Bài viết của một học viên ngoài Trung Quốc

Từ một “tiểu hòa thượng” thành một “đại hòa thượng”

Năm 2011, tôi bắt đầu làm việc cho một trong những kênh truyền thông của chúng ta. Tôi cảm thấy mình thật may mắn. Mỗi học viên làm việc trong kênh truyền thông đều giống như người thân của tôi. Mỗi ngày chúng tôi cùng nhau làm việc, học Pháp và luyện công. Khi ấy kênh truyền thông vẫn chưa làm ra tiền, vì thế tất cả chúng tôi đều làm việc không lương. Tuy nhiên tất cả mọi người đều tập trung cố gắng làm việc để cho kênh trở nên tốt hơn. Không ai nghĩ cho bản thân cả. Tôi thậm chí còn không kiểm tra tài khoản ngân hàng của mình để xem liệu tôi có còn đủ tiền để duy trì đến tháng sau hay không. Trong môi trường đó, tôi chỉ đơn giản là cảm thấy hạnh phúc khi được làm việc cho kênh truyền thông của chúng ta. Tôi không ngại phải làm việc ở vị trí thấp nhất, và luôn cảm thấy vui khi được giúp đỡ mọi người. Tôi không bao giờ phàn nàn.

Tám năm đã trôi qua kể từ đó, và tôi đã đi từ một “tiểu hòa thượng chỉ biết nấu ăn” thành một “đại hòa thượng.” Tôi bắt đầu chú ý đến những điểm thiếu sót ở người khác và không ngừng chỉnh họ. Đồng nghiệp gọi tôi là “quản gia.”

Hầu hết mọi người đều rất hợp tác. Tôi nghĩ rằng điều tôi đang nói và làm là tốt cho tất cả mọi người, mãi cho đến một ngày nọ khi tôi bảo với một đồng nghiệp mới vào rằng cô ấy không nên mang dép khi đi làm. Vì lời đề nghị đơn giản đó, tôi đã ngạc nhiên khi cô ấy có một bài phát biểu dài 30 phút để chỉ trích tôi: “Mục đích thực sự của bạn là cứu người phải không? Bạn có nghĩ là bạn đang cứu người không? Bạn nghĩ rằng mình sở hữu kênh này sao! Bạn đã làm mọi thứ kỳ thật đều là vì tình!”

Tôi đã vô cùng sốc. Tôi nghĩ rằng: “Mọi thứ mình làm là để cứu người!” Nhưng tôi có một suy nghĩ khác rằng những lời chỉ trích của cô ấy không phải là ngẫu nhiên, rằng có thể cô ấy đúng.

Tôi cố gắng hướng nội nhưng không nhìn ra vấn đề của mình là gì. Vì thế tôi tiếp tục làm mọi việc như trước – nói với nhân viên bán hàng mới cách nhân viên bán hàng có kinh nghiệm làm việc, nói với những người dẫn chương trình mới cách những người dẫn chương trình có kinh nghiệm làm việc thế nào cho có hiệu quả – tôi luôn nhìn quanh và nhận biết các vấn đề và cố gắng đưa ra những gợi ý cho bất cứ ai mà tôi cảm thấy rằng họ đang làm mọi thứ chưa được hoàn hảo.

Mọi thứ cứ diễn ra như thế mãi cho đến khi tôi tham gia một hạng mục mới: Đoàn nhạc Tian Guo.

Chơi trong Đoàn nhạc Tian Guo

Năm 2016, tôi tham gia đội trống Snare của Đoàn nhạc Tian Guo.

Chơi trống Snare hóa ra rất khó đối với tôi. Nó yêu cầu người chơi phải cảm được âm và bắt được nhịp. Tôi phát hiện mình không cảm được nhịp. Tôi không thể nghe được nhịp điệu của nhạc. Tôi không biết khi nào nên đánh trống, và không thể di chuyển cơ thể của mình theo điệu nhạc.

Nhờ các học viên khác giúp đỡ, tôi cố gắng ở lại. Chỉ sau đó tôi mới nhận ra rằng nó là cơ hội tu luyện mà Sư phụ đã an bài cho tôi.

Ngay trước buổi biểu diễn đầu tiên của tôi, một người trong nhóm đã chạy về phía tôi để nhắc tôi một vài điều. Cô ấy hạ thấp người của mình xuống để đầu của cô ấy thấp hơn đầu của tôi và sau đó ngước mặt lên nhìn tôi với khuôn mặt rạng rỡ. Với giọng nói nhẹ nhàng và tử tế, cô ấy đã giải thích một vài điều mà chúng tôi cần phải chú ý trong lúc đi diễn hành.

