Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc Đại lục
[MINH HUỆ 17-03-2019] Tôi đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được 20 năm, trong cuộc sống hàng ngày, công việc của tôi rất bận rộn, ngoài ra còn phải học tập không ngừng để đáp ứng yêu cầu công việc; hơn nữa, công việc của tôi có tính cạnh tranh cao và không ổn định, lúc nào tôi cũng ở trong trạng thái luôn vận động, thay đổi. Mỗi ngày về đến nhà đều ở trong tình trạng kiệt sức và mỏi mệt. Tôi còn phải chăm sóc hai con nhỏ: bé lớn 8 tuổi, bé nhỏ mới 2 tuổi.
Tôi không những cần phải làm tốt ba việc của một đệ tử Đại Pháp, làm tốt công việc của mình mà còn phải chăm lo gia đình, làm một người mẹ tốt của hai con nhỏ, thật sự rất khó khăn và vất vả. Có những lúc tôi không biết phải dành thời gian để làm những việc mình cần làm như thế nào. Tuy nhiên, Sư phụ giảng rằng chúng ta cần phải ở trong chính hoàn cảnh phức tạp này của người thường để tu luyện, không được thoát ly khỏi hoàn cảnh của người thường, cho nên tôi nghĩ đây chính là con đường mà chúng ta cần phải chứng thực Đại Pháp.
Trong thực tế, mặc dù tôi không thật sự cân bằng được mối quan hệ này một cách lý tưởng nhất, nhưng tôi đã tích lũy được một số kinh nghiệm và thể ngộ, nhân cơ hội này cùng mọi người giao lưu chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm từ các đồng tu lớn tuổi.
Trẻ nhỏ cần học điều gì?
Con trai lớn của tôi năm nay 8 tuổi, lúc bé tầm 4, 5 tuổi, cháu rất thích cùng mẹ học Hồng Ngâm và các sách Đại Pháp của Sư phụ. Lúc đó cháu rất ngoan ngoãn và nghe lời. Tuy nhiên về sau, do gia đình phản đối quyết liệt, mỗi lần phát hiện tôi và con cùng học Pháp, ông bà chửi mắng thậm tệ nên từ đó con trai tôi không dám học Pháp cùng tôi nữa. Tôi không có cách nào thay đổi quan niệm của ông bà, nên cũng không kiên trì yêu cầu nghiêm khắc với con trai.
Lúc con trai tôi được 4, 5 tuổi, hầu hết những đứa trẻ xung quanh đều tham gia các khóa học ngoại khóa khác nhau. Trước áp lực này, tôi cũng rất thích cháu tham gia học các lớp về âm nhạc và piano. Tôi hy vọng một ngày con trai tôi có thể gia nhập Đoàn biểu diễn Nghệ thuật Thần Vận. Tôi đã đăng ký cho cháu học piano, học tiếng Anh và học vẽ. Việc đưa đón con đi học ở trường và đến các lớp học ngoại khóa vào tất cả các ngày trong tuần, khiến tôi cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi. Vậy mà, còn có phụ huynh đăng ký cho con của họ học gấp đôi so với số lượng lớp học ngoại khóa của con trai tôi. Toàn bộ thời gian ở nhà đều trông coi việc học của con. Cả một xã hội rơi vào trạng thái hoàn toàn không chính thường chút nào.
Cho đến một ngày, tôi nghe một chương trình nói rằng chơi, hát, làm thơ và vẽ tranh hòa vào thành một tổng thể. Người xưa đã phổ nhạc thành bài hát và từ thơ vẽ tranh. Một tác phẩm nghệ thuật có thể được diễn tả bằng nhiều hình thức khác nhau như vẽ tranh, thư pháp, âm nhạc, ngôn ngữ, thiên văn học và địa lý. Mặc dù vậy, chúng không thể tách rời và là một thể thống nhất. Hiện nay, rất tiếc là hệ thống giáo dục lại chỉ tập trung vào việc dạy học sinh kỹ năng làm bài thi tốt. Các lớp học ngoại khóa đã thực hiện rất nhiều khóa đào tạo tư vấn khác nhau và điều này khiến cho các bậc phụ huynh choáng váng và hoang mang.
