Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 19-9-2018] Tôi từng là một người tự tin thái quá và có tâm tranh đấu mạnh, tính cách mạnh mẽ của tôi luôn thể hiện ra, đặc biệt khi phối hợp với các đồng tu khác. Tôi sẽ làm việc mà không cần quan tâm tới cảm xúc của những người khác.
Những thiếu sót này đã trở thành chướng ngại lớn trong tu luyện của tôi, đặc biệt khi gần đây tôi nhận ra chúng. Sau một vài khảo nghiệm và chia sẻ cùng các học viên khác, tôi đã học được cách nhìn nhận sự việc bằng tâm ngay chính và chân chính tu bản thân mình.
Vứt bỏ chấp trước vào tự ngã
Một học viên đã viết một bài chia sẻ về kinh nghiệm tới gặp chính quyền đòi thả học viên của tôi. Vị học viên bảo tôi xem lại bài viết trước khi gửi tới Minh Huệ.
Tuy nhiên, tôi không thích tiêu đề của bài viết. Tôi đọc lướt qua bài viết và nhận thấy có hai điểm khiến tôi khá khó chịu – đó là ngày tháng và tiêu đề. Tôi nói: “Tiêu đề quá tham vọng và phô trương, và ngày tháng thì không đúng.” Giọng điệu của tôi rất thô lỗ và tôi không quan tâm tới cảm nhận của đồng tu.
Học viên ấy quả quyết rằng không có vấn đề gì vì cô ấy tin tưởng chúng được viết để chứng thực Pháp. Nhận thấy cô ấy sẽ không thay đổi hai phần đó, tôi biết mình chẳng thể làm gì. Tôi đồng ý rằng mọi điều [trong bài viết] đều là thực tế.
Sau khi bài viết được đăng tải, tôi phàn nàn với các học viên khác rằng tác giả không cho người khác thay đổi dù chỉ một chữ. Tôi không nghĩ đến việc hướng nội.
Sau khi bình tĩnh lại, tôi nhận ra rằng vì bài viết đã được đăng, điều đó có nghĩa là bài viết của đồng tu có thể chấp nhận được. Hơn nữa, chẳng phải ngữ điệu và tâm tình trong bài viết thực sự phản ánh chân thực tâm lý hiển thị và đề cao bản thân của tôi hay sao?
Hướng nội, tôi nhận ra nguyên nhân tôi có tâm hiển thị và đề cao bản thân là do tôi cho rằng mình có năng lực. Tôi nghĩ mình sẽ làm được tốt hơn cô ấy. Thật là chấp trước vào tự ngã quá mạnh mẽ, và thật tệ khi không trân quý việc Sư phụ đã làm!
Tôi đã quên rằng:
“Tu tại tự kỷ, công tại sư phụ.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)
Khi mâu thuẫn xảy đến, tôi đã không xem chúng là cơ hội tốt để đề cao tâm tính và vứt bỏ chấp trước. Tôi hoàn toàn quên hướng nội. Tôi tập trung vào đúng sai trên bề mặt và không nhận ra rằng mình cần xem xét sự việc từ góc độ rộng hơn.
Sư phụ đã giảng:
“Nhưng đặc tính vị tư vị ngã này, loại [đặc tính ] này, là do chư vị dần dần bị ô nhiễm theo những năm tháng dài đằng đẵng của vũ trụ.” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Đông Mỹ quốc 1999)
Tôi nhớ có hai học viên hướng nội sau một mâu thuẫn, sau đó một người vừa khóc vừa nói rằng: “Tại sao tôi có thể nhớ rõ thậm chí cả một cái nhìn ích kỷ của học viên kia, thời gian, địa điểm và không thể quên được những điều ấy, nhưng lại không thể nhớ Pháp của Sư phụ? Sư phụ có muốn chúng ta như thế hay không? Sư phụ có vui không nếu thấy chúng ta có mâu thuẫn với nhau như thế? Chỉ có cựu thế lực là hài lòng thôi.” Tôi đã vô cùng xúc động khi nghe những lời đó.
Vứt bỏ tâm giữ thể diện
Một ngày, một học viên khác bắt đầu điềm tĩnh nói chuyện với tôi: “Tất cả những gì bạn làm khi giảng chân tướng cho chính quyền là đang phá hoại Đại Pháp. Những lá thư giảng chân tướng bạn gửi đi cũng không phù hợp với Pháp.”
Cô ấy nói: “Tôi chưa từng nhìn thấy bạn học Pháp khi tôi ghé qua nhà bạn. Xin đừng tới nhà của tôi nữa.”
Tôi vô cùng sửng sốt, nhưng giữ bình tĩnh trong suốt thời gian nói chuyện bằng một nụ cười và nói: “Thật sao? Vậy tôi nên học Pháp nhiều hơn. Tôi sẽ lại tới nhà bạn khi bạn cảm thấy tôi đã đủ tiêu chuẩn tới thăm bạn, như vậy có được không?” Cô ấy trả lời: “Không, ít nhất là lúc này.”
Trên thực tế, tôi thường xuyên học nhiều bài giảng trong cuốn Chuyển Pháp Luân mỗi ngày, nhưng học viên này không biết vì cô chỉ tới nhà tôi duy nhất một lần trong vài tháng. Tôi đã không bỏ đi cho tới khi cô bình tĩnh lại.
