Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 24-06-2019] Dù đã hết giờ ăn tối ở nhà tù nhưng các tù nhân vẫn bắt bà Triệu Á Luân ở ngoài trời lạnh cóng mà không có đồ ăn hay quần áo rét. Để hành hạ bà thêm nữa, một tù nhân đã dùng chổi tre đánh vào hai tay bà, khiến bà phải hét lên và hai tay bị sưng tấy vì lạnh cóng.

Dù phải chịu đau đớn nhưng bà Triệu vẫn kiên định đức tin vào Pháp Luân Công (còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp), một môn tu luyện bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999. Vì bà không hợp tác nên tù nhân đã quẳng bà vào một đống tuyết và bắt đầu vùi kín bà trong tuyết.

Cuối cùng bà đã thoát chết khi một học viên Pháp Luân Công khác chạy ra khỏi phòng giam để đánh lạc hướng các tù nhân.

Việc này xảy ra vào ngày 2 tháng 12 năm 2003, khi bà Triệu, 75 tuổi, đang thụ án tù năm năm vì không từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Bà được trả tự do vào ngày 29 tháng 8 năm 2007. Dù hơn một thập kỷ đã trôi qua, nhưng những gì bà phải chịu đựng trong tù cũng như ở những nơi giam giữ khác vẫn còn ám ảnh bà mãi cho đến ngày hôm nay.

Bị bắt vì thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công

Bà Triệu là cư dân thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang. Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996 với mục đích chữa bệnh. Sau khi đọc cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Đại Pháp, bà đã bị lôi cuốn bởi các nguyên lý trong cuốn sách, điều này đã thay đổi cách nhìn nhận của bà về cuộc sống. Bà Triệu đã quyết định hành xử theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn để trở thành một người tốt.

Khi chính quyền cộng sản bắt đầu bức hại Pháp Luân Công, tháng 12 năm 2000 bà Triệu đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện và sau đó đã bị giam giữ tại Trại tạm giam Số 2 Cáp Nhĩ Tân.

Điều kiện sống trong trại tạm giam rất khổ cực và những người bị giam giữ không được sử dụng nhà vệ sinh. Thay vào đó, họ bị bắt phải ngồi trên một chiếc ghế nhỏ suốt cả ngày, khiến họ bị ghẻ do khí lưu thông kém.

Để ép buộc các học viên Pháp Luân Công phải từ bỏ đức tin, một nhóm tù nhân sẽ áp dụng mọi biện pháp có thể, kể cả các chiến thuật cứng và mềm khác nhau để “chuyển hoá” các học viên. Trong những điều kiện như vậy, sau khi bị khủng hoảng tinh thần cực độ, bà Triệu đã đồng ý viết tuyên bố bảo đảm.

6bf9d092c93de02d0a2ba66d4be96890.jpg

Miêu tả hình thức tra tấn: Ngồi trên chiếc ghế nhỏ

Bà Triệu được thả về nhà sau gần bốn tháng. Những ngày tháng bị giam cầm đã ảnh hưởng đến bà cả về thể xác lẫn tinh thần. Trong một thời gian dài, bà cảm thấy có lỗi vì đã đồng ý chuyển hoá.

Bà nói: “Nỗi đau đó đeo bám tôi hằng đêm. Cứ khi ngủ là tôi lại khóc và buổi sáng thức dậy mà nội tâm đầy thống khổ và ân hận. Tôi đã mất đi niềm vui trong cuộc sống và cứ mỗi khi nghĩ về việc mình đã phản bội Sư phụ Lý (nhà sáng lập) và Đại Pháp là tôi lại chực khóc.”

Bà đã quyết định viết nghiêm chính thanh minh để phủ nhận những tuyên bố trước đó của mình và rằng bà sẽ bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công trở lại.

Năm 2001, bà Triệu bị bắt giữ một lần nữa cùng nhiều học viên khác khi họ đi dán các tấm áp phích về Pháp Luân Công trên phố. Bà được thả về nhà sau đó vài giờ.

Bị đối xử một cách vô nhân đạo

Chỉ một năm sau khi bị bắt lần thứ hai, vào ngày 30 tháng 8 năm 2002, trong khi bà Triệu đang ở nhà thì một số cảnh sát mặc thường phục đã tới gõ cửa. Khi bà từ chối mở cửa, cảnh sát đã dùng xà beng để cậy cửa nhà bà. Sau khi cửa mở, cả nhóm xô vào, đẩy bà xuống đất và còng tay bà.

