Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc
[MINH HUỆ 24-12-2019] Một phụ nữ 57 tuổi ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, đã bị giam giữ nhiều lần với tổng thời gian tám năm chỉ vì đức tin vào Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Bà Phó Kim Phượng đã liên tục bị bắt giữ trong suốt 20 năm qua và theo sau đó là những lần bị giam giữ thời gian ngắn ở các Trại tạm giam và trung tâm tẩy não, cũng như bị giam giữ nhiều năm ở một trại lao động cưỡng bức và một nhà tù.
Chồng bà Phó đã ly hôn với bà trong thời gian bà bị giam giữ ở trại lao động cưỡng bức. Chồng bà được trao toàn quyền nuôi con trai, cháu bị bắt nạt ở trường chỉ vì đức tin của mẹ mình. Mẹ của bà Phó đã qua đời khi bà vẫn ở trong tù, em trai bà thì bị buộc thôi việc vì ông không hợp tác với chính quyền để thuyết phục bà Phó từ bỏ đức tin. Bà bị đuổi việc ở Trạm huyết học Thành phố Nam Xương, đồng thời bị tước lương hưu chỉ một năm trước khi đến hạn nghỉ hưu.
Bà Phó Kim Phượng
Bị giam giữ ở các trại tạm giam và trung tâm tẩy não
Bà Phó đã bị giam giữ tới một tháng ở nhiều trại tạm giam và trung tâm tẩy não khác nhau sau bảy lần bị bắt trong suốt những năm qua.
Bà Phó đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Đại Pháp vào tháng 11 năm 1999. Bà bị bắt và còng tay trong tư thế một cánh tay vòng qua vai và tay kia bị kéo ngược lên phía sau lưng.
Tái hiện cảnh tra tấn: Còng tay phía sau lưng
Bà Phó kể lại: “Sau khi bị còng tay ở tư thế này trong 40 phút, hai ngón tay cái của tôi bị mất cảm giác và phải mất gần một tháng mới hồi phục lại được.”
Sau đó bà bị giam ở trại tạm giam số 3 Thành phố Nam Xương trong một tháng. Lính canh đã trói một chân của bà vào chân của một học viên khác bằng những cái cùm nặng như một hình phạt vì bà đã luyện các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp ở trại tạm giam.
Bà Phó đã tới Bắc Kinh một lần nữa vào ngày 23 tháng 6 năm 2000 và bị đưa trở lại trại tạm giam Số 3 trong một tháng nữa. Lúc đó là mùa hè và hơn 10 học viên phải chen chúc trong một phòng giam nhỏ.
Bà nhớ lại: “Lúc đó nhiệt độ lên tới gần 40°C và tôi đang bị sốt. Ngày nào quần áo của tôi ướt đẫm mồ hôi.”
Bà cũng nhớ tới một học viên khác là bà Lưu Phùng Xuân. Bà Lưu bị ốm nhưng không được chăm sóc y tế và đã qua đời ở trại tạm giam sau đó một tháng.
Vào tháng 9 năm 2000, bà Phó bị bắt vì phát tặng các tài liệu về Pháp Luân Đại Pháp và bị đưa tới trại tạm giam Số 2 Thành phố Nam Xương. Ba tháng sau, cảnh sát đã tổ chức một phiên tẩy não tại đó và yêu cầu toàn bộ các học viên bị giam giữ phải từ bỏ đức tin của mình. Bà Phó đã từ chối hợp tác; kết quả là hai tay và chân của bà bị cùm lại theo cách khiến bà không thể đứng thẳng được. Sau đó bà bị chuyển tới một trại lao động trong 18 tháng.
Bà Phó bị đưa tới một trung tâm tẩy não trong 15 ngày cùng với 16 học viên Pháp Luân Đại Pháp khác vào ngày 16 tháng 9 năm 2003. Bà đã tuyệt thực để phản đối.
Giám đốc trung tâm tẩy não đã nói với bà: “Tôi đã ‘chuyển hoá’ 300 học viên. Tôi không tin là tôi lại không thể ‘chuyển hoá’ được bà. Nếu bà không hợp tác, tôi sẽ đưa bà tới một trại lao động cưỡng bức.” Bà cũng tiết lộ rằng họ đã được trả 1.000 Nhân dân tệ cho mỗi học viên mà họ “chuyển hoá” được.
