Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 21-12-2018] Trong suốt 19 năm tu luyện, điều làm tôi buồn nhất là chồng tôi không ủng hộ việc tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Tôi thường tự hỏi mình đã sai ở đâu. Tôi đã bình tĩnh hướng nội từng chuyện một, từ hồi bắt đầu tu luyện tới giờ. Tôi điểm lại những gì mình nghĩ và nói vào lúc đó. Tôi cũng cố tìm ra lý do tại sao mình lại làm thế. Cuối cùng, tôi đã tìm được nguyên nhân gốc rễ.

Đi tìm nguyên nhân của việc tranh cãi

Tôi là người hiếu thắng. Bất kể là vấn đề tài chính gia đình hay cải thiện chất lượng sinh hoạt, tôi đều làm hết sức để đạt được. Đặc biệt, tôi hy vọng gia đình luôn hòa thuận, vợ chồng trò chuyện hợp ý nhau.

Tuy nhiên, thực tế lại trái lại. Tôi và chồng thường xuyên cãi nhau bởi những bất đồng. Lúc ở ngoài, nếu có mâu thuẫn, tôi sẽ không cãi nhau với anh ấy để giữ thể diện. Nhưng tôi càng sợ mất mặt, anh ấy càng tỏ ra tức giận.

Một lúc sau, tâm oán hận của tôi với chồng càng nặng. Để trả đũa cho việc anh ấy làm tôi xấu mặt, tôi cũng dùng tâm giảo hoạt khiến anh ấy mất mặt. Chẳng hạn, khi anh ấy xỉa xói tôi ngoài đường, tôi đi chậm lại, cách anh ấy một đoạn. Tôi cư xử như thể không biết anh ấy, giả vờ nhìn quanh xem anh ấy đang chửi ai. Tôi nhìn anh ấy một cách khinh bỉ, âm thầm chế giễu chồng. Điều đó không những tránh cho tôi bị xấu hổ, mà còn giúp tôi trút được cơn tức giận.

Từ khi bắt đầu tu luyện, vấn đề càng trở nên nổi cộm. Tôi đã nhiều lần hướng nội về vấn đề này. Tôi tìm thấy chấp trước sợ mất thể diện, tâm sợ hãi, coi thường chồng, và cố gắng kiểm soát anh ấy. Nhưng tôi không tìm được nguyên nhân gốc rễ. Nhưng vì chưa tìm đúng căn nguyên, hễ gặp tình huống này là những tâm đó lại nổi lên. Đôi khi, tôi cảm thấy bất lực và cố gắng làm vừa ý chồng, như vậy tôi có thể tạm thời giải quyết được vấn đề. Nhưng tôi càng muốn làm anh ấy vừa lòng, anh ấy càng trở nên tệ hơn. Vấn đề này đã không được giải quyết trong hơn 10 năm qua.

Tìm và loại bỏ nguyên nhân gốc rễ

Mấy ngày nay, tôi đã trầm tĩnh lại, học Pháp và hướng nội sâu, tìm nguyên nhân gốc rễ. Cuối cùng, tôi cũng tìm ra căn nguyên của vấn đề. Nhớ về thời thơ ấu của tôi, ngày nào bố tôi cũng la mắng mẹ tôi nhưng mẹ không dám cãi lại, nếu không sẽ bị bố đánh. Tôi có năm chị em gái và hai anh em trai. Thu nhập của cả gia đình chúng tôi phụ thuộc vào số tiền mẹ kiếm được từ việc may quần áo.

Bố tôi chỉ có vài việc đồng áng trên mảnh đất của gia đình. Phần lớn thời gian của ông là rượu chè cùng bè bạn. Ông thường uống từ trưa đến tối. Ông đòi tiền mẹ tôi để uống rượu. Nếu mẹ tôi tỏ thái độ không hài lòng, ông sẽ chửi rủa hoặc đánh đập mẹ. Lũ trẻ chúng tôi ngày nào cũng lo mẹ có sơ ý nói lời nào làm chọc giận bố không.

Tình trạng đó đã kéo dài mấy chục năm. Tôi ghét bố đến tận xương tủy và hận vì sao mình lại sinh ra trong một gia đình như vậy. Tôi ngưỡng mộ cuộc sống hòa thuận của gia đình hàng xóm. Tôi cũng từng định phản kháng để cải biến tình trạng đó nhưng đều kết thúc trong thất bại. Khi đó, tôi nghĩ, chờ sau này lập gia đình, tôi nhất định phải vun vén cho gia đình của tôi hòa thuận, vợ chồng chung sống hạnh phúc.

Cuối cùng, tôi nhận ra truy cầu sống một cuộc sống tốt đẹp trong người thường chính là chấp trước căn bản của tôi. Sau khi nhận ra được chấp trước này, Sư phụ đã điểm hóa cho tôi Pháp lý để buông bỏ những quan niệm người thường này.

Sư phụ đã giảng:

“Trong bất kể can nhiễu nào cũng không được [vì] dùi vào những chi tiết cụ thể mà tự làm rối loạn chính mình, thế mới có thể vượt qua, hơn nữa uy đức lớn hơn. (Về xáo động từ một bài viết về phó nguyên thần)

Tôi nhận ra hơn một thập kỷ qua, tôi luôn mắc kẹt trong chuyện này mà không thoát ra được. Tôi cũng thử ép chồng thay đổi. Tôi sinh ra tâm oán hận khi anh ấy không chịu thay đổi như tôi mong muốn. Cứ như thế, oán hận tích tụ ngày càng nhiều, khiến chống tôi bắt đầu phàn nàn, một chút chuyện nhỏ cũng nổi cáu, ngay cả xem một giải thi đấu trên tivi mà kết quả không như ý, anh cũng lớn tiếng mắng mấy câu.

