Bài viết của một học viên ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 04-04-2018] Mọi người đều có những phản ứng khác nhau trước đau đớn. Một người không tu luyện có thể sợ bị bệnh và đi bệnh viện. Một vài học viên nghĩ rằng đau nghĩa là đang tiêu nghiệp vì

“Trong tu luyện cần tiêu nghiệp, tiêu nghiệp sẽ thống khổ” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)

Những học viên khác có thể nghĩ rằng công của họ đang tăng vì như Sư phụ đã giảng:

“…không chỉ là vài đường mạch này, ngang dọc giao nhau đều có, toàn thân đôi khi giống như điện chạy, lạnh, nóng, tê, nặng, xoay chuyển, v.v.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Houston)

Những học viên khác có thể nghĩ rằng đau đớn là do họ có chấp trước, họ cần phải hướng nội và buông bỏ nó đi.

Các học viên rất biết ơn sự gia trì của Sư phụ vì tất cả chúng ta đều biết rằng:

“Chịu khổ chịu nạn là cơ hội rất tốt để tiêu trừ nghiệp lực, tiêu trừ tội lỗi, tịnh hoá nhân thể, đề cao cảnh giới tư tưởng, và thăng hoa tầng thứ; đó là việc rất tốt.” (Càng về cuối càng tinh tấn, Tinh Tấn Yếu Chỉ III)

Tuy nhiên,

“… tốt xấu xuất tự một niệm của người ta, sai biệt ở một niệm ấy đưa đến hậu quả khác nhau.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Kết quả phụ thuộc vào việc chúng ta dùng quan niệm của người thường hay Thần niệm.

Sư phụ giảng:

“…lựa chọn của một sinh mệnh là do họ quyết [định]; dẫu rằng trong lịch sử họ đã có hứa nguyện gì, thì vào thời điểm then chốt thì lời của họ vẫn là quyết định [cuối cùng].” (Giảng Pháp tại Pháp hội Philadelphia ở Mỹ quốc năm 2002)

Phản ứng của chúng ta trước khổ nạn có thể quyết định điều chúng ta phải đối diện tiếp theo là gì.

Một học viên 60 tuổi bắt đầu có kinh nguyệt sau khi bà bắt đầu tu luyện. Bà nghĩ mình bị bệnh và đã đến bệnh viện. Các bác sĩ cho biết bà không sao cả, nhưng bà vẫn lo lắng. Vì thế, bà đã chi 5.000 nhân dân tệ để cắt bỏ buồng trứng của mình. Nhờ tiếp tục học Pháp, bà nhận ra rằng kinh nguyệt của mình đã trở lại hệt như Sư phụ đã đề cập trong Chuyển Pháp Luân. Nó thực sự là một điều tốt, nhưng bà lại tự gây khổ nạn cho mình.

Mọi người đều cố gắng bảo vệ bản thân. Vì vậy, khi khổ nạn đến, người ta lại đối đãi với nó theo cách hệt như của người thường.

Một số học viên nghĩ rằng những khó chịu mà họ gặp phải là nghiệp bệnh do cựu thế lực an bài thay vì là biểu hiện của tịnh hoá thân thể hoặc tăng công. Nếu ngẫm lại học viên đó sẽ có thể thấy rằng họ có chấp trước sợ bệnh.

Nếu ai đó nghĩ rằng họ bị bệnh, cựu thế lực sẽ an bài cho bệnh tật biểu hiện ra. Chúng sẽ cho bạn bất cứ điều gì mà bạn sợ hoặc bất cứ điều gì mà bạn chấp vào. “Chẳng phải ngươi nghĩ ngươi bị bệnh sao?“ Thôi được rồi, chúng sẽ làm cho nó trông giống như bị bệnh. Nếu bạn vẫn không ngộ ra, bạn sẽ càng sợ bị bệnh hơn, và chúng sẽ khiến nó nghiêm trọng hơn. Nếu bạn không có chính niệm, bạn sẽ thấy bản thân đang đi trên con đường do cựu thế lực an bài.

Chúng ta thường phát chính niệm nhắm vào các triệu chứng. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm thì một số các học viên bắt đầu nghi ngờ Pháp và Sư phụ. Họ thậm chí còn phàn nàn. Các bạn đã từng nghĩ về điều này chưa: mục đích của việc phát chính niệm là để loại bỏ giả tướng khiến bạn không được thoải mái. Nhưng chấp trước vào an nhàn và cảm giác dễ chịu đã cho cựu thế lực cơ hội tận dụng sơ hở của bạn. Kết quả là chính những quan niệm người thường này đã khiến bạn gặp phải khổ nạn và rắc rối.