Sáu ngày sau, bà Phó đã trốn thoát bằng cách trượt xuống theo đường ống nước từ tầng bốn. Tuy nhiên, khi bà quay lại làm việc, bà chỉ được nhận 300 Nhân dân tệ cho chi phí sinh hoạt trong chín tháng.
Năm 2008, bà Phó bị giam giữ 10 ngày ở Trại giam Thành phố Nam Xương chỉ vì nói chuyện với người dân về Pháp Luân Đại Pháp.
Tháng 11 năm 2014, bà Phó bị đưa tới một trung tâm tẩy não cùng bốn học viên khác. Trưởng Phòng 610 địa phương đã nói với bà Phó rằng lương của bà sẽ bị giữ lại nếu bà không đồng ý dừng việc tham gia các hoạt động về Pháp Luân Đại Pháp ở bên ngoài. Khi bà Phó từ chối hợp tác, bà đã không được phép quay lại làm việc nữa.
Tháng 3 năm 2019, bà bị tố giác với cảnh sát khi bà đưa cho một người một USB có thông tin về Pháp Luân Đại Pháp. Bà bị giam giữ 15 ngày ở Trại giam Thành phố Nam Xương.
Hai lần bị giam giữ ở trại lao động cưỡng bức với tổng thời gian 56 tháng
Bà Phó lĩnh án 18 tháng lao động cưỡng bức sau khi bị bắt giữ vào tháng 9 năm 2000. Ngày 23 tháng 1 năm 2001, bà bị đưa tới Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây.
Trong một thời gian dài, bà bị nhốt trong một phòng nhỏ nồng nặc mùi sơn. Bà còn bị các tù nhân khác theo dõi và họ đã đánh đập và thường xuyên lăng mạ bà. Thời hạn giam giữ của bà đã bị kéo dài thêm ba tháng vì bà không chịu từ bỏ Pháp Luân Đại Pháp. Bà được trả tự do vào ngày 15 tháng 7 năm 2002.
Hai năm sau, vào tháng 9 năm 2004, bà Phó bị bắt một lần nữa và bị đưa đến trại tạm giam Số 1 Nam Xương. Bà đã tuyệt thực để phản đối và đã bị bức thực bằng nước muối, khiến bà gần như bị ngạt thở.
Sau đó bà Phó bị kết án hai năm rưỡi lao động cưỡng bức và bị chuyển tới Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây vào cuối tháng 10 năm 2004. Khi bà không chịu từ bỏ đức tin cũng như không chịu lao động không công, bà đều bị phạt nặng.
Bà Phó kể: “Tôi không được rửa mặt hay tắm rửa trong 72 ngày. Đó là vào giữa hè và tôi chỉ được uống một cốc nước mỗi ngày.”
Khi bà từ chối xếp hàng như các tù nhân khác, lính canh liền đưa bà đến một nơi vắng vẻ. Bà Phó đã kể về một đội trưởng đội lính canh: “Cô ta đã giật tóc tôi và liên tục đập đầu tôi vào tường.”
Bà bị biệt giam trong bảy ngày. Mỗi ngày sau bữa ăn sáng, hai tay bà bị còng vào chỗ tay vịn của giường tầng đến nửa đêm. Bà chỉ được dùng nhà vệ sinh duy nhất một lần trong ngày. Thời hạn giam giữ của bà Phó đã bị kéo dài thêm năm tháng và bà được thả vào tháng 8 năm 2007.
Bị kết án ba năm tù
Bà Phó bị kết án ba năm tù vào tháng 3 năm 2015 vì nói chuyện với người dân về Pháp Luân Đại Pháp trên xe buýt.
Bà bị giam giữ tại Nhà tù Nữ tỉnh Giang Tây và tại đó bà bị tước đoạt đồ ăn và bị bắt đứng trong thời gian dài, đôi khi đến tận 4 giờ sáng. Có lần bà bị bắt phải đứng liên tục trong suốt sáu ngày đêm. Vào giữa mùa hè bà còn không được lau người hay tắm rửa trong hơn một tháng.
Bà nhớ lại: “Lúc đó tôi chỉ còn da bọc xương. Người tôi cúi gập lại và không thể cử động. Tất cả những gì tôi có thể cử động chỉ là đôi mắt.”
Vào một đêm tháng 9 năm 2016, bà Phó đã bị bất tỉnh sau khi bị bắt phải đứng hàng ngày trong hơn tám tháng. Chỉ khi đó bà mới được phép ngủ năm tiếng 40 phút một đêm.
