Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại Đài Loan
[MINH HUỆ 17-06-2020] Cuối tháng 11 năm 1995, ông Trương Phổ Điền, một học viên Pháp Luân Đại Pháp từ tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, đi thăm em gái ở huyện Hoa Liên, Đài Loan. Ông mang theo ba túi sách Pháp Luân Đại Pháp, video và băng ghi âm các bài giảng của Sư phụ Lý, nhạc luyện công và các bài viết chia sẻ kinh nghiệm của các học viên đến Hoa Liên. Chuyến đi của ông mở ra cơ hội hồng truyền môn tu luyện cổ xưa này tới Hoa Liên, huyện lớn nhất ở bờ biển phía Đông của Đài Loan.
Ông Trương mang các sách Pháp Luân Đại Pháp, video và bản ghi âm các bài giảng của Sư phụ Lý, nhạc luyện công và các bài viết chia sẻ kinh nghiệm đến Hoa Liên vào tháng 11 năm 1995. (Ảnh do Nhà xuất bản Bác Đại cung cấp)
Chuyến đi tới Hoa Liên
Trên đường đến sân bay Quý Dương, ông Phổ Điền có phần lo lắng. Ông tự nhủ không biết có mang được tài liệu Pháp Luân Đại Pháp qua hải quan không. Ngạc nhiên thay, khi mở túi kiểm tra, thanh tra nói: “Toàn quần áo thôi”, và ông đi qua mà không gặp vấn đề gì. Sau khi đổi chuyến ở Hồng Kông, ông bay đến sân bay Đào Viên, Đài Loan, rồi bắt xe buýt đến Hoa Liên. Đó là một chuyến đi dài đối với một ông lão ngoài 70 tuổi – một việc mà trước đó một năm, ông không nghĩ có thể làm được, vì hồi đó, ông còn đau yếu.
Ông Trương Phổ Điền cùng vợ tại nhà ở Quý Châu
Ông Phổ Điền đã phải trải qua ba cuộc phẫu thuật não, khó khăn lắm mới hồi phục được. Người nhà ở Đài Loan của ông kể lại rằng ông suýt chết. Khi ông đến nơi, họ mừng rỡ khi thấy ông vẫn khỏe mạnh.
Ông Phổ Điền kể với họ rằng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp đã giúp ông phục hồi nhanh chóng, giờ ông cảm thấy thân thể khỏe mạnh, nhẹ nhàng. Vợ ông cũng đã hồi phục sức khỏe nhờ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Họ muốn chia sẻ môn tu luyện tuyệt vời này cho người nhà ở Đài Loan.
Ông Trương Chấn Vũ, cháu trai của ông Phổ Điền ở Đài Loan, nhớ lại bác kể về một hội nghị chia sẻ kinh nghiệm Pháp Luân Đại Pháp tổ chức tại Quý Châu.
Các học viên lặng lẽ xếp hàng vào sáng sớm ngày diễn ra hội nghị. Khi phòng cảnh sát địa phương nghe về sự kiện này, họ đã cử một số sỹ quan đến địa điểm hội nghị. Khi đến nơi, họ thấy mọi người xếp hàng, lặng lẽ chờ cửa mở nên họ bước sang một bên. Có khoảng 5.000 đến 6.000 học viên vào hội trường, và ngồi từ hàng ghế sau ra trước. Một số học viên đọc các bài viết về thể ngộ của họ và việc áp dụng nguyên lý của Pháp Luân Đại Pháp trong cuộc sống. Sau khi hội nghị kết thúc, tất cả họ lại lặng lẽ rời đi như khi đến, và không để lại chút rác nào. Cảnh sát rất xúc động trước những gì nghe được, và quá ấn tượng trước tính kỷ luật của những người tham dự đến mức một số người bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.
Ông Phổ Điền và các học viên cao tuổi khác đã khắc phục khó khăn để nói với người dân ở các vùng hẻo lánh về sự tuyệt vời của Pháp Luân Đại Pháp. Thỉnh thoảng, vì đi xa nhà, họ phải nghỉ qua đêm ngoài trời. Điểm luyện công của họ nhanh chóng tăng lên vài nghìn người.
Ông Chấn Vũ, cùng vợ và bố mẹ ông hết sức cảm động trước những câu chuyện của bác mình. Ông nói: “Qua những gì bác tôi nói, có thể thấy Pháp Luân Đại Pháp đã nâng cao tâm tính con người và dạy họ trở nên vị tha, chu đáo như thế nào.”
Ông Chấn Vũ đọc cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Đại Pháp trong ba buổi tối. Ông cho biết: “Sư phụ Lý đã giải thích nhiều điều phức tạp bằng những từ ngữ đơn giản, kể cả vũ trụ.” Ông chia sẻ, vì tin tưởng và tôn trọng bác mình nên ông bắt đầu thử tập luyện. Khi tiếp tục đọc các bài giảng, ông đã hiểu rõ hơn về các Pháp lý và ngày càng trân trọng Đại Pháp hơn.
