Bài viết của Anh Tử, phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 03-07-2020] Khi virus corona mới bùng phát, ban đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không chỉ che đậy sự xuất hiện và tính nghiêm trọng của dịch bệnh này, khiến nó trở thành đại dịch toàn cầu, mà còn tăng cường kiểm soát truyền thông và internet, lại ra sức vi phạm nhân quyền trong nước đối với nhiều nhóm người, trong đó có Pháp Luân Công.
Những phát hiện này được các nhà phân tích trình bày trong một diễn đàn nhân quyền của Canada hôm 9 tháng 6 năm 2020, có tên gọi: “Trung Quốc giữa ngã ba đường: Đứng lên vì Nhân quyền trong đại dịch”. Diễn đàn này do Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg tổ chức, gồm có ba phần, trong đó, có phiên thảo luận về các vấn đề của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) như kiểm duyệt và tung tin sai lệch, tù nhân chính trị và đàn áp các nhóm thiểu số, cũng như đề xuất các hành động để giải quyết những vấn đề này.
Ông Irwin Cotler, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiêm Tổng chưởng lý Canada, chủ tịch đương nhiệm của Trung tâm Raoul Wallenberg, cho biết việc che giấu virus corona ở Trung Quốc là một “cuộc tấn công vào trật tự quốc tế vốn dựa trên pháp luật”, còn luật an ninh quốc gia đề xuất cho Hồng Kông là một “cuộc tấn công khác vào luật pháp, việc chính trị hóa các quyền tự do cơ bản vốn được luật pháp cơ bản của Hồng Kông bảo vệ.”
Ông Irwin Cotler, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiêm Tổng chưởng lý Canada, chủ tịch đương nhiệm của Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg
Những cuộc tấn công xảy ra gần đây cùng với việc đàn áp một cách có hệ thống ở Trung Quốc của lãnh đạo độc tài, bao gồm cả cuộc bức hại tôn giáo, tín ngưỡng đang diễn ra. Ngày 10 tháng 6, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo và Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ Samuel Brownback đã công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế 2019, trong đó, Trung Quốc bị nhắc đến nhiều lần vì hồ sơ nhân quyền yếu kém.
Ông Pompeo nhận định trong một cuộc họp báo ngày 10 tháng 6: “Ở Trung Quốc, việc đàn áp do chính quyền hậu thuẫn đối với tất cả các tôn giáo, tín ngưỡng tiếp tục gia tăng.” Ông đưa ra một số ví dụ về việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng, Phật giáo, học viên Pháp Luân Công và tín đồ Cơ đốc giáo.
Một chế độ độc tài
Ông Carl Gershman, chủ tịch của Quỹ Quốc gia hỗ trợ Dân chủ tại thủ đô Washington, cho biết đại dịch là một thảm họa. Trích từ nghiên cứu của Đại học Southampton, ông cho biết nếu Trung Quốc có hành động sớm hơn ba tuần, 95% ca nhiễm virus corona có thể tránh được.
Khi các ca nhiễm virus corona ở các nước khác tăng cao, ĐCSTQ trở nên hung hăng hơn trong xã hội quốc tế, với chính sách ngoại giao kiểu chiến binh sói. Ông Gershman phát biểu: “Thay vì tỏ ra ăn năn và hợp tác, họ lại hành xử theo kiểu bắt nạt và hung hăng hơn nhiều so với trước đây, bởi vì họ cho rằng thế giới không có khả năng đáp trả họ vì dịch virus.”
Ông nhấn mạnh rằng ĐCSTQ khác với người dân Trung Quốc. Ông nói: “Trung Quốc, theo quan điểm của tôi — và tôi đang nói đến chính quyền Trung Quốc, chứ không phải đất nước, con người Trung Quốc, mà là ĐCSTQ, cái chính quyền ở Bắc Kinh — họ đang rất bất an, vì họ đã phải chịu đựng cái mà học giả Andy Nathan của Đại học Columbia gọi là một khiếm khuyết bẩm sinh mà không thể khắc phục, đó là chế độ độc tài của họ thiếu tính hợp pháp.”