Tuy nhiên, một thời gian sau, tôi lại phàn nàn về việc này với một học viên khác. Tôi tự hỏi tại sao mình có thể giữ vững tâm tính trong suốt thời gian xảy ra sự việc, nhưng bây giờ lại không? Tôi xem xét bản thân và nhận ra rằng tâm tính của tôi không vững vàng; Tôi giữ vững tâm tính khi gặp sự việc chỉ để muốn cô ấy nghĩ rằng việc ấy không ảnh hưởng đến tôi và tôi có thể vượt qua khảo nghiệm này.
Qua sự việc này, tôi dần ngộ ra rằng nếu một học viên không vượt qua được khảo nghiệm bằng việc thực sự vứt bỏ chấp trước vào tâm giữ thể diện, thì người đó có thể bị cái tôi giả của mình đánh lừa và “bộ mặt thật” sẽ được phơi bày vào một lúc nào đó.
Bị ngăn trở đối diện với sai lầm của mình
Chồng tôi cũng là một học viên. Anh ấy thường xuyên nhắc nhở tôi rằng các động tác của tôi quá nhanh. Tôi luôn tìm lý do và đáp lại rằng: “Không nên quá tập trung vào những vấn đề nhỏ nhặt của người khác. Làm sao mà các chuyển động có thể chính xác như trong băng [hướng dẫn] được?”
Một ngày, chồng tôi lại nhắc: “Sao động tác của em luôn đi trước khẩu lệnh của Sư phụ vậy? Em không thể đợi tới khi nghe khẩu lệnh của Sư phụ hay sao?” Lần này, tôi nghĩ: “Đúng rồi. Tại sao mình lại không lắng nghe? Điều gì đang ngăn trở mình đối diện với thiếu sót? Sư phụ yêu cầu các động tác nên hoãn mạn viên. Tại sao trong suốt những năm qua mình lại không theo những hướng dẫn này?”
Tôi nhận ra rằng mình vẫn còn chấp trước vào tự ngã và quyết định quy chính bản thân.
Ngày hôm sau, khi tôi đang luyện bài Pháp Luân Trang Pháp, đến tư thế ôm bánh xe hai bên đầu, tôi đột nhiên cảm thấy như thể được bao bọc trong trường năng lượng mạnh mẽ và ngay lập tức đạt đến trạng thái định trụ. Nửa thân trên hoàn toàn là không – cảm giác đó vô cùng mỹ diệu. Tôi ôm bánh xe hai bên đầu trong cả một giờ đồng hồ ngày hôm đó.
Xem trọng đề xuất của các học viên khác
Tôi và một số học viên khác thường nhắc nhở nhau về các vấn đề trong tu luyện. Một ngày, một đồng tu nhắc tôi hãy chậm lại. Tôi hiểu ý cô ấy và hướng nội. Và quả thực tôi đã tìm ra một chấp trước – tâm cho rằng nếu không có tôi thì chẳng việc gì hoàn thành được.
Vì tôi thường xuyên nhíu mày, các học viên khác thường nhắc nhở tôi đừng nhăn mày nữa và chú ý tới ngữ điệu của mình. Lông mày của tôi giãn ra được một lúc rồi lại nhíu lại. Tôi nhận ra rằng gốc rễ của vấn đề lại là chấp trước vào “cái tôi.” Tôi vứt bỏ chấp trước từng lớp từng lớp giống như bóc một củ hành.
Tôi không còn nhíu mày nữa. Trước đây, lông mày của tôi như bị cái gì đó che phủ. Bây giờ, chúng giãn ra và tôi không thể nhíu mày ngay cả khi muốn làm.
Sau đó, nhờ tôi thường xuyên hướng nội, đào sâu chấp trước vào cái tôi và sự vị tư bị ẩn giấu từ mọi góc độ và vứt bỏ chúng, tôi cảm thấy mình đã đột phá một tầng thứ và công năng ngày càng mạnh mẽ hơn.
Sư phụ giảng:
“Kỳ thực chư vị vẫn chưa biết, cái “tư” ấy quán xuyến [đến] tầng thứ rất cao. Người tu luyện trong quá khứ nói: “mình đang làm gì”, “mình phải làm gì”, “mình muốn đắc được gì”, “mình đang tu luyện”, “mình muốn thành Phật”, “mình muốn đạt được gì”, kỳ thực đều là không rời khỏi cái “tư” ấy. Mà tôi muốn chư vị có thể làm được là thật sự thuần chính, vô tư, thật sự viên mãn [của] chính giác chính Pháp, mới có thể đạt được vĩnh viễn bất diệt.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Thuỵ Sỹ [1998])
Trong cả quá trình khó khăn để vứt bỏ chấp trước vào tự ngã, Sư phụ từ bi đã cho tôi trải nghiệm một chút trạng thái của Thần trước mỗi bước nhỏ mà tôi đạt được.
Tôi ngộ ra rằng chỉ bằng cách tận dụng cơ hội để thay đổi, tu luyện tinh tấn, và liên tục tịnh hoá bản thân, tôi mới có thể dần dần đạt được những yêu cầu của Sư phụ và Pháp.
Trên đây là những thể ngộ của tôi trong quá trình tu luyện, nếu có điểm nào không đúng với Pháp, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/9/19/374047.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/11/11/173218.html
Đăng ngày 04-12-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.