Tháng 12 năm 2016, cuộc bức hại gia tăng. Bà Phó nói: “Lúc đầu, chúng tôi phải chép và học thuộc các quy định của nhà tù. Chúng tôi phải đi theo đội hình và xem các video phỉ báng Pháp Luân Đại Pháp. Khi tôi từ chối ‘chuyển hoá’, tôi liền bị đánh đập và bị treo lên bằng còng tay mà chỉ có các đầu ngón chân chạm đất. Lính canh đã ra lệnh cho tù nhân đánh đập và đá tôi, khiến cho người tôi đầy vết bầm tím.”
Một lần khác, một lính canh đã ra lệnh cho bà Phó phải đứng trong lúc ăn. Khi bà không làm theo lệnh, hai tù nhân đã đánh bà ngay trước mặt các lính canh và tù nhân khác nhưng không ai đứng ra ngăn họ lại. Sau đó hai tù nhân nói với bà Phó rằng chính lính canh là người đã ra lệnh cho họ đánh đập bà.
Gia đình và công việc bị ảnh hưởng
Khi cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp bắt đầu xảy ra vào tháng 7 năm 1999, chồng bà Phó đang làm việc tại Học viện Khoa học, ông đã phải chịu áp lực phải thuyết phục vợ từ bỏ tu luyện. Áp lực nặng nề đến nỗi hầu như ngày nào ông cũng khóc. Vì bà Phó không từ bỏ Pháp Luân Đại Pháp mà ông đã mất đi cơ hội làm việc tại Hồng Kông. Do không thể chịu được áp lực, ông đã nộp đơn ly hôn vào tháng 10 năm 2001 khi bà Phó đang bị giam giữ ở trại lao động cưỡng bức.
Vì đức tin của bà Phó vào Pháp Luân Đại Pháp mà có lần con trai bà đã bị những đứa trẻ khác đánh thậm tệ đến mức một trong hai mắt của cậu đỏ ngầu và bàn tay bên phải bị thương. Sau khi tốt nghiệp đại học, cậu đã cố gắng để xin gia nhập quân đội nhưng đã bị từ chối do bà Phó không từ bỏ Pháp Luân Đại Pháp.
Em trai bà Phó là trưởng phòng thông tin tại Bệnh viện Số 2 Thành phố Nam Xương. Năm 2003, sau khi từ chối hợp tác với chính quyền để ép bà Phó từ bỏ đức tin, ông đã bị cách chức. Sau đó ông đã rời khỏi bệnh viện.
Mẹ bà Phó qua đời vào năm 2016 trước khi bà được thả vào tháng 3 năm 2018. Thời điểm đó đặc biệt khó khăn đối với bà Phó, bà nhớ lại: “Mẹ tôi từng đứng ở bên ngoài cổng nhà tù và khóc. Hễ có người lắng nghe, bà sẽ nói rằng tôi vô tội.”
Ngoài ra, cấp trên của bà Phó còn bị ép phải tham gia bức hại bà. Bởi vì nếu bà không từ bỏ đức tin của mình thì các nhân viên khác sẽ bị cắt các khoản phúc lợi, ví dụ như tiền thưởng mà họ thường được nhận.
Tháng 12 năm 2013, tại nơi làm việc, bà bị yêu cầu phải ký vào tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Đại Pháp: “Nếu bà không ký thì ngày mai đừng đi làm nữa.”
Ngày hôm sau, khi bà đến chỗ làm, một số người đã cưỡng ép lấy dấu vân tay của bà lên một bản tuyên bố đã được chuẩn bị sẵn. Khi sự việc được báo cáo lên trang web Minh Huệ, ông chủ đã giữ lương và tiền thưởng trong 11 tháng của bà.
Theo chỉ đạo của Phòng 610 địa phương, cấp trên đã sa thải bà Phó vào năm 2016. Bà Phó đủ tiêu chuẩn nghỉ hưu vào năm 2017. Tuy nhiên, vì bà bị đuổi việc nên bà không được nhận lương hưu thường xuyên sau hơn 30 năm công tác.
Báo cáo liên quan:
Bị đưa ra tòa vì nói chuyện về Pháp Luân Công trên xe buýt
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/12/24/397458.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/1/30/183007.html
Đăng ngày 09-02-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.