Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Hoa Kỳ
[MINH HUỆ 10-11-2019] Tôi là một học viên khá mới. Sư phụ đã giảng cho chúng ta nhiều lần về việc học Pháp tốt.
Sư phụ giảng:
“Vậy để có thể làm cho tốt hơn nữa, chỉ có học Pháp thật tốt mới có thể làm được tốt đẹp hơn, hoàn thành sứ mệnh lịch sử này.” (Đệ tử Đại Pháp đang hoàn thành sứ mệnh)
“Mong mọi người hãy học Pháp cho nhiều, giảng chân tướng cho nhiều, và bước đi cho tốt con đường tu luyện của từng cá nhân mình.” (Gửi Pháp hội Nam Mỹ [2019])
Mỗi lần đọc hai bài giảng này, tôi lại chú ý tới những từ “học Pháp thật tốt”, “học Pháp cho nhiều”. Tôi muốn chia sẻ một số nhận thức của mình.
Tôi từng nghĩ rằng học Pháp tốt nghĩa là đọc sách Chuyển Pháp Luân và các bài giảng mới của Sư phụ thật nhiều, cũng như chép và học thuộc Pháp. Tôi bắt đầu suy ngẫm về việc “học” Pháp nghĩa là gì, vì đó là một trong ba việc mà Sư phụ yêu cầu các học viên chúng ta làm.
Sư phụ giảng:
“Niệm Phật hiệu thì người ta phải niệm một cách nhất tâm bất loạn, trong tâm không suy nghĩ gì cả, niệm đến mức các bộ phận khác trong đại não đều tê liệt, không còn biết gì nữa, một niệm thay vạn niệm; từng chữ từng chữ “A Di Đà Phật” đều có thể hiển hiện trước mắt. Đó chẳng phải công phu là gì? Lập tức có đạt được vậy không? Không đạt được; chưa đạt được thế thì khẳng định là chưa nhập tĩnh được; nếu không tin thì chư vị hãy thử đi. Ngoài miệng niệm hết lượt này lượt khác, nhưng trong tâm thì cái gì cũng nghĩ đến: ‘Tại sao lãnh đạo đơn vị công tác chỗ mình không coi trọng mình nhỉ, thưởng tháng này sao ít quá vậy’. Càng nghĩ càng bực mình, bực không chịu được, miệng vẫn còn đang niệm Phật hiệu; chư vị nói xem như thế luyện công được không? Đó chẳng phải vấn đề công phu hay sao? Đó chẳng phải vấn đề bản thân chư vị tâm bất tịnh hay sao?” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)
Chúng ta có thể đọc Chuyển Pháp Luân một cách nhất tâm bất loạn hay không? Chúng ta có tập trung vào từng chữ khi đọc hay không? Nếu không như vậy thì chúng ta đang học Pháp không được tốt.
Tôi từng cảm thấy hài lòng nếu học được một vài bài giảng trong một ngày, nghĩ rằng như vậy là đủ. Tôi ngộ được một số Pháp lý, nhưng tâm lại thường xuyên bị lạc mất. Khi mở một trang sách, miệng tôi đang đọc nhưng thi thoảng tôi không biết mình đang đọc gì. Tư tưởng của tôi đang không ở đây.
Những việc khiến tôi bận tâm như: “Hôm nay mình đã không hoàn thành công việc này công việc kia. Tiền lương vẫn chưa được chuyển vào tài khoản ngân hàng của mình. Hôm nay mình đã giảng chân tướng được cho bao nhiêu người? Tại sao lại khó thuyết phục người này thoái Đảng đến vậy? Mình không đồng ý với học viên đó về việc này. Sao cô ấy lại đối xử với mình như vậy được… v.v..”
Đôi lúc tôi nảy lên ý nghĩ rằng những suy nghĩ này đang can nhiễu mình và mình cần phải phủ nhận chúng. Nhưng đến khi tôi có thể hoàn toàn tống khứ chúng đi thì tôi đã đọc xong một vài trang sách. Tôi đã không tiếp thu được những gì mình đang đọc? Những tư tưởng can nhiễu này có thể chỉ đạo tu luyện của tôi không?
Theo thể ngộ của tôi, chúng ta không thể chỉ hoàn thành năm bài công pháp, giảng chân tướng, và học một bài giảng trong Chuyển Pháp Luân mỗi ngày mà đã cảm thấy hài lòng rằng chúng ta đã hoàn thành trách nhiệm của mình.
Tôi biết nhiều bạn đồng tu dường như đọc Chuyển Pháp Luân khá nhanh và cảm thấy hài lòng khi mỗi ngày đọc xong một bài giảng. Họ có xu hướng theo đuổi số lượng và tốc độ bằng cách đọc vội vàng và bất cẩn. Đôi khi họ thậm chí còn không biết mình đang đọc gì.