Tôi bất chợt nhìn thấy sự khác biệt giữa người học viên đó và mình. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một người nào đó có thể hướng dẫn cho người khác theo cách hạ thấp mình trước như vậy. Đó là điểm khiến tôi cảm thấy chấn động. Tôi chợt hiểu rằng đây là một hành động thực sự dựa trên Chân–Thiện–Nhẫn.

Vào một buổi tối nọ, tôi nhận được một tin nhắn từ cùng vị học viên trên. Cô ấy nói cô không còn nghi ngờ về việc tôi sẽ là một tay trống xuất sắc. Tôi có thể cảm nhận được rằng lời cô ấy nói là thực lòng. Tôi đã xúc động đến rơi nước mắt. Tôi cảm thấy sự thấu hiểu và quan tâm của cô ấy đã làm giải thể một số vật chất bất bình nặng nề đã tích lũy trong tôi kể từ khi tôi bắt đầu tập trống; tôi cảm thấy nhẹ hẳn đi. Tôi rất muốn được cảm ơn đồng tu của tôi vì tấm lòng từ bi của cô ấy!

Để giúp tôi cải thiện kỹ năng chơi trống, một học viên khác đã đề nghị chúng tôi nên có thêm một buổi tập nữa mỗi tuần. Cô ấy rất kiên nhẫn dạy tôi các kỹ thuật đánh trống. Sau mỗi buổi tập, cô nói với tôi rằng: “Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã tập trống cùng tôi!” Lòng vị tha và nhẫn nại của học viên này đã khiến tôi cảm thấy xấu hổ khi đem mình ra so sánh. Tôi thường đổ lỗi cho người khác khi họ không làm được việc gì đó hoàn hảo. Tôi tự nhủ: “Sau này mình sẽ không đổ lỗi cho những đồng tu khác nữa. Hãy nhìn cách các học viên đối xử với mình khi mình đối diện với những khó khăn!”

Tôi vô cùng biết ơn vì Sư phụ đã dùng cơ hội này để tôi biết Chân-Thiện-Nhẫn thực sự là gì, và tu luyện thực sự là gì!

Tu luyện như thuở ban đầu

Cách đây vài ngày, tôi có dự một khóa đào tạo. Khi đang làm bài tập được giao, tôi nghe thấy một đồng tu nói rằng cô ấy sẽ không nộp bài cho đến khi nào cô ấy hài lòng 100% với bài tập của mình. Cô nói một cách rất tự nhiên, tuy nhiên nó làm tôi chấn động. Điều tôi đang nghĩ đó là nó chỉ là bài tập về nhà và tôi sẽ nộp đủ để vượt qua bài kiểm tra.

Hôm qua tôi đã dự một khoá đào tạo nhiếp ảnh. Một học viên nói rằng cô ấy đã suy nghĩ về cách chụp chân dung cho tốt hơn trong nhiều năm qua.

Tôi đã rất cảm động. Tôi nhớ khi tôi mới bắt đầu làm giám đốc một đài phát thanh: Tôi sẽ kiểm tra từng tệp âm thanh trước khi đăng và chỉnh sửa tệp nếu việc thay đổi có thể cải thiện kết quả. Không ai yêu cầu tôi phải làm cũng như không ai biết tôi đã làm điều đó cả. Tôi chỉ muốn đảm bảo rằng mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Nhưng theo thời gian, tôi dần dần ngưng làm điều đó.

Tôi cũng nhớ lại một tình huống xảy ra trong những năm đầu. Có một tập tin cần được phát sóng và chỉ kịp đến trước giờ lên sóng vài phút, vì vậy tôi không có thời gian để thay đổi. Nó đã bị lỗi trong khi phát sóng trực tiếp. Tôi đã khóc và rất buồn vì tôi không thể sửa lỗi kịp thời. Nhưng thời gian trôi qua, tôi hầu như không còn buồn khi có lỗi trong chương trình phát sóng.

Tôi phát hiện ra mình đã đánh mất điều gì đó quý giá.

