Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Mỹ quốc
[MINH HUỆ 4-9-2018] Tôi làm nhân viên bán hàng trong một công ty truyền thông đến nay đã ba năm rưỡi. Gần đây, những người quản lý ở tổng bộ đã phát triển một hình thức quảng cáo mới trên Internet, mang đến nhiều cơ hội kinh doanh mới cũng như nhiều đột phá lớn cho công ty.
Lúc này, nhiều người bày tỏ sự hoài nghi đối với việc phát triển phương thức kinh doanh kỹ thuật số mới. Một số nhân viên còn xuất hiện suy nghĩ muốn rời bỏ công ty.
Cá nhân tôi cũng đã từng nhiều lần suy xét, bán quảng cáo trực tuyến rốt cuộc có thể cứu người được không? Nếu không phải là quảng cáo trên báo giấy hay quảng cáo truyền thống trên truyền hình, vậy thì hình thức quảng cáo mới có đạt được hiệu quả cứu người hay không?
Dần dần, suy nghĩ của tôi trở nên rõ ràng hơn. Là một nhân viên bán hàng, trách nhiệm quan trọng nhất của tôi là mang lại thu nhập cho công ty. Nhiệm vụ chủ yếu nhất của một nhân viên bán hàng là ký hợp đồng, mang lại doanh thu, và chịu trách nhiệm đối với hoạt động kinh doanh. Đồng thời, mỗi người chúng tôi cũng cần có khả năng tự nuôi sống bản thân mình. Như vậy, công ty truyền thông có thể khởi tác dụng truyền rộng nội dung giảng chân tướng trên phạm vi lớn hơn.
Nút thắt cổ chai lớn nhất trong sự phát triển của công ty truyền thông chính là hoạt động kinh doanh. Dù là phát hành báo giấy, trả lương cho nhân viên, hay làm các tin tức truyền hình, nếu không có thu nhập thì các công ty truyền thông khó mà sống sót, chưa nói tới việc phát triển rất tốt và cứu được nhiều chúng sinh hơn nữa. Mở rộng thêm các kênh kinh doanh, đặc biệt là việc quảng cáo kỹ thuật số, kết hợp với việc phát triển truyền thông trên Internet trong khi đứng trước quá nhiều truyền thông tin giả; điều đó không chỉ khiến người thường thấy được sự phát triển mạnh mẽ của công ty, mà còn cấp cho họ cơ hội đầu tư vào kênh truyền thông. Kỳ thực, đó cũng là một cơ hội cứu chúng sinh. Đạo lý cũng tương tự như việc một người thường quyên góp một chiếc xe hơi, hay ủng hộ tiền cho công ty truyền thông.
Thực ra, dù là quảng cáo trên báo giấy hay quảng cáo trên truyền hình, bản thân quảng cáo không thể cứu người, mà chính là thu nhập từ quảng cáo đã chống đỡ cho sự phát triển của công ty, giúp công ty truyền thông đạt được hiệu quả cứu người tốt hơn. Đương nhiên, khi một người thường đặt quảng cáo trên Thời báo Đại Kỷ Nguyên hay Đài truyền hình Tân Đường Nhân, điều đó nói lên rằng sinh mệnh đó đã thể hiện thái độ chính diện đối với Đại Pháp. Cũng giống như các nội dung giảng chân tướng cứu người, các quảng cáo dù đặt trên báo giấy, trên truyền hình, hay trên Internet, thì hiệu quả đạt được cơ bản cũng như nhau.
Như chúng ta đều biết, báo giấy và truyền hình có thể truyền tải nội dung giảng chân tướng cứu người. Tại thời kỳ đầu của cuộc bức hại, đó cũng là công cụ đắc lực mà tà ác sử dụng để bôi nhọ và vu khống Đại Pháp. Internet hiện nay cũng là một công cụ như vậy. Nếu chúng ta có thể sử dụng tốt các công cụ này để quảng bá Thần Vận, để truyền rộng chân tướng, khiến việc kinh doanh của công ty truyền thông phát triển tốt, thì đó đều là thiện dụng. Khi phát triển tốt, tên tuổi và ảnh hưởng của công ty truyền thông cũng theo đó mà được nâng lên.