Các học viên đã chia sẻ trên website Minh Huệ rằng chỉ khi chúng ta đối đãi với Sư phụ và Đại Pháp bằng sự chân thành, khiêm nhường và tôn kính thì Pháp mới triển hiện cho chúng ta. Vì thế khi tôi đọc Pháp nhanh như đang đọc một cuốn tạp chí, liệu tôi có thể tiếp thụ được từng chữ, từng câu hay không?
Sư phụ giảng:
“Còn phải nói với mọi người rằng, tôi đã đem uy lực trong Phật Pháp, đem rất nhiều năng lực của bản thân tôi, đều đã dung [nạp] vào trong cuốn sách đó rồi, dung [nạp] vào trong Pháp này rồi. Cho dù là băng hình, băng tiếng hay cuốn sách này, chỉ cần chư vị xem, thì chư vị sẽ phát sinh cải biến; chỉ cần chư vị xem, thì chư vị sẽ hết bệnh; chỉ cần chư vị tu, thân thể của chư vị sẽ phát sinh biến hóa về bản chất; chỉ cần chư vị kiên trì tiếp tục tu, thì chư vị sẽ có năng lực, chư vị sẽ nhìn thấy, chư vị sẽ nghe thấy, chư vị sẽ cảm thụ được hồng ân của Đại Pháp.” (Giảng Pháp tại Lễ thành lập Phật học hội Singapore [1996])
Gần đây một bạn đồng tu đã khuyên tôi nên đọc to sách Chuyển Pháp Luân, từng chữ từng chữ. Bằng cách này tôi hoàn toàn biết mình đang đọc gì. Sau đó thiên mục của tôi khai mở và tôi có thể nhìn thấy những cảnh tượng ở các không gian khác khi tâm của tôi thanh tịnh. Khi đọc to Chuyển Pháp Luân, tôi nhìn thấy tầng tầng vô số Phật phía sau mỗi chữ.
Hành xử theo Pháp
Lần đầu tiên đến Mỹ, một người họ hàng đã giúp đỡ tôi vì tôi không có tiền. Cô ấy giúp tôi bắt đầu cuộc sống mới, ví dụ như mua một chiếc xe hơi, mở tài khoản ngân hàng, thuê một căn hộ, v.v.. Tôi tìm được một công việc lương khá cao và tương đối dễ dàng nhưng sau đó tôi đã nghỉ việc vì người thân của tôi vừa mở một nhà hàng và cần tôi giúp đỡ.
Công việc ở nhà hàng rất khắt khe. Tôi phải làm việc nhiều tiếng đồng hồ, lau dọn bếp, xoong nồi và thái thịt. Lưng của tôi rất đau do phải đứng liên tục bảy tiếng đồng hồ mỗi ngày. Tôi về tới nhà lúc nửa đêm và hoàn toàn kiệt sức. Thêm vào đó, tôi cần sẵn sàng nghe điện thoại và phải đến nhà hàng ngay lập tức nếu cần.
So sánh với công việc đầu tiên, công việc ở nhà hàng khắt khe hơn nhiều mà tiền lương lại ít hơn. Tôi cảm thấy không thoải mái và oán giận vì bị đối xử như vậy. Ở Trung Quốc, tôi làm việc trong văn phòng, còn ở Mỹ tôi chỉ là một người lao động.
Tôi cũng oán giận người họ hàng vì đã đối xử với tôi một cách tàn nhẫn. Cô ấy không cho con gái mình nâng bất kỳ vật nặng gì hoặc làm các công việc mệt nhọc, thay vào đó giao tất cả cho tôi. Hơn nữa, thi thoảng tôi có mâu thuẫn với đồng nghiệp và những người lạ. Tôi bắt đầu cảm thấy dường như tôi đã chạm đến giới hạn chịu đựng của mình, cả về thể xác lẫn tinh thần.
Tôi gọi điện về cho bố mẹ ở Trung Quốc. Bố tôi nói: “Con phải chịu đựng những khó khăn mà người thường không thể chịu được. Con ở trong nước đã bị Đảng Cộng sản đầu độc, tìm cách có được mọi thứ mà không phải bỏ công sức.” Đột nhiên tôi nhận ra Sư phụ đang dùng miệng của cha tôi để nói với tôi. Rõ ràng tôi đang có vấn đề.