Tôi chợt nhận ra rằng piano, hội họa và tiếng Anh đều có chung nền tảng kiến thức. Giữa chúng cần có một tâm hồn để kết nối. Điều gì mới là quan trọng nhất đối với một đứa trẻ. Chẳng phải nên là Đại Pháp sao. Trong hai năm qua, tôi đã lãng phí rất nhiều thời gian vào mối bận tâm về các khóa học ngoại khóa cho con. Ở nhà tôi không có cách nào để giúp con học Pháp, do ông bà để mắt rất kỹ. Con trai tôi cũng không dám học Pháp.
Vì chúng tôi không thể học Pháp cùng nhau ở nhà, nên tôi đã tận dụng thời gian ở trên ô tô khi đi đến các lớp học khác nhau để học Pháp cùng con. Con trai tôi mới đầu không muốn đọc sách, do cháu không biết nhiều chữ. Tôi giải thích cho con biết tại sao việc học Pháp lại quan trọng đến vậy và động viên cháu nên thử xem sao. Vì vậy, tôi đã nghĩ ra một cách: Tôi đọc một đoạn, sau đó, con trai nhắc lại, và cuối cùng cả hai mẹ con đã đọc hết một lượt “Chuyển Pháp Luân”.
Để con trai có thời gian học Pháp, mỗi ngày khi lái xe chở con đi học, tôi đều đọc Hồng Ngâm cho cháu nghe, hiện nay con trai tôi cơ bản đã thuộc hết Hồng Ngâm và Hồng Ngâm II. Ban đầu cháu không hiểu được ý nghĩa của các bài thơ, nhưng tôi bảo cháu vẫn cứ học thuộc. Hiện nay, con trai tôi đang học lớp 3, tôi bắt đầu giải thích ý nghĩa của các bài thơ cho cháu, cháu cũng dần dần hiểu được ý nghĩa tổng quát. Mỗi ngày chở con trai đến trường, người khác nhìn vào thấy rất mất thời gian, nhưng hóa ra đây là thời gian học Pháp tốt nhất dành cho hai mẹ con tôi. Có lúc cháu kiểm tra xem tôi có thuộc không, có lúc tôi kiểm tra lại cháu, có những lúc hai mẹ con cùng nhau đọc thuộc.
Hiện nay, tôi cảm thấy con trai mình có hiểu biết tốt hơn so với các bạn cùng tuổi, đồng thời cháu cũng có khả năng chịu khổ. Tôi thường nói với cháu các Pháp lý của Đại Pháp, con trai tôi cũng thường xuyên kể cho tôi nghe các sự việc xảy ra ở trường mà cháu dùng tiêu chuẩn của Đại Pháp để hành xử.
Có một lần, con trai tôi nhìn thấy một người vứt vỏ chai nước xuống đường, cháu liền nhặt lên và cho vào thùng rác. Còn có một lần, cháu nghiêm túc nói với tôi: “Mẹ ơi, sao mẹ lại chửi bậy vậy”, lúc này tôi đang lái xe và rắc rối trên đường khiến tôi nổi giận, tôi đã thốt ra những câu chửi thề. Có một lần, con trai tôi chỉ ra việc tôi đã nói dối, cháu nói: “Mẹ ơi, không phải mẹ nói cần phải chân sao?” Có lúc cháu thực sự làm cho tôi cảm thấy xấu hổ, nhưng tôi cũng rất biết ơn cháu đã chỉ ra những chấp trước của tôi.
Tôi cảm nhận được rằng con trai tôi luôn được Đại Pháp bảo hộ, cháu rất ít khi bị bệnh. Kể cả khi trong người cháu khó chịu hoặc không thoải mái thì chúng cũng đều qua rất nhanh, thường chưa đến một đến hai ngày là khỏi. Thậm chí khi có dịch cúm, 2/3 các bạn trong lớp đều bị cúm, còn cháu vẫn khỏe mạnh bình thường. Vợ chồng tôi căn bản không phải đưa cháu đến bệnh viện.