Sau đó, cảnh sát đã lục soát nhà bà và tìm thấy một chồng tài liệu Pháp Luân Công. Họ đã tịch thu của bà máy nghe nhạc, các sách Pháp Luân Công và nhiều vật dụng cá nhân khác rồi sau đó đưa bà đến chi nhánh Sở Cảnh sát Nam Cương Cáp Nhĩ Tân để thẩm vấn.

Bà Triệu kiên quyết không tiết lộ bất cứ ai khi được yêu cầu thú nhận làm thế nào bà nhận được các tờ rơi. Sau đó, bà biết rằng cảnh sát đã khai báo sai lệch số lượng tài sản đã tịch thu từ nhà bà, do đó bà từ chối ký vào danh sách tài sản bị tịch thu.

Bà cũng nhớ rằng người phụ trách vụ việc đã nói với bà rằng anh ta muốn được thưởng vì đã “thực hiện một việc đáng khen thưởng“ khi xử lý hồ sơ của bà. Cảnh sát sau đó đã đưa bà vào trại tạm giam Số 2 Cáp Nhĩ Tân.

Ở trại giam, bà bị làm nhục khi bị yêu cầu phải cởi bỏ tất cả quần áo và ngồi xổm vài lần hoặc bị dọa đánh. Ngoài ra bà Triệu còn phải chịu đựng hình thức đối xử vô nhân đạo khác.

Bà nhớ lại: “Khi đêm đến, ai cũng bị biến thành ‘cá mòi’ và buộc phải ngủ nghiêng người trong tư thế ngực người này áp vào lưng người khác.“ Nếu một người ra ngoài đi vệ sinh thì khi trở về sẽ không còn chỗ để ngủ. Vì luôn có một tù nhân túc trực, nên tù nhân này sẽ hỗ trợ đẩy người đó xuống đất và với bất kỳ ai bị như vậy cũng sẽ rất đau đớn.

Bà Triệu nói thêm rằng nhiều người bị giam ở trại đã sinh bệnh táo bón sau khi họ cứ luôn phải vội vã rời khỏi phòng vệ sinh bất cứ lúc nào. Bà cũng nói thêm rằng do lưu thông kém và bị ép phải ngồi trên chiếc ghế nhỏ cả ngày nên nhiều người đã bị ghẻ, trong đó có bà.

Bị kết án mà không theo đúng thủ tục pháp lý

Một hôm, hai cảnh sát cùng một số nhân viên khác đã đến để đưa bà Triệu tới một căn phòng. Một trong số họ đã hỏi có phải bà đã tặng tờ rơi cho anh ta không. Bà không trả lời. Sau đó, cảnh sát này hỏi về tình trạng cá nhân của bà và qua đó bà Triệu đã hỏi cảnh sát khi nào thì phiên xử bà được tổ chức.

Một cảnh sát trả lời: “Đây chính là phiên xử”, và tiếp tục hỏi liệu bà có tiếp tục tập luyện Pháp Luân Công nữa không.

Bà Triệu trả lời dứt khoát: “Có chứ!”

Bà bị kết án năm năm tù và bị đưa tới Nhà tù Nữ Hắc Long Giang vào ngày 21 tháng 3 năm 2003.

Bản án này khiến bà Triệu rất ngạc nhiên vì trước đó cảnh sát đã nói rằng họ sẽ thả bà và yêu cầu bà ký vào một văn bản. Cảnh sát đã lừa gạt bà.

Bà nói: “Kể từ đó, tôi đã thấy bộ mặt thật của họ và không còn ký bất kỳ văn bản nào mà cảnh sát yêu cầu nữa.”

Tra tấn trong tù

Để ép buộc các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của họ, cai ngục thường tra tấn và dùng các tù nhân hình sự để thi hành mệnh lệnh của họ.

Bị chôn vùi trong tuyết và một tù nhân thay đổi thái độ

Để phản đối việc bị cầm tù bất hợp pháp, bà Triệu và các học viên Pháp Luân Công khác đã từ chối đeo thẻ tù nhân. Đáp lại, các quan chức nhà tù đã bắt họ phải ở ngoài trời lạnh cóng với rất ít thức ăn, không có nước và cũng không được đi vệ sinh. Sau bảy ngày, bà Triệu là người duy nhất vẫn không chịu đeo thẻ.

