Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc
[MINH HUỆ 12-11-2017] Ngày 8 tháng 11 năm 2017, một phụ nữ ở thành phố Trường Xuân đã bị đưa ra xét xử mà gia đình cũng như luật sư riêng của bà đều không được báo tin. Vào cuối phiên xét xử, thẩm phán Triệu Tuấn Phong đã kết án bà Bùi Thục Mai hai năm tù và phạt hành chính bà 5.000 Nhân dân tệ.
Trước phiên xét xử, luật sư của bà Bùi không được cho xem hồ sơ của bà. Luật sư đang trong quá trình nộp đơn khiếu nại lên cả Viện Kiểm sát và Tòa án địa phương.
Bà Bùi bị bắt vào ngày 18 tháng 4 năm 2017 khi đang nói chuyện với một người đàn ông về cuộc đàn áp Pháp Luân Công của chính quyền Cộng sản Trung Quốc. Cảnh sát không xuất trình thẻ căn cước hay lệnh bắt giữ bà.
Cùng ngày, Tôn Nhuận Tiên, Đội trưởng Đội An ninh Nội địa Khu Nhị Đạo, đã dẫn theo mấy cảnh sát tới nhà bà Bùi lục soát khi bà không có nhà. Họ không gửi bà danh sách những đồ bị tịch thu theo quy định pháp luật.
Bà Bùi đã bị giam giữ hành chính trong 15 ngày. Đến ngày 25 tháng 4, cảnh sát đã tịch thu điện thoại của con gái bà để thu thập thông tin rồi báo với con gái bà rằng 5 ngày sau, họ sẽ chuyển sang giam giữ bà Bùi dưới diện hình sự.
Ngay sau đó, gia đình bà Bùi đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng liên quan để tố cáo ông Tôn. Đồn cảnh sát địa phương đã lập tức khiển trách ông Tôn, song, đến cuối tháng 5 họ vẫn chuyển vụ án của bà Bùi lên Viện Kiểm sát Khu Nhị Đạo.
Bà Bùi đã tuyệt thực để phản đối việc bị giam giữ bất hợp pháp, còn gia đình bà nỗ lực hết sức để tìm cách giải cứu bà.
Luật sư của bà vẫn kiên quyết bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của bà theo quy định hiến pháp, bởi vì ở Trung Quốc không có luật lệ nào cấm Pháp Luân Công. Tuy nhiên, viện kiểm sát địa phương liên tục tìm cớ để từ chối yêu cầu của luật sư nhằm xem xét hồ sơ vụ án bà Bùi.
Ngày 18 tháng 7, khi ông đến viện kiểm lần đầu, ông được trả lời rằng phải đợi cho đến khi Phạm Văn Đình, phó công tố viên phụ trách vụ án, trở lại sau kỳ nghỉ kéo dài hai tuần sau đó.
Ngày hôm sau, luật sư lại đến viện kiểm sát. Ông nhấn mạnh rằng, theo luật pháp quy định, không cần phải có mặt của công tố viên thì luật sư mới được xem hồ sơ vụ án. Đề nghị xem xét hồ sơ của luật sư vẫn tiếp tục bị từ chối. Ông đã đến thẳng Viện Kiểm sát thành phố Trường Xuân để đệ đơn khiếu nại. Viện kiểm sát này đã gọi điện cho Viện Kiểm sát cấp dưới để điều tra việc gì đã xảy ra. Khi luật sư quay trở lại Viện Kiểm sát địa phương, ông được thông báo rằng, công tố viên Phạm yêu cầu ông đợi điện thoại của bà ta trong tuần tới.
Ngày 26 tháng 7, luật sư này vẫn không nhận được cuộc gọi nào nên ông lại trở lại Viện Kiểm sát Khu Nhị Đạo lần nữa. Lần này, ông được thông báo phải xuất trình văn bản chấp thuận của Văn phòng 610 địa phương, một cơ quan ngoài pháp luật, chuyên trách đàn áp Pháp Luân Công và có quyền vượt trên cả hệ thống tư pháp.
Luật sư và gia đình bà Bùi đã cùng đến Phòng 610, nhưng họ lại được bảo sang Ủy ban Kỷ luật địa phương, rồi sau đó lại bị bảo trở lại Phòng 610.
Ngay sau đó, gia đình bà Bùi được một người bên trong báo tin rằng, vụ án của bà đã được chuyển tới Tòa án Khu Nhị Đạo trong khi thẩm phán tòa án viện hết cớ này đến cớ nọ để ngăn không cho luật sư của bà xem xét hồ sơ vụ án.
Ngày 3 tháng 8, luật sư của bà Bùi đã tới tòa án. Thẩm phán Triệu Tuấn Phong yêu cầu ông xuất trình phê duyệt của cục tư pháp địa phương cho phép ông đại diện cho bà Bùi. Luật sư từ chối đề nghị này của thẩm phán, bởi vì với tư cách là luật sư biện hộ, ông hoàn toàn có quyền xem xét hồ sơ vụ án.
Ngày 23 tháng 8, luật sư lại tới tòa lần nữa, nhưng lần này thẩm phán Triệu đã từ chối gặp ông. Ngày 24 tháng 10, ông đến tòa lần thứ ba, nhưng vẫn không thành công.
Ngày 8 tháng 11, thẩm phán Triệu đã xét xử bà Bùi mà không thông báo cho gia đình hay luật sư của bà biết.
Chi tiết liên lạc của thẩm phán Triệu Tuấn Phong: +86-17643107033, +86-13596088838, +86-431-88559449
Bài viết liên quan
Bà Bùi Thục Mai tuyệt thực phản đối bức hại; Luật sư bị từ chối tiếp cận hồ sơ của bà
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/11/12/356612.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/11/18/166438.html
Đăng ngày 1-12-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.