[MINH HUỆ 10-5-2010] Can nhiễu ào đến ngoài dự liệu của các học viên, để lại một ấn tượng sâu sắc và những nhìn nhận khác nhau. Từ một góc độ nào đó mà xét, nó biểu lộ ra rằng học viên chúng ta có thể trầm tĩnh không loạn khi gặp việc chấn động kinh tâm hay không, có thể dùng chính niệm để nhìn nhận vấn đề hay không, nghĩa là, học viên chúng ta trưởng thành đến đâu, và chỉnh thể của chúng ta là như thế nào.

Có việc tôi biết, có việc tôi không biết, nhưng cũng muốn chia sẻ đây một chút nhìn nhận mang tính cá nhân.

Sáng sớm thứ Sáu, 7 tháng Năm 2010, công an sau khi có được “chứng cớ” về ba tờ tài liệu in mà không “xin phép”, đã cho một đội trên mười người đến vây bắt học viên tập ở nhóm công viên Thành Công về đồn. Công an tất cả mặc thường phục, trừ một người mặc đồng phục. Sáu học viên đã bị giữ và thẩm vấn ở công an phường Thành Công suốt từ sáng sớm cho đến tối hôm đó mới thả. Học viên nhận được yêu cầu miệng của công an rằng không được phép tiếp tục tập công ở đó nữa. Không có giấy tờ, chỉ là yêu cầu miệng. Các tài liệu bị tước đoạt. Không nói đến phương diện khác, chỉ nói về phương diện Pháp hội, thì đây chính là một đe dọa trực tiếp vào những học viên nào có dự định sẽ tham dự Pháp hội tổ chức vào ngay ngày Chủ Nhật tiếp đó.

Đêm thứ Sáu rạng sáng thứ Bảy, công an đột nhập vào một địa điểm lưu tài liệu của học viên ở Sài Gòn, lục soát và lấy đi rất nhiều tài liệu, đĩa CD, DVD, và khoảng 100 cuốn sách Chuyển Pháp Luân, cùng ảnh lớn hình Sư phụ, hình Pháp Luân, cả hình Sư phụ được đệ tử bày để thờ cũng bị lấy đi. Các đồng tu khi biết tin, nhiều người lặng cả người, nhiều người không cầm được nước mắt, khi biết tin những cuốn sách Chuyển Pháp Luân và hình Sư phụ cũng bị cướp mất.

Chủ Nhật 9 tháng Năm 2010, ngày Pháp hội, công an đã có mặt nơi diễn ra Pháp hội từ sáng sớm. Thường phục, đồng phục, mặc đồ kiểu “bảo vệ” đều có cả. Có đồng tu đã nói rằng, toàn thời gian từ đầu đến cuối, Pháp hội diễn ra với công an vây vòng trong vòng ngoài. Tôi nghĩ có lẽ so sánh vậy hơi cường điệu chút, nhưng quả thực những vị khách không mời này đã chuẩn bị rất là “chu đáo” và đến cũng không ít. Nhóm công viên Thống Nhất cũng thông báo rằng, xe ô-tô mà họ thuê thì vào đúng thời điểm đó cắt hợp đồng thuê xe, khiến họ phải rất mất thời gian tìm phương tiện khác để tới Pháp hội.

Quãng thời gian bắt đầu, có những người lân la đến hỏi han việc này khác, tỏ ý quan tâm và thậm chí ngỏ ý cũng muốn vào nghe. Các đệ tử xuất phát từ tâm từ bi đã đưa sách Chuyển Pháp Luân tặng cho, thậm chí cho cả vé vào. Về sau phát hiện rằng, mấy vị dáng vẻ thân thiện ấy hoá ra là người của công an.

