Bài viết của Thẩm Dung, phóng viên Minh Huệ ở Đài Loan

[MINH HUỆ 15-12-2018] Cô Dương Chí Xảo, một đệ tử Đại Pháp người Đài Loan có thị lực kém do mắc chứng nhược thị từ lúc nhỏ, đã thuật lại trải nghiệm của cô về việc Pháp Luân Đại Pháp đã giúp cô hồi phục sức khỏe ra sao.

Một tuổi trẻ ốm đau, bệnh tật

Trời xanh và mây trắng là một phần trong ký ức tuổi thơ của hầu hết chúng ta. Thế nhưng, thế giới trong đôi mắt của cô bé Chí Xảo chỉ là màu xám và lờ mờ.

Chí Xảo nói: “Khi giáo viên tiểu học dạy chúng tôi cách phân biệt giữa tờ tiền 5 đô và tờ 10 đô, thì tôi không thể nào phân biệt được, cũng như không thể chụp được quả bóng khi nảy nó. Lúc đó, cha mẹ mới phát hiện ra tôi bị nhược thị. Khi tôi bắt đầu điều trị thị lực, bác sỹ nhãn khoa đã vô tình lẫn lộn các tròng kính cho mắt trái và mắt phải của tôi. Trong sáu tháng, tôi bị chóng mặt khủng khiếp mỗi khi đeo kính. Tôi cứ khóc lóc nỉ non. Họ không thể phát hiện ra sai sót này cho đến khi tôi đi khám mắt lần hai.”

Cô nói tiếp: “Có lẽ đó là lý do vì sao tôi luôn cảm thấy bất an. Học lực của tôi đứng chót lớp. Tôi không có can đảm để đứng trước lớp, nói với các bạn những suy nghĩ của tôi, hay làm bài tập về nhà với bạn cùng lớp bởi tôi không biết đáp án cho bất kỳ câu hỏi nào. Có lần mẹ của một bạn học giỏi nhất lớp đã nói với tôi: “Nếu con trai của cô mà ngốc như cháu, thì cô chắn chắn sẽ đánh chết nó!”’

Mặc dù lúc đó cô Chí Xảo vẫn còn nhỏ, nhưng những từ ngữ đó đã khắc cốt ghi tâm. Cô nói: “Tôi luôn cố gắng học tốt và hành xử như một đứa trẻ có thị lực tốt, nhưng dù tôi có cố gắng thế nào thì cũng không có thành quả.”

Nỗi sợ hãi và căng thẳng ngày càng lớn dần đã khiến cô vô cùng khổ sở. “Khi học cấp hai, mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt thì tôi đều bị đau đến mức phải nằm trên giường trong suốt những ngày đó. Không ngày nào là tôi không bị đau đầu. Tôi thường thức dậy với cơn đau đầu khủng khiếp.”

Chí Xảo sẽ không bao giờ quên ngày đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia. Ngay khi thức dậy, cô bị đau đầu dữ dội. “Tôi không thể suy nghĩ được gì. Cử động cũng khó! Tôi nghĩ thế là xong. Sao cuộc đời tôi lại đau khổ đến thế? Mẹ không muốn đưa tôi đi thi nhưng tôi không bỏ cuộc. Tôi lau nước mắt và quyết tâm sẽ hoàn thành bài thi để vào đại học.”

Kết duyên Đại Pháp, một thân thể khỏe mạnh vô bệnh

Dù sức khỏe kém, nhưng Chí Xảo vẫn bắt đầu học đại học vào năm 2008. Cô thường tự hỏi liệu tình trạng này có đeo bám cô đến cuối đời hay không. Cô nói: “Tôi không cần gì nhiều. Tất cả những gì tôi ao ước là có một cuộc sống khỏe mạnh bình thường!”

“Mẹ tôi từng có khối u tử cung. Trong ba năm, mỗi lần mẹ đau bụng thì đau đến mức không thể đứng thẳng được. Bác sỹ nói rằng phẫu thuật không phải là phương án tốt nhất. Sau khi mẹ tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, chỉ trong vòng nửa năm mà bệnh của mẹ đã cải thiện và mẹ cũng không phải đi khám bác sỹ nữa. Điều này đã khiến tôi quyết định cũng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.”

Chí Xảo bắt đầu luyện công và đọc sách “Chuyển Pháp Luân” mỗi ngày sau khi tan học. Sau ba tháng, mọi bệnh tật của cô đều tiêu mất.

Cô nói: “Tôi từng bị đau đầu nặng đến mức khi xe buýt chạy qua những chỗ gồ ghề trên đường cũng khiến đầu tôi đau đớn cùng cực. Nhưng hiện tại bắt xe buýt đến trường là một việc khiến tôi vui thích bởi cuối cùng tôi đã có thể giống như người bình thường!”

