Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 01-02-2019] Mẹ tôi thường hay chỉ trích tôi từ khi tôi còn nhỏ. Bởi vì tôi cũng có một cá tính mạnh, chúng tôi thường xuyên tranh cãi. Sau khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi biết rằng mình nên tôn trọng và đối xử tốt với bà. Tôi trở nên lịch sự, không bao giờ cao giọng hay tỏ thái độ với bà. Tôi giúp đỡ bà và nhắc bà nếu cần gì thì hãy nói với tôi. Tuy nhiên, khi chúng tôi nói chuyện, mọi chuyện chỉ hời hợt trên bề mặt chứ không thật lòng.

Mặc dù tôi đã cố gắng để cải thiện mối quan hệ giữa chúng tôi, mẹ tôi không bao giờ mỉm cười và giọng bà vẫn lạnh lùng. Tôi hoang mang: Mình đã rất bao dung trước sự chua cay của mẹ và mình đã giúp đỡ mẹ, nhưng mẹ vẫn chỉ nhìn thấy lỗi lầm ở bản thân mình.

Một ngày, tôi đã phàn nàn với chồng mình, “Em luôn chào hỏi mẹ bằng những nụ cười nhưng mẹ vẫn cau có”. Chồng tôi nói, “Nụ cười của em không thật.” Tôi đã vặn lại, “Các anh chị của em đều thô lỗ với mẹ. Em là người duy nhất đối xử tốt với mẹ. Không ai thích mẹ cả!”

Tuy nhiên, những lời của chồng tôi đã khiến tôi suy nghĩ và tôi cảm thấy rằng đó là những điểm hóa từ Sư phụ. Tôi nhận ra rằng mình chưa bao giờ thay đổi bản thân từ bên trong và tôi đã không buông bỏ được tâm oán hận của mình. Mặc dù tôi vẫn tươi cười, nhưng tôi không có thiện tâm đối với mẹ. Nếu đó là điều hiển nhiên đối với chồng tôi thì hẳn là mẹ tôi cũng cảm nhận được điều ấy. Thảo nào bà không bao giờ mỉm cười đối với tôi. Nếu không thực sự tu xuất được thiện tâm, cho dù lời nói của tôi có hoa mỹ đến đâu, chúng cũng sẽ không chạm được đến mẹ tôi hoặc hóa giải được sự lạnh nhạt giữa chúng tôi.

Tôi suy ngẫm và nhận ra rằng bất kể lời tôi nói ngọt ngào đến đâu hay mọi việc tôi làm để giúp mẹ dù tốt đến mấy, nếu tôi không sinh xuất thiện tâm, thì tôi chỉ là một kẻ đạo đức giả và mọi hành động của tôi chỉ để phô diễn.Tôi chỉ đang chơi một trò chơi và khoác lên mình cái vẻ “tử tế” bề ngoài.

Loại hành vi này chính là cái thứ mánh khóe được hình thành trong văn hóa Đảng. Đó không phải là chân tu.

Sư phụ giảng,

“Biểu hiện của Thần thật đương nhiên sẽ khác với những sinh mệnh thấp tầng vốn hành ác không e dè điều chi; chúng đương nhiên biểu hiện của Thiện. Tuy nhiên cái Thiện ấy đã biến dị, đằng sau Thiện ấy có chấp trước; cũng chính vì biểu hiện Thiện ấy, mà chướng ngại [chúng] tạo ra có khả năng tự dối mình dối người nhất. Nếu không phải là [nhờ có] Chính Pháp, thì sự việc này thật sự khó mà đột phá nổi.” (“Giảng Pháp tại Pháp hội miền Trung Mỹ quốc năm 2003”, Giảng Pháp tại các nơi III)

Tôi hướng nội. Cái Thiện ấy của tôi bị lấp đầy bởi các chủng tâm chấp trước và hữu lậu. Tôi đang tự dối mình, dối người khi tôi tỏ ra tử tế trên bề mặt nhưng trong tâm tôi không hề cải biến.