Tiếp đó xuất hiện công an văn hoá, nói rằng, chúng tôi phát hiện ở đây có tài liệu in mà chưa xin phép, và yêu cầu lục soát tư trang của mọi người để điều tra thêm. Các đệ tử có ý phản đối, trong đó một đệ tử hơi lớn tiếng một chút. Ngay lập tức, một người đang đứng phía sau trong nhóm công an tiến lên và chỉ tay lớn lối gây sự với đệ tử này. Nhận ra rằng công an muốn gây sự để lam to chuyện, một đệ tử khác đã bước ra dùng lời lẽ hoà nhã để giải toả căng thẳng. Một đệ tử đã đề nghị là chuyển sang giờ nghỉ trưa. Nhưng sau đó công an cũng không tiến hành lục soát nữa, có lẽ họ có người nằm trong đệ tử và biết được rằng sách Chuyển Pháp Luân không ở trong hội trường, mà là ở trong ô-tô.

Tiếp đó xuất hiện công an xuất nhập cảnh, nói rằng, ở đây có người nước ngoài, vậy họ muốn kiểm tra giấy tờ tuỳ thân của người nước ngoài, bảo rằng, rằng soát xét là nằm trong chức trách của họ. Một đệ tử đã đề nghị rằng hãy đợi đến giờ nghỉ trưa.

Đến lúc nghỉ trưa, bầu không khí dần dần trở nên căng thẳng, khi công an thường phục và đồng phục đi vòng vòng bên ngoài, lén lút quay phim, chụp ảnh, v.v. Có đệ tử xác nhận rằng họ phát sóng gây nhiễu hệ thống micro khiến tiếng micro bị rè suốt buổi.

Trước tình hình đó, vấn đề nên giải quyết thế nào được đặt ra trước toàn thể những ai ngồi trong hội trường. Các đệ tử toàn hội trường nhìn nhận rằng công an đến là để can nhiễu Pháp hội. Mặc dù họ không có bất kể lý do gì đáng kể, nhưng họ cứ yêu cầu những thứ như đòi tìm cuốn sách không phép (ở Việt Nam những cái đó đơn giản là có quá nhiều, những sách bói toán không phép và những đĩa CD lậu có khắp nơi). Thông thường người ta chỉ quan tâm đến những thứ văn hoá phẩm đồi truỵ hoặc tài liệu phá hoại thôi, chứ sách dạy làm người tốt thì không ai lại nói chuyện luật xin phép gì cả. Đặc biệt lại tự dưng đòi hỏi phải xuất trình giấy tờ. Một số đệ tử tìm cách giảng chân tướng, nói về Đại Pháp là tốt, v.v. nhưng công an nghe thì nghe, cũng không phản đối, nhưng “nhiệm vụ” của họ thì họ vẫn phải làm.

Các đệ tử trong Pháp hội cuối cùng quyết định là, vì mình không có gì vi phạm gì cả, mấy cái soát xét kia là can nhiễu, nên quyết định vẫn tiếp tục Pháp hội như thường. Nghĩa là mặc kệ công an.

Công an mặc đồng phục, thường phục, và mặc đồ “bảo vệ” xuất hiện đòi xem giấy tờ tuỳ thân.

Công an mặc đồng phục, thường phục, và mặc đồ “bảo vệ” xuất hiện đòi xem giấy tờ tuỳ thân.

Đến lúc quãng buổi trưa, hơn mười công an xông vào trong hội trường, đến chỗ các bạn đồng tu Đài Loan, yêu cầu cho xem giấy tờ tuỳ thân. Các bạn đồng tu Đài Loan yêu cầu công an giải thích, thì họ giải thích là họ chỉ xem giấy tờ thôi. Giải thích như thế rất không thuyết phục. Công an cho cả hơn chục người vào hội trường, chỉ để xem giấy tờ tuỳ thân! Các đệ tử Đài Loan lúc đầu ngồi bất động, chỉ nhìn công an mỉm cười, sau đó một nam đệ tử người Đài Loan đứng lên dùng lời lẽ ôn tồn giải thích trên cơ sở Pháp luật. Nói chuyện được một lúc, đột nhiên một “đệ tử” xông lên nói năng lớn lối, mang tính rất kích động, bảo rằng là đệ tử thì phải tuân thủ Pháp luật, phải nghe theo công an, tu gì thì cũng phải cho người ta ăn chứ, chỉ thẳng vào các đồng tu Đài Loan mắng chửi v.v. Lập tức một đệ tử cầm micro nói lớn có ai biết người này không, và hoá ra là không có ai biết người này cả. Một công an trừng mắt nhìn người đệ tử cầm mirco, một công an khác đi đến đứng đằng sau người vừa kích động đó để bảo vệ. Xem ra người này cảm thấy không ổn, nên sau đó đã lặng lẽ rời đi. Các đệ tử xác định rằng đây là người của công an gài vào để gây kích động.