Hiện giờ, tôi thực sự thấy được rằng, nếu gia đình một đệ tử Đại Pháp có con nhỏ, nhất định không được xem đứa bé như một sinh mệnh thông thường, nhất định phải tận dụng mọi cơ hội để dạy dỗ trẻ thật tốt, trường hợp hoàn cảnh gia đình không cho phép cũng phải tìm cách tạo điều kiện cho bé học Pháp. Tôi thường nói với con trai rằng: con có thể sinh ra trong gia đình của mẹ và trở thành con trai của mẹ là một cơ duyên khó đắc, con nhất định phải trân quý điều này. Tại hoàn cảnh thế gian khắc nghiệt này, có thể có cơ hội chuyển sinh vào gia đình của đệ tử Đại Pháp là một việc không hề dễ dàng.
Giảng chân tướng mọi lúc mọi nơi
Hiện nay, toàn bộ thời gian của tôi đều phải dành cho công việc và chăm sóc con cái, tôi không có thời gian để ra ngoài giảng chân tướng. Tôi phát hiện ra rằng, thực ra việc mang trẻ nhỏ bên mình tạo ra rất nhiều cơ hội để giảng chân tướng. Mỗi năm tôi đưa con đi du lịch hai đến ba lần. Trên đường đi du lịch, mỗi người chúng tôi gặp, tôi đều tận dụng cơ hội giảng chân tướng cho họ. Tôi không cho rằng việc đi du lịch là lãng phí thời gian. Tôi thấy rằng du lịch làm chúng ta mở mang tầm mắt, và giúp chúng ta có nhiều thời gian hơn để nói chuyện với mọi người. Khi chúng ta nói chuyện về nhiều chủ đề, mọi người sẽ nhận thấy chúng ta là người hiểu biết với nhân sinh quan rộng mở, từ đó họ sẽ tin hơn vào những điều chúng ta nói.
Khi tôi dẫn bé thứ hai đi ra ngoài, do cháu còn nhỏ và đáng yêu, nên nhiều người rất thích chơi với cháu. Như vậy, tôi có cơ hội để giảng chân tướng cho họ.
Công việc của tôi rất bận rộn, và tôi cũng có nhiều cơ hội đi tàu điện ngầm, tàu cao tốc và taxi. Mỗi lần trên đường đi, tôi đều tranh thủ giảng chân tướng cho người ngồi bên cạnh hoặc người lái xe. Những người mà tôi tiếp xúc đa phần là tầng lớp trí thức, đối với những người này không thể dùng cách thức đơn giản để giảng tam thoái được. Thông thường sau một vài câu chuyện làm quen để trở nên thân thiết hơn, tôi tìm một số chủ để mà họ quan tâm hoặc thích thú. Sau khi có được sự tin tưởng và đồng cảm từ người đối diện thì việc giảng chân tướng và làm tam thoái sẽ có hiệu quả hơn.
Do đó, tất cả những người có công việc bận rộn, lấy cớ không có thời gian để giảng chân tướng đều là thiếu trách nhiệm. Mặc dù bận rộn nhưng vẫn có rất nhiều cơ hội tiếp xúc với người khác. Những người bên cạnh bạn, gặp bạn không phải là ngẫu nhiên. Nếu như họ chỉ chờ đợi cơ hội này để được bạn giảng chân tướng, bạn có thể nhẫn tâm bỏ qua họ không.
Tìm ra chấp trước của bản thân trong mối quan hệ với cha mẹ chồng
Tôi lớn lên ở thành phố, còn chồng tôi đến từ vùng nông thôn. Khi tôi sinh em bé, cha mẹ chồng từ quê lên giúp tôi trông cháu. Tuy nhiên, do bất đồng về quan niệm, tôi với cha mẹ chồng có rất nhiều điều không vừa ý. Ví dụ như: mẹ chồng nấu ăn không ngon, bố chồng thường xuyên mang dép đi trong nhà ra ngoài đường, ở nhà đi vệ sinh xong quên không xả nước, quá nuông chiều cháu, thay cháu làm mọi việc, cháu bị cảm nhẹ liền bắt uống thuốc hoặc đi bệnh viện, trong nhà có nhiều chỗ bẩn cũng không để ý để quét dọn, chỉ nằm xem TV.
