Bài viết của Nhất Ngôn, một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 19-07-2019] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào tháng 3 năm 1996. Cùng năm đó, chồng tôi và bố chồng đang sống cùng chúng tôi cũng bắt đầu tu luyện.
Mỗi ngày bố chồng sẽ đánh thức tôi vào khoảng 3 giờ 40 phút sáng và cả ba chúng tôi sẽ luyện công cùng nhau. Sau đó chúng tôi đi ra ngoài để nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Đại Pháp. Nhà của chúng tôi dùng làm điểm học Pháp nhóm, vào buổi tối các học viên có thể đến học Pháp và chia sẻ kinh nghiệm tu luyện. Đó là khoảng thời gian vui vẻ nhất.
Các đồng tu đều rất tình cảm và lịch sự, ai ai cũng hướng nội. Khi ấy tôi biết rất nhiều học viên, bao gồm rất nhiều cặp vợ chồng cùng tu luyện.
Đến nay đã hơn 20 năm trôi qua rồi, và tôi vẫn giữ liên lạc với khoảng hơn chục cặp vợ chồng mà cả hai đều là học viên. Nhưng hiện hoàn cảnh của họ khá là khác nhau.
Vì tôi là một trong số họ, tôi muốn chia sẻ một vài vấn đề thường gặp phải đối với các cặp vợ chồng đều là người tu luyện. Bài này là dựa trên thể ngộ và kinh nghiệm của cá nhân tôi.
Lấy các tiêu chuẩn cao của Pháp để phán xét đối phương
Tôi vẫn thường thức dậy vào khoảng 3 giờ 40 phút sáng mỗi ngày để luyện công. Sau khi luyện xong bốn bài động công, tôi gọi chồng mình dậy để chúng tôi có thể cùng nhau ngồi đả toạ.
Đôi lúc chồng tôi không muốn dậy khi tôi gọi anh, việc này làm tôi nổi giận. Trong tâm tôi phàn nàn: “Anh có phải là học viên không vậy? Tôi gọi anh dậy mỗi sáng, vậy mà anh vẫn không thể thức dậy nổi sao.”
Một ngày, khi đang luyện công, tôi bất chợt nhớ khoảng thời gian khi bố chồng tôi gọi tôi dậy mỗi sáng để luyện công. Lúc đầu, tôi luôn buồn ngủ và không muốn dậy sớm như vậy. Tuy nhiên tôi buộc phải thức dậy vì tôi không muốn bị mất mặt.
Khi ấy, tôi cảm thấy từ bi của mình lớn dần. Tôi vẫn gọi chồng dậy vào mỗi sáng nhưng nếu anh không muốn dậy, tôi vẫn bình tĩnh và không phàn nàn trong tâm.
Sau đó, tôi vẫn chia sẻ thể ngộ của mình với anh và nhắc anh rằng các học viên nên vượt qua chấp trước an nhàn và lười biếng.
Xem thường đối phương
Tôi biết một cặp đồng tu nọ luôn xem thường lẫn nhau và nghĩ người kia không phải là người tu luyện. Người vợ phàn nàn với tôi rằng chồng cô ngủ gật trong khi đang luyện công. Khi cô ấy chỉ ra cho anh thì anh sẽ không tiếp nhận và thường hay tranh cãi với cô. Sau đó người chồng cũng thường hay phàn nàn với tôi rằng vợ của anh hệt như những bà nội trợ bình thường. Họ đã tranh đấu với nhau vì những điều nhỏ nhặt và không cố gắng hiểu nhau.
Tôi tự hỏi tại sau mình lại tham gia vào những mâu thuẫn của họ. Cuộc cãi vã của họ nhắc tôi nhớ đến sự thất vọng mà tôi từng có với chồng mình về những chuyện nhỏ nhặt trong nhà. Tôi thường trút giận lên anh ấy nhưng anh ấy đã không làm ầm lên vì điều đó mà chỉ mỉm cười bỏ qua.
Thời gian trôi qua, sự thất vọng của tôi lắng xuống và tôi đã bỏ được những lời phàn nàn của mình. Mâu thuẫn giữa tôi và chồng cũng tự nhiên tan biến.
Các học viên chúng ta nhất định cần phải buông bỏ tâm oán ghét, hướng nội khi gặp phải mâu thuẫn và đo lường bản thân bằng các Pháp lý. Bất cứ mâu thuẫn nào sau đó cũng sẽ sớm vượt qua.
Một điều quan trọng khác đó là nên nghĩ đến công trạng của người khác hơn là nghĩ đến lỗi sai của họ. Hơn nữa, chúng ta hay dùng quan niệm của chính mình để phán xét tốt xấu. Mọi người đều có tiêu chuẩn riêng trong khi làm các việc, và vì thế không thể nào có chuyện tiêu chuẩn của họ có thể phù hợp với tiêu chuẩn của bản thân mình và ngược lại.