Bấy giờ, một mặt nói chuyện với đồng tu Đài Loan, một mặt công an tỏ ra thân thiện với “bà con”, dường như muốn mô tả là: Công an chúng tôi rất thân thiện, bà con đừng hiểu lầm, chỉ là mấy vị Đài Loan này không có chịu nghe chúng tôi. Trong lúc nói chuyện, một đệ tử cầm máy ảnh kỹ thuật số ghi lại hiện trường. Công an chỉ thẳng vào mặt người học viên đó rồi đổi giọng: “Các ông cứ quay cứ chụp đi! Quyền sinh quyền sát các ông nằm trong tay chúng tôi đấy!” Một cảnh sát mặc thường phục lao vào định cướp máy ảnh của người học viên. Người học viên bỏ chạy, cảnh sát đuổi theo, tuy nhiên các học viên khác đã ngăn lại kịp thời. Đột nhiên một cảnh sát mặc thường phục khác chạy từ ngoài vào đuổi đánh một học viên lớn tuổi đã can ngăn và dọa: “Tao bắt tất cả chúng mày về Phường bây giờ!” Một số công an trong quần áo “bảo vệ” từ bên ngoài xông vào định can thiệp, vừa đi vừa nói: “Nhẹ nhàng không muốn lại cứ muốn …”

Tất nhiên, đại đa số đệ từ không bị dao động bởi cái kiểu vừa vỗ về vừa dọa nạt ấy. Các ông vào đây cả trên mười người để xem giấy tờ, mà không chỉ có công an hải quan, mà quanh đó và ở ngoài hội trường còn có công an bảo vệ chính trị (luôn đứng sau, không ra mặt), công an văn hoá, những người mặc đồ bảo vệ, và thậm chí công an giao thông cũng có mặt chặn trước chặn sau ở các lối ra vào khu vực đó. Ông đến để xem cái giấy tờ cá nhân đúng vào thời điểm chúng tôi đang tổ chức Pháp hội. Nghe sao kỳ vậy! Nhưng công an kiên quyết ép buộc, và đồng tu Đài Loan cuối cùng cũng đưa đầy đủ giấy tờ tuỳ thân. Đồng tu Đài Loan tuyên bố khi về nước họ sẽ phản ánh việc này lên cơ quan có thẩm quyền của Đài Loan, vì hành động của công an Việt Nam là ngang nhiên vi phạm nhân quyền. Đòi xét hỏi nhũng nhiễu mà không có một lý do thực tế nào cả. Bấy giờ khi đồng tu Đài Loan hỏi thẳng rằng, việc công an Việt Nam làm thế này có phải là do Đảng Cộng sản Trung Quốc gây sức ép hay không thì công an đã tỏ ra khá “áy náy” và không biết nói sao. Thái độ là không có dám phủ nhận. Một đệ tử đã hỏi thẳng vào một vị bên công an rằng: Bây giờ chúng ta là người Việt với nhau, nói chuyện thẳng từ trong lòng, thật lòng, tôi muốn nói với ông rằng các ông đến đây không phải vì để xem mấy cái giấy tuỳ thân. Lúc đó vị bên công an kia tái mặt và không thể trả lời, vì bị nói trúng.

Sau khi xem xong giấy tờ tuỳ thân của các đồng tu Đài Loan, thì công an không còn bất kể lý do gì để ở lại, nên phải rời đi. Các đệ tử vỗ tay, và hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo!” nhiều lần. Công an ngượng ngùng đi ra, nói vớt vát rằng: Chúng tôi chỉ là xem giấy tờ thôi, thế thôi, xong rồi chúng tôi đi ra. Mọi người tiếp tục ăn trưa và tiếp tục Pháp hội.