Sau khi nhận ra tâm oán hận, một khảo nghiệm đã đến để thử thách tâm tôi và giúp tôi buông bỏ chấp trước. Chồng tôi không về nhà ăn tối, cũng không gọi điện thoại, điều này chưa từng xảy ra. Tôi chờ tới 10 rưỡi, sau đó gọi điện cho chồng và biết rằng anh ấy đang chơi mạt chược ở nhà hàng xóm. Việc này diễn ra mấy ngày liền.

Tôi bắt đầu nghi kỵ: Trước đây, ở tiểu khu chúng tôi có một cô gái mở quán mạt chược. Cô ta tính cách hướng ngoại, gái trai gì cũng giỡn đùa, lả lướt, lẽ nào chồng tôi lại đến nhà cô ta chơi mạt chược. Muộn vậy rồi còn chưa về. Cô ta vóc dáng dong dỏng, trông cũng đẹp đôi với chồng mình. Hai người mà chơi mạt chược cùng một chỗ thì làm sao bây giờ? Nghĩ tới đây, trong lòng tôi bỗng sinh bực bội, bất an. Nhưng tôi dựa trên Pháp mà ý thức được đây hết thảy đều là tâm nghi ngờ, tôi muốn bình tâm lại, mượn chuyện này xét xem mình còn tâm gì nữa thì trừ bỏ nốt, cứ như vậy mà chiến đấu với đủ thứ rối loạn trong tư tưởng.

Gần 12 giờ đêm, chồng tôi vẫn chưa về. Tôi không nén được, lại gọi điện cho anh. Bấm điện thoại xong, tôi lại có chút hối hận, cảm thấy vẫn còn nghi tâm. Đến lúc phát chính niệm, tâm vẫn không tĩnh, tôi hết sức bài xích để tĩnh lại. Phát chính niệm xong, đầu óc tôi trở nên thanh tĩnh hơn. Một tư tưởng khác lại nổi lên: Đã gần 1 giờ sáng rồi, mà chồng tôi vẫn chưa về nhà. Nó cố gắng khơi gợi tâm oán hận của tôi đối với chồng. Tôi cần nhận ra nó, trừ bỏ nó, và không rơi vào cái bẫy đó. Tôi phải đi theo an bài của Sư phụ và tuân theo Chân – Thiện – Nhẫn. Tâm tôi tĩnh lại. Một lát sau, chồng tôi về nhà.

Ngày hôm sau, chồng tôi lại đi chơi mạt chược. Với trải nghiệm ngày hôm qua, tôi đã không động tâm. Thay vào đó, tôi ở nhà viết bài chia sẻ này. Vừa viết, tôi vừa hướng nội sâu hơn để tìm điều gì ẩn sau từng chấp trước và chấp trước này hình thành như thế nào.

Đến lúc ăn tối, tôi cũng không gọi điện cho anh nữa. Tầm 12h đêm, anh về nhà. Thấy bộ dạng mỏi mệt của chồng, tôi thấy anh vô cùng đáng thương.

Lĩnh ngộ

Tôi phát ra một niệm từ trong tâm: Đừng để anh ấy tiếp tục vai diễn đau khổ này chỉ vì tôi đã không buông bỏ chấp trước của bản thân. Vào lúc đó, một dòng năng lượng ấm áp dấy lên trong tâm tôi, không oán, không hận, không có bất kỳ nhân tố tiêu cực nào hết. Vẻ đẹp tĩnh tại, tường hòa ấy không thể diễn tả thành lời! Tôi nghĩ đó chính là trạng thái của “từ bi”. Sau đó, tôi cảm thấy mọi việc trên đời này không còn quan trọng. Tôi quyết định phải tu luyện theo các tiêu chuẩn của Đại Pháp. Khi mâu thuẫn xuất hiện, tôi nhắc nhở bản thân không được oán hận, không đổ lỗi cho người khác, mà phải vì người khác mà suy nghĩ.

Bởi quan niệm của tôi đã chuyển biến mà thái độ của chồng tôi cũng thay đổi 180 độ, không còn oán hận gì nữa. Anh ấy trở nên tử tế, và nói chuyện với tôi về các đồng tu với sự tôn trọng. Khi chúng tôi học Pháp ở nhà, anh ấy gọt hoa quả cho chúng tôi. Anh ấy cũng khen ngợi chúng tôi là những người tốt nhất trong xã hội ngày nay. Suốt 19 năm tu luyện, đây là lần đầu tiên anh ấy khen ngợi tôi và các đồng tu. Tôi cảm thấy thật hổ thẹn.

Các đồng tu cũng rất vui khi thấy sự thay đổi trong anh ấy! Họ nói rằng tôi đã có thể ngộ đúng đắn, và tâm tính đã đề cao lên. Những ngày vừa qua, tôi cảm nhận được từng lời nói hành động của mình đều ở trong Pháp.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/11/23/377528.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/12/21/173707.html

Đăng ngày 23-01-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share