Chúng ta không thể yêu cầu người khác tuân thủ các tiêu chuẩn riêng của mình được. Chỉ có thể dùng nguyên lý Chân–Thiện–Nhẫn để đo lường thế nào là đúng thế nào là sai.
Nghiệp bệnh
Một cặp vợ chồng nọ có người vợ ôm giữ cái tình mạnh mẽ đối với gia đình cô, điều này khiến cô bị nghiệp bệnh nặng. Hiện cô không thể tự chăm sóc được cho bản thân, chứ chưa nói đến gia đình. Chồng cô là người rất có năng lực và được kính trọng, anh đã làm được rất nhiều việc trong Chính Pháp.
Có lần tôi đọc được một bài chia sẻ trên trang Minh Huệ nói về một người thích ra lệnh và cực kỳ cứng đầu. Nó làm tôi nhớ đến bản thân mình. Tôi là người có tính cách mạnh mẽ và không thích bị chất vấn.
Có một cặp vợ chồng khác cũng trong khu vực của chúng tôi. Người chồng đã làm điều gì đó sai trái trước khi cuộc đàn áp bắt đầu vào tháng 7 năm 1999. Anh ấy bị các triệu chứng nghiệp bệnh nghiêm trọng, liên tục nôn ra máu và có máu trong phân. Một đồng tu đã giúp anh hướng nội, và cuối cùng anh đã nhận ra lỗi sai của mình. Anh đã phơi bày lỗi lầm của mình với các đồng tu và sớm được bình phục.
Tuy nhiên, vợ anh cảm thấy bị mất mặt trước các học viên khác, và mối quan hệ giữa hai vợ chồng ngày càng xấu đi. Người vợ sau đó đã hướng nội và nhận ra mình có tâm xem thường người khác, tâm phàn nàn và tâm hay đổ thừa cho người khác. Hiện mối quan hệ của hai vợ chồng này đã cải thiện đáng kể.
Mất một đứa con
Có một cặp vợ chồng khác có một cậu con trai. Con trai của họ đã học Pháp từ khi còn trẻ. Tuy nhiên, cậu ấy đã qua đời vào ngày 1 tháng 6 năm 2018, ở tuổi 26. Tôi vẫn cảm thấy buồn khi nhớ lại tình huống này.
Khi con trai của họ đang phải chịu đựng nghiệp bệnh, hai vợ chồng tôi cùng với bốn cặp vợ chồng khác đã đến nhà của họ để cùng nhau học Pháp. Tôi nhận thấy cha mẹ cậu ấy không hề biết cách tu luyện. Họ đã từ chối chia sẻ kinh nghiệm của mình và bài xích nhận thức Pháp của những người khác.
Đối với họ, hướng nội dường như chỉ là một câu nói. Họ hoàn toàn bị chấp vào “bệnh” của con trai mình. Khi chúng tôi chỉ ra cho họ thấy chấp trước của họ, họ đã không tiếp nhận. Tôi cảm thấy rất buồn cho họ.
Nhìn cậu thanh niên bị cơn đau hành hạ, tôi hiểu họ đang cảm thấy tuyệt vọng và bất lực. Nó khơi dậy tâm chấp của tôi vào con trai mình trong khoảng một thời gian, vì cháu cũng ở tầm tuổi con của họ.
Bất cứ khi nào luyện công tôi đều nghĩ về con trai mình. Sau đó tôi cố gắng gọi cháu nhưng cháu đã không nhận điện thoại, điều đó khiến tôi lo lắng hơn. Tôi lo lắng và không thể tĩnh lại trong lúc luyện công. Tôi nói chuyện với chồng mình về việc đi thăm con trai, và chúng tôi đã sắp xếp với một học viên khác, người sẽ chở chúng tôi đến thăm con trai của chúng tôi vào ngày hôm sau.
Tuy nhiên tối hôm đó, cậu con trai bị nghiệp bệnh của cặp vợ chồng học viên kia đã qua đời. Chúng tôi phải đến để giúp họ. Vị học viên đồng ý chở chúng tôi vào ngày hôm sau cũng ở đó. Tôi nhận ra mình nên buông bỏ chấp trước vào tình đối với con trai và chúng tôi quyết định không lái xe đến gặp cháu nữa.
Sáng hôm sau khi tôi gọi lại cho cháu, cháu đã trả lời. Tôi nhận ra chính chấp trước của tôi đã khiến tôi sợ hãi. Sau đó, tôi bình tĩnh lại.