Tuy nhiên trong thời gian trao đổi qua lại đó, có một vấn đề. Đó là có một số đệ tử cũng to tiếng với công an. Có những đệ tử khác, vì không biết được trao đổi cụ thể là gì, vì chướng ngại do ngôn ngữ bất đồng, nên khi chứng kiến vậy bèn cảm thấy kiểu như: “Có phải chúng ta sai rồi, họ chỉ xem giấy tờ thôi mà sao căng thẳng thế!” Thực ra, công an đi vào và sau đó ngượng ngùng đi ra là vì họ không tìm được cái gì để họ lợi dụng để từ đó tiếp tục can nhiễu đến Pháp hội. Chứ họ đâu phải đến để xem giấy tờ rồi ra!

Tiếp đó là cúp điện. Không có điện, Pháp hội vẫn tiếp tục. Trời đột nhiên trở nên mát mẻ và lộng gió, không có điện cũng không thấy khó chịu lắm. Pháp hội duy trì đến cuối.

Khi một chiếc xe ô-tô rời đi, thì công an lập tức theo dõi, và vừa ra khỏi địa phận đó, thì công an giao thông lập tức yêu cầu dừng xe mặc dù chiếc xe không hề phạm luật. Sau đó người lái xe đã xuống trình giấy tờ nhưng một cảnh sát giao thông vẫn nhảy lên xe, ngồi vào chỗ tài xế, uy hiếp các đồng tu Đài Loan và định đưa tất cả về trụ sở công an phường sở tại. Các đồng tu Đài Loan đã nhanh chóng xuống xe. Cảnh sát giao thông đã đưa người lái xe lên công an phường, trên xe có 50 cuốn Chuyển Pháp Luân. Các đồng tu Đài Loan đã liên hệ ngay với đại diện của Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc ở Hà Nội yêu cầu trợ giúp. Đại diện của Văn phòng Kinh tế Văn hoá Đài Bắc đã ngay lập tức liên hệ với công an quận Cầu Giấy yêu cầu trả người và xe. Chiếc xe và người lái xe đã được trả lại nhưng công an giữ lại 50 cuốn sách Chuyển Pháp Luân.

Nhận được tin về xe ô-tô thứ nhất bị thu và mất sách, các đệ tử cảm thấy rất không ổn. Tình hình trở nên căng thẳng khi công an bao vây chiếc ô-tô thứ hai và chuẩn bị cũng thu nốt chỗ sách còn lại. Kịch liệt khi mấy người công an xông vào cướp cuộn đựng ảnh Sư phụ ở trong tay một đệ tử. Đệ tử không cho phép, và xảy ra giằng co một hồi. Cuối cùng thì ống đựng ảnh Sư phụ đã được bảo vệ, không bị công an cướp mất. Còn sách thì công an kiên quyết bao vây và dùng các loại thủ đoạn đe doạ cứng rắn cũng như thuyết phục và cuối cùng họ đã lấy đi. Với lý do là lấy về để đi thẩm định là có được phép lưu hành không. Nếu không sao thì sẽ trả lại. Khi đối diện với việc công an đòi lấy sách Chuyển Pháp Luân và hình ảnh Sư phụ, các đệ tử cảm thấy không thể chấp nhận nổi, vì sách và hình Sư phụ quá trân quý. Nhưng cuối cùng vẫn bị lấy đi. Nhiều đệ tử tỏ ra vô cùng đau lòng trước sự việc như vậy. Vậy là tổng cộng, công an đã đến lấy đi khoảng 100 cuốn Chuyển Pháp Luân từ hai ô-tô.