Vợ ông, bà Lư Lệ Khanh nói ngay lần đầu tập các động tác luyện công của Pháp Luân Đại Pháp, bà đã cảm thấy rất quen thuộc. Trước đây, bà chưa từng học môn tập nào như thế, bởi bà không thích tập thể dục. Ngạc nhiên thay, bà còn thấy nội dung cuốn Chuyển Pháp Luân rất quen thuộc ngay từ lần đầu tiên đọc sách. Trong lúc xem video bài giảng của Sư phụ Lý, khi bức tượng Phật xuất hiện ở đoạn đầu, bà nhớ đã nhìn thấy hình ảnh này trong một giấc mơ từ nhiều năm trước. Bà nhận ra mình có tiền duyên với Pháp Luân Đại Pháp.
Ông Chấn Vũ cùng vợ giăng một biểu ngữ Pháp Luân Đại Pháp do bác ông, ông Phổ Điền, mang đến từ Trung Quốc sang (Ảnh do Nhà xuất bản Bác Đại cung cấp)
Trước khi ông Phổ Điền quay trở về Trung Quốc, toàn bộ gia đình ông Chấn Vũ, bao gồm bố mẹ, con, chị gái, anh rể và gia đình anh rể của ông, tổng cộng 16 người, đã bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Ông Phổ Điền đã làm một biểu ngữ Pháp Luân Đại Pháp và cùng chụp ảnh với cả nhà trước biểu ngữ. Pháp Luân Đại Pháp đã bén rễ ở Hoa Liên từ đó.
Chứng liệt dây thần kinh mặt biến mất
Sau khi bác ông rời Đài Loan, ông Chấn Vũ cùng gia đình đã tu luyện tại nhà. Người đầu tiên mà ông Chấn Vũ giới thiệu đến môn tu luyện là bà Ngô Uyển Anh, chị gái của bạn ông, cũng là đồng nghiệp. Con trai bà Uyển Anh được chẩn đoán mắc chứng liệt não khi còn nhỏ. Cậu không đi lại được và bị mù. Cậu chỉ có thể nghe và sờ. Bà Uyển Anh tận tình chăm sóc và yêu thương cậu. Tuy nhiên, vì phải cõng con trai lên xuống cầu thang, đầu gối bà đã bị sưng và tấy đỏ. Bác sỹ khuyên bà sớm phẫu thuật thay khớp gối. Bà cũng từng được chẩn đoán mắc chứng liệt dây thần kinh mặt, khiến mặt bên trái của bà bị xệ xuống.
Ông Chấn Vũ giới thiệu với bà Uyển Anh về Pháp Luân Đại Pháp và đề nghị hướng dẫn bà các bài công pháp. Bà trả lời: “Được! Tôi phải sống lâu hơn và khỏe mạnh để có thể chăm sóc con trai tôi.”
Ông Chấn Vũ và bà Uyển Anh đã luyện công trong phòng họp của công ty họ trong giờ nghỉ trưa. Ba tháng sau, bà Uyển Anh đột nhiên nhận ra bệnh ở đầu gối đã hoàn toàn biến mất. Một ngày nọ, khi soi gương, bà nhận thấy khuôn mặt từng bị vẹo của mình đã bình thường trở lại. Bà nhận ra chứng liệt mặt của mình cũng đã biến mất.
Một hôm, khi bà Uyển Anh đang luyện bài công pháp số hai, Pháp Luân Trang Pháp, bà mơ hồ nhìn thấy một người đàn ông cao lớn bước tới và sửa động tác cho bà. Bà Uyển Anh không biết người đàn ông đó là ai.
Vài tháng sau, bà nhận được một cuốn Chuyển Pháp Luân. Khi mở cuốn sách và nhìn thấy ảnh của Sư phụ, bà ngỡ ngàng khi nhận ra chính Sư phụ đã sửa các động tác luyện công cho bà.
Một ngày khác, khi đang ngồi thiền trong thế đơn bàn, bà thấy thân thể mình giống như chiếc đồng hồ cát chứa đầy cát đen. Khi cát từ từ chảy ra, thân thể bà chuyển sang màu trắng và cuối cùng trở nên trong suốt. Ngày hôm sau, bà đã có thể ngồi thiền song bàn.
Bà Uyển Anh không thể giải thích được những thay đổi tuyệt vời mà bà đã trải qua, nhưng bà đã quyết tâm tu luyện chiểu theo các Pháp lý của Pháp Luân Đại Pháp.