Tăng cường kiểm soát
Bà Sarah Cook từ tổ chức Ngôi nhà Tự do (Freedom House) cho biết, Trung Quốc bị xếp vào diện quốc gia vi phạm internet tồi tệ nhất trong bốn năm liền. Ngoài việc kiểm duyệt, nhiều người còn bị giam giữ vì đăng thông tin về các sự việc khác với giọng điệu chính thức của ĐCSTQ.
Bà Cook trích dẫn thông tin từ Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, cho biết số vụ bắt giữ các học viên Pháp Luân Đại Pháp gia tăng ở Trung Quốc trong thời gian đại dịch. Một số người bị bắt chỉ vì chia sẻ thông tin về virus hoặc hướng dẫn mọi người cách truy cập phần mềm vượt tường lửa.
Theo các nhà bảo vệ nhân quyền Trung Quốc, vào đầu tháng 4, gần 900 người dùng internet đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ với tội danh “lan truyền tin đồn”. Những người này chỉ đăng tin về các sự việc trong cuộc sống hoặc trong cộng đồng của họ. Hơn nữa, một số công dân đưa tin về virus corona đã bị giam giữ, mấy tháng qua vẫn chưa tìm ra tung tích của họ.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul đã ban hành một báo cáo sơ bộ hôm 12 tháng 6, với tiêu đề “Nguồn gốc của đại dịch toàn cầu COVID-19, bao gồm cả vai trò của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới.”
Báo cáo chỉ ra: “Dựa vào một cuộc kiểm tra về giai đoạn đầu của dịch bệnh, khi nỗ lực che giấu sự lây lan và đặc tính lạ thường của virus, không chia sẻ thông tin chính xác theo yêu cầu của luật quốc tế, và đàn áp những người lên tiếng để cảnh báo thế giới, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải chịu trách nhiệm chính khi để một dịch bệnh địa phương trở thành đại dịch toàn cầu. Tóm lại, đại dịch toàn cầu COVID-19 đã có thể được ngăn chặn nếu ĐCSTQ hành động minh bạch và có trách nhiệm.”
Truy tố trách nhiệm của ĐCSTQ
Các nhà lập pháp cấp cao từ tám quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã thành lập một liên minh cấp nghị viện mới để đối đầu với cái mà họ gọi là mối đe dọa do ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc đối với thương mại, an ninh và nhân quyền toàn cầu, Bloomberg đưa tin ngày 5 tháng 6 năm 2020, trong một bài báo có tiêu đề “Các nhà lập pháp ở tám quốc gia thành lập liên minh mới nhằm đối đầu với Trung Quốc”.
Liên minh cấp Nghị viện về vấn đề Trung Quốc nhằm “thiết lập cách phản ứng có sự phối hợp và phù hợp, đồng thời giúp xây dựng cách tiếp cận chủ động và có chiến lược về các vấn đề liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Các đồng chủ tịch của liên minh này, bao gồm Thượng nghị sỹ Marco Rubio của Đảng Cộng hòa và Thượng nghị sỹ Bob Menendez của Đảng Dân chủ của Hoa Kỳ, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani, thành viên Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện Châu Âu Miriam Lexmann và nhà lập pháp lỗi lạc của Đảng Bảo thủ, Vương quốc Anh Duncan Smith.
Ông Cotler cho biết ông hoan nghênh liên minh về Trung Quốc và cho rằng liên minh này sẽ giúp “huy động những cử tri lương tâm”. Nhưng ông nói thêm điều này là chưa đủ, bởi “điều mà chúng ta đang phải đối phó là một chế độ tàn bạo đàn áp chính công dân của mình trên quy mô lớn và xuất khẩu sự hiếu chiến của nó ra nước ngoài.”
Cụ thể là, ông đưa ra những đề xuất như một Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc chuyên trách việc bảo vệ các quyền và tự do của người dân Hồng Kông, chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công, bảo vệ sự liêm chính của các tổ chức quốc tế như WHO và Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, cũng như thực thi các chế tài của Đạo Luật Magnitsky đối với người vi phạm nhân quyền, và một số đề xuất khác.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/3/408522.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/7/6/185759.html
Đăng ngày 12-07-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.