Bài viết của Vương Anh, phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 20-06-2020] Ngày 19 tháng 6 năm 2020, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo đã phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Copenhagen trực tuyến về Dân chủ, một diễn đàn thường niên nhằm thúc đẩy nền dân chủ. Trong bài diễn văn bế mạc của sự kiện kéo dài hai ngày này, ông đã nhắc lại mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản đối với toàn thế giới và kêu gọi nỗ lực chấm dứt nó.

Bài phát biểu của ông Pompeo cho thấy Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác tiếp tục ủng hộ dân chủ và tự do tín ngưỡng. Trong cuộc họp báo công bố “Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2019” vào hôm 10 tháng 6, ông Pompeo đã nói đến cuộc bức hại học viên Pháp Luân Công và các nhóm tín ngưỡng khác ở Trung Quốc.

Hội nghị lần này do ông Anders Rasmussen, cựu Thủ tướng Đan Mạch và Tổng thư ký của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tổ chức. Chủ đề hội nghị năm nay là Bảo vệ nền Dân chủ trong thời kỳ COVID-19 – Viễn cảnh xuyên Đại Tây Dương. Bài phát biểu của ông Pompeo, với tiêu đề “Châu Âu và Thách thức của Trung Quốc”, có sẵn trên trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Cùng hôm 19 tháng 6, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết lên án việc Trung Quốc thông qua luật an ninh mới tại Hồng Kông, và kêu gọi các quốc gia thành viên phản ứng bằng cách đệ đơn kiện chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) .

Trả giá cao cho việc vi phạm các nguyên tắc

Đã từng là một người lính tuần tra dọc theo Bức tường Berlin, rồi sau đó là sỹ quan tình báo Hoa Kỳ, ông Pompeo hiểu rõ rằng không dễ gì để có được nền dân chủ.

Ông giải thích: “Làn sóng dân chủ ở Đông Âu và Liên Xô cũ cách đây 30 năm khiến chúng tôi tin, có lẽ là hợp lý, rằng tự do sẽ lan rộng đến mọi quốc gia, và đó là điều không thể tránh khỏi. Vậy nên, chúng tôi đã vào cuộc. Chúng tôi đã mở cửa cho một chế độ toàn trị mà chúng tôi biết là thù địch với các giá trị dân chủ.”

Ông Pompeo bình luận ĐCSTQ “nghĩ rằng họ có thể lợi dụng thiện chí của chúng tôi khi cam đoan với chúng tôi rằng họ muốn có một mối quan hệ hợp tác. Như Đặng Tiểu Bình đã nói: ‘Che giấu sức mạnh’, và ‘Chờ đợi thời cơ’.”

Sự hợp tác của các nước phương Tây với ĐCSTQ đã không thể thay đổi nó, và nó tiếp tục vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc cũng như lên kế hoạch chấm dứt các quyền tự do lâu đời ở Hồng Kông. Nhưng thiệt hại do ĐCSTQ gây ra không chỉ giới hạn đối với Trung Quốc hay người dân Trung Quốc. Ông Pompeo giải thích: “Nó ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Nó đã nói dối về virus corona, và sau đó để virus này lây lan ra các khu vực còn lại trên thế giới trong khi gây áp lực với Tổ chức Y tế Thế giới khiến họ tiếp tay cho chiến dịch bưng bít – và cũng theo cách ấy, sự thiếu minh bạch vẫn còn tiếp diễn đến tận ngày nay.”

Ông nói thêm: “Hiện giờ, hàng trăm nghìn người đã chết, và nền kinh tế toàn cầu đã bị ảnh hưởng nặng nề. Thậm chí đến nay, đã vài tháng xảy ra đại dịch, chúng ta vẫn không lấy được mẫu virus sống, chúng ta không được tiếp cận các thiết bị thí nghiệm, và vẫn không có thông tin về các bệnh nhân tháng 12 ở Vũ Hán. Nó đang thúc đẩy thông tin sai lệch và các chiến dịch mạng độc hại để làm suy yếu các chính phủ của chúng ta, để chia rẽ Hoa Kỳ và Châu Âu, và khiến các quốc gia đang phát triển phải gánh nợ và phụ thuộc vào nó.”

Hơn nữa là, những công ty công nghệ do quân đội Trung Quốc đứng sau như Huawei cũng gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng. Ông nhận xét: “Mọi khoản đầu tư từ một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đều khơi dậy sự nghi ngờ.”

Lựa chọn giữa tự do và chế độ toàn trị

Ông Pompeo cho biết cũng như các nước khác, châu Âu đang phải đối mặt với thách thức từ Trung Quốc. Trên bề mặt, đó là sự lựa chọn đứng về phía Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc, nhưng thực tế thì “đó là lựa chọn giữa tự do và sự chuyên chế”. Châu Âu và Hoa Kỳ có điểm chung về vấn đề này. Ông lưu ý: “Cũng không có cách nào đứng giữa các lựa chọn này mà không từ bỏ bản chất của chúng ta. Các nền dân chủ phụ thuộc vào chế độ toàn trị thì không xứng với danh của họ.”

