Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh An Huy, Trung Quốc

[MINH HUỆ 25-1-2018] Bà Vương Bình ở huyện Ngũ Hà đã qua đời vào tháng 5 năm 2017 sau nhiều năm bị bắt và giam giữ nhiều lần chỉ vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả thân lẫn tâm dựa trên các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.

Người phụ nữ 53 tuổi này cho rằng Pháp Luân Công đã mang đến cho bà một sức khỏe tốt. Là một bác sỹ tại Trạm y tế và phòng chống dịch bệnh Ngũ Hà, bà Vương không thể tìm ra các biện pháp chữa trị cho các vấn đề sức khỏe của mình. Tuy nhiên các triệu chứng bệnh tật của bà đã biến mất ngay sau khi bà tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998.

Chồng bà Vương có tình cảm với người phụ nữ khác trong những năm đầu của cuộc hôn nhân. Bởi mối quan hệ giữa hai vợ chồng căng thẳng nên bà Vương đã không tới dự lễ tang của bố chồng. Tuy nhiên, sau khi bà trở thành một học viên Pháp Luân Công, bà quyết định tha thứ cho chồng mình. Bà không chỉ trả tất cả các khoản nợ cộng dồn trong thời kỳ chồng bà ngoại tình mà còn chăm sóc cho ông đến khi ông mất. Bà tiếp tục chăm sóc mẹ chồng sau khi chồng bà qua đời.

Do được trải nghiệm huyền năng của Pháp Luân Công, nên bà Vương luôn giữ vững đức tin của mình vào Pháp Luân Công cho dù Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiến hành đàn áp môn tập trên toàn quốc vào tháng 7 năm 1999.

Bà Vương trở thành mục tiêu của cuộc bức hại trong suốt hai thập kỷ qua. Bà bị bắt giữ hơn 30 lần, một nửa trong số đó xảy ra chỉ trong khoảng 15 tháng từ giữa tháng 3 năm 2012 đến tháng 6 năm 2013.

Bà từng bị tống vào trại cưỡng bức lao động ba lần và bị kết án tù một lần. Mỗi lần bị giam giữ, bà đều phải chịu cảnh tra tấn hết sức tàn bạo. Mặc dù vậy, bà vẫn kiên định tu luyện Pháp Luân Công và nói chuyện với mọi người về môn tu luyện này mỗi khi bà được thả ra.

Bà đã đệ đơn kiện cựu độc tài Giang Trạch Dân vào tháng 12 năm 2015 vì đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Dưới đây là những gì bà Vương đã phải chịu đựng, được ghi lại trong đơn khiếu nại của bà.

Hơn 30 lần bắt giữ

Bà Vương bị bắt hơn 30 lần trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2016.

Tháng 5 năm 2000: bà bị giam một ngày tại Đồn Cảnh sát Thành Tây

Tháng 10 năm 2002: bà bị giam tại Nhà giam huyện Ngũ Hà trong 15 ngày

Tháng 10 năm 2004: bà bị giam tại Trại tạm giam huyện Ngũ Hà trong 7 ngày

Từ ngày 6 tháng 1 đến ngày 5 tháng 12 năm 2005: bà bị giam tại Trại cải tạo lao động dành cho phụ nữ ở tỉnh An Huy

Tháng 11 năm 2006: bà bị giam một tuần tại Bệnh viện Tâm thần Hoài Viễn

Tháng 4 năm 2008: bà bị giam một tháng tại trại tạm giam huyện Ngũ Hà

Từ ngày 13 tháng 1 đến ngày 13 tháng 2 năm 2009: bà bị giam tại trại tạm giam Số 2 thành phố Bạng Phụ

Từ tháng 7 đến tháng 8 năm 2010: bà bị giam hai lần tại Nhà tù huyện Ngũ Hà

Từ ngày 9 đến 23 tháng 10 năm 2010: bà bị giam tại Trung tâm Tẩy não thành phố Bạng Phụ

Từ tháng 2 đến tháng 3 năm 2011: bà bị giam ba lần tại Nhà tù huyện Ngũ Hà trong tổng thời gian 15 ngày

Từ ngày 1 tháng 7 đến 17 tháng 10 năm 2011: bà bị giam tại Nhà tù Nữ tỉnh An Huy

Từ tháng 3 năm 2012 đến tháng 6 năm 2013: bà bị bắt hơn 10 lần và bị giam tại Nhà tù huyện Ngũ Hà, mỗi lần bị giam từ 3 đến 5 ngày

Từ ngày 14 tháng 2 đến ngày 4 tháng 3 năm 2013: bà bị giam tại trại tạm giam Số 2 thành phố Bạng Phụ

Tháng 7 năm 2013: bà bị giam tại Bệnh viện Tâm thần thành phố Hợp Phì trong 9 ngày

Từ ngày 6 tháng 5 đến ngày 13 tháng 6 năm 2014: bà bị giam tại trại tạm giam Số 2 thành phố Bạng Phụ