Cái gì là can nhiễu của cựu thế lực? Những khảo nghiệm nào chúng ta cần phải đối diện và vượt qua? Sư phụ đã giảng rất rõ trong Pháp:

“Các đệ tử Đại Pháp hôm nay đang làm là công việc chứng thực Pháp, là việc thần thánh nhất vĩ đại nhất. Nếu chư vị nói: ‘Vào thời gian then chốt khi tôi đang làm công tác Đại Pháp và cứu độ chúng sinh này mà xuất hiện bất kể sự việc gì, thì đó nhất định là can nhiễu’. Chư vị cần đo lường một cách có lý trí. Không được chấp trước rằng ‘Hễ tôi thống khổ, tôi khó chịu, tôi liền cho rằng nhất định là do can nhiễu; hễ tôi thống khổ, khó chịu là tôi không chịu, tôi liền phát chính niệm.’” (Giảng Pháp tại Pháp hội vùng đô thị New York năm 2003)

Sư phụ cũng giảng:

“Việc do cựu thế lực làm thì tôi đều phủ định, tôi đều không thừa nhận, càng không nên có việc là khiến đệ tử Đại Pháp gánh chịu những thống khổ ấy.” (Giảng Pháp ở Pháp hội tại Vùng đô thị New York năm 2013)

Sư phụ không an bài nghiệp bệnh cho chúng ta vì Sư phụ đã đẩy chúng ta vượt qua giai đoạn đó. Sư phụ cũng giảng:

“hễ chư vị động đến chữ “bệnh” là tôi không muốn nghe.“ (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)

Vì vậy, tại sao chúng ta luôn nghĩ rằng chúng ta bị bệnh?

Trong một bài chia sẻ được đăng trên Minh Huệ, người vợ có một khối u ở bụng và đã bảo người chồng xem thử. Người chồng nói: “Anh không xem đâu, vì đó là giả tướng do cựu thế lực tạo ra.”

Những học viên đã vượt qua khảo nghiệm “nghiệp bệnh” cảm thấy vô cùng biết ơn Sư phụ vì đã gánh chịu cho chúng ta và chính niệm của những học viên khác. Nhưng từ một góc độ khác, “bệnh” của chúng ta đã làm lãng phí thời gian của các đồng tu dành cho việc cứu người, và nó cũng khiến Sư phụ phải lo lắng. Vì vậy, việc bị “bệnh” đã can nhiễu năng lực cứu người và đó không phải là điều mà Sư phụ muốn.

Tại sao chúng ta luôn nghĩ rằng bệnh là can nhiễu hay bức hại? Tại sao nó không thể là biểu hiện của “thân thể tịnh hoá” hay “tăng công”? Có phải vì chúng ta không muốn chịu đau và chúng ta không muốn đối mặt với áp lực từ gia đình, những người ép chúng ta đi viện? Liệu tâm lý này sẽ giúp chúng ta đề cao hay kéo chúng ta xuống?

Sư phụ giảng:

“Đệ tử Đại Pháp vì sao cần tu luyện, vì sao cần vượt quan, vì sao cần chính niệm mạnh mẽ, vì sao cần chịu khổ? Chỉ có như vậy mới có thể tính là tu luyện. Thực ra tu luyện chính là đến để chịu khổ, không phải là vì để đắc bảo hộ tại thế gian con người mà đến. Học Đại Pháp có bảo hộ, tu Đại Pháp cũng cần chịu khổ.” (Giảng Pháp tại Pháp hội San Francisco năm 2005)

Không có gì sai nếu các học viên muốn được thoải mái trong khi làm ba việc. Nhưng Sư phụ không chỉ muốn chúng ta cứu người; mà Ngài còn muốn chúng ta đề cao. Chúng ta chỉ có thể làm ba việc thật tốt nếu chúng ta đề cao.

Khi chịu khổ, tâm tính của chúng ta cũng đang đề cao. Tôi cảm thấy đây là một nội hàm của Nhẫn. Tôi tin rằng Nhẫn bao gồm khoan dung, chịu khổ, nhẫn nại, tha thứ và kiên trì. Chịu khổ của người tu luyện khác với chịu khổ của người thường, vì đối với người tu luyện, chịu khổ là cách để đề cao và là phương tiện để phản bổn quy chân.