Loại bỏ tâm danh lợi, gieo hạt giống Chân-Thiện-Nhẫn

Sau khi Chí Xảo bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, cuối cùng cô ấy cũng thoát khỏi 18 năm đau khổ.

Cô chia sẻ: “Cuối cùng tôi có thể tập trung khi học. Năm thứ hai, tôi đã được chuyển tiếp vào Đại học Quốc gia Đài Trung. Mọi người đều ngạc nhiên bởi họ biết tôi không phải là một học sinh ưu tú. Các bạn học trước đây của tôi thậm chí còn nghĩ đây là trò đùa khi một người học lực kém nhất lớp lại có thể trở thành một giáo viên!”

Quá trình để cô trở thành một giáo viên cũng không hoàn toàn suôn sẻ, nhưng sau khi Chí Xảo dựa trên các Pháp lý của Pháp Luân Đại Pháp mà loại bỏ đi các chấp trước của bản thân, đề cao tâm tính, cô đã đậu kỳ thi và trở thành một giáo viên.

2018-12-13-taiwan-cultivation-story_01--ss.jpg

Cô Chí Xảo trở thành giáo viên sau khi khỏi mọi bệnh tật kéo dài 18 năm.

Biết nghĩ cho người khác trước

Chí Xảo nói: “Nhiều vấn đề đã tác động đến tôi sau khi tôi trở thành giáo viên tiểu học. Một số phụ huynh đưa ra những yêu cầu không hợp lý. Chẳng hạn, một phụ huynh mua trái cây và nhờ tôi làm nước ép cho con trai của cô ấy uống bởi vì cháu không chịu ăn trái cây. Một số vị phụ huynh thì cho rằng con họ đã đem đồ đạc đến lớp và bị thất lạc. Vài phụ huynh đề nghị tôi ghi lại mọi thứ con họ đã làm ở trường, bao gồm cả việc chúng dành bao nhiêu thời gian trong nhà vệ sinh. Chỉ có hai giáo viên cho một lớp 30 học sinh, làm sao tôi có thể đáp ứng hết thảy mọi yêu cầu của các phụ huynh đây?”

Cô chia sẻ tiếp: “Trong năm đầu dạy học, tôi đã muốn tranh luận với những vị phụ huynh đó và thuyết phục họ bằng lý lẽ của tôi. Trong thâm tâm, tôi không muốn thấy họ bảo tôi phải làm những gì. Với những niệm đầu không chính đó, các cuộc nói chuyện của tôi thường thể hiện tâm tranh đấu và hiển thị. Tuy nhiên, sau đó tôi nhớ đến điều mà Sư phụ Lý Hồng Chí (Nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp) giảng:

“Bình thường chư vị luôn luôn bảo trì trái tim từ bi, [bảo trì] tâm thái hoà ái; [khi] gặp vấn đề thì sẽ xử lý được tốt, bởi vì nó có một khoảng hoà hoãn. Chư vị luôn từ bi, lấy Thiện đãi người, làm việc gì đều luôn luôn cân nhắc đến người khác, mỗi khi gặp vấn đề thì trước hết nghĩ rằng: ‘Việc này đối với người khác có thể chịu được không, đối với người khác có phương hại gì không’; như vậy sẽ không xuất hiện vấn đề gì. Do đó chư vị luyện công cần theo tiêu chuẩn cao, tiêu chuẩn cao hơn nữa mà yêu cầu bản thân.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Chí Xảo nói: “Pháp của Sư phụ nhắc nhở tôi phải hướng nội. Tôi tự hỏi bản thân tại sao tôi không suy nghĩ xem vì lý do gì mà phụ huynh học sinh lại phản ứng như vậy. Con cái là bảo bối của cha mẹ. Tôi nên chính lại tâm thái của mình. Kể từ đó, tôi luôn để cho phụ huynh nói xong những gì họ muốn bất kể là yêu cầu gì. Tôi chỉ biểu lộ sự thấu hiểu và kiên nhẫn trả lời những câu hỏi của họ. Kết quả, tôi và họ trở thành bạn bè.“

Từ khi tu luyện tới nay, Chí Xảo luôn vô cùng biết ơn Sư phụ và Pháp Luân Đại Pháp. Cô nói: “Chính Pháp Luân Đại Pháp đã giúp tôi có được nội tâm an hòa và khiến tôi trở thành một người biết nghĩ cho người khác. Cảm tạ Đại Pháp đã ban cho con một sinh mệnh mới, có được một cuộc sống thực sự hạnh phúc và vô bệnh.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/12/15/378439.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2018/12/24/173740.html

Đăng ngày 06-01-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share