Bài viết của Tinh Dũng, học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc Đại lục

[MINH HUỆ 23-12-2019] Gần đây trong khi học Pháp, tôi đã đọc được đoạn Pháp sau của Sư phụ:

”.. Ngữ khí, thiện tâm trong công tác, thêm vào đó là đạo lý có thể cải biến nhân tâm, chứ mệnh lệnh vĩnh viễn không thể!” (Thanh TỉnhTinh Tấn Yếu Chỉ)

Tiến trình Chính Pháp đang tiến tới rất nhanh. Nếu các học viên chúng ta phối hợp với nhau được tốt hơn thì chúng ta có thể trợ Sư chính Pháp được tốt hơn và sẽ cứu thêm được nhiều người hơn. Tôi đã suy nghĩ về việc làm thế nào để bản thân mình có thể có được thiện tâm và ngữ khí hòa ái hơn. Làm thế nào để suy nghĩ của bản thân đều có thể chiểu theo các Pháp lý mà Sư phụ đã chỉ dạy chứ không phải là những quan niệm người thường?

Trong một lần trò chuyện với vợ (cũng là một học viên), tôi nhận thấy ngữ khí của mình thật khó ưa; Tôi không đủ thiện và cũng không nói rõ ra được đạo lý. Tôi cần hướng nội, vì tôi nhận ra đây không chỉ đơn thuần là vấn đề cần nói chuyện với người khác như thế nào mà nó là phản ánh trạng thái tu luyện của tôi.

Ngữ khí

Tôi nhận ra rằng, vì sự thiếu kiên nhẫn của bản thân nên ngữ khí của tôi không dễ nghe. Tại sao tôi lại thiếu kiên nhẫn như vậy? Tôi phát hiện ra đó chính là vì tôi có tâm truy cầu kết quả. Nếu cuộc nói chuyện không diễn ra theo như ý muốn của tôi, tôi sẽ mất kiên nhẫn. Tôi thực sự tìm kiếm điều gì? Khi nói chuyện với mọi người, tôi có quan niệm rằng người khác cần nghĩ theo hướng này hoặc làm điều gì đó theo một cách nhất định nào đó. Nếu cách hành xử của họ không đúng theo tiêu chuẩn của tôi thì tôi sẽ trở nên mất kiên nhẫn và ngữ khí của tôi sẽ trở nên gay gắt. Khi tôi cảm thấy mình bị đối xử bất công, ngữ khí của tôi cũng lại gay gắt.

Hơn nữa, tôi cũng có chấp trước vào tình đối với vợ. Tôi thường xuyên có suy nghĩ rằng cô ấy là vợ tôi, vì thế giọng điệu gay gắt của tôi sẽ không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cô ấy. Tôi đã không hề nhận ra rằng lối nghĩ như vậy đã hạ thấp tiêu chuẩn tâm tính của bản thân mình. Tôi cần nói chuyện với mọi người với một tâm thái như nhau, bất kể là họ có tu luyện hay không.

Tôi cũng có vài suy nghĩ về một vấn đề khác: tự kỷ là gì? Theo thể ngộ hiện tại của tôi thì mỗi người đều có nhận thức và quan điểm của riêng mình. Điều đó là bình thường. Nhưng khi bạn áp đặt nhận thức và quan điểm của mình lên người khác và bắt họ phải suy nghĩ giống như bạn, thì khi đó bạn đang bị tự kỷ thao túng. Thực ra, đó không phải là tự kỷ chân chính của chúng ta, nó là những thứ xấu xuất phát từ tình.

Tôi nhớ có lần khi tôi bị tâm tự kỷ này thao túng trong một cuộc nói chuyện, tôi đã nghĩ rằng, tôi đang nói vì thế bạn phải lắng nghe; Nếu bạn không nghe, tôi sẽ không vui. Tôi đang nói vì vậy bạn phải nghe và bạn phải hiểu điều tôi nói. Nếu bạn không hiểu, tôi cũng sẽ không vui. Khi tôi hành xử ích kỷ như vậy, ngữ khí của tôi sẽ không dễ nghe chút nào.