Sau khi “hoàn thành nhiệm vụ” giữ sách, công an văn hóa lập biên bản tạm giữ sách và đẩy cảnh sát giao thông vào cuộc, kiểm tra giấy tờ chiếc xe thứ hai. Vin vào một thiếu sót rất nhỏ trong giấy tờ xe, cảnh sát giao thông đã đem xe về để tạm giữ vì không đủ giấy tờ, nhưng thực chất là gây áp lực cho các đệ tử. Khi người đệ tử hoàn tất thủ tục giấy tờ của chiếc xe vào sáng hôm sau, cảnh sát giao thông vẫn không cho lấy xe mà nói: Chờ chỉ huy ký quyết định trả xe! Nhưng thực chất theo thông tin đệ tử này hỏi được nhờ các kênh thông tin khác, thì việc trả lại xe do bên Công An văn hóa chưa đồng ý trả lại xe cho người đệ tử này!

Một nhóm đệ tử khác cũng kể rằng, sau khi rời khỏi Pháp hội, liền bị công an theo dõi đến tận nơi ở. Sau sự việc bắt người ở công viên Thành Công, cũng có hiện tượng công an theo dõi học viên ở đó. Tôi kể ra ở đây để lưu ý các bạn hãy chú ý một chút về an toàn và an ninh.

Trên đây là mô tả những gì đã diễn ra. Tôi cố gắng viết không viết quá dài, nhưng cũng đủ chi tiết. Có thể có điều nào đó tôi không biết, nhưng hy vọng đã mô tả được bức tranh tương đối đầy đủ.

Sau đây là nhận thức của cá nhân tôi về việc này.

Thứ nhất, thiệt hại lớn nhất là mất sách Chuyển Pháp Luân. Chúng ta đã không bảo vệ được sách. Trước mắt mà nói, thì là mất tổng cộng đã lên 200 cuốn sách rồi (gồm cả Sài Gòn và Hà Nội). Sách có thể khiến người thường trở thành đệ tử, vậy phải chăng chúng ta đã mất 200 người có thể trở thành đệ tử của Sư phụ. Từ một phương diện khác mà giảng, sách là trong tay các đệ tử. Nếu công an cứ vin vào lý do xin phép vớ vẩn gì đó thì họ sẽ cướp được nhiều thứ nữa. Cái này rất không ổn. Tôi nghĩ, có đồng tu nào tìm hiểu Pháp luật, hoặc cách nào đó xem. Không lẽ công an cứ tùy tiện cướp những thứ tài sản của dân, nghe rất không hợp lý. Ngoài ra, tất cả các đồng tu, kể cả tôi, cần phải hết sức nghiêm túc tự xem lại mình, xem có thiếu sót gì liên quan không. Tôi cũng chỉ nói được đến vậy, không nói chi tiết nữa.

Về chỉnh thể, nhìn từ góc độ chỉnh thể, tôi nghĩ rằng  các đồng tu thực sự thành công trong việc bài trừ can nhiễu. Tà ác đã thất bại trong việc lợi dụng công an gây can nhiễu cho Pháp hội. Có thể nếu từ bi hơn, chính niệm mạnh hơn, thì sẽ làm tốt hơn. Dù sao đi nữa, những gì diễn ra khi đệ tử bài trừ can nhiễu cũng làm tôi phải thấy vô cùng cảm khái. Mà không chỉ tôi, các đồng tu Đài Loan cũng đánh giá việc này khá tốt. Tất nhiên, chúng ta còn nhiều thiếu sót, rất nhiều, nhưng với hoàn cảnh là lần đầu tiên đụng phải việc thế này, không có kinh nghiệm từ trước, thì tôi thấy là khá lắm rồi. Tôi tin rằng chúng ta được Sư phụ bảo hộ trong việc này.

Thể hiện ở bề mặt là như vậy. Tôi tin rằng ở không gian khác, để huy động cho đợt ra quân lần này, tà ác cũng chắc chắn gom được một đội ngũ nào đó. Từ thể hiện trong việc thất bại khi can nhiễu Pháp hội chúng ta ở không gian bên này, tôi nghĩ rằng, một lượng lớn tà ác ở không gian bên kia đã bị giải thể.