Lúc đó mặt đất vẫn còn tuyết. Một tù nhân tên Lý Mai và một số tù nhân khác đã cởi bỏ áo khoác mùa đông và quần của bà Triệu. Sau đó, một tù nhân bắt đầu đánh và lăng mạ bà, thậm chí họ còn dùng chổi tre đánh vào hai bàn tay của bà vốn đã bị sưng tấy vì lạnh cóng, điều này khiến bà phải khóc thét vì đau đớn. Sau đó họ đưa bà quay trở vào bên trong.

Bà Triệu nói: “Sau khi bình tâm lại, tôi nhớ rằng tôi là một học viên Pháp Luân Công và tôi không nên như thế. Vì vậy, tôi quyết định không được kêu khóc một chút nào nữa.”

Tuy nhiên, việc tra tấn này không dừng ở đó. Các tù nhân đã đưa bà ra ngoài một lần nữa và ném bà vào một đống tuyết. Họ xúc tuyết lên đầu bà cho đến khi toàn bộ người bà bị vùi kín trong tuyết. May mắn thay, bà đã được cứu đúng lúc một học viên khác lao ra khỏi phòng giam để đánh lạc hướng các tù nhân.

e66e520b1b58dcd817c05d0a1d2eb72d.jpg

Miêu tả hình thức tra tấn: Chôn vùi trong tuyết

Tối hôm sau, tù nhân Lý Mai đã hỏi bà Triệu: “Bà nghĩ thế nào về tôi?”

Bà bình tĩnh nhìn vào mắt tù nhân Lý và đáp lại: “Tôi không thù hận hay oán giận gì cô”. Tù nhân Lý không nói nên lời. Ngày hôm sau, cô ta đến gặp bà Triệu và giơ ngón tay cái lên nói: “Tôi phục dì đấy, dì Triệu”. Có vẻ như tù nhân Lý đã quyết định thay đổi.

Sau đó, các tù nhân còn lại đã có thái độ tôn trọng mới đối với các học viên Pháp Luân Công.

Ở cùng khu đó có một cô gái bị câm. Bà Triệu đã chăm sóc cô gái đó và nói với cô “Pháp Luân Đại Pháp hảo!”. Cô thậm chí còn nói được thành âm sau khi cố gắng học những gì bà Triệu nói. Sau đó, có người đã nói với bà rằng sau khi thấy các học viên bị các tù nhân khác tra tấn, cô gái đó đã khóc đến mức bị đau họng.

Bà Triệu nhớ lại việc thay đổi thái độ của các tù nhân và nói: “Có một tù nhân trước đó từng đánh tôi.Tuy nhiên, sau này cô ấy đã thay đổi thái độ đối với tôi và thậm chí còn bắt đầu chia sẻ với tôi những suy nghĩ và cảm xúc sâu thẳm nhất của cô ấy.”

‘Pháp Luân Đại Pháp hảo’

Cảnh sát ở nhà tù thường điểm danh vào lúc 8 giờ tối mỗi ngày. Bắt đầu từ đầu năm 2004, sau khi bà Triệu bị đánh đập chỉ vì giảng chân tướng về Pháp Luân Công, khi bị điểm danh bà đã đáp lại bằng câu: “Pháp Luân Đại Pháp hảo!”.

Ngày đầu tiên không có gì xảy ra với bà. Tuy nhiên, khi bà Triệu được chuyển đến một phòng giam khác vào ngày hôm sau, thì bà bị đánh đập và bị còng tay. Có một đêm bà bị biệt giam, hai tay bị còng sau lưng và được nối với một cái xích gắn trên sàn. Bà giam giữ ở vị trí này trong 15 ngày liên tục, chỉ có một ít thời gian được nghỉ ngơi.

Khi bà được rời khỏi phòng biệt giam, lúc điểm danh bà vẫn đáp lại bằng câu: “Pháp Luân Đại Pháp hảo!”. Cảnh sát cuối cùng đã để bà ở lại phòng giam mà không bắt bà phải ra ngoài điểm danh nữa.

Bị đá, bị còng tay và treo lên

Có lần bà Triệu và các học viên Pháp Luân Công khác bị bắt phải chạy dưới ánh mặt trời thiêu đốt. Khi bà chạy chậm lại, tù nhân Lý đá bà từ phía sau khiến bà ngã xuống đất. Một lần khác, một lính canh đã tát bà mạnh đến nỗi màng nhĩ của bà bị rách và bắt đầu chảy máu.