Vậy làm thế nào mới có thể điều chỉnh được ngữ khí của mình? Thể ngộ hiện tại của tôi đó là khi chúng ta nói về một vấn đề mà chúng ta nhận ra được ở học viên khác, chúng ta cần tu khẩu và hướng nội. Đầu tiên, chúng ta cần xem xem liệu chúng ta có gặp phải đúng vấn đề như vậy hay không. Chúng ta cần coi bản thân mình là người tu luyện, khi đó ngữ khí của chúng ta sẽ hòa ái.

Sư phụ đã giảng:

“Tố nhi bất cầu Thường cư đạo trung” (Đạo TrungHồng Ngâm)

Chiểu theo lời dạy của Sư phụ, chúng ta cần cố gắng thiện tâm nhắc nhở các học viên với xuất phát điểm là để giúp họ. Đồng thời, chúng ta cũng cần nhớ rằng suy nghĩ của chúng ta là đến từ nhận thức về Pháp của chúng ta ở tầng thứ hiện tại; những người ở các tầng thứ khác nhau sẽ có những nhận thức khác nhau. Có thể tầng thứ của tôi thấp hơn tầng thứ của các học viên khác, vì vậy tôi không lý giải được suy nghĩ hay quan điểm của họ.

Sư phụ đã giảng:

” Tu luyện lộ bất đồng
Đô tại Đại Pháp trung”
(Vô TrởHồng Ngâm II)

Vì con đường tu luyện khác nhau nên các học viên sẽ thể hiện ra những trạng thái tu luyện khác nhau. Mọi người đều hành xử và suy nghĩ giống hệt như nhau là điều không thể. Bắt người khác phải có cùng suy nghĩ và quan điểm giống như bản thân mình là không phù hợp với Pháp.

Một học viên đã đưa ra một ví dụ để hình dung: các học viên đang tu luyện ở tầng thứ tám sẽ nghĩ rằng những việc mà người tu luyện ở tầng thứ tư làm là không phù hợp với Pháp ở các tầng thứ cao hơn; Tuy nhiên, những người ở tầng thứ tư cũng sẽ nhìn nhận rằng các tiêu chuẩn của tầng thứ tám là không thích hợp. Chúng ta không biết bản thân mình đang ở tầng thứ nào nhưng điều mà chúng ta có thể chắc chắn được đó là trong tu luyện nếu một người cứ khăng khăng rằng nhận thức của mình là đúng, còn nhận thức của người khác là sai thì khẳng định điều đó không phù hợp với Pháp. Nếu chúng ta hiểu được điều này, ngữ khí của chúng ta sẽ trở nên hòa ái hơn.

Thiện tâm

Nếu chúng ta mang tâm ích kỷ mà phán xét mọi việc – Tôi vui nếu hành xử của bạn phù hợp với quan niệm và nhận thức của tôi, thì ngược lại, khi đó người khác sẽ không cảm nhận được thiện tâm của chúng ta. Khi tôi nói chuyện với mẹ tôi (cũng là một học viên), tôi thường cảm thấy vui bởi vì những suy nghĩ của mẹ luôn phù hợp với tiêu chuẩn của tôi chứ không phải vì mẹ có thể ngộ về Pháp sâu sắc hơn hoặc là bà đã làm được tốt hơn trong tu luyện và chứng thực Pháp. Những chia sẻ của tôi cơ bản không phải là vì muốn tốt cho mẹ, vì thế không thể nhìn ra được thiện tâm của tôi.