Những câu chuyện của các học viên ở Hoa Liên
Sau khi chia sẻ trải nghiệm tu luyện và thể ngộ về Pháp với các đồng tu, ông Chấn Vũ nhận ra tầm quan trọng của việc thành lập một điểm luyện công tập thể ở nơi công cộng và tổ chức các lớp học chín ngày. Điểm luyện công tập thể đầu tiên được thành lập vào tháng 4 năm 1998 tại Trung tâm Văn hóa Quận Hoa Liên.
Điểm luyện công tập thể đầu tiên được thành lập tại Trung tâm Văn hóa Quận Hoa Liên vào tháng 4 năm 1998. (Ảnh do ông Trương Chấn Vũ cung cấp)
Bà Trương Lệ Châu cùng chồng, ông Dương Khôn Mậu, đã đến Trung tâm Văn hóa Quận Hoa Liên học các bài công pháp. Nhớ lại những ngày đầu đó, ông Khôn Mậu cười và nói ông đã phải chịu đựng rất nhiều đau đớn khi ngồi thiền trong thế song bàn. Ông không thể tin vợ mình có thể ngồi song bàn ngay khi bắt đầu, trong khi ông vắt một chân lên đã rất khó rồi. Khi tập ngồi song bàn, cơn đau khiến ông phát khóc. Tuy nhiên, ông có thể cảm thấy thân thể mình đang được tịnh hóa, vì vậy ông vẫn cắn răng chịu đựng. Ông Khôn Mậu cho biết ông đã nhận được rất nhiều sự động viên từ các học viên khác khi họ luyện công cùng nhau.
Anh Trương Thuận Hoàng, một học sinh trung học, đã tham gia nhóm luyện công hai ngày trước kỳ thi tuyển sinh đại học. Khó khăn lắm, anh mới ngồi được song bàn. Trong khi ngồi thiền, anh đau đến vã mồ hôi và run lên nhưng vẫn cố ngồi trong một giờ với những người khác. Anh tập ngồi bắt chéo chân. Sau một năm, anh đã có thể ngồi đơn bàn. Một buổi sáng, anh vui vẻ nói với mọi người khi ngồi thiền: “Thật tuyệt! Tôi ngồi song bàn được rồi!” Mọi người đều mừng cho anh. Anh Thuận Hoàng đã thi tuyển lần thứ hai và đã đậu đại học.
Một hôm, một người đàn ông mảnh khảnh tham gia nhóm luyện công. Kể từ ngày hôm đó, ông không bỏ lỡ một ngày nào, và thực tế ông luôn đến sớm 20 phút để dọn dẹp điểm luyện công. Không ai biết ông là ai cho đến khi họ làm một bộ phim ngắn về những người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.
Ông là tổng giám đốc của một công ty đá cẩm thạch. Ông sở hữu một hầm mỏ và một nhà máy điện, nhưng nhà máy điện đã bị phá hủy trong một trận bão và ông đã mất 200 triệu Đài tệ. Tuy nhiên, ông vẫn đến sớm luyện công mỗi sáng ngay cả khi đang gặp thảm họa. Ông nói: “Nhà máy điện đã bị phá hủy trong một trận lở đất. Nếu tôi không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và không hiểu được ý nghĩa chân chính của cuộc sống, tôi sẽ rất khó để vượt qua mất mát đó.”
Bố của ông Chấn Vũ đã giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp cho nhiều người cùng tuổi. Ông là người tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc và sở hữu nhiều bất động sản ở đó. Tuy nhiên, sau khi ông chuyển đến Đài Loan, những người thân của ông đã chiếm đoạt tài sản của ông. Bố của ông Chấn Vũ nói rằng nếu ông không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, ông sẽ quay lại giành lại những tài sản đó, nhưng bây giờ ông có thể nói về điều đó như thể nó không liên quan gì đến ông.
Một học viên khác ở Hoa Liên là một đầu bếp. Ông thường xuyên say xỉn, cờ bạc và đến nhà thổ. Ông bị gãy tay phải trong một vụ tai nạn xe hơi. Bác sỹ nói với ông rằng ông sẽ không còn nhấc nổi một cái nồi nữa. Ông nghe nói Pháp Luân Đại Pháp rất tốt và đã đến học. Sau một thời gian tu luyện, ông phát hiện mình có thể nhấc tay phải trong bài công pháp số ba. Cuối cùng, ông đã quay lại công việc đầu bếp của mình, và nói với mọi người về huyền năng của Pháp Luân Đại Pháp.
Huyện Hoa Liên đã có hơn ngàn người học Pháp Luân Đại Pháp. Nhóm của ông Chấn Vũ không lưu danh sách tên, nhưng họ đã đích thân dạy các bài công pháp cho hơn 400 người. Khi cần sự giúp đỡ để lập các điểm luyện công tập thể mới ở những nơi khác, ông Chấn Vũ và các đồng tu không bao giờ do dự đi đến bất cứ nơi nào có thể giúp được.
(Còn nữa)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/17/407771.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/7/7/185790.html
Đăng ngày 05-09-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.