Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 19-3-2018] Tôi năm nay 56 tuổi. Trong suốt hơn 20 năm tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi đã ý thức được sự nghiêm túc của tu luyện.

Tôi ngộ ra rằng dù gặp bất kỳ khổ nạn nào, chỉ cần nghĩ đến Pháp và Sư phụ, đồng thời hướng nội để chính lại bản thân, thì mọi chuyện xấu đều sẽ biến thành tốt, và tâm tính của tôi cũng được đề cao.

Dưới đây, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm của bản thân về việc bài trừ bức hại sau khi đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Tôi không phải là phạm nhân. Tôi là một người tu luyện.

Ngày 31 tháng 5 năm 2015, tôi đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân lên Viện Kiểm sát và Tòa án Nhân dân Tối cao. Vài ngày sau, tôi nghe tin một đồng tu đệ đơn kiện Giang đã bị bắt, và nhà của ông cũng bị lục soát.

Tôi cảm thấy mình vẫn còn tâm sợ hãi, nhưng tôi đã không kịp thời thanh trừ chấp trước này. Sáng ngày 29 tháng 6 năm 2015, tôi và ba đồng tu khác ở địa phương đã bị bắt.

Cảnh sát đã lục soát nhà, tịch thu máy tính, máy in, và các sách Đại Pháp của chúng tôi. Sau đó, họ đưa tôi tới đồn cảnh sát và giữ tôi ở một căn phòng trong đó có tám đến chín cảnh sát đang xem ti vi và chơi điện thoại di động.

Tôi ngồi trên một chiếc giường ở góc phòng, dựng tay phải lên lập trưởng và phát chính niệm: “Giải thể hết thảy các nhân tố tà ác thao túng cảnh sát tham dự bức hại các đệ tử Đại Pháp, không cho phép họ tiếp tục phạm tội đối với các đệ tử Đại Pháp.”

Tôi phát chính niệm được 20 phút, trong suốt thời gian đó, không ai làm phiền tôi cả. Sau đó, tâm trí của tôi bỗng trở nên thanh tỉnh, tôi ngộ ra rằng việc cấp bách nhất bây giờ là phủ nhận hết thảy an bài của cựu thế lực.

Đệ tử Đại Pháp cần đóng vai trò chủ đạo, hành động chiểu theo Pháp, và tận dụng tốt cơ hội để cứu những người hữu duyên. Nghĩ vậy, tôi liền nói: “Tôi khát quá. Các anh cho tôi xin hớp nước.”

Một cảnh sát trẻ lạnh lùng nói: “Không có nước. Chúng tôi không có cái gì để ăn hay uống hết!” Tôi tiếp tục nói: “Nước lạnh cũng được.”

Anh ta đáp lại: “Nước lạnh cũng không có.”

“Đừng đối xử với tôi như phạm nhân thế”, tôi trịnh trọng nói. “Pháp Luân Đại Pháp là một pháp môn tu luyện thượng thừa của Phật gia. Tôi là một đệ tử Đại Pháp, là người tu Phật.”

Tôi tiếp tục nói: “Đối xử tốt với đệ tử Đại Pháp sẽ được phúc báo. Tôi không muốn thấy các anh phải chịu quả báo vì bức hại người tu luyện.”

Một cảnh sát lớn tuổi hơn nói xen vào: “Nhìn tư thế bà ấy ngồi từ nãy tới giờ, thật giống với một người tu Phật.”

Vừa nói xong, ông liền dựng một bàn tay lên trước ngực, miệng lẩm bẩm. Mọi người đều bật cười, không khí trong phòng bỗng trở nên dịu xuống.

Sau đó, một cảnh sát đã mang ấm điện đi đun nước, còn một người khác mang cho tôi một chai nước khoáng. Tôi uống vài ngụm rồi bắt đầu giảng chân tướng về Đại Pháp cho họ.

