt ngày nay là trạng thái của vũ trụ trong thời kỳ hoại-diệt, bao gồm cả việc đạo đức con người đang xuống cấp. Tuy nhiên, chỉ có Sư phụ và Đại Pháp mới có thể giải quyết tất cả những vấn đề này, trong khi bất kỳ sinh mệnh nào trong cựu vũ trụ, kể cả các học viên Đại Pháp, đều không làm được điều đó vì thiếu trí huệ và năng lực.

Do đó, chỉ qua chứng thực Đại Pháp, với tín tâm kiên định vào Sư phụ và Đại Pháp, thì bất kỳ điều gì mà một học viên gặp phải mới có thể được giải quyết từ tận gốc.

Sư phụ giảng:

“Chư vị hãy nhớ cho kỹ! Tu luyện tự nó không hề khổ, điểm chốt là không buông bỏ được chấp trước người thường. Khi danh-lợi-tình của chư vị cần buông bỏ thì mới cảm thấy khổ.” (Chân tu, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

“Có người luyện công theo cảm giác; hỏi cảm giác của chư vị có nghĩa gì? Không là gì hết. Quá trình diễn hóa thật sự diễn ra tại không gian khác, vô cùng phức tạp và huyền diệu; sai một chút là không được; ví như một thiết bị chính xác, chỉ thêm một linh kiện lạ vào là hỏng ngay.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Pháp của Sư phụ đã điểm hóa cho tôi. Tôi nói với Sư phụ rằng: “Sư phụ, đệ tử thật quá kém cỏi. Đối với Pháp Ngài giảng, đệ tử hiểu được bao nhiêu đây, và đã tin được bao nhiêu đây? Nhiều lúc, đệ tử tin vào cảm giác của chính mình, tin vào cái gọi là hiện thực, trái ngược với những gì Ngài giảng.” Tôi biết rất ít về việc làm thế nào để chứng thực Pháp thông qua hành động và lời nói của chúng ta, cũng như chứng thực lời của Sư phụ là chân lý trong vũ trụ.

Sư phụ giảng:

“Thấy mới tin, không thấy không tin, vậy đó là cái thấy của kẻ ‘hạ sỹ’. Người ở trong mê, tạo nghiệp nhiều lắm, bản tính bị mê đâu thể nào thấy được. Ngộ trước thấy sau, tu tâm trừ nghiệp, bản tính hễ xuất liền có thể thấy.” (Vì sao không được thấy, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Đoạn Pháp trên đã khiến tôi chấn động, tôi dần hiểu rõ hơn việc mình còn thiếu sót ở đâu và tại sao tôi không thể chứng thực Pháp.

Hiểu rõ mối quan hệ với cựu thế lực

Khi một người trải qua khổ nạn, gánh chịu nghiệp lực, gặp đủ mọi loại khó khăn và cảm giác khó chịu v.v.., rất khó để tìm ra chân ngã và bản tính của mình. Có lẽ đó là lý do tại sao mọi người lạc lối.

Đại Pháp phá mê. Khi tư tưởng của một người không ở trong Pháp, những tư tưởng bất chính, chấp trước người thường, và quan niệm chiêu mời những sinh mệnh bất hảo, sẽ khiến chủ thể cách ly với Pháp trên bề mặt. Khi những nhân tố bất chính tích tụ ngày càng nhiều, người ta sẽ khó tìm ra được chân ngã và bản tính của mình, cuối cùng ngày càng rời xa Pháp.

Khi đang học Pháp tại nhóm học Pháp, tôi xuất hiện triệu chứng trúng khí độc. Cơn đau nghiêm trọng đến mức khiến tôi không thể đứng dậy, học Pháp, luyện công hay phát chính niệm. Tôi bắt đầu suy xét mọi thứ. Trong sâu thẳm, tôi biết rõ rằng đó không phải là an bài của Sư phụ, mà là của cựu thế lực.

