Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 13-12-2019] Vào khoảng 8 giờ tối ngày 7 tháng 12 năm 2019, một toán cảnh sát đã gõ cửa một căn hộ. Cảnh sát quát lên: “Cung Phượng Cường, chúng tôi biết ông đang ở đây! Chúng tôi có nhiều cách để tóm ông ngay cả khi ông không mở cửa!”.
Vợ của ông Cung, cô Lý Diễm Kiệt, 41 tuổi, đã cố gắng gọi điện cho gia đình nhờ giúp đỡ, nhưng phát hiện tín hiệu điện thoại của mình đã bị chặn.
Hai vợ chồng họ sau đó nghe thấy cảnh sát gõ cửa nhà hàng xóm ở phía bên kia sảnh và hỏi họ có biết gì về ông Cung không.
Hai vợ chồng không thể nghe rõ hàng xóm đã trả lời những gì nhưng họ nghe thấy cảnh sát lại gõ cửa nhà họ một lần nữa và gọi điện cho thợ khóa. Sau 30 phút thợ khóa vẫn không xuất hiện, hai vợ chồng họ đã nghe thấy các cảnh sát bàn về việc mượn cưa để cắt cánh cửa sắt nhà họ.
Trải qua 20 năm bị sách nhiễu, bị giam cầm và bị tra tấn vì không chịu từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công, ông Cung, 48 tuổi và cô Lý không muốn phải trải qua cơn ác mộng tương tự nữa. Họ quyết định trốn thoát từ căn hộ của mình ở tầng sáu.
Họ làm một sợi dây bằng cách buộc một vài tấm ga trải giường và rèm cửa lại với nhau và cột chặt nó vào cửa sổ.
Tiếng cưa ngày càng to hơn. Ngay khi cánh cửa sắp bị phá vỡ, hai vợ chồng họ lần lượt trèo ra khỏi cửa sổ và xuống theo sợi dây tự chế đó.
Khi họ xuống đến tầng bốn, nút thắt của các ga trải giường bị tuột ra và họ đã rơi từ trên đó xuống.
Vài giờ sau khi ông Cung tỉnh dậy, ông phát hiện người vợ nằm bên cạnh đã qua đời.
Các cảnh sát vẫn ở trong nhà của họ ở trên tầng và các xe cảnh sát vẫn bật đèn. Có thể cảnh sát đã không nghĩ rằng ông Cung vẫn còn sống sót sau cú ngã.
Quá đau buồn nhưng ông Cung vẫn phải trốn khỏi hiện trường để tránh bị bắt.
Đến rạng sáng, cảnh sát đã di dời thi thể của cô Lý. Các tấm ga trải giường treo trên cửa sổ đã bị bỏ đi. Cánh cửa bị hỏng đã được thay thế bằng một cái mới.
Vào sáng ngày 9 tháng 12, cảnh sát đã tìm gặp cha mẹ của cô Lý, đều đã đã ngoài 80 tuổi và đã đe dọa họ phải tìm cho ra ông Cung ở đâu, mà không đề cập gì về cái chết của cô Lý.
Cuộc sống hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ bị tan vỡ
Cô Lý sinh ra ở một thị trấn nhỏ thuộc huyện Y Lan, tỉnh Hắc Long Giang.
Khi Pháp Luân Công (một môn tu luyện cổ xưa, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp) được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992, môn tu luyện này đã nhanh chóng truyền đến trường đại học mà cô Lý đang theo học. Cô rất ấn tượng với giá trị phổ quát Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công và đã bước vào tu luyện.
Sau khi tốt nghiệp, cô trở về quê nhà và trở thành giáo viên mẫu giáo. Sau đó, cô gặp chồng mình, ông Cung, là tài xế xe tải cho công ty than địa phương.
Năm 1997, cô Lý cùng chị cả mở một nhà máy sản xuất mỳ ăn liền và công việc kinh doanh rất phát đạt.