Sư phụ đã nhiều lần đề cập đến việc công ty truyền thông cần học tập cách quản lý của Shen Yun. Tôi có thể ngộ rằng, học Pháp và tu luyện là điều trọng yếu đối với các học viên làm trong hạng mục truyền thông. Kỳ thực, đối với bất kể người tu luyện nào cũng là điều trọng yếu. Tôi nghe nói các diễn viên Shen Yun, gồm cả các nhạc sỹ, hàng ngày đều phải khổ công luyện tập các kỹ năng cơ bản. Thậm chí mỗi ngày họ đều phải tập đi tập lại các động tác đơn giản nhất. Việc huấn luyện các thành viên trong Thiên Quốc Nhạc Đoàn cũng như vậy, hàng ngày giáo viên hướng dẫn đều yêu cầu tập luyện kỹ năng cơ bản trong thời gian dài.
Là một nhân viên bán hàng, càng ngày tôi càng thấy mình cần phải đề cao trong nhiều khía cạnh. Tôi cần hiểu rõ sản phẩm của những công ty đăng quảng cáo trên kênh truyền thông của chúng tôi, tôi cần nâng cao kỹ năng bán hàng, và tôi cũng cần đề cao tâm thái khi xử lý các vấn đề. Tôi nhớ thời kỳ mới bắt đầu, người quản lý để tôi tự trau dồi kỹ năng bán hàng, tôi thường ngó nghiêng qua loa một chút rồi đi làm việc khác. Trong mấy tháng liền, ngày nào tôi cũng ôm tâm tranh đấu mà lên mạng Internet “giảng chân tướng”, không chịu làm việc của mình. Giờ đây nghĩ lại tôi thấy thật hổ thẹn. Tôi đã cố gắng học hỏi từ những người bán hàng chuyên nghiệp. Tuy nhiên, một số nhân viên bán hàng khác nói với tôi: “Học gì cũng không bằng học Đại Pháp, luyện gì cũng không bằng luyện công.” Điều này mới nghe qua thì thấy rất có đạo lý, nhưng suy nghĩ sâu hơn một chút thì tôi thấy không có lý do gì để chúng tôi không nâng cao kỹ năng của bản thân. Có một số việc thoáng nhìn đã có thể thấy chúng tôi làm chưa tốt, chưa khởi được tác dụng tốt.
Sư phụ giảng:
“Bất kể là làm hạng mục công tác gì hay sự việc gì, đã không làm thì không làm, đã làm thì nhất định làm cho thật tốt, có thuỷ có chung. Nếu không trong lịch sử lẽ nào sẽ ghi chép về chư vị là chư vị lãng phí thời gian như thế? Chẳng hoàn thành việc gì cả, việc gì cũng thất bại.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2010, Giảng Pháp tại các nơi XI)
Tôi thể hội được rằng chúng ta không nên đặt giới hạn cho bản thân mình, và chúng ta cần cố gắng hết mức để làm ngày càng tốt hơn. Nếu học Pháp và luyện công có thể giải quyết tất cả các vấn đề, thì hàng ngày các diễn viên Shen Yun đã không cần phải tập luyện khổ cực như vậy.
Là nhân viên bán hàng, chúng tôi cần dụng tâm học hỏi và nâng cao kỹ năng chuyên môn của mình. Tôi nghe nói, ngay cả những người đi giảng chân tướng ở các điểm du lịch ở New York cũng đều cần được tập huấn, nếu họ không đạt tiêu chuẩn thì sẽ không được làm việc. Đôi khi, nếu chúng ta không làm tốt, hoặc không có phương pháp phù hợp, thì sẽ gây ra phản cảm ở người thường và đẩy họ ra xa, thậm chí còn tạo nên tiếng xấu cho kênh truyền thông, thế thì cũng chẳng thể nói tới việc mang lại thu nhập cho công ty truyền thông nữa.
Thể ngộ về quản lý và bị quản lý
Trong môi trường truyền thông, gồm cả môi trường làm việc của người thường, chúng tôi thường gặp vấn đề quản lý và bị quản lý. Nếu làm việc cho một công ty người thường, người tu luyện thường thể hiện phong thái và cảnh giới cao.