Một học viên đã chia sẻ: “Khi một số học viên giáo dục con cái của họ, thì người ở ngoài xem không thấy đó là tốt. Đôi khi, người khác thậm chí còn không thể thấy rằng những học viên này đang cố gắng giúp con cái của họ. Điều mà người ta cảm nhận được là những người cha người mẹ này đang tức giận và đổ lỗi cho con cái của mình vì đã không làm tốt như những đứa trẻ khác. Họ không thể bình tĩnh để giúp con cái họ nhận ra nguyên nhân phạm sai lầm của chúng, và không giúp chúng một cách lý trí với tư cách là người lớn và một người tu luyện; người ta sẽ không thể thấy được thiện tâm của họ”. Thể ngộ của tôi là cách hành xử này không phù hợp với pháp lý mà Sư phụ đã giảng.

Chúng ta là những sinh mệnh tu luyện trong Đại Pháp và chúng ta sẽ trở thành các chủ, các vương trong tương lai. Sư phụ đã dạy:

“Từ bi thị Thần vĩnh hằng đích trạng thái” (Vì sao cự tuyệtHồng Ngâm III)

Theo thể ngộ của tôi thì sự từ bi mà Sư phụ nói tới, chính là kết quả của việc dần dần tu khứ tâm ích kỷ. Khi nói chuyện với người khác, chúng ta cần nghĩ cho người khác – liệu rằng người ấy có hiểu và tiếp nhận được điều tôi đang nói không? Có phải người đó đang chịu nhiều áp lực không? Những lời tôi nói có dựa trên Pháp và giúp ích cho người khác không? Những lời tôi nói ra có mang lại tác dụng tích cực trong việc trợ giúp Sư phụ cứu độ chúng sinh hay không? Chúng ta không được cứ luôn nghĩ về việc làm thế nào để cuộc nói chuyện mang lại lợi ích cho bản thân chúng ta.

Nếu chúng ta luôn suy nghĩ cho người khác, chúng ta sẽ khiến thiện tâm của mình dần lớn hơn. Người khác sẽ cảm nhận được điều đó trong lời nói của chúng ta. Vì vậy, chẳng phải tâm từ bi chân chính là biểu hiện tự nhiên của trạng thái tu luyện ở cao tầng hay sao?

Đạo lý

Khi chỉ ra những thiếu sót của những học viên khác, chúng ta cần cố gắng tống khứ những quan niệm người thường và nghĩ tới những Pháp lý của Sư phụ. Tất nhiên, chúng ta không nên dùng Pháp để dồn ép các học viên. Chúng ta cần đo lường suy nghĩ và hành động của chúng ta xem có phù hợp với Pháp hay không và thảo luận xem làm thế nào để chúng ta có thể cùng nhau đề cao dựa trên Pháp.

Chúng ta có thể trao đổi với các học viên khác xem làm thế nào để đo lường bản thân chúng ta theo Pháp và làm thế nào để nhìn rõ được những vấn đề ẩn giấu. Chúng ta có thể nhắc nhở đồng tu cần tĩnh tâm nhìn vào những chấp trước người thường của họ. Chúng ta có thể đề cập rằng chấp trước sẽ mang tới những dục vọng về danh, lợi, tình và sẽ cản trở tu luyện của chúng ta, ngăn cản chúng ta hoàn thành sứ mệnh cứu độ chúng sinh và chứng thực Pháp. Tôi tin rằng khi các học viên nhìn rõ được vấn đề, họ sẽ chiểu theo tiêu chuẩn ở cao tầng, chủ động chính lại bản thân, nhẫn chịu khổ nạn và đề cao.

Hãy để tôi miêu tả cách tôi đã nói chuyện với một học viên đang đối mặt với tâm tật đố.

Chúng ta có thể nói với các học viên rằng: Khi bạn không cảm thấy thoải mái và ghen tị với người khác, thì hãy nhìn xem liệu bạn có ở trạng thái mà Sư phụ đã miêu tả trong Chuyển Pháp Luân hay không:

“Nó có thể dẫn đến tâm tật đố: người khác nếu [có điều gì] tốt, thì thay vì cảm thấy mừng cho họ, người ta lại thấy bất bình trong tâm.” (Bài giảng thứ bảyChuyển Pháp Luân)

Nếu là vậy thì có thể bạn đang đố kỵ với người khác. Vậy bạn có thể làm gì lúc này? Bạn cần cố gắng tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và xem xét xem sự việc sẽ tai hại thế nào để từ đó khiến chúng ta coi trọng vấn đề này.