Một lát sau, một cảnh sát đã đặt một cốc nước nóng trước mặt tôi và nói: “Ở đây, chúng tôi không có gì, chỉ có nước, bà cứ việc uống.”

Giảng chân tướng cho cảnh sát

Sau đó, tôi đã giảng cho họ nghe Pháp Luân Công là gì, tại sao ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công, sự thật đằng sau vụ tự thiêu giả mạo ở quảng trường Thiên An Môn, nạn thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ, phong trào thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó, và phong trào đệ đơn kiện Giang Trạch Dân.

Người cảnh sát trẻ ngồi cạnh tôi là người đã quay phim khi tôi bị bắt vào lúc sáng. Anh ta hồi hộp hỏi: “Dì à, những điều dì vừa nói là sự thật sao?”

Tôi còn chưa kịp trả lời, thì người cảnh sát chộp điện thoại di dộng của tôi và lục soát nhà tôi vào buổi sáng hôm đó cũng nói với vẻ mặt lo lắng: “Thế còn tôi thì sao? Tôi nên làm gì để giúp bà bây giờ? Tôi không muốn gặp báo ứng!”

Sau đó, lúc không có ai ở trong phòng, anh đã chắp tay hợp thập trước ngực và xin tôi tha lỗi. Tôi đã giúp anh thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó.

Từ chối thẩm vấn

Sau khi nghe tôi giảng chân tướng hơn một tiếng đồng hồ, tất cả cảnh sát đi ăn cơm trưa, chỉ để hai người ở lại canh chừng tôi. Lúc về, họ mang cho tôi một ít thức ăn, nhưng tôi đã không động đến.

Một lúc sau, đội trưởng đội cảnh sát bước vào và dẫn tôi sang một căn phòng khác. Ông ta chính là người dẫn đầu đội cảnh sát bắt cóc tôi vào sáng hôm đó.

Ông ta ra lệnh cho tôi ngồi vào chiếc ghế đẩu ở phía sau một chiếc máy tính có trang bị camera. Tôi nhận ra rằng ông ta đang định thẩm vấn tôi như một phạm nhân; tôi cảm thấy thương xót cho ông ấy vì ông ấy đang trong vô tri mà tạo nghiệp.

Tôi nhớ những lời Sư phụ giảng:

“Vô luận trong hoàn cảnh nào cũng không hề theo yêu cầu, mệnh lệnh hay chỉ thị của tà ác.” (”Chính niệm của đệ tử Đại Pháp có uy lực”, Tinh Tấn Yếu Chỉ II)

Vì vậy, tôi đã từ chối ngồi lên chiếc ghế đẩu, thay vào đó, tôi ngồi lên chiếc giường kê ở sát tường. Thấy vậy, bốn nhân viên cảnh sát trong phòng nhìn nhau nhưng không nói được câu gì.

Tôi liền nói với họ: “Tôi không hề phạm tội, do đó không thể hợp tác với các anh, như vậy sẽ không tốt cho các anh.”

Đội trưởng đội cảnh sát nói: “Giang Trạch Dân sớm muộn gì cũng chết. Các người khởi tố ông ta thì có ích lợi gì!”

“Ông ta đã bức hại chúng tôi nhiều năm như vậy”, tôi trả lời. “Sao chúng tôi lại không khởi tố ông ta chứ? Giang Trạch Dân bức hại Pháp Luân Công, nhưng các ông cũng chính là nạn nhân của cuộc bức hại này. Đến nay đã có hơn 100 000 người dùng tên thật của mình để khởi tố ông ta, và con số này đang không ngừng tăng lên.”

Sau đó, tôi đi qua chiếc máy tính xem họ có ghi âm những gì tôi nói không. Đội trưởng đội cảnh sát nói: “Bà vẫn chưa trả lời câu hỏi của chúng tôi, vì vậy chúng tôi không thể ghi âm những gì bà nói.”

“Trong trường hợp đó”, tôi nói, “các anh có thể viết rằng: ‘Có tín ngưỡng là không phạm pháp, tu luyện Pháp Luân Đại Pháp là vô tội!”

