Bài viết của con gái của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 18-08-2019] Tôi sinh ra vào những năm 1990. Khi tôi lên sáu, mẹ tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công). Mẹ thường dẫn tôi theo mỗi khi mẹ đến nhà bạn để xem băng hình giảng Pháp của Sư phụ Lý (Nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp), hoặc đến điểm luyện công. Thỉnh thoảng cha cũng đi cùng với chúng tôi. Tôi có thể nhìn thấy bánh xe Pháp Luân xoay chuyển trong đồ hình Pháp Luân, và Pháp thân của Sư phụ. Pháp thân của Sư phụ còn nói chuyện với tôi vài lần. Tôi thực sự thích nghe mẹ đọc Pháp và Đại Pháp đã bén rễ sâu trong tâm trí non nớt của tôi.
Mẹ tôi là một giáo viên tiểu học, mẹ luôn hành xử chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn, đối xử tốt với các học trò và phụ huynh, công tác tận tụy. Mẹ hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào được phân công. Ban lãnh đạo nhà trường và đồng nghiệp đều yêu quý mẹ. Mẹ còn được tuyên dương là giáo viên xuất sắc. Các thầy cô cũng yêu thích tôi và thấy tôi thông minh, khả ái và hiểu chuyện. Tuổi thơ của tôi được đắm chìm trong Đại Pháp và được bao bọc bởi tình yêu thương của ông bà, cha mẹ. Các bạn học cùng lớp ngưỡng mộ tôi và tôi có một tuổi thơ hạnh phúc. Tôi sẽ sống vui vẻ nếu cuộc bức hại không xảy ra.
Được Đại Pháp bảo hộ
Tôi đã được thụ ích từ việc mẹ tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và hiếm khi mắc bệnh. Một vài ngày trước kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2007, tôi bị một chiếc xe máy tông phải và văng vào cột điện. Khi tỉnh lại, tôi thấy mình đang nằm trong bệnh viện. Nhưng lúc đó tôi cảm thấy mình vẫn ổn và bước xuống giường. Tôi biết mình được Sư phụ bảo hộ nên đã xin về và quay trở lại trường học. Tôi luôn mang theo trong mình tấm bùa hộ mệnh của Pháp Luân Đại Pháp và thường niệm câu “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo.”
Các nguyên lý của Đại Pháp đã cắm rễ sâu trong tâm tôi nên tôi luôn biết cách hành xử. Khi mẹ tôi bị kết án phi pháp, tôi không nghe theo đám đông một cách mù quáng, và không cảm thấy bi quan chán nản. Vừa học vừa làm và vượt qua được kỳ thi quốc gia trong vòng ba năm, tôi đã thành công và lấy được tấm bằng cử nhân, tìm được một công việc phù hợp và tìm được cho mình một người chồng biết yêu thương và chăm sóc tôi. Hết thảy những phúc báo này đều là nhờ Sư phụ bảo hộ và ban cho tôi.
Một lần xe hơi của chúng tôi đã va chạm với một chiếc xe tải cỡ lớn khi chồng tôi đưa tôi đến một trung tâm mua sắm. Xe của chúng tôi đã bị hư hỏng nặng nhưng cả hai vợ chồng tôi đều bình an vô sự. Tôi rất biết ơn Sư phụ vì một lần nữa đã bảo hộ gia đình tôi.
Tuổi thơ đau buồn
Khi tôi lên 9 tuổi, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu cuộc bức hại đối với các học viên Pháp Luân Công. Bà của tôi khi ấy vừa mới bắt đầu tu luyện đã qua đời. Mẹ tôi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công và đã bị giam giữ phi pháp. Tôi không có ai chăm sóc và ông tôi thì bị tàn tật nên chúng tôi thường bị đói không có gì để ăn. Cha tôi thì hay say xỉn và rất nóng tính nên tôi thường phải trốn trong phòng của ông vì sợ bị bố đánh. Trong dịp Tết Nguyên đán năm 2000, hai ông cháu tôi ngồi ôm nhau khóc vì trong nhà chỉ còn vài gói mỳ gói để ăn. Ông tôi lo lắng cho mẹ tôi và tôi rất nhớ mẹ và thường khóc gọi mẹ trong mơ.