Trong khi cô Lý và ông Cung tận hưởng một cuộc sống giàu có bên nhau thì ông Cung lại phải khổ sở vì một căn bệnh khó chữa. Vào tháng 7 năm 1997, khi không cách chữa trị hiệu quả cho các triệu chứng của mình, ông đã quay sang tu luyện Pháp Luân Công và nhanh chóng khỏe mạnh.
Cuộc sống hạnh phúc của vợ chồng họ đã tan vỡ khi chính quyền cộng sản Trung Quốc phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc vào tháng 7 năm 1999. Học viên Pháp Luân Công ở mọi nơi trên toàn quốc đều bị nhắm đến.
Vì kiên định vào đức tin của mình, hai vợ chồng họ đã nhiều lần bị sách nhiễu, bị bắt và bị giam giữ. Ông Cung bị đuổi việc, rồi bị đưa vào trại lao động cưỡng bức trong hai năm và bị phạt năm năm tù. Những đòn tra tấn khiến ông bị suy nhược thần kinh và rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh.
Bị sách nhiễu trong thời gian mang thai
Năm 2015, cô Lý đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo chính quyền cộng sản Trung Quốc vì đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công. Cô đã liệt kê chi tiết một số bức hại mà gia đình cô đã phải chịu đựng trong 20 năm trước.
Cô Lý cho biết ngày 20 tháng 7 năm 1999, cô đã đến chính quyền tỉnh để kháng nghị cho Pháp Luân Công nhưng đã bị bắt và bị giữ ở sân vận động trong một ngày. Sân vận động đầy kín những học viên Pháp Luân Công bị cưỡng bức giam giữ, và các loa phát thanh không ngừng tuyên truyền vu khống về Pháp Luân Công và Nhà sáng lập.
Ngày 18 tháng 2 năm 2000, ông Cung bị bắt trong khi thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công tại Bắc Kinh. Ông đã bị giam giữ tại trại tạm giam huyện Y Lan, tại đây ông bị đánh đập, bị tra tấn và bị sốc điện bằng dùi cui điện.
Trong thời gian một tháng bị giam giữ, cảnh sát đã lan truyền tin đồn rằng ông Cung không quan tâm đến gia đình và công việc của mình hòng nỗ lực khiến gia đình và đồng nghiệp của ông trở nên thù địch với Pháp Luân Công. Họ còn lục soát nhà ông mà không có lệnh khám xét. Một cảnh sát đã đe dọa cô Lý lúc đó đang mang thai được khoảng bốn, năm tháng rằng nếu cô không mang thai thì chắc chắn là ông ta đã bắt giữ và tra tấn cô rồi.
Trong một lần khác, một cảnh sát khác đã đe dọa ép cô Lý phải phá thai.
Tám người đã được công ty của ông Cung giao theo dõi cô Lý suốt ngày đêm, kể cả những lúc cô ăn, ngủ, sử dụng nhà vệ sinh hoặc đến thăm chồng tại trại tạm giam. Cô liên tục sống trong nỗi sợ bị bắt giữ.
Cảnh sát đã cố gắng ép cô viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Cô đã từ chối. Họ đã tịch thu chứng minh thư của cô và cưỡng bức lấy dấu vân tay của cô và các thông tin cá nhân khác, gồm cả chiều cao và cỡ giày.
Sau đó, cảnh sát đã tống tiền gia đình ông Cung 8.000 Nhân dân tệ rồi mới thả ông.
Sau khi ông Cung được thả, công ty của ông đã tống tiền ông 900 Nhân dân tệ để trả cho chi phí đi lại của những nhân viên đã đến Bắc Kinh đưa ông về nhà. Họ cắt giảm tiền lương hàng tháng của ông từ 1.900 Nhân dân tệ xuống còn 180 Nhân dân tệ như một hình phạt, và nói thêm rằng lý do duy nhất họ còn giữ công việc của ông là để ngăn ông đến Bắc Kinh lần nữa.
Mãi đến đầu tháng 7 năm 2000 khi cô Lý sắp sinh thì những người theo dõi cô mới rời đi. Với mong muốn mạnh mẽ để tìm lại công lý cho Pháp Luân Công, ngay khi họ rời đi, cô đã một mình đến Bắc Kinh để kháng nghị.