Ngày hôm đó, khi mở sách Chuyển Pháp Luân, tôi đã đọc được đoạn Pháp này:
“Luyện công đòi hỏi [coi] trọng đức, làm việc tốt, hành Thiện; ở đâu làm gì đều tự yêu cầu bản thân như vậy. Tại công viên luyện cũng vậy, ở nhà luyện cũng vậy, hỏi có mấy người suy nghĩ như thế? Có những người mà thật không hiểu nổi họ luyện là công gì, khi đang luyện, khi đang chuyển động, thì miệng họ chẳng dứt: ‘A! Mấy cô con dâu nhà này chẳng có hiếu với tôi; mẹ chồng của tôi sao mà quá tệ!’ Có người bình luận từ chuyện đơn vị cho đến quốc gia đại sự, không gì là họ không nói đến; điều gì không phù hợp với quan niệm cá nhân của họ là [họ] bực bội khó chịu. Chư vị gọi đó là tu luyện được không?” (Bài giảng thứ ba, Chuyển Pháp Luân)
Không phải đoạn Pháp này đang nói về tôi sao? Pháp luyện các học viên 24 giờ một ngày. Khi tôi có tư tưởng bất hảo và tâm tính thấp, tôi đang hành xử như một người thường. Pháp sao có thể luyện một người thường như vậy được?
Tôi tiếp tục học Pháp và hướng nội. Tôi nhận ra rằng khi tôi trầm tĩnh chịu đựng những khó khăn, tôi đang thanh trừ nghiệp lực, và những người khác đang cấp đức cho tôi. Tôi hiểu rằng nhiều môn tu luyện đòi hỏi phải tu hết đời này đến đời khác mới tu thành. Bằng cách tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi có thể tu thành chỉ trong một đời, vậy thì chút khổ này có đáng kể gì? Tôi cần chú ý tới tâm tính của mình từng giây từng phút và Thiện với mọi người.
Sau khi nhận ra điều này, tôi đã thay đổi suy nghĩ của mình và vượt qua khảo nghiệm. Tôi tiếp tục làm việc cho người họ hàng của tôi. Lưng của tôi không còn đau nữa và cô ấy bắt đầu đối xử với tôi tốt hơn. Thông qua thiên mục, tôi nhìn thấy một khối vật chất màu đen lớn đã được gỡ khỏi thân thể của tôi.
Tôi tiết kiệm được 20 đôla và đã mua một bộ đồ ngủ mới. Buổi sáng hôm sau, tôi thấy trên chiếc quần có một lỗ thủng, rõ ràng là lỗi sản phẩm. Tôi muốn trả lại nó nhưng nghĩ lại, chẳng phải tôi đang lợi dụng người khác bằng cách trả lại thứ mà tôi đã mặc? Nó chỉ là một lỗ thủng nhỏ, tôi có thể vá nó. Nó không phải vấn đề gì lớn.
Tôi đã gặp những tình huống tương tự. Thể ngộ của tôi là khi những vấn đề xảy đến và tâm của tôi không tịnh, hoặc khi tôi liên tục nghĩ về điều gì đó hoặc một ai đó, đó là lúc tôi cần đọc Chuyển Pháp Luân.
Tôi đọc chậm từng từ một. Tôi đảm bảo mình tiếp thu những gì đang đọc và đọc với tâm thuần tịnh. Bằng cách này, Pháp đã cho tôi chỉ dẫn.
Sư phụ giảng:
“Tôi mong rằng các học viên mới và cũ đều có thể tu luyện trong Đại Pháp, đều có thể công thành viên mãn! Mong rằng mọi người về nhà hãy tranh thủ thời gian để thực tu.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)
Theo thể ngộ của tôi, sinh mệnh của chúng ta là do Sư phụ ban cấp. Mỗi người, mỗi tình huống trong cuộc sống của chúng ta đều đang giúp chúng ta đề cao tâm tính. Mọi thứ xảy đến đều có lý do. Chúng ta có thể tìm giải pháp cho những vấn đề trong các bài giảng.
Thay vì phàn nàn về hoàn cảnh không thoải mái hoặc buồn chán, tốt hơn chúng ta nên đọc Pháp chậm, cẩn thận và tìm ra thiếu sót của mình. Chỉ khi chúng ta không ngừng làm việc này và tuân theo những yêu cầu của Đại Pháp thì đó mới được tính là tu luyện. Theo thể ngộ của tôi, đây chính là đang thực tu và chỉ Đại Pháp mới có sức mạnh như vậy.
Khi gặp khảo nghiệm tâm tính, chúng ta phải học Pháp, hành vi của chúng ta phải chiểu theo các yêu cầu của Pháp. Khi đó chúng ta sẽ vượt qua khảo nghiệm.
Theo thể ngộ cá nhân tôi, chỉ khi chúng ta đặt tâm vào đọc Chuyển Pháp Luân, chúng ta mới được coi là các học viên Đại Pháp, những người đang cứu độ chúng sinh. Nếu không chúng ta chỉ là những người thường đang tích đức và cô phụ những nỗ lực của Sư phụ. Chỉ bằng cách thực hành tu luyện và đề cao tầng thứ, chúng ta mới đúng là đang bước đi trên con đường trở thành Thần.
Trên đây là chút thể ngộ của tôi trong quá trình tu luyện, nếu có điểm nào không đúng, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/11/10/395617.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/1/14/182178.html
Đăng ngày 24-02-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.