Sau hơn hai tháng, mẹ tôi trở về nhà. Mẹ gầy guộc, hốc hác. Ngôi nhà đã từng đầm ấm và vui vẻ trước kia của chúng tôi giờ đã không còn. Thay vào đó, tôi luôn cảm thấy sợ hãi và bất an. Tôi lo rằng cảnh sát sẽ đưa mẹ tôi đi lần nữa. Cha tôi được công ty cho nghỉ dài hạn để ở nhà giám sát mẹ tôi. Cha hạn chế quyền tự do của mẹ. Dưới áp lực lớn từ chính quyền và xã hội, cha tôi cảm thấy ông bị mất mặt trước họ hàng và đồng nghiệp, nên ông đổ lỗi mọi thứ cho mẹ và thường cãi nhau với mẹ. Cha cố gắng ngăn mẹ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.
Một buổi sáng tháng 6 năm 2000, khi mẹ tôi chuẩn bị đi làm thì cảnh sát bất ngờ đột nhập vào nhà chúng tôi. Họ hét vào mặt bà: “Cô vẫn muốn đi Bắc Kinh à?” Mẹ tôi nói: “Đúng thế!” Cảnh sát chụp cánh tay của mẹ và cố gắng lôi bà ra ngoài. Tôi khóc và la hét, nắm áo mẹ và cố gắng ngăn cảnh sát đưa mẹ tôi đi. Cảnh sát đã bắt mẹ tôi đi ngay trước mặt tôi.
Hai ngày sau, hơn 30 học trò của mẹ mua các nhu yếu phẩm và lên kế hoạch đến thăm bà ở trại tạm giam. Tôi đi theo họ. Cảnh sát không cho chúng tôi gặp bà, nhưng các học sinh không chịu rời đi. Cảnh sát gọi cho hiệu trưởng và ông ấy rất tức giận và mắng chúng tôi. Sau đó ông ấy đưa các học sinh quay về trường. Cha tôi cũng đi đến trại tạm giam cùng hiệu trưởng. Cha đá tôi văng vào con mương bên đường trước mặt mọi người. Tôi đã không được gặp mẹ mà còn bị cha đánh nữa. Tôi cảm thấy đau đớn và thất vọng.
Cảnh sát bảo gia đình tôi phải buộc mẹ tôi từ bỏ tu luyện và sử dụng mọi thủ đoạn để uy hiếp và đe dọa mẹ. Một hôm vào buổi trưa, trời đang mưa. Cha tôi bảo rằng sẽ đưa tôi đi gặp mẹ. Cha đưa tôi đến cổng trại tạm giam và nói: “Mẹ con đã không cần con, cha cũng không cần con nữa. Đi theo mẹ con đi!” Cha để tôi đứng một mình trước cổng lúc trời đang mưa to. Tôi hét lớn: “Mẹ ơi, hãy về nhà đi!” Tôi đứng đó khóc rất lâu, nhưng không được gặp mẹ. Sau đó, một người tốt bụng đã gọi taxi đưa tôi về nhà.
Nước mắt tôi không ngừng tuôn rơi mỗi khi tôi nghĩ về quá khứ. Lúc đó tôi không hiểu tại sao người mẹ yêu quí của tôi lại bị cảnh sát đưa đi, tại sao người tốt lại bị bức hại, và tại sao một môn tu luyện tốt như thế lại không được chính quyền cho phép! Tôi cô độc và các bạn cùng lớp không chơi với tôi. Thậm chí một số bạn còn kỳ thị tôi nữa. Sợ hãi, cô đơn, đau khổ và hoang mang đã để lại vết thương sâu sắc trong tâm hồn tôi.