Tôi luôn tin rằng đối với một người tu luyện, bất cứ điều gì chúng ta gặp đều là việc tốt. Vì vậy tôi luôn đối đãi với đau đớn trên thân thể như là biểu hiện của loại bỏ nghiệp lực, tịnh hoá thân thể và tăng công, đó đều là việc tốt. Tôi tin rằng đó là quá trình chuyển hoá từ nhục thân thành thần thể. Nếu cơn đau nghiêm trọng, đó là vì có quá nhiều nghiệp lực đang được tiêu đi và những cải biến là rất to lớn. Vì vậy, mặc dù rất đau nhưng tôi cảm thấy vui.

Cách đây vài ngày, tôi bị đau đầu dữ dội trong khi đang ngồi đả toạ. Tôi nghĩ có một tầng thiên thể đang được tịnh hoá và sau đó tôi bình tĩnh lại. Cơn đau biến mất sau vài phút. Theo thể ngộ của tôi thì cơn đau là dấu hiệu cho thấy tôi đã đạt tới một tầng thứ nào đó; khi tâm tính của tôi đề cao, thì tôi đã vượt qua tầng đó.

Tháng tám năm ngoái tôi bắt đầu bị đau đầu định kỳ, mỗi lần kéo dài khoảng một hoặc hai ngày. Khi cơn đau đến, tôi liên tục niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân–Thiện–Nhẫn hảo.” Tôi đã hình dung rằng tất cả các lạp tử trong trường của tôi đang được tịnh hoá và đồng hoá với Pháp. Khi cơn đau nghiêm trọng hơn, tôi đã cầu xin Sư phụ giúp. Một người bình thường sẽ không thể chịu đựng nổi cơn đau dữ dội như vậy. Tôi cảm thấy may mắn được là một học viên và vô cùng biết ơn Sư phụ đã giúp đỡ.

Tôi đã hỏi một học viên khác, “Nếu như ‘… đột nhiên một luồng nhiệt tuôn từ trên đỉnh đầu xuống thông thấu toàn thân’ (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân), thì anh nghĩ đó là gì?“ Anh nói: “Sư phụ hẳn là đang tịnh hoá thân thể của bạn.” Sau đó tôi lại hỏi: “Nếu bị đau đầu định kỳ thì sao?” Anh ấy trả lời: “Vậy thì đó là bức hại của cựu thế lực và tôi sẽ không thừa nhận nó.”

Cả hai đều là cảm xúc trên thân thể. Khi cảm thấy thoải mái, nhiều học viên tin rằng Sư phụ đang giúp đỡ và khích lệ họ. Nhưng nếu bị đau, họ tin đó can nhiễu của cựu thế lực. Sư phụ giảng:

“Do đó chúng ta có những người hễ thân thể họ đâu đó không thoải mái, họ liền cho rằng bản thân có bệnh.” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)

Tôi không bao giờ có suy nghĩ tiêu cực khi cơn đau đến. Tôi luôn nghĩ đó là tịnh hoá thân thể. Cơn đau yếu dần. Cách đây vài ngày, tôi có cảm giác như cơn đau sắp bắt đầu. Tôi tự nhủ: “Thân thể của mình sẽ lại được tịnh hoá.” Lần này nó đã không đến. Tôi tin rằng đó là vì tầng thân thể của mình đã được tịnh hóa gần xong.

Khi không cảm thấy thoải mái, bất kể là gặp phải điều gì, tôi đều dùng chính niệm để đối đãi. Ngay cả khi cựu thế lực cố gắng bức hại tôi, chúng cũng không thể làm được gì. Chúng chẳng còn gì để làm với tôi.

Một số khảo nghiệm kéo dài vài tháng hay thậm chí cả năm. Tôi biết đó là do một số vấn đề về tâm tính của tôi. Điều Sư phụ nhìn là liệu chúng ta có chính niệm hay không khi gặp phải khổ nạn. Hết thảy đều là Sư phụ đang làm.

Đây là những thể ngộ tại tầng thứ hiện tại của tôi. Xin vui lòng chỉ ra cho tôi nếu thấy có bất cứ điều gì không phù hợp.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/4/4/363690.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/9/8/179234.html

Đăng ngày 26-09-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share