Khi các nhà chức trách phát hiện cô Lý không ở nhà vào tối hôm đó, họ đã bắt giữ ông Cung và giam ông tại một trại tạm giam địa phương.
Cô Lý chưa đi được quá xa và cô đã bị bắt tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, cách huyện Y Lan khoảng 290 cây số và bị đưa trở về nhà ngay trong đêm hôm đó.
Cô sinh một bé gái vào ngày 15 tháng 7 năm 2000.
Chỉ 18 ngày sau khi con gái cô chào đời, cảnh sát lại bắt chồng cô một lần nữa. Họ lục soát khắp nơi, kể cả dưới giường của em bé. Mẹ của ông Cung, bị bệnh tim nặng, đã chạy theo họ nhưng đã bị ngất trong sân.
Trong thời gian ông Cung bị giam giữ lần này, cô Lý đã phải đóng cửa nhà máy mỳ ăn liền của mình vì không thể quán xuyến được nữa.
Sợ bị liên lụy trong cuộc bức hại, hầu hết mọi người trong gia đình đều không dám giúp đỡ cô.
Vợ buộc phải chuyển chỗ ở, chồng bị tra tấn trong trại giam
Ngay sau khi ông Cung được thả, ngày 26 tháng 12 năm 2000, hai vợ chồng đã mang con gái 5,5 tháng tuổi của mình đến Bắc Kinh để kháng nghị cho Pháp Luân Công. Họ đã bị bắt vì giương biểu ngữ tại Quảng trường Thiên An Môn.
Mặc dù cô Lý và con gái đã được thả ra sau ba ngày bị giam giữ nhưng cô buộc phải chuyển chỗ ở trong 17 tháng để tránh bị bắt một lần nữa.
Ông Cung bị giam giữ tại trại tạm giam Phong Đài ở Bắc Kinh trong 24 ngày và bị đánh đập tàn nhẫn. Ngày 23 tháng 1 năm 2001, ông bị đưa trở lại trại tạm giam Số 2 huyện Y Lan và sau đó bị kết án lao động cưỡng bức hai năm.
Ông bị ghẻ khắp người và xuất hiện các vấn đề sức khỏe khác. Cảnh sát đã tống tiền cha ông 12.000 Nhân dân tệ và cho ông bảo lãnh tại ngoại.
Sau khi ông Cung được thả, chính quyền vẫn liên tục sách nhiễu gia đình ông và cố gắng ép họ từ bỏ đức tin.
Tháng 5 năm 2006, công ty của ông đã sa thải ông.
Người chồng rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh sau năm năm bị cầm tù
Ông Cung bị bắt một lần nữa vào khoảng 10 giờ tối ngày 12 tháng 12 năm 2006.
Cảnh sát đã dội nước lạnh lên cổ ông Cung và đánh đập ông. Khi ông bất tỉnh, họ lại tiếp tục dội nước vào ông để cho ông tỉnh lại. Cảnh sát cũng cấm ông sử dụng nhà vệ sinh và bức thực ông để ép ông tiết lộ thông tin về các học viên khác. Tuy nhiên, ông đã không tuân theo.
Cô Lý buộc phải chuyển chỗ một lần nữa sau khi cô thoát khỏi vụ bắt giữ. Con gái sáu tuổi của cô đã chuyển đến nhà bà. Bé gái thường xuyên khóc và đòi cha mẹ. Thỉnh thoảng cô bé còn cầm ảnh của cha mẹ trong tay và khóc không ngừng.
Cô bé đã từng nói với bà: “Con trông thấy một người trong công viên trông giống hệt mẹ con. Nhưng lúc đó có rất nhiều người xung quanh bà cháu mình. Con không dám lại gần mẹ vì con sợ mẹ sẽ lại bị bắt.”
Cung Vũ, con gái của cô Lý lúc 7 tuổi
Sau khi ông Cung bị bắt, cha mẹ ông đều đổ bệnh.