Lần này mẹ tôi bị tạm giam hơn 60 ngày. Mâu thuẫn gia đình leo thang sau khi bà quay về nhà. Cha tôi thường say xỉn, chửi rủa, và ném đồ đạc xuống sàn, đánh đập và dọa sẽ ly dị mẹ. Nhà trường cắt giảm lương của mẹ và bắt mẹ phải lau dọn nhà vệ sinh và hành lang. Mẹ tôi lo rằng tôi sẽ bị tổn thương nhiều hơn trong môi trường này, và quyết định đưa tôi vào trường trung học ngoài thị trấn.
Lúc đó, tôi chỉ mới 12 tuổi. Tôi phải xa nhà và mẹ, và tôi chưa thể tự chăm sóc tốt bản thân. Cảm giác cô đơn, lo lắng cho mẹ và sợ hãi luôn thường trực trong tôi mặc dù tôi đã đi học xa nhà.
Năm cuối cấp hai, tôi chuyển về lại trường trong thị trấn. Giáo viên của tôi là bạn cùng lớp với mẹ và là một học viên Pháp Luân Đại Pháp. Cô ấy đối xử rất tốt với tôi. Nhà tôi ở cách xa trường nên tôi không tiện về nhà. Cô để tôi và một bạn nữ khác ở lại với cô vào buổi tối. Cô rất tốt bụng và xinh đẹp. Tất cả các học sinh đều yêu mến cô. Sau này, khi tôi học cấp ba ở một thành phố khác, cô đến trường thăm tôi, động viên tôi học hành chăm chỉ. Trước khi ra về, cô còn cho tôi 100 tệ để mua thức ăn. Tôi rất nhớ cô, nhưng cô đã bị bắt và kết án tù phi pháp trước Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008. Cô bị bức hại đến chết vào năm 2011. Mỗi lần nghĩ đến cô, nước mắt tôi lại tuôn rơi và tự hỏi tại sao một người thiện lương như vậy lại bị bức hại đến chết.
Thăm mẹ trong tù
Trước Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008, mẹ tôi lại bị bắt giam lần nữa. Tôi bật khóc khi hay tin. Nỗi đau buồn trong tôi không thể biểu đạt thành lời.
Ông tôi mất vì bị cao huyết áp khi nghe tin mẹ tôi bị bắt giam lần gần đây nhất. Cha tôi thì phải nhập viện. Để giảm bớt áp lực, cha tôi muốn ly dị mẹ tôi. Một loạt những bất hạnh gia đình đã đổ ập lên vai tôi. Tôi nhớ mẹ, và cảm thấy tự ti trước các bạn đồng trang lứa. Tôi ghen tị với những bạn có mẹ. Tôi mơ được gặp mẹ.
Lúc đó tôi đang thực tập tại một thành phố khác. Cuối tuần và ngày lễ là điều khó chịu đựng đối với tôi, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán. Trong những ngày lễ, khi những người khác quay về nhà sum họp gia đình, thì tôi không có nơi nào để về. Tôi cô đơn lạc lõng. Tôi thường khóc lặng lẽ. Tôi sợ các bạn cùng lớp và đồng nghiệp biết được thì sẽ chế giễu tôi.
Mẹ tôi bị kết án 5 năm tù, và bị đưa đến nhà tù nữ của tỉnh. Cha tôi ly dị mẹ và sống với người phụ nữ khác.
Tôi mới chỉ 18 tuổi nhưng tinh thần đã chịu rất nhiều tổn thương. Tôi thấy mình như một đứa trẻ mồ côi, cô đơn, lạc lõng và bất lực. Gia đình tôi tan vỡ. Tôi chỉ mới bắt đầu đi làm và còn rất nhiều điều muốn hỏi mẹ. Tôi chưa trưởng thành và chưa đủ chín chắn, tôi cần mẹ bên cạnh hỗ trợ. Tôi không hiểu tại sao chiểu theo Nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn thì mẹ tôi lại bị bắt giam, và tại sao bị kết án dài hạn như vậy. Cô đơn và đau khổ như một tảng đá lớn đè nặng trong tâm tôi.