Ông ta thú nhận: “Chúng tôi không dám ghi như vậy.” Sau đó, cuộc thẩm vấn đã kết thúc.

Cuộc kiểm tra sức khỏe thất bại

Buổi chiều, họ muốn dẫn tôi đến bệnh viện huyện để kiểm tra sức khỏe, nhưng tôi nói: “Học viên Pháp Luân Đại Pháp bây giờ còn bị mổ cướp nội tạng sống. Vì vậy, tôi không thể đi với các anh.”

Một người trong số họ nói: “Chỉ là đi kiểm tra sức khỏe thôi. Sẽ không có chuyện gì xảy ra đâu.”

“Đương nhiên các anh sẽ không làm loại chuyện đó”, tôi nói. “Nhưng các anh có đảm bảo người khác không làm hay không?” Nghe vậy, họ không kiên quyết dẫn tôi đi nữa.

Tối hôm đó, chồng và con gái tôi đến thăm và thông báo với tôi rằng các đồng tu địa phương đang phát chính niệm cho tôi. Họ cũng kể với tôi về trường hợp của một đồng tu bị giam giữ ở trại tạm giam, sau khi kiểm tra sức khỏe, bác sỹ phát hiện ông bị cao huyết áp, vì vậy ông đã được thả ngay trong ngày hôm đó.

Tôi nghĩ không ngẫu nhiên mà gia đình tôi lại chia sẻ thông tin đó với tôi. Có lẽ, Sư phụ đã sử dụng họ để điểm hóa cho tôi. Vì vậy, tôi quyết định sẽ đi kiểm tra sức khỏe vào ngày hôm sau.

Con gái tôi cầm tay tôi và hỏi: “Mẹ, mẹ là ai?” “Mẹ là một đệ tử Đại Pháp”, tôi đáp.

Nghe vậy, cháu nói to với tôi: “Đúng rồi. Cho dù ở bên ngoài các đồng tu có thể làm gì để hỗ trợ mẹ, nhưng mẹ vẫn là người quyết định. Nếu mẹ có thể giữ được chính niệm, tất cả đều sẽ cải biến. Mọi thứ đều phụ thuộc vào chính niệm của mẹ!”

Tôi vô cùng kinh ngạc vì đứa con gái không tu luyện của tôi lại có thể nói được những lời như vậy. Trong nội tâm, tôi rất biết ơn Sư phụ.

Sư phụ đã mượn miệng của cháu để nói với tôi những điều này. Tôi tự nhủ: “Ở trại tạm giam dù chỉ một ngày, mình cũng không chấp nhận, huống chi là 12 ngày.”

Sau đó, tôi quay sang nói chuyện với một trong những cảnh sát còn lại trong phòng: “Hôm nay tôi đã giảng khá nhiều chân tướng cho các anh. Anh có phải là thành viên của ĐCSTQ không? Bây giờ không có ai ở đây, anh có muốn làm tam thoái không?”

Anh ấy đã đồng ý thoái xuất khỏi ĐCSTQ, Đoàn Thanh niên, và Đội Thiếu niên. Khi nhân viên cảnh sát kia quay lại ca trực của mình, tôi cũng giúp anh làm tam thoái.

Sau đó, tôi đã ngồi phát chính niệm và hướng nội. Tôi cảm thấy trong những năm qua, tôi đã có sơ hở rất lớn trong tu luyện. Tôi chỉ bận rộn làm các việc mà không tĩnh tâm học Pháp, phát chính niệm cũng chỉ chạy theo hình thức, phát không đầy đủ và tâm cũng không tĩnh.

Đêm hôm đó, sau giờ phát chính niệm toàn cầu, tôi mới đi ngủ. Sau đó, tôi dậy lúc 3 rưỡi sáng để luyện công và phát chính niệm lần nữa.