Đối phó với việc người thân bị bắt giữ
Người vợ của cặp vợ chồng nọ bị bắt giữ vì treo băng rôn giảng chân tướng. Người chồng lo lắng đến mức không thể ăn uống gì được. Mẹ anh đã phải đi từ quê lên để giúp anh. Họ học Pháp và luyện công cùng nhau. Cuối cùng, người chồng đã vượt qua được nỗi buồn, có thể bình thường trở lại và đi làm.
Người vợ rất có năng lực, và hai vợ chồng này có một mối quan hệ tốt. Khi một trong hai người bị bắt, có thể hiểu được rằng người kia sẽ rất buồn. Tuy nhiên nhìn từ góc độ tu luyện, thì là họ có quá nhiều tình cảm với nhau, thứ mà người tu luyện nên xem nhẹ.
Hãy chú ý đến hành động của chúng ta
Cả hai vợ chồng tôi đều cảm thấy rằng chúng tôi biết cách tu luyện và xử lý các vấn đề theo đúng tiêu chuẩn của Pháp. Đôi khi chúng tôi đồng tình với nhau, đôi khi lại không. Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng tìm điểm chung khi giải quyết những khác biệt.
Một buổi sáng nọ, tôi cảm thấy mình đã có một buổi ngồi đả tọa thực sự tốt. Đầu óc tôi rất tỉnh táo và tôi không cảm thấy chân mình bị đau. Tuy nhiên chồng tôi nói với tôi rằng tôi đã ngủ trong khi đang ngồi đả toạ. Tôi đã cãi lại: “Không thể nào. Em cảm thấy rất tốt mà!”
Anh ấy cho tôi xem một đoạn video mà anh ấy đã quay lại bằng điện thoại. Tôi đang ngủ say với đầu gần như chạm vào chân. Tôi không còn tiếp tục cãi nữa.
Chúng tôi thường cãi nhau về các vấn đề liên quan đến luyện công. Tôi luôn tìm lý do và không muốn thừa nhận là mình sai. Tôi chỉ ngừng tranh cãi khi tôi bắt đầu hướng nội.
Có đồng tu từng nhắc tôi rằng tôi đã bỏ lỡ một từ trong khi đang học Pháp. Không buồn suy nghĩ, tôi liền lập tức nói: “Tôi đọc sai rồi sao?” Sau đó chồng tôi liền nói: “Có người nhắc thì em hãy cứ đọc lại. Nếu em cố gắng nói gì đó, nó sẽ làm lãng phí thời gian học Pháp. Cũng không hay khi nói gì đó khác ở giữa buổi học Pháp. Đó là hành vi bất kính đối với Pháp và Sư phụ.“
Kiên định tu luyện
Khi tôi nhìn thấy mâu thuẫn xảy ra giữa các học viên khác, tôi tự hỏi liệu mình có vấn đề tương tự hay không, vì không có gì là ngẫu nhiên.
Sư phụ giảng:
“Chỗ tôi có vấn đề gì? Bản thân hãy thử tìm xem bản thân mình có vấn đề gì. Nếu người thứ ba nhìn thấy mâu thuẫn giữa hai người họ, thì tôi nói rằng người thứ ba cũng đều không phải là ngẫu nhiên để chư vị nhìn thấy, ngay cả chư vị cũng cần phải nghĩ xem: Vì sao để tôi nhìn thấy mâu thuẫn giữa họ? Có phải bản thân tôi còn có chỗ thiếu sót không? Như vậy mới được.” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc năm 1999)
Qua trải nghiệm của mình trong quá trình tu luyện, tôi đã hiểu sâu hơn về vấn đề này, nó giúp làm giảm rất nhiều mâu thuẫn. Khi gặp mâu thuẫn, việc hướng nội không còn khó khăn nữa khi nó đã trở thành thói quen.
Trước khi làm bất cứ điều gì, tôi luôn cân nhắc liệu nó có phù hợp với Pháp hay không. Điều này giúp tôi tránh được những rắc rối không cần thiết. Tất nhiên, có những lúc tôi không thể làm tốt. Nếu không làm tốt, hậu quả xấu sẽ xảy ra, và điều đó thúc đẩy tôi điều chỉnh lại.
Sư phụ giảng:
Khứ Chấp
Tuy ngôn tu luyện sự
Đắc khứ tâm trung chấp
Cát xả phi tự kỷ
Đô thị mê trung si
(Hồng Ngâm II)
Diễn nghĩa:
Vứt Bỏ Chấp Trước
Tuy [có thể] nói về việc tu luyện
Nhưng phải bỏ đi chấp trước trong tâm
Thứ bị cắt bỏ không phải chính mình
Mà đều là cái si trong mê
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/7/19/384441.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/9/8/179232.html
Đăng ngày 26-09-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.