Ba năm sau, lần đầu tiên tôi đến nhà tù để gặp mẹ. Trong hành lang nhà tù, cuối cùng tôi cũng nhìn thấy mẹ. Khoảnh khắc nhìn thấy mẹ, nước mắt tôi ướt nhòe cả hai mắt. Chúng tôi bị ngăn cách bởi một tấm kính, tôi lau nước mắt bên này, còn mẹ lau nước mắt bên kia. Tôi có rất nhiều điều muốn kể cho mẹ, nhưng chỉ nói được vài lời trước khi hết giờ. Tôi bất lực nhìn mẹ bị các lính canh đưa đi.
Trong một buổi gặp mặt, lính canh bảo tôi thuyết phục mẹ tôi “chuyển hóa”, từ bỏ tu luyện để kỳ hạn tù của bà được giảm bớt và bà có thể về nhà sớm. Ngay khi nhìn thấy mẹ, tôi khóc nức nở, bao nhiêu những ấm ức tủi hổ bị đè nén bấy lâu nay tuôn trào. Tôi chỉ khóc mà không nói được lời nào. Mẹ tôi cũng bật khóc, nhưng bà không muốn phản bội Sư phụ hoặc Đại Pháp. Tôi hiểu điều đó. Tôi cũng biết Sư phụ và Đại Pháp là tốt nhất. Tôi miễn cưỡng rời đi.
Lần gặp mặt khó quên
Tháng 7 năm 2010, lính canh gọi điện cho tôi và nói rằng mẹ tôi bị bệnh và cần tiền để phẫu thuật. Tôi không tin vì mẹ tôi luôn khỏe mạnh. Tôi nghĩ đó chỉ là lời nói dối. Nhưng tôi lo lắng vì xét cho cùng thì bà đang sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt của nhà tù. Vì thế tôi kể với anh và chị của mẹ. Họ cũng lo lắng cho mẹ vì vậy họ đã đưa cho tôi một ít tiền. Sau đó tôi đến nhà tù thăm mẹ.
Tôi nhìn thấy mẹ trong hành lang tầng một của bệnh viện quản lý nhà tù. Bà đang bị còng tay. Hai tay mẹ bị trói lại, khuôn mặt tái mét xanh xao, và cái bướu lớn cỡ nắm tay đứa trẻ nằm bên phải trên cổ mẹ nên đầu mẹ bị nghiêng sang bên trái. Mẹ bị bốn lính canh đứng bao xung quanh.
Tôi đau nhói, và nước mắt tuôn rơi khi nhìn thấy người mẹ yêu quý của mình phải chịu đựng quá nhiều chỉ vì đức tin của bà vào Chân-Thiện-Nhẫn. Mẹ nhìn tôi trìu mến, ánh mắt như cố gắng an ủi tôi, nhưng không nói được lời nào. Tôi không biết phải nói gì. Tôi nhớ mẹ rất nhiều.
Mẹ bước vào phòng mổ, trong khi tôi lo lắng đợi bên ngoài hành lang, hy vọng sẽ nhìn thấy mẹ lần nữa. Tình trạng sức khỏe của mẹ và tình hình tài chính của chúng tôi khiến tôi lo lắng và rất buồn. Tôi không thể nhìn hay nói chuyện với mẹ. Tôi chỉ có thể đợi bên ngoài.
Sau đó bác sĩ bảo tôi rằng mẹ tôi bị bệnh lao bạch huyết, và có hai cái bướu trên cổ và vai phải. Cần phải kiểm tra sau phẫu thuật để biết nó là lành tính hay ác tính. Cái bướu trên động mạch ảnh hưởng đến đường hô hấp của mẹ. Tôi nói với bác sĩ về hoàn cảnh của chúng tôi và ông ấy rất thông cảm.
Tôi bất lực chờ đợi kết quả chẩn đoán. Hình ảnh mẹ tôi bị còng tay và bị bốn lính canh đứng canh xung quanh cứ chiếm lấy tâm trí tôi, khiến tôi xót xa. Tôi không được phép gặp mặt hay gọi điện cho bà. Tôi không biết ca phẫu thuật tiến hành ra sao. Tôi đợi ở bệnh viện ba ngày nhưng không biết tin tức gì. Tôi phải quay trở về đi làm.