Sư phụ giảng:

“Dù cho Sư phụ giảng bao nhiêu, tu luyện vẫn phải dựa vào bản thân chư vị. Điều Sư phụ lo lắng nhất là, hiện nay có một số người biến thành không tinh tấn nữa. Lúc đầu bức hại mọi người nỗ lực một cách rất đầy đủ, ngay cả toàn thể hình thế cũng được uốn nắn lại. Thuận theo hoàn cảnh nới lỏng, chư vị trái lại cũng buông lơi. Tu luyện ấy, có một câu này, trước đây tôi đã giảng cho mọi người, “tu luyện như thuở đầu, thì tất thành”. (vỗ tay nhiệt liệt) Rất nhiều người tu luyện không thành, chính là khi thời gian dần trôi họ đã không vượt qua được. Tịch mịch, buồn tẻ, đối với một việc đã quen thuộc tới mức không muốn lại động tới nữa, hoặc đã biến thành quen quá hoá bình thường. Bất kể sự tình gì cũng sẽ khiến người ta trở thành giải đãi. Chư vị không ngừng tinh tấn. Người tu luyện quá khứ khi tới bước cuối cùng vẫn phải khảo nghiệm chư vị đột nhiên một chập, nếu càng ngày càng giải đãi, thì bước khảo nghiệm đó nhất định sẽ không vượt qua được.” (Giảng Pháp ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới 2014)

Tôi đã hướng nội. Từ khi nào tôi đã mất đi niềm đam mê của mình? Điều gì khiến tôi không thể làm mọi thứ như khi tôi mới bắt đầu làm? Và tôi đã tìm ra câu trả lời: đó là sự ích kỷ.

Hồi mới tham gia kênh truyền thông, mọi thứ đối với tôi đều mới mẻ. Không có liên quan gì đến “cái tôi”. Dần dần tôi đã có vị trí của mình, ý kiến của mình, được và mất của mình. Khi “cái tôi” này lớn hơn, tôi muốn mọi người làm việc theo cách mà tôi muốn, nếu không tôi sẽ khiển trách và phàn nàn.

Tôi phát hiện thấy có một số học viên xem mọi thứ như là tu luyện chứ không chỉ đơn thuần là làm các việc. Con đường tu luyện của họ rất ổn định. Khi làm tốt việc gì đó, họ biết đó là nhờ Sư phụ chứ không phải chính bản thân họ.

Trong khi suy nghĩ về việc chơi trống trong đoàn nhạc, tôi nhận ra khoảng thời gian vừa qua tôi đã hài lòng về việc mình có thể theo các thành viên khác trong đội để bắt được đúng nhịp điệu. Tuy nhiên, tôi không thể tự chơi một mình. Tại sao tôi lại không thể đột phá được ngưỡng này? Cuối cùng tôi nhận ra rằng tôi chỉ chú ý đến việc loại bỏ nó ở bề mặt. Tôi đã không cố gắng giải quyết vấn đề cơ bản của mình – thiếu cảm thụ về tiết tấu.

Tôi phát hiện mình đã phạm các lỗi tương tự trong khi làm các việc Đại Pháp khác.

Cách đây một năm, tôi cùng với một học viên khác phụ trách chương trình bản tin 10 phút. Lúc đầu chúng tôi chỉ đơn thuần là lên mạng và tập hợp một số tin tức quan trọng và đọc chúng. Một năm sau, tôi vẫn tiếp tục mọi thứ theo cách đó. Nhưng người học viên cùng làm việc với tôi trong hạng mục này đã trở thành một phóng viên thực thụ. Bây giờ tôi có thể thấy rằng cô ấy đang thực sự làm báo cáo tin tức, trong khi tôi chỉ nhắm đến hoàn thành một chương trình dài 10 phút. Tôi bất chợt ngộ rõ hơn về chữ “Chân”

Tôi từng có suy nghĩ rất ích kỷ: “Mình chỉ cần vượt ra khỏi Tam giới là đủ rồi.” Tôi không có tâm nguyện quay lại nơi nguyên thủy của mình. Nhờ không ngừng học Pháp, cuối cùng tôi đã hiểu được rằng mục đích của đời người là để phản bổn quy chân. Nếu tôi không trở về được cảnh giới nguyên thủy của mình, thì chuyện gì sẽ xảy ra cho tất cả những sinh mệnh đang đợi tôi ở đó? Tôi đã đến đây để cứu họ!

Tôi muốn trở thành một đệ tử đạt tiêu chuẩn của Sư phụ. Mặc dù tu luyện chưa được tốt, nhưng tôi tự tin mình sẽ có thể làm được tốt hơn. Sư phụ đã chọn tôi. Sư phụ đã tin tưởng rằng tôi có thể làm được và Sư phụ đã tạo ra mọi yếu tố cần thiết để tôi thành công tại vi quan nhất. Tôi quyết tâm trân quý thời gian mà chúng ta có và tu luyện như thuở ban đầu.

Tôi vô cùng biết ơn ân cứu độ từ bi của Sư phụ. Tôi cũng vô cùng biết ơn sự hỗ trợ và đồng hành của các đồng tu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/9/2/392202.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/9/24/180039.html

Đăng ngày 25-10-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share