Tháng 3 năm 2004, bà Triệu được chuyển đến một khu nhà tù khác và ngay trong đêm thứ hai bị giam giữ tại đây, bà đã bị còng tay và bị treo lên khung cửa sổ mà các ngón chân hầu như không chạm đất.

3b2e2dcc9c9aa109849b61acb2919eed.jpg

Miêu tả hình thức tra tấn: Còng tay và treo lên

Một lần khác, khi thấy nhà tù đang bật các đoạn video phỉ báng Pháp Luân Công, bà Triệu đã bị trừng phạt khi nói rằng các video đó nói sai sự thật.

Bà Triệu kể lại: “Sau một lúc, hai tù nhân vào phòng và dùng một thắt lưng trói tôi lại rồi sau đó họ bỏ mặc tôi ở hành lang nhà tù. Đến trưa, họ không cho tôi dùng nhà vệ sinh và bắt đầu chửi rủa tôi, nói rằng tôi đang quấy nhiễu không cho họ nghỉ ngơi.“

Trong thời gian ở trong tù, tù nhân nằm cạnh bà Triệu có tên Vương Tân Hoa đã làm bà bị chấn thương.

Có lần tù nhân Vương còn đạp bà Triệu từ trên giường xuống đất, nói rằng bà Triệu đang tập các bài tập Pháp Luân Công. Cú đạp của Vương khiến xương sườn bên phải của bà Triệu bị chấn thương, khiến bà khó thở và đau đớn mỗi khi ăn. Tuy nhiên, sau khi biết sự việc, cảnh sát lại bảo vệ tù nhân Vương.

Bị bắt nạt và làm nhục

Ngoài việc tra tấn bà Triệu, các tù nhân còn ngược đãi và làm nhục bà.

Một tù nhân có tên Lý Huệ Vinh trước khi vào tù vốn là người giàu có và quyền lực và cũng có một vài ảnh hưởng trong nhà tù. Sau khi bà Triệu được chỉ định ngủ cạnh tù nhân Lý, một số tù nhân đã dùng chăn trùm kín người bà Triệu khi bà thức dậy vào sáng hôm sau và bắt đầu đánh bà. Tù nhân Lý cũng chỉ đạo hai tù nhân luôn để mắt đến bà, kể cả khi bà đi vệ sinh.

Để phản đối việc bị tù nhân Lý ngược đãi, bà Triệu đã tuyệt thực trong năm ngày và yêu cầu gặp cai ngục. Lần đầu tù nhân Lý đã thành công trong việc ngăn bà Triệu gặp cai ngục. Tuy nhiên, tù nhân Lý đã lặng người khi thấy bà Triệu dễ dàng cản phá các tù nhân đang cố gắng ngăn bà gặp một cai ngục trong lần tiếp theo.

Bà Triệu kể lại những lời tù nhân Lý nói với mọi người khi đó: “Làm sao bà ấy lại vẫn khoẻ như vậy được trong khi bà ấy đã không ăn không uống trong một thời gian dài như thế rồi?”. Kể từ đó, tù nhân Lý đã bớt ngược đãi bà Triệu.

Nhà tù cũng khuyến khích các tù nhân tiếp tục bức hại học viên Pháp Luân Công bằng cách hứa hẹn sẽ giảm án cho họ nếu họ ngược đãi các học viên. Ngoài việc cấm ngủ, bà Triệu còn bị trừng phạt dưới hình thức bị bắt đứng hoặc ngồi xổm trong thời gian dài và đồ dùng cá nhân thiết yếu hàng ngày của bà thì bị tù nhân đánh cắp.

Hội thảo ‘Tư vấn pháp lý’

Tù nhân Vương từng báo cáo bà Triệu với lãnh đạo nhà tù rằng bà đang luyện các bài công pháp. Khi bà Triệu nói với các lãnh đạo nhà tù rằng tù nhân Vương đã đánh bà thì ngược lại họ lại trừng phạt bà Triệu bằng cách đưa bà đến một phòng giam khác giam giữ trong nửa tháng. Họ nói họ sẽ không cố gắng “chuyển hoá” bà và yêu cầu bà không được làm điều gì bất hợp pháp.

Chính tại phòng giam khác đó mà bà Triệu đã biết được rằng nhà tù này có nhiều phòng chuyên dùng để chuyển hoá các học viên; mỗi phòng có một học viên và một vài tù nhân được giao nhiệm vụ chuyển hoá các học viên này.