Sư phụ giảng,

“Nếu như người tu luyện mà chỉ là buông bỏ được trên bề mặt, nhưng khi bên trong nội tâm vẫn còn bảo thủ – cố chấp một thứ gì, cố chấp vào cái lợi ích bản chất nhất kia của chính chư vị mà không để người gây tổn hại, tôi bảo cho mọi người, đó là tu luyện giả! Nội tâm của chính chư vị mà không động, thì một bước chư vị cũng không thể đề cao nổi, đó là đánh lừa chính mình. Chỉ có là chư vị thực sự đề cao từ nội tâm, chư vị mới là đề cao thực sự.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Bắc Mỹ lần đầu [1998])”

Sư phụ cũng giảng,

“tâm sinh từ bi, mang theo ý an hoà.” (Đại Viên Mãn Pháp)

Thể ngộ của tôi chính là khi thiện tâm của tôi xuất lai thì biểu hiện bề ngoài của tôi sẽ trở nên tường hòa.

Tôi bắt đầu làm các việc khác nhau. Mẹ tôi ngày một già hơn, vì vậy tôi đã giúp bà mua sắm và nấu ăn. Bà không thích dọn dẹp nhà bếp, vì vậy tôi đã làm việc đó giúp bà. Khi bà thấy cô đơn, tôi sẽ trò chuyện với bà; Khi bà ốm, tôi chăm sóc cho bà. Tôi tiếp tục phân tích xem liệu các tương tác giữa tôi với bà có chân thành hay không và liệu tôi có thực sự giúp đỡ bà hay không. Dần dần, bà bắt đầu mỉm cười khi thấy tôi và lời nói của bà đã dịu lại. Đúng như Sư phụ đã giảng,

“Từ bi năng dung thiên địa Xuân

Chính niệm khả cứu thế trung nhân”

(Hồng Ngâm 2)

Chúng ta luôn nói về việc trợ Sư Chính Pháp. Trên thực tế, chỉ khi sự chân thành, thiện lương hay chính niệm của chúng ta khởi phát, mọi người mới có thể thấy được tâm chân thành của chúng ta và chúng ta mới có thể cứu được họ. Nếu không thì Thiện hay Nhẫn của chúng ta cũng chỉ là ở trên bề mặt. Điều này đặc biệt đúng ở Trung Quốc, nơi mà sự bất lương phổ biến đến mức mà rất ít người có thể phân biệt được giữa thật và giả.

Sư phụ giảng,

“Từ bi là tu xuất ra ấy, [chứ] không phải biểu hiện ra ngoài; là từ nội tâm, chứ không phải làm để người khác coi; nó vĩnh viễn [tồn tại] ở đó, nhưng không thuận theo thời gian hay hoàn cảnh mà biến đổi theo.” (“Giảng Pháp tại Pháp hội Washington DC năm 2003”, Giảng Pháp tại các nơi IV)

Đạo đức giả biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ, giả vờ làm việc chăm chỉ trong khi bớt xén; tâng bốc các đồng tu, nhưng lại nói xấu sau lưng họ; tỏ ra thân thiện khi nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Đại Pháp, nhưng lại coi thường họ. Chúng ta có thể không nhận thức được những hành vi này bởi vì hầu hết mọi người đều hành xử theo cách này. Chúng ta đều phải cảnh giác và buông bỏ bất kỳ sự giả tạo nào, nếu không, tâm tính của chúng ta sẽ không thể đề cao lên được.

Khi chúng ta thấy những vấn đề trong tu luyện của các học viên khác , chúng ta nên dùng thiện tâm để chỉ ra chúng. Đây chính là trách nhiệm và từ bi. Những người không nói gì nhưng lại buôn chuyện sau lưng các học viên khác thì không tốt. Chúng ta nên giao tiếp cởi mở và trung thực với những người khác để giúp họ đề cao. Đây mới là Thiện chân chính.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/2/1/380659.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/3/2/176016.html

Đăng ngày 15-03-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share