Từ trong Pháp, chúng ta biết rằng một trong những căn nguyên của tâm tật đố đó là “có quan hệ đến chủ nghĩa bình quân tuyệt đối mà chúng ta thực thi trước đây;” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân). Chúng ta cần hướng nội và xem xem liệu chúng ta có ôm giữ một quan niệm cố hữu rằng cuộc đời mỗi người nên phải giống nhau hay không. Chúng ta không nên tật đố khi thấy người khác có tâm tính cao hơn, nhiều tiền hơn, có quyền lực và gia đình hạnh phúc hơn. Sư phụ đã giảng rất rõ ràng về mối liên hệ về nghiệp lực trong Pháp. Khi chúng ta cảm thấy khó chịu, chẳng phải đó là vì chúng ta không tiếp thụ những lời chỉ dạy của Sư phụ hoặc không hoàn toàn tin tưởng vào những lời chỉ dạy đó sao?

Chúng ta cũng cần suy xét xem liệu tâm tật đố có đang phát tác mà chúng ta không nhận ra hay không. Chúng ta có thể hỏi các học viên khác xem liệu họ có nhận thấy biểu hiện của tâm tật đố ở chúng ta hay không. Nếu liên tục làm như vậy, chúng ta có thể càng ngày càng nhận rõ ra tâm tật đố của bản thân, và khi nó xuất hiện trở lại để can nhiễu chính niệm của chúng ta thì chúng ta có thể nhanh chóng nhận ra nó hơn và không bị nó thao túng.

Khi chúng ta hiểu được những hậu quả tiêu cực và nghiêm trọng của tâm tật đố, chúng ta sẽ có ý chí kiên định để tống khứ nó.

Chúng ta có thể tống khứ những quan niệm và chấp trước khác bằng cách đo lường bản thân theo Pháp. Đây là ví dụ để liên tưởng: nếu một ai đó nói với chúng ta rằng có một hố nước bẩn ở trước mặt chúng ta, nếu chúng ta nghe và hiểu được thì chúng ta sẽ không bước vào hố nước bẩn đó. Điều này xuất phát từ tự tâm của chúng ta. Không ai ép buộc chúng ta và chúng ta không làm điều đó để cho ai xem cả. Đây là một phản ứng bình thường để bảo vệ sự thuần tịnh của chúng ta khi chúng ta biết sự thật. Đó là lý tính và rất tự nhiên. Tu luyện vững chắc cũng là như vậy.

Khi cố gắng tống khứ những quan niệm và chấp trước người thường, chúng ta phải chịu đựng khổ nạn. Một số học viên biểu hiện rằng đôi khi họ không nguyện ý chịu khổ. Chúng ta có thể liên tưởng tới hố nước bẩn này. Khi nhảy qua hoặc đi xung quanh hố nước bẩn thì người ta phải bỏ ra nhiều sức lực hơn. Vì vậy, tu luyện chân chính thì phải chịu đựng gian khổ. Hiểu chân tướng và được ban phúc không chỉ giới hạn đối với những người thường minh bạch chân tướng về cuộc bức hại. Đó cũng là nói đến những học viên hiểu được chân tướng của vũ trụ, mà từ đó thúc đẩy chúng ta kiên định tu luyện và nâng cao năng lực chịu khổ.

Nếu chúng ta thực sự hiểu Pháp và hành xử theo Pháp thì chúng ta sẽ tu luyện được tốt. Đây là toàn năng và uy lực siêu thường của Đại Pháp.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/12/23/397359.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/1/10/182116.html

Đăng ngày 31-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share