Sư phụ giảng:
“Những công nhân sau khi học Pháp Luân Đại Pháp của các ông, đến sớm về muộn, làm việc hết sức cẩn thận, lãnh đạo phân công việc gì cũng [thực hiện] không nề hà; [họ] cũng không tranh [giành] lợi ích.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)
Khi còn ở Trung Quốc, tôi từng nghĩ rằng, nếu tất cả nhân viên trong một công ty đều là học viên Pháp Luân Đại Pháp thì hiệu quả chắc sẽ cao lắm, bởi vì mọi người đều ở cảnh giới cao. Giờ đây, tôi đang ở hải ngoại và làm trong một hạng mục gồm toàn các đệ tử Đại Pháp, tôi đã thấy rằng mọi thứ đều không giống như mình tưởng tượng.
Lấy tôi làm một thí dụ, rất nhiều lần tôi không muốn mình bị quản lý chặt chẽ. Trong khi đó, những đồng tu kiêm thêm trách nhiệm quản lý cũng thường do dự, miễn cưỡng, không muốn quản hoặc không dám quản người khác. Tôi cho rằng đó không phải là con đường đệ tử Đại Pháp chứng thực Pháp mà Sư phụ hy vọng chúng ta lưu cấp lại cho hậu nhân.
Là nhân viên kinh doanh, chúng tôi chỉ nên phối hợp hài hòa, chứ không giẫm đạp lên nhau hoặc mâu thuẫn với nhau. Tuy vậy, trong công ty truyền thông do đệ tử Đại Pháp quản lý, mỗi khi thảo luận để lập ra các quy định, liền có người có ý kiến: “Để giải quyết những vấn đề này thì các bạn cần chú trọng việc tu luyện của mình”, “những quy định này không hợp tình hợp lý”, “nếu áp dụng những quy định đó thì sẽ ảnh hưởng đến người này người kia”. Mọi người cứ suy xét tới lui mãi, khiến cho việc thiết lập các quy định mãi không thực hiện được, năm này qua năm khác vẫn chưa giải quyết được.
Những lúc thực sự gặp vấn đề và chúng tôi cần thể hiện cảnh giới cao của đệ tử Đại Pháp, một số người lại than phiền rằng công ty không quy củ, thiếu sự quản lý chuyên nghiệp. Họ không ngừng oán trách, thậm chí gây ra gián cách và mâu thuẫn. Có lúc ma tính của một số người nổi lên khuấy đảo long trời lở đất, họ hoàn toàn quên mất họ đang làm gì, làm vì điều gì, chịu trách nhiệm với ai.
Nếu bình thường mỗi người đều có thể phối hợp với việc quản lý và tuân thủ các quy định, thì mọi việc sẽ đạt hiệu quả cao hơn rất nhiều. Đối với những người quản lý, nếu gặp phải việc gì cũng nhớ rằng mình là người tu luyện, hành xử có trách nhiệm, can đảm thực hiện vai trò quản lý trong công việc, thì hoạt động kinh doanh nhất định sẽ tốt hơn.
Còn đối với những người bị quản lý, nếu có thể thực sự phối hợp và hoàn thành nhiệm vụ một cách lặng lẽ viên dung, tiếp thụ sự quản lý, không trộn lẫn giữa tu luyện và công tác với nhau, thì hạng mục của đệ tử Đại Pháp nhất định sẽ có đột phá.
Tôi nhận thấy rất nhiều lần chúng tôi không thể đột phá được không phải do các nhân tố can nhiễu của tà ác, cũng không phải do những người quản lý không chuyên nghiệp, không có kỹ năng và không biết quản lý. Kỳ thực, đó là do chúng tôi còn có quá nhiều nhân tâm chưa tống khứ đi, đã can nhiễu đến chính bản thân chúng tôi và gây trở ngại cho cả chỉnh thể.
Trên đây là một số thể ngộ của tôi, nếu có điều gì chưa phù hợp, mong các đồng tu từ bi chỉ rõ.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/9/4/373256.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/10/13/172830.html
Đăng ngày 02-11-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.