Bài viết của Trí Chân

[MINH HUỆ 07-02-2012] Cổ ngữ nói rằng:“Sở vị thiện nhân, nhân giai kính chi, Thiên Đạo hựu chi, phúc lộc tùy chi, chúng tà viễn chi, Thần linh vệ chi, sở tác tất thành.” (Tạm dịch: Người thiện thì người người đều kính trọng, được Đạo Trời bảo hộ, phúc lộc theo đó mà đến, các loại ma tà đều tránh xa, Thần linh bảo vệ, làm gì cũng thành công.)

Đây chính là để răn dạy mọi người rằng, con người nếu có thể đủ cung kính cẩn thận với chính mình, thuận ứng theo lẽ Trời thì tự nhiên trong khi tĩnh tâm thì tâm sẽ tương hợp với Đạo Trời. Khi hành động thì hành vi sẽ tương ngộ với những điều cát tường hỷ khánh. Vì vậy làm người cần phải tự khích lệ mình gắng sức vì điều thiện, hành thiện và khuyến thiện, kịp thời phản tỉnh xem xét những lỗi lầm của mình, chú ý những khởi tâm động niệm của bản thân, không được có một niệm sai trái. Dưới đây là một số câu chuyện thiện ác báo ứng được ghi chép trong các thư tịch cổ.

Tri ân tìm cách báo đáp lại cảm ứng được thiện báo

Hoàng Chung đời Minh là người châu Diên Khánh, 4 tuổi đã là trẻ mồ côi, được bác ruột nuôi dạy. Nhà bác rất nghèo, hai vợ chồng bác hàng ngày phải ăn cám, họa hoằn mới kiếm được chút gạo, đều để cho Hoàng Chung ăn. Hoàng Chung rất cảm kích ân đức của hai bác. Lúc lên 6 tuổi, Hoàng Chung rơi lệ nói với bác, mong muốn được đọc sách, tương lai có thành tựu để báo đáp hai bác. Nhưng nhà bác quá nghèo khó, không thể có tiền học phí để đưa cậu đến trường được.

Một hôm quan châu Thái Công mộng thấy Thần Thành Hoàng nói: “Trong quận ông quản lý có một cậu bé, sau này sẽ làm phủ doãn phủ Thuận Thiên. Hiện nay cậu bé nghèo khổ không thể đi học được, nhưng cậu có một niệm thiện tâm, mong muốn báo đáp cha mẹ nuôi nên đã cảm động đến Thần linh. Ông hiện nay có thể chu tế cho cậu bé. Còn nữa là đứa trẻ này ban ngày khi chơi đùa trong miếu đã giẫm vào vai ta.”

Hôm sau quan châu đến miếu, ngẩng đầu nhìn dung mạo y phục mũ của tượng Thần hoàn toàn giống như đã thấy trong mộng. Hơn nữa trên vai trái quả nhiên có vết chân của một đứa bé đã giẫm đạp lên. Quan châu triệu tập tất cả những đứa trẻ chơi đùa trong miếu lại hỏi mới biết là Hoàng Chung đã làm. Ông hỏi cậu tại sao, cậu nói leo lên chơi với chim non trong tổ chim sẻ. Sau đó hỏi cậu tình hình gia cảnh, biết được tình hình nghèo khó của gia đình cậu. Thế là mỗi tháng ông cấp cho gia đình cậu một thạch gạo (khoảng 31 kg) để bác nuôi dưỡng cậu. Ông lại tìm một thầy cao minh đưa cậu đi học. Quan châu tự bỏ tiền học phí cho thầy. Sau 3 năm quan châu hết nhiệm kỳ rời đi, lúc đó Hoàng Chung mới 10 tuổi, cũng đã biết làm văn rồi, nhưng quan châu không để lộ một chút nào về lời tiên tri ông có được trong giấc mộng.

Năm Hoàng Chung 18 tuổi, được quan phủ tiến cử lên kinh dự thi, sau đó đỗ tiến sỹ cập đệ. Quan châu Thái Công từ quan trở về, đến gặp Hoàng Chung ông mới kể mọi việc trong giấc mộng cho cậu. Hoàng Chung bái tạ, tiếp đãi ông với lễ tiết của bậc thầy. Sau này quả nhiên Hoàng Chung làm quan phủ doãn phủ Thuận Thiên. Khi đó người bác của ông đã qua đời rồi, bác gái đã tái giá với người khác. Hoàng Chung thờ phụng Thái Công vô cùng cung kính cẩn thận, hiếu kính phụng dưỡng hơn cả cha mẹ đẻ.