Mặc dù tôi không trực tiếp phản ứng nhưng trong tâm tôi rất không vừa ý. Một ngày nọ, tại điểm học Pháp, tôi than phiền chuyện bố mẹ chồng với một đồng tu. Người học viên này đột nhiên hỏi tôi: nếu đây không phải là mẹ chồng cháu mà là mẹ ruột của cháu thì cháu có đối xử với họ như vậy không? Câu nói làm tâm tôi chấn động sâu sắc, thậm chí cả cơ thể tôi cũng chấn động. Phải rồi, nếu là mẹ tôi, tôi có oán giận như vậy không? Tôi không những không oán giận mà còn thấy đau lòng khi mẹ tôi phải làm việc nhà quần quật cho tôi. Thậm chí tôi sẽ trách móc chồng tôi sao lại bắt bố mẹ tôi làm hết việc nhà như vậy. Vậy tại sao tôi không đối xử với bố mẹ chồng giống như thế. Ông bà tự nguyện giúp đỡ vợ chồng tôi đi chợ, nấu ăn, trông cháu mà không lấy một xu. Tại sao tôi còn nhiều chuyện đến vậy. Tôi thực sự quá ích kỷ. Vây mà tôi lại không nhận ra sự vị tư này của mình. Tôi cảm thấy rất hổ thẹn.
Tại sao tôi không coi bố mẹ chồng như bố mẹ ruột của mình. Tại sao lâu nay tôi chưa từng cảm thấy tội nghiệp cho mẹ chồng. Cái tâm phân biệt này chẳng phải là tâm của người thường sao? Cho rằng sự giúp đỡ của mẹ chồng là điều đương nhiên, mà không lòng biết ơn bà. Nếu không có bố mẹ chồng giúp đỡ, có lẻ cả ngày tôi sẽ đầu tắt mặt tối, không có một chút thời gian học Pháp luyện công và đi làm. Sự việc này giúp tôi nhận ra rằng bản thân mình thực sự là một người rất ích kỷ.
Làm thế nào để tận dụng tốt thời gian học Pháp
Trên tàu điện ngầm, lúc làm việc nhà, lúc ăn cơm, lúc lái xe, những thời gian này tôi có thể tận dụng nghe các bài chia sẻ về tu luyện, các bài giảng Pháp của Sư phụ, hoặc Cửu Bình. Chỉ có học Pháp thật nhiều, mới có thể chân chính tu luyện bản thân, hòa tan trong Pháp mới có thể giảng chân tướng được tốt. Trong cuộc sống thường ngày, tôi cần phải tiếp tục dành nhiều thời gian cho việc học Pháp, ngoài ra phải đặt việc học Pháp lên vị trí hàng đầu. Hàng ngày việc đầu tiên là phải học Pháp, sau đó mới đi làm. Phương diện này tôi vẫn làm chưa được tốt, nhất định phải nghiêm khắc yêu cầu bản thân hơn nữa.
Trên đây là một số thể ngộ của tôi về tu luyện trong cuộc sống thường ngày. Hiện tại, tôi càng cảm nhận được rằng, thực ra cuộc sống sinh hoạt thường ngày chính là hoàn cảnh tu luyện tốt nhất, do hoàn cảnh người thường phức tạp mới có thể đào ra những tâm chấp trước mà bản thân không tự nhận ra. Tôi viết ra những thể ngộ này với mục đích là giao lưu chia sẻ với mọi người. Hy vọng có tác dụng động viên mọi người cùng nỗ lực tinh tấn.
Con xin cảm tạ Sư phụ!
Cảm ơn Ban Biên tập Minh Huệ!
Hợp thập!
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/3/17/ 377805.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/4/14/176494.html
Đăng ngày 09-05-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.