Có một số ít các đệ tử cho rằng chúng ta phải thuận theo yêu cầu của công an khi xuất trình giấy tờ. Tôi thì không nghĩ như vậy. Họ đến hoàn toàn với mục đích để can nhiễu. Cái gì cũng làm theo họ thì coi như việc chúng ta hỏng. Thực chất chúng ta cũng là làm đúng Pháp luật khi yêu cầu công an phải giải thích rõ ràng là tại sao, v.v. Trên thực tế, tôi nghĩ công an biết rõ các đệ tử Đài Loan có đủ visa, vì họ đã theo dõi từ khi nhập cảnh rồi, việc kiểm tra chỉ là cái “cớ” để can nhiễu mà thôi. Theo tôi hiểu, những đồng tu nào ở công viên, đã từng bị công an đến dùng các biện pháp kiểu này để giải tán nhóm tập công tập thể, sẽ hiểu rõ vấn đề này.

Có một số nhỏ đệ tử, có lẽ vì tâm sợ hãi, khi thấy công an đến, chụp hình quay phim, nên đã rời hội trường và ra ngoài. Tôi cảm thấy thật đáng tiếc cho họ. Tại sao lại như vậy? Tôi xin phép trình bày hơi dài dòng một chút như sau.

Hiện nay ở Sài Gòn, có sự tranh luận gay gắt, thậm chí dẫn đến gần như chia thành hai nhóm, liên quan đến việc giảng thanh chân tướng ở Việt Nam. Nhóm một hiểu rằng giảng thanh chân tướng tức là nói về cuộc bức hại ở Trung Quốc, từ đó giải toả gánh nặng cho đồng tu Trung Quốc. Đây là cách diễn giải mà các đệ tử toàn thế giới đều nhìn nhận như thế. Nhóm hai “diễn giải” rằng do tình hình Việt Nam là đặc biệt, cụ thể là do hệ thống Pháp luật khác biệt, nên giảng thanh chân tướng chỉ là “nói Pháp Luân Đại Pháp là tốt” là được rồi, bảo họ vào tu luyện Đại Pháp là được rồi. Và gán nhãn “làm chính trị” cho nhóm một. Tranh luận tới lui mãi rất gay gắt. Trích dẫn cả kinh sách ra để chứng minh quan điểm của mình.

Tôi thì có cách nhìn nhận rằng, tình hình của chúng ta có lẽ cũng không khác giai đoạn ngay trước 20 tháng Bảy 1999 ở Trung Quốc. Mặc dù 20 tháng Bảy là khai mở bức hại, nhưng thực ra, những sức ép và can nhiễu đã có từ trước. Một mặt gia tăng sức ép, một mặt đưa ra các thông tin sai lệch lên các phương tiện thông tin đại chúng (như sự kiện Quang Minh Nhật Báo), một mặt đưa ra các cách “diễn giải” Pháp Lý khác nhau, đó chính là cách tốt nhất để chia rẽ cộng đồng học viên. Đây là thủ đoạn chính trị kinh điển. Nhưng trải qua những thông tin mờ mịt nhiễu loạn ấy thì sao? Cuối cùng thì trong những bài giảng Pháp thì Sư phụ khẳng định điều gì? Khi Quang Minh Nhật Báo nói xấu Pháp Luân Công, thì đứng lên kháng nghị là đúng hay không đúng? Khi một số đệ tử bị bắt giam thì bước ra kháng nghị là đúng hay không đúng? Cái đó Sư phụ giảng cả rồi. Ai đọc lại và xem lại những gì diễn ra trước và ngay sau 1999 cho đến 2000, 2001, 2002 ở Trung Quốc sẽ thấy rõ ngay.

Tóm lại, câu trả lời có hết ở trong Pháp rồi. Phân biệt những đệ tử nào thật sự theo Sư phụ và không theo Sư phụ, chính là ở chỗ này. Ai vì việc này mà tung những nhận xét không lý trí, dẫn đến chia rẽ đệ tử, thì chính là đang làm điều mà tà ác muốn làm, cũng là phải chịu trách nhiệm trước Sư phụ và Pháp. Ai thuận theo cái lý của tà ác, chính là đi sang phía phản diện. Nếu không kịp thời nhận ra, sẽ nguy hiểm vô cùng.

Trên đây là những chia sẻ cá nhân. Có gì thiếu sót, xin được từ bi chỉ rõ. Xin cảm ơn.

Share