Giúp người làm lợi cho người, tích thiện có thừa phúc lành

Mẫn Thế Chương đời Thanh là thương nhân kinh doanh muối huyện Hấp tỉnh An Huy, kinh doanh muối ở Dương Châu. Ông tích lũy được số tiền lớn vạn quan, lại vui thích làm việc thiện không mệt mỏi, là bậc quân tử chân chính. Lợi tức kinh doanh muối hàng năm, ông chi dùng cực kỳ tiết kiệm. Ngoài số tiền cung cấp ăn uống trong gia đình, số còn lại ông dùng tất cả vào làm việc thiện, giúp đỡ người dân, không hề keo kiệt. Sở thích duy nhất của ông là đọc sách, mỗi đêm khuya vẫn tay cầm sách không muốn rời. Ông đã từng nói với người khác rằng: “Tôi cả đời không thích cờ bạc, không thích sơn hào hải vị, không khoe trang phục, không giao du ca hát, cũng không có sở thích nào khác.”

Mọi người gọi ông là Nho thương, tức là ông vừa có đạo đức và tài trí của Nho sỹ lại có giàu có và thành công của thương nhân. Nhà ở của ông rất nhỏ hẹp. Mỗi khi mọi người khuyên ông bỏ tiền ra xây nhà mới ông đều trả lời rằng: “Xem tôi khi còn không có chỗ che mưa gió thì như thế nào? Hơn nữa lâu nay đã quen với nó (ý nói ngôi nhà cũ nhỏ hẹp) rồi, coi như là cố nhân, không nỡ bỏ nó đi.”

Khi người dân bị thiên tai, Mẫn Thế Chương luôn là người đầu tiên đề xướng quyên góp gạo nấu cháo cứu tế. Ông cảm thấy còn một người không có nơi cư ngụ, thì cả đêm ông đi vòng quanh mãi như là có gì mất mát vậy. Mỗi khi Dương Châu bị nạn lũ lụt, hạn hán, mất mùa, ông đều quyên tiền cứu tế, ông cứu sống người dân bị nạn đói nhiều đến mức không thể tính nổi.

Ngày thường ông cũng trợ giúp người gặp khó khăn cấp bách. Có lần thất trong quận có đôi vợ chồng mắc món nợ quan, phải lấy thân trả nợ, viên quan thu nhận người vợ và đuổi người chồng đi. Hai vợ chồng khóc lóc đau khổ, thề chết cũng không rời xa nhau. Mân Thế Chương biết chuyện đã trả nợ thay, khiến vợ chồng nhà kia được trở về đoàn tụ, họ cảm kích khôn nguôi. Hoặc như ông nhận nuôi những đứa trẻ sơ sinh bị vứt bỏ, tiếp tế người nghèo, thí xả áo rét, sửa đường làm cầu, đủ các loại việc thiện nhiều không kể xiết.

Mẫn Thế Chương cả đời nghiêm khắc tự giác kỷ luật với bản thân, mỗi việc làm mỗi hành vi đều không hổ thẹn với lương tâm, với Trời Đất. Cả đời ông nhiều phúc vận, thọ khảo, khang ninh. Các con cháu ông đều phát đạt, khoa cử đỗ đạt, đều là thiện báo của đức hạnh. Phúc báo cho người hành thiện quả không hề sai lệch một ly.

Tâm niệm khác nhau một niệm, tiền đồ khác nhau một trời một vực

Đây là sự việc xảy ra vào thời nhà Minh. Khi Vương Đình người Kiến Đức Chiết Giang là chức chư sinh, Đề học đại nhân của tỉnh là người chủ trì cuộc thi huyện hàng năm. Đúng dịp Đề học đại nhân được cử làm Tham chính, đến huyện xử lý công vụ, các chư sinh đều đi bái kiến ông. Trong lúc trò chuyện, nói đến việc thi cử, quan Tham chính chỉ hỏi loạt thứ nhất thi đỗ được bao nhiêu người, sau đó được bổ sung thêm bao nhiêu người, còn các việc khác ông đều không hỏi. Mấy ngày sau, lại có một quan Thiêm sự đến. Ông chỉ hỏi khi thi có bao nhiêu người bị xóa bỏ tư cách, bao nhiêu người trượt, bao nhiêu người chịu hình phạt, còn các việc khác đều không hỏi.