Ngày 20 tháng 4 năm 2007, ông Cung đã bị Tòa án huyện Y Lan kết án năm năm tù. Ông bị chuyển đến Nhà tù thành phố Giai Mộc Tư vào ngày 4 tháng 6.
Do bị tra tấn trong trại tạm giam, ông Cung bị suy sụp tinh thần và mất thính lực.
Bất chấp tình trạng của ông, nhà tù vẫn yêu cầu ông phải làm việc không công. Thấy ông không thể làm việc, lính canh liền đánh và đá ông. Họ ra lệnh cho bốn tù nhân khiêng ông trở lại phòng giam. Khi các tù nhân bắt đầu mệt, họ quẳng ông xuống sàn, khiến ông bị chấn thương nội tạng nghiêm trọng.
Khi các quan chức đến kiểm tra nhà tù, lính canh đã giấu ông Cung ở một góc để các thanh tra không nhìn thấy ông.
Sau khi gia đình ông Cung liên tục yêu cầu trong hơn một năm, nhà tù cuối cùng đã thả ông Cung tại ngoại để điều trị y tế vào tháng 12 năm 2008.
Khi đó, ông Cung đã mất trí nhớ. Ông không thể nhận ra bất cứ ai ở nhà. Ông không biết nói chuyện, ăn uống hay tự chăm sóc bản thân. Ông thường xuyên bị ngất. Nước tiểu của ông có màu trắng đục. Ông liên tục bị đau ngực và khó thở. Ông còn đổ rất nhiều mồ hôi khiến ga giường và quần áo thường xuyên ướt sũng.
Kỳ diệu thay, ông đã sống sót và dần lấy lại được trí nhớ sau khi tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công.
Ông Cung khi kết hôn
Ông Cung, một tháng sau khi được thả tự do
Để tránh bị bắt một lần nữa, ông Cung và cô Lý đã chuyển đến huyện Diên Thọ, cách huyện Y Lan khoảng 160 cây số. Cả hai vợ chồng đã mua xe ô tô và trở thành tài xế taxi. Cô Lý đã nhận được một số lời khen ngợi từ người chủ của mình vì đã trả lại những vật có giá trị bị mất được tìm thấy trong xe taxi của cô.
Không lâu sau, cảnh sát ở Y Lan đã tìm ra nơi họ ở. Hai vợ chồng họ đã buộc phải bán lỗ xe của mình và bắt đầu phải thường xuyên di chuyển. Sau đó, họ đi đến thành phố Thất Đài Hà ở phía đông nam của huyện Y Lan, cách đó khoảng 145 cây số. Cô Lý làm gia sư cho học sinh cấp hai để kiếm sống và ông Cung làm những công việc lặt vặt.
Cảnh sát huyện Y Lan không bao giờ ngừng truy tìm họ.
Trong lần sách nhiễu gần đây nhất vào ngày 7 tháng 12 năm 2019, cô Lý đã bị ngã và qua đời ở tuổi 41 khi cố gắng trốn thoát. Ông Cung hiện đang sống ẩn dật và hết sức đau lòng trước cái chết của vợ và tương lai bấp bênh của chính mình.
Trong thời gian hai vợ chồng ông Cung phải chạy trốn, họ đã nhờ chị gái của cô Lý giúp chăm sóc con gái nay đã 19 tuổi. Hiện cảnh sát cũng đang tìm kiếm họ.
Gia đình và bạn bè của cô Lý nguyện sẽ tìm lại công lý cho cô.
Các bài viết tiếng Anh liên quan:
https://en.minghui.org/html/articles/2008/4/5/96112.html
https://en.minghui.org/html/articles/2007/6/29/87172.html
Mr. Gong Fengqiang Mentally Disabled As a Result of Persecution, Medical Parole Denied
https://en.minghui.org/html/articles/2008/11/12/102230.html
https://en.minghui.org/html/articles/2007/5/1/85118.html
Các bài viết tiếng Hán liên quan:
https://www.minghui.org/mh/articles/2017/1/12/340764.html
https://www.minghui.org/mh/articles/2017/1/12/340764.html
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/12/13/397006.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/12/16/181115.html
Đăng ngày 24-12-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.