Sau này, tôi mới biết mẹ chỉ ở trong bệnh viện sáu ngày vì không đủ tiền. Mẹ bị đưa về tù và bị cưỡng bức lao động trước khi vết thương lành lặn. Chưa đến một năm, căn bệnh tái phát nhưng mẹ không nói với tôi.
Tôi nghe rằng một tù nhân nam đã bị thu hoạch nội tạng trong khi ông ấy vẫn còn sống. Ông ấy bị kết án cùng lúc với mẹ tôi. Tôi thành tâm hy vọng mẹ tôi có thể rời khỏi hắc lao càng sớm càng tốt.
Cha tôi cải biến
Ngày mẹ tôi được thả, nhân viên Phòng 610 gọi cha tôi đến để đón mẹ tôi về. Họ cố gắng buộc mẹ tôi viết bảo chứng thư từ bỏ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp để được thả, nhưng bà từ chối. Sau đó tôi được bảo ký tên mà không để cho mẹ tôi biết. Để mẹ không phải gặp rắc rối gì nữa, tôi đã ký.
Khi mẹ tôi bước ra khỏi cổng nhà tù, mắt trái của mẹ giật liên tục, khuôn mặt bên trái bị co giật, miệng bị lệch và toàn bộ khuôn mặt biến dạng méo mó. Bà trông già hơn chục tuổi. Hình ảnh người mẹ trẻ trung, khỏe mạnh và xinh đẹp của tôi ngày nào giờ chỉ còn là quá khứ.
Cha và tôi khăng khăng yêu cầu bà đi bệnh viện kiểm tra. Mẹ được phát hiện mắc u xơ tử cung, tăng sản ngực phải, và lao bạch huyết sâu. Tôi muốn đưa mẹ đến thành phố nơi tôi ở, nên tôi mua vé cho bà, nhưng người của Phòng 610 không cho phép mẹ tôi rời khỏi thành phố.
Tất cả các triệu chứng bệnh dần dần biến mất sau khi bà bắt đầu học Pháp và luyện công. Bà hồi phục mà không cần đến bệnh viện phẫu thuật, tiêm thuốc hay uống thuốc. Cha tôi và họ hàng của chúng tôi đã chứng kiến uy lực của Pháp Luân Đại Pháp. Những người họ hàng trước đây lăng mạ Đại Pháp đã thay đổi thái độ. Tất cả họ đều công nhận Đại Pháp là tốt.
Cha tôi cải biến hoàn toàn. Ông đã tái hôn với mẹ và bây giờ đã liễu giải được chân tướng cuộc bức hại. Cha ủng hộ mẹ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Cha tôi cũng đắc phúc báo, ông có sức khỏe tốt và nhiều căn bệnh trước đây của ông đã khỏi. Bây giờ ông sống thanh thản bình hòa, có công việc tốt và gia đình chúng tôi hòa thuận. Cha cũng bắt đầu đọc các sách Đại Pháp.
Lời kết
Nhìn lại hơn 20 năm dài của cuộc bức hại, tôi đã mất đi gia đình hạnh phúc đầm ấm, cũng nếm trải những đau khổ đột cùng. Nhưng trải nghiệm của tôi chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà Giang Trạch Dân (cựu lãnh đạo ĐCSTQ) và chính quyền Trung Cộng đã gây ra cho hàng chục triệu học viên Pháp Luân Đại Pháp.
Nhưng tôi cảm thấy may mắn vì mình đã thụ ích từ Đại Pháp và biết cách trở thành người tốt. Tương lai tôi sẽ luôn ghi nhớ: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân-Thiện-Nhẫn hảo!” Tôi cũng sẽ bắt đầu tu luyện vì tôi biết Đại Pháp rất trân quý và vĩ đại.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/8/18/391604.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/11/15/180726.html
Đăng ngày 23-02-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.