Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc Đại lục

[MINH HUỆ 26-9-2018] Tôi là một nông dân, nhưng thu nhập từ nghề nông không đủ để tôi chu cấp cho gia đình. Để kiếm thêm thu nhập, tôi phải làm những công việc khác. Hàng ngày, tôi làm việc 10 giờ đồng hồ hoặc hơn ở bên ngoài, sau đó khi về nhà thì làm việc đồng áng.

Sau bữa tối, tôi thường học kinh sách Pháp Luân Đại Pháp trong một giờ đồng hồ. Đôi khi, tôi quá mệt đến nỗi ngủ gà ngủ gật khi học. Tôi thường đi ngủ vào khoảng chín rưỡi tối và thức dậy vào ba rưỡi sáng để luyện công. Tôi ngủ khoảng sáu giờ đồng hồ mỗi ngày.

Sau đó, vì cho rằng ngủ sáu giờ đồng hồ mỗi ngày là không đủ, nên tôi đã dậy muộn hơn một giờ đồng hồ và chỉ luyện công một giờ đồng hồ mỗi ngày. Tôi phát chính niệm một hoặc hai lần mỗi ngày. Tôi cũng trở nên lười biếng việc làm tài liệu chân tướng và giảng chân tướng Pháp Luân Đại Pháp cho mọi người. Tôi không có thời gian đọc Tuần báo Minh Huệ và bị rơi rớt trong tu luyện.

Về sau, tôi đọc được một bài chia sẻ trên Tuần báo Minh Huệ về cách một người tu luyện quản lý thời gian của mình. Học viên này nói rằng anh học Pháp đến gần nửa đêm, phát chính niệm, rồi sau đó mới đi ngủ. Anh dậy lúc 3 giờ 40 phút sáng để luyện công và như vậy anh chỉ ngủ khoảng ba giờ đồng hồ mỗi ngày.

Tôi sửng sốt và nghĩ đến tình trạng của mình. Tôi có thể viên mãn không nếu ngay bây giờ Chính Pháp kết thúc? Tôi nghĩ là mình không thể. Tôi nghĩ mình phải nắm chắc khoảng thời gian ngắn ngủi này, tinh tấn lên và bắt kịp tiến trình Chính Pháp.

Mặc dù nghĩ là vậy, nhưng tôi không thể trừ bỏ được chấp trước lười biếng và lấy lại tinh tấn.

Sư phụ thấy được tâm nguyện muốn tinh tấn hơn của tôi, nên Ngài đã điểm hóa để tôi nhớ lại một bài thơ trong Hồng Ngâm:

Học Pháp đắc Pháp,

Tỉ học tỉ tu,

Sự sự đối chiếu,

Tố đáo thị tu.

(Thực TuHồng Ngâm)

Diễn nghĩa:

Tu thật sự

Học Pháp được Pháp,

So sánh việc học việc tu với nhau,

Mọi việc cứ thế mà đối chiếu,

Làm đến thế tức là tu.

Tôi hạ quyết tâm làm được như người học viên viết bài chia sẻ kia. Tôi bắt đầu học Pháp cho tới gần nửa đêm, phát chính niệm rồi sau đó mới đi ngủ. Sau đó, tôi dậy lúc 3 giờ 40 phút sáng để luyện công.

Khi có thể chân chính làm được như vậy, tôi có cảm giác thật tốt. Khi dành nhiều thời gian học Pháp hơn, tôi có để đọc nhiều kinh sách Đại Pháp hơn. Tôi có nhiều thời gian hơn để đọc Tuần báo Minh Huệ, và có thể một lần luyện hết cả năm bài công pháp. Tôi phát chính niệm thường xuyên và hiệu quả hơn.

Chính niệm của tôi mạnh hơn khi học Pháp nhiều hơn, và có thể theo kịp các hạng mục giảng chân tướng.

Dù ngủ ít, nhưng khi làm việc, tôi lại có nhiều năng lượng hơn. Tôi nhận ra suy nghĩ “nếu ngủ ít sẽ không nghỉ ngơi được tốt” là quan niệm người thường. Người tu luyện cần buông bỏ nhân tâm mới có thể trải nghiệm được sự mỹ hảo của Đại Pháp.

Qua trải nghiệm này, tôi nhận ra một vấn đề. Nhiều học viên ở Trung Quốc Đại lục không coi trọng việc đọc các bài viết trên Tuần báo Minh Huệ. Sư phụ yêu cầu chúng ta học Pháp nhóm. Đó là cơ hội cho chúng ta chia sẻ với nhau sau khi học Pháp, và giúp nhau đề cao. Thế nhưng do cuộc bức hại, rất khó để chúng ta cùng nhau học Pháp và chia sẻ với nhau trong môi trường tập thể. Do đó, tôi cho rằng đọc nhiều bài chia sẻ trên Tuần báo Minh Huệ hơn đối với tu luyện của chúng ta nhất định có trợ giúp.

Trên đây là những thể ngộ của cá nhân tôi trong quá trình tu luyện, nếu có điểm nào không đúng, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ. Con xin cảm tạ Sư phụ! Cảm ơn các bạn đồng tu!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/9/26/374984.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/10/12/172819.html

Đăng ngày 01-11-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share