Nhưng làm thế nào để phủ định nó? Trước hết, tôi phải duy trì sự tỉnh táo và lý trí. Sau đó, tôi bắt đầu nghĩ: “Bất kể ai an bài, ai thực hiện, bao gồm tất cả sinh mệnh tham gia vào an bài này, nếu các vị muốn được cứu, thì các vị đừng tham gia bức hại các học viên Đại Pháp. Vì không ai xứng khảo nghiệm các đệ tử Đại Pháp, bất kể là ai làm, đó đều sẽ bị coi là phạm tội.”

Đồng thời, tôi tìm được một chấp trước và quan niệm người thường. Khi đối mặt với những khổ nạn liên tiếp khó có thể chịu đựng, tôi bị mất tự tin, thất vọng hoặc thậm chí tuyệt vọng. Tôi sẽ nhượng bộ và đầu hàng, chấp nhận bức hại và những an bài của cựu thế lực.

Trên thực tế, đau đớn như thế nào hay khổ nạn lớn ra sao không liên quan gì đến việc có thể đột phá an bài của cựu thế lực hay không. Điểm mấu chốt là các học viên đã không dàn xếp chính xác mối quan hệ với các sinh mệnh trong cựu vũ trụ. Mối quan hệ giữa đệ tử Đại Pháp và cựu thế lực là mối quan hệ giữa người đang cứu độ và người được cứu độ, chứ không phải là quan hệ giữa người bị bức hại và kẻ bức hại.

Nếu không thể cân bằng tốt mối quan hệ này, người tu luyện sẽ tự đặt mình vào tình thế bị bức hại. Sau khi chúng ta cân bằng tốt mối quan hệ, những sinh mệnh của cựu vũ trụ có thể bị loại bỏ và không thể kìm hãm chúng ta. Là đệ tử Đại Pháp, chúng ta không thể để cựu thế lực tùy ý thao túng mình.

Sau khi minh bạch hơn, tôi bắt đầu cảm thấy nhẹ nhõm. Sau đó, tôi nói với sinh mệnh cuối cùng đang bức hại mình rằng: “Đại nạn mà ngươi đã an bài cho ta – chẳng phải là muốn hủy hoại ý chí của ta, khiến ta mất tín tâm vào Sư phụ và Đại Pháp, và thừa nhận an bài của ngươi sao? Ta sẽ không bị ngươi lừa. Hãy rút lại an bài vô lý của ngươi, nếu không đối với bất kỳ điều gì ngươi làm, ngươi sẽ phải nhận quả báo gấp đôi.”

Khác biệt giữa Thần và người chỉ ở một niệm. Cơn đau dữ dội biến mất. Khí độc biến thành khí vô hại, sau đó thoát ra khỏi cơ thể tôi, sau đó tôi cảm thấy rất thoải mái. Đó là cách tôi đã phủ nhận an bài của cựu thế lực.

Khi các học viên chúng ta không chú ý đến những suy nghĩ của mình trong cuộc sống hàng ngày, tất cả các loại chấp trước con người sẽ tồn tại. Một khổ nạn như vậy dẫn đến việc người ta không tinh tấn, và luôn khiến bản thân không giữ mình theo những tiêu chuẩn cao hơn.

Những tiêu chuẩn cao hơn sau đó là gì? Có lẽ người đó có thể không nghĩ về nó đủ nghiêm túc. Lẽ tự nhiên là mỗi học viên đều có những nhận thức Pháp khác nhau, nhưng người đó phải giữ mình ở tiêu chuẩn cao nhất.

Nhận thức của cá nhân tôi là mọi người thường có một sự hiểu nhầm. Họ cho rằng tiêu chuẩn càng cao thì càng khó đạt được. Tuy nhiên, những gì tôi nhận ra hoàn toàn ngược lại: tiêu chuẩn càng thấp, người ta càng tự chiêu mời nhiều khổ nạn hơn và càng phải chịu khổ nhiều hơn. Người tu luyện có tiêu chuẩn càng cao, thì uy lực của Pháp sẽ tự triển hiện càng nhiều. Bởi vì Pháp môn của chúng ta là Pháp luyện người, người ta muốn gì là tùy thuộc vào bản thân họ.

Trên đây là chút thể ngộ của tôi trong quá trình tu luyện, nếu có điểm nào không đúng, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/8/3/409926.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/8/26/186503.html

Đăng ngày 20-09-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share