Bất chấp áp lực không ngừng và sự đe dọa từ chính quyền cộng sản Trung Quốc, ông Pompeo nói ông tin: “Dân chủ thật sự lớn mạnh. Chúng ta đã đánh bại chủ nghĩa phát xít. Chúng ta đã chiến thắng Chiến tranh Lạnh.” Tuy nhiên, không có lý do gì để trở nên tự mãn, và “nó cần sự quản lý cẩn thận, chắc chắn và liên tục cảnh giác”. Ngoài Liên minh Nghị viện Đa Quốc gia về Trung Quốc mới thành lập của các nhà lãnh đạo châu Âu, nhiều quốc gia như Đan Mạch, Vương quốc Anh, Cộng hòa Séc, Thụy Điển và các đồng minh NATO khác cũng đã đứng lên chống lại ĐCSTQ.

Bảo vệ quyền tự do là không dễ. Ông Pompeo giải thích: “Toàn thế giới có thể thấy chúng ta có những xung đột gay gắt thế nào, giống như Hoa Kỳ đang phải đối mặt hiện nay. Nhưng cuộc đấu tranh đó thể hiện sự cam kết đối với các giá trị cơ bản và nỗ lực không ngừng của chúng tôi để hướng tới sự thống nhất hoàn hảo hơn. Đó chính là chúng tôi, và chúng tôi chia sẻ những giá trị đó với những người bạn châu Âu.”

Trong phiên hỏi đáp, ông một lần nữa nhấn mạnh về tư duy mới về chủ nghĩa cộng sản. Ông giải thích: “Hoa Kỳ đang phản ứng lại Đảng Cộng sản Trung Quốc và tấn công theo cách mà Hoa Kỳ chưa làm trong 20 năm qua. Không còn thời gian để nghe những gì Đảng Cộng sản Trung Quốc giải thích nữa. Chúng ta có thể xem hành động của họ….. Họ đã thủ tiêu các bác sỹ, che giấu thông tin, và không cho thế giới tiếp cận những điều cần thiết để đối phó với virus này theo cách có thể giảm rất nhiều rủi ro và chi phí.”

Cuối cùng, ông nói thêm rằng chính sách của Hoa Kỳ không nhằm gây ra tác động tiêu cực cho người dân Trung Quốc, mà là nhằm vào ĐCSTQ. Vì ĐCSTQ sử dụng thủ đoạn chia để trị, nên ông Pompeo kêu gọi các nước phương Tây hợp tác chặt chẽ với nhau để có được kết quả tốt hơn.

Nghị quyết của Nghị viện châu Âu

Theo trang Quartz đưa tin trong một bài viết ngày 19 tháng 6 với tiêu đề “Nghị viện đứng đầu chiến tuyến chống Trung Quốc của châu Âu”, Nghị quyết được Nghị viện châu Âu thông qua ngày 19 tháng 6 là một phần trong chuỗi các hành động giải quyết vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc.

Do đại dịch virus corona, hậu quả của sự bưng bít của ĐCSTQ, Liên minh châu Âu đã thảo luận về đa dạng hóa chuỗi cung ứng và đánh giá lại vai trò của các công ty Trung Quốc trong hệ thống mạng 5G trong tương lai.

Cụ thể, nghị quyết mới kêu gọi phóng thích một tác giả Thụy Điển đã xuất bản những cuốn sách lên án ĐCSTQ, và xem xét lại quan điểm của EU về vụ thảm sát Thiên An Môn. Ngoài ra, nó kêu gọi các quốc gia EU giải quyết vấn đề Hồng Kông thông qua các biện pháp trừng phạt tương tự Đạo luật Magnitsky và các tổ chức quốc tế như như Liên Hợp Quốc và ICJ.

Tình hình nhân quyền ở Trung Quốc ngày càng xấu đi. Gần đây, ông Dư Văn Sinh, một luật sư nhân quyền ở Bắc Kinh, đã bị xử 4 năm tù giam. “Trong khi chính sách không khoan nhượng của chính phủ Trung Quốc đối với các nhà phê bình được biết đến rộng rãi, thì việc tuyên án bí mật một luật sư nhân quyền khác cho thấy luật pháp ở Trung Quốc ở một cấp thấp mới”, trong một thông cáo báo chí của Tổ chức Ân xá Quốc tế ngày 17 tháng 6, có chú thích thêm rằng ông Dư trước đây từng đại diện cho một luật sư nhân quyền khác là Vương Toàn Chương, cũng như các học viên Pháp Luân Công.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/20/407958.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/24/185635.html

Đăng ngày 27-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share