8 giờ 30 sáng, hai nhân viên cảnh sát dẫn tôi đến bệnh viện huyện để kiểm tra sức khỏe. Trong nội tâm tôi nói với Sư phụ: “Sư phụ, con chỉ theo an bài của Ngài.”

Sau khi khám, mọi chỉ số của tôi đều bình thường, nhưng khi tôi chuẩn bị rời đi, bác sỹ nói: “Hãy ngồi xuống. Để tôi đo huyết áp cho bà.”

Đo xong, bác sỹ hỏi tôi: “Bà bị cao huyết áp à?”

Một viên cảnh sát hỏi: “Huyết áp cao bao nhiêu?” Bác sỹ nói 180/120. Sau đó, ông đã đo lại một lần nữa nhưng cũng ra kết quả như vậy.

Trại tam giam từ chối tiếp nhận

Sau 1 giờ chiều, họ lái xe đưa tôi đến trại tạm giam. Khi lính canh mở cửa và dẫn tôi vào, một suy nghĩ bỗng xuất hiện trong đầu tôi: “Tại sao mình lại ở đây?”

Hồi tưởng lại năm 2001, sau khi được thả vì tuyệt thực ở trong tù, tôi đã nói với một đồng tu: “Chúng ta sẽ không bao giờ bị tống giam thêm một lần nào nữa!”

Lúc này, một nữ bác sỹ của nhà tù bước đến và ra hiệu cho tôi: “Bà hãy lại đây, trước tiên để tôi đo huyết áp cho bà.”

Lần này, kết quả đo vẫn như trước. Cô liền hỏi: “Bà có tiền sử cao huyết áp hay có đang phải dùng thuốc không?”

Sau đó, trại tạm giam đã quyết định không tiếp nhận tôi.

Cảnh sát đã thảo luận trường hợp của tôi với cấp trên và quyết định đưa tôi đến hai bệnh viện của thành phố để kiểm tra lại huyết áp.

Huyết áp của tôi vẫn cao, kết quả của một trong những lần đo là 180/125. Lúc đầu, tôi nghĩ rằng chính niệm của tôi vẫn chưa đủ mạnh nên tôi mới bị kiểm tra đi kiểm tra lại như vậy.

Sau đó tôi nhận ra rằng mỗi lần kiểm tra xong, tôi lại buông lơi phát chính niệm và sinh tâm hoan hỉ, khi phải kiểm tra lại lần nữa thì tôi lại thấy sợ hãi và lo lắng về kết quả. Sau khi ngộ ra điều này, tôi đã chính lại suy nghĩ của bản thân, bài trừ chấp trước, và ổn định lại tâm thái.

Sau lần kiểm tra cuối cùng, cảnh sát nói: “Chúc mừng bà. Lần này chúng ta có thể về nhà.” Lúc này, tôi không cảm thấy cao hứng như trước, tâm tôi rất bình tĩnh.

Chúng tôi quay trở lại đồn cảnh sát lúc 4 giờ chiều. Sau đó, họ đã gọi điện cho chồng tôi đến để đón tôi về.

Lời kết

Về đến nhà, tôi nghiêm túc xem xét lại trạng thái tu luyện của bản thân, và cảm nhận được sâu sắc sự bảo hộ từ bi của Sư phụ. Tu luyện là vô cùng thù thắng, nhưng đồng thời cũng vô cùng nghiêm túc.

Một niệm bất chính dù rất nhỏ nhưng nếu không được chính lại kịp thời sẽ đưa đến những phiền toái ở các mức độ khác nhau.

Từ đó, tôi đặt tâm hơn vào làm ba việc và liên tục nhắc nhở bản thân tu luyện tinh tấn. Hiện tại, lúc ngồi luyện bài công pháp số năm, tôi thường xuyên được trải nghiệm cảm giác mỹ diệu như ngồi trong vỏ trứng gà; tôi cũng cảm nhận được một trường năng lượng rất mạnh và tâm rất tĩnh khi ngồi phát chính niệm.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/3/19/362373.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/6/3/170632.html

Đăng ngày 1-7-2018; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share