Bà Triệu nhớ lại: “Khi tôi đang đi dọc hành lang đến nhà vệ sinh thì thấy tất cả cửa sổ của phòng giam đều được dán kín giấy. Bạn không thể nhìn thấy gì từ bên ngoài. Khi tôi quay đầu lại, một người nào đó đã hét lên rằng tôi đã nhìn thấy các học viên.”

Tháng 8 năm 2005, bà Triệu nghe nói một số quan chức từ Bắc Kinh đến nhà tù để dự hội thảo, và nhà tù đã lừa gạt nhiều học viên để họ đến tham gia khi nói với họ rằng nội dung buổi hội thảo là đưa ra lời khuyên pháp lý. Trên thực tế, buổi hội thảo đó là để phỉ báng Pháp Luân Công.

Khi biết được sự thật, các học viên bắt đầu hô “Pháp Luân Đại Pháp hảo!” tại hội thảo và một số người thậm chí đã chạy ra khỏi phòng để hô lên. Lúc đó bà Triệu đang ở trong phòng giam và sớm nghe thấy tiếng hô vang.

Bà cũng quyết định hô lớn để trợ giúp các đồng tu, trong khi các tù nhân trong phòng, những người đã biết Pháp Luân Công là tốt, đã giúp trông chừng lính canh để đảm bảo an toàn cho bà. Tuy nhiên, các học viên tại hội thảo lại không được may mắn như vậy.

Bà Triệu cho biết: ”Sau đó tôi được biết lãnh đạo nhà tù đã chỉ thị cho cảnh sát đánh các học viên và nhốt họ trong các phòng biệt giam.”

Coi thường tính mạng con người một cách trắng trợn

Bà Triệu đã ​​tận mắt chứng kiến việc lính canh ở nhà tù đã coi thường mạng sống của các học viên như thế nào.

Bà nhớ rằng có một học viên bị còng tay vào giường khiến huyết áp của bà ấy tăng lên đến khoảng mức 240 – 260 mmHg. Một hôm, bà Triệu nhận thấy có điều gì đó không ổn và phát hiện người học viên này đang nằm trên sàn nhà vệ sinh.

Bà Triệu nói: “Ngay lúc đó, vài tù nhân đã chạy đến và đối xử thô bạo với người học viên đang trong tình trạng hấp hối đó. Họ đuổi tôi đi. Cô ấy đã chết ngay sau đó và tôi đã khóc khi biết chuyện. Nhưng khi một cai ngục thấy tôi khóc, anh ta lại đá tôi.”

Được thả khỏi nhà tù

Cuối cùng bà Triệu được trả tự do vào ngày 29 tháng 8 năm 2007, sau khi mãn hạn năm năm tù.

Trước khi được thả, lính canh đã tiến hành khám người và yêu cầu bà mặc đồng phục tù nhân khi rời khỏi nhà tù. Bà đã từ chối.

Bà Triệu kể: “Khi rời nhà tù, tôi đã hô một lần cuối câu ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo!’“

Cuối cùng bà Triệu đã rời nhà tù vào buổi chiều và các nhân viên của Phòng 610, đồn công an và ủy ban địa phương đã được giao nhiệm vụ đến đưa bà đi mặc dù anh chị em của bà Triệu đã đến từ sáng để đợi đưa bà về nhà.

Bà Triệu nói rằng bà cảm thấy thoải mái khi ra khỏi nhà tù, bà thậm chí còn nói với các nhân viên về những tra tấn bà đã phải chịu đựng ở trong tù, cũng như về cuộc bức hại Pháp Luân Công.

“Cuối cùng, một nhân viên của ủy ban địa phương đã nói: ‘Đây chẳng phải chỉ là vấn đề về tín ngưỡng và đức tin sao?’”, bà Triệu nhớ lại lời nói của người nhân viên đó.

Sau đó, chúng tôi mỗi người đi một đường riêng và từ đó không ai đến tìm bà Triệu nữa.

Sau này bà Triệu mới biết rằng trong hơn một năm đó, hàng tháng gia đình bà đều gửi cho bà 300 tệ nhưng bà chỉ nhận được khoảng ba lần.

Báo cáo liên quan:

Một phụ nữ 71 tuổi khởi kiện cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/6/24/389136.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/9/21/179981.html

Đăng ngày 21-10-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share