Vương Đình và các chư sinh khác bàn luận rằng: “Hai vị đại nhân này hỏi vấn đề trái ngược nhau như thế này, chúng ta đều ghi nhớ chuyện này, xem đời này tiền đồ và vận khí của hai người như thế nào?”

Sau này quan Tham chính đại nhân làm quan đến Thị lang bộ Hộ, con cháu đều có được công danh. Quan Thiêm sự được thăng làm Phó tiết độ sứ Thiểm Tây, trên đường nhậm chức gặp cướp, tài sản đều bị cướp sạch, chỉ giữ được tính mạng. Đến nơi nhậm chức không lâu, ông lại gặp chuyện Vương Mỗ ở An Hóa tạo phản, cuối cùng ông bị kết cục bị tử hình, bị chém ngang lưng.

Việc này lẽ nào chẳng phải nói rằng, chỉ một câu hỏi cũng đã phân định rõ họa phúc đó sao? Lời nói là tiếng nói của cái tâm, quả là không sai. Trong tâm khắc bạc thì mỗi lời nói mỗi hành vi đều khắc bạc. Người được hưởng phúc trạch lâu dài quyết không như vậy.

Trợ giúp người làm điều sai trái, tổn hao phúc báo tự rước tai họa

Dương Khai đời Minh là huyện lệnh huyện Đan Dương, tính tình vô cùng nóng nảy ngang ngược. Dương Tuân là mưu sỹ của ông, lại là người tính tình gian xảo siểm nịnh, giỏi dò đoán tâm ý đối phương, từ đó thuận theo để lấy lòng. Vì vậy có lúc rõ ràng biết Dương Khai làm sai nhưng Dương Tuân cũng không dám trái ý ông ta. Tất cả những gì Dương Khai làm thì Dương Tuân chỉ ca ngợi làm rất tuyệt, làm rất đúng mà thôi.

Một hôm tiết trời rất nóng nực, Dương Khai hạ lệnh dùng gậy đánh những viên quan ở nha môn vì đã làm việc không dốc sức, và đánh những phạm nhân trong nhà lao. Tổng cộng đánh trên 40 người, trong đó có 2 người bị đánh chết. Dương Tuân ở bên vẫn nói: “Đánh chết rồi, rất tốt.”

Đêm đó Dương Tuân mộng thấy Thần linh quát mắng ông ta rằng: “Ngươi trợ giúp Dương Khai làm ác nên cùng một tội với Dương Khai.” Không lâu sau Dương Tuân mắc bệnh độc mà chết.

Trợ giúp người làm việc sai trái làm việc xấu ác, tác thành việc ác việc xấu của người khác, không dẫn dắt người ta hướng thiện thì đều coi là trợ giúp người làm điều sai trái. Như vậy báo ứng tất sẽ không tránh khỏi. Cát tường và hỷ khánh cũng sẽ tránh xa người đó, mà tai nạn họa hoạn sẽ theo nhau tìm đến.

Như vậy mọi người có thể nhìn thấy họ khó tránh khỏi họa hoạn và hình phạt ở thế gian, nhưng điều không nhìn thấy chính là họ bị quỷ Thần trừng phạt. Do đó mọi người cần biết đạo lý thiện ác nhân quả, hiểu được lựa chọn, chọn cái thiện mà theo, dẫn dắt người ta bằng cái chính trực, đúng đắn, nhất thiết không được trợ giúp người khác làm điều sai trái. Bởi vì lẽ Trời đang chế ước tất cả. Mỗi lời nói, mỗi hành vi, mỗi suy nghĩ, mỗi tâm niệm của con người, mắt Thần linh như chớp điện đều có thể nhìn rõ mồn một.

(Tư liệu: “Thái thượng cảm ứng thiên vựng biên”, “Thanh bại loại sao”)


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2012/2/7/古代善惡報應故事幾則-252805.html

Đăng ngày 21-06-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share