Từ ngày 13 tháng 6 năm 2014 đến ngày 5 tháng 5 năm 2015: bà bị giam tại Nhà tù Nữ tỉnh An Huy

Từ ngày 22 đến 23 tháng 1 năm 2016: bà bị giam tại một đồn cảnh sát địa phương

Bị ép nhập viện tâm thần

Bà Vương bị ép đưa vào bệnh viện tâm thần hai lần. Sỹ quan Trầm Sỹ Quân của Phòng An ninh nội địa địa phương là người chịu trách nhiệm xử lý vụ việc này. Cảnh sát đã lục soát nhà bà nhiều lần và họ đã tịch thu các sách Pháp Luân Công của bà. Bởi vậy, bà đã hơn một lần yêu cầu họ trả lại sách cho mình. Cảnh sát Trầm không những từ chối trả lại những đồ đã tịch thu mà còn đưa bà vào bệnh viện tâm thần để trả đũa.

Ba lần bị tống vào trại lao động cưỡng bức

Vào tháng 1 năm 2005, bà Vương đã bị kết án lao động cưỡng bức trong hai năm. Để buộc bà từ bỏ đức tin của mình, các lính canh tại Trại lao động Nữ tỉnh An Huy đã bịt miệng, trói tay bà ra sau lưng và ép bà nghe nhạc Phật giáo trong vài giờ mới thôi.

Bà không được ăn đủ thức ăn. Có lần bà yêu cầu thêm thức ăn, một tù nhân đã đổ bát cơm của bà xuống sàn nhà và bắt bà phải ăn đồ ăn dưới sàn.

Việc bà bị tra tấn thân thể là chuyện xảy ra thường xuyên. Vì bà bị đánh đập thường xuyên nên sức khỏe của bà ngày càng yếu đi, bà được thả ra để điều trị y tế vào ngày 5 tháng 12 năm 2005.

Sau lần bị bắt vào ngày 13 tháng 1 năm 2009, bà lại bị đưa vào trại lao động cưỡng bức. Vì bà không đạt yêu cầu sức khỏe, nên Trại lao động Nữ tỉnh An Huy đã từ chối nhận bà. Cảnh sát đã gửi bà tới hai trại tạm giam địa phương, nhưng cả hai đều từ chối tiếp nhận bà. Sau đó, thay vì phải chịu án 18 tháng lao động cưỡng bức thì bà được chuyển sang quản thúc tại gia.

Bà Vương lại bị kết án lao động cưỡng bức thêm hai năm vào tháng 7 năm 2011. Bà đã tuyệt thực trong ba tháng để phản đối. Các lính canh ở Trại lao động Nữ tỉnh An Huy hầu như ngày nào cũng bức thực bà. Các tù nhân thường nhét khăn vải hoặc khăn giấy vào miệng bà trước khi dán chặt miệng bà lại. Sau khi bị bức thực, miếng vải hoặc khăn thường sũng máu. Bốn chiếc răng của bà bị lung lay sau vài tháng bị bức thực. Sau đó, bà được tạm thả ra để điều trị y tế.

Bị kết án tù

Bà Vương bị kết án một năm tù giam sau khi bà bị bắt lần hai vào ngày 6 tháng 5 năm 2014. Bà bị giam giữ tại trại tạm giam Số 2 thành phố Bạng Phụ trong 37 ngày, trước khi bị chuyển đến Nhà tù Nữ tỉnh An Huy để hoàn thành nốt thời hạn bản án còn lại của bà.

Trong tù bà bị tra tấn rất dã man. Những kẻ sát nhân là Trần Dư Toàn và Lý Phương thường xuyên đánh đập, chèn ép hoặc nhục mạ bà. Họ cũng thường sử dụng giày thúc vào miệng bà khiến bà không thể ăn được. Khi bà trình bày sự việc với cai ngục Tôn Văn thì ông ta nói: “Ai đã nhìn thấy họ đánh bà?” Sau đó, bà báo cáo với giáo dưỡng Tào Học Chi, nhưng ông ta nói: “Sao bà dám nộp đơn kiện trong nhà tù này chứ?”

Bà Vương cũng bị buộc phải đứng trong một thời gian dài, bà bị ép lao động khổ sai và bị tiêm những loại thuốc không rõ nguồn gốc. Gia đình bà không được phép thăm viếng hoặc gọi điện cho bà.

Việc bà Vương được trả tự do vào ngày 5 tháng 5 năm 2015 không mang lại cho bà nhiều thời gian nghỉ ngơi, vì cánh sát địa phương không ngừng sách nhiễu bà tại nhà riêng. Bà bị bắt lần cuối cùng vào ngày 22 tháng 1 năm 2016 trong khi đang di chuyển trên một con tàu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/1/25/360029.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/1/27/167736.html

Đăng ngày: 09-02-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share