[MINH HUỆ 24-03-2025]

Họ và Tên:Kiều Ngọc Hoa
Tên tiếng Trung: 乔玉华
Giới tính:Nữ
Tuổi:71
Thành phố: Đại Hưng An Lĩnh
Tỉnh:Hắc Long Giang
Nghề nghiệp:Không rõ
Ngày mất:Ngày 17 tháng 4 năm 2019
Ngày bị bắt gần nhất:Ngày31 tháng 10 năm 2017
Nơi giam giữ gần đây nhất:Trại tạm giam Gia Cách Đạt Kỳ

Minh Huệ Net gần đây được biết một người dân ở Địa khu Đại Hưng An Lĩnh, tỉnh Hắc Long Giang, đã qua đời vào ngày 17 tháng 4 năm 2019 trong cuộc bức hại đức tin của bà vào Pháp Luân Công.

Bà Kiều Ngọc Hoa, sinh năm 1948, bị bắt giữ tổng cộng bảy lần và phải thụ án một năm lao động cưỡng bức sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999. Cảnh sát địa phương đã phạt bà hai lần, mỗi lần 500 Nhân dân tệ mà không có biên lai.

Một số vụ bắt giữ bà Kiều diễn ra sau nửa đêm, khiến chồng bà sợ hãi đến mức hoảng loạn mỗi khi nhìn thấy cảnh sát. Do không thể chịu đựng nổi áp lực tinh thần quá lớn, ông đã qua đời vào năm 2009.

Bảy lần bị bắt giữ của bà Kiều

Tháng 9 năm 1999, hai tháng sau khi cuộc bức hại bắt đầu, bà Kiều đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện và bị bắt giữ tại Quảng trường Thiên An Môn. Cảnh sát đã còng tay bà ra sau lưng. Buổi tối hôm đó, bà bị đưa về Đại Hưng An Lĩnh và bị giam tại trại tạm giam thành phố Tùng Lĩnh trong hai tuần.

Năm 2000, bà Kiều bị bắt vì luyện các bài công pháp Pháp Luân Công ở nơi công cộng. Sở Công an thành phố Tùng Lĩnh đã kết án bà một năm lao động cưỡng bức. Bà bị giam bốn tháng tại Trại lao động cưỡng bức Song Hà ở thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ và hai tháng nữa tại Trung tâm Cai nghiện thành phố Cáp Nhĩ Tân. Sau đó, bà được thả sớm sáu tháng.

Khoảng tháng 6 năm 2003, khi bà đang dán các áp phích giảng chân tướng về Pháp Luân Công, bà bị bắt giữ lần thứ ba bởi các cảnh sát từ Đồn Công an thành phố Tùng Lĩnh. Bà đã trốn thoát khỏi đồn công an và buộc phải sống lưu lạc để trốn cảnh sát. Nhưng ngay khi bà trở về nhà sáu tháng sau đó, các cảnh sát từ Đồn Công an thành phố Tùng Lĩnh đã đến bắt bà và đưa bà đến trại tạm giam thành phố Tùng Lĩnh. Bà từ chối hợp tác trong cuộc thẩm vấn của cảnh sát và được thả ba ngày sau đó.

Một đêm vào tháng 1 năm 2004, bà Kiều và một số học viên khác đến một thị trấn gần đó để phân phát tài liệu giảng chân tướng Pháp Luân Công. Họ bị bắt và bị thẩm vấn suốt đêm. Cảnh sát đã đánh đập họ khi họ từ chối trả lời câu hỏi. Sau đó, họ bị đưa đến trại tạm giam thành phố Tùng Lĩnh, nơi bà bị giam giữ trong hai tuần.

Trong số các học viên, ông Bạch Thế Quân bị mắc chứng nhiễm độc niệu do bị ngược đãi trong trại giam. Ông lâm vào tình trạng nguy kịch và qua đời hai tháng sau khi được thả. Vợ ông, bà Vương Vĩ, sau đó bị kết án bốn năm tù. Hai học viên khác, bà Trình Phụng Anh và bà Vương Quế Vinh, bị bắt lại hai tháng sau khi được thả và bị đưa đi trại lao động cưỡng bức. Bà Trương Ngọc Văn bị bệnh tiểu đường do áp lực tinh thần; sức khỏe của bà tiếp tục suy giảm trong những năm sau đó và bà qua đời vào tháng 5 năm 2011.

Ngày 5 tháng 12 năm 2004, bà Kiều bị bắt giữ một lần nữa bởi các cảnh sát Vương Xán An và Lương Chí Hải thuộc Đồn Công an số 1 thị trấn Tiểu Dương Khí. Bà đã lên án họ vì đã bức hại bà. Họ gọi thêm mười cảnh sát nữa đến để đưa bà đi.

Lần bắt giữ thứ sáu của bà Kiều là vào năm 2006, cùng với hai học viên khác, sau khi họ bị báo cảnh sát vì phân phát tài liệu giảng chân tướng Pháp Luân Công ở quận Gia Cách Đạt Kỳ. Buổi tối hôm đó, bà đã trốn thoát khỏi trại tạm giam Gia Cách Đạt Kỳ. Hai học viên còn lại đều bị kết án hai năm tại Trại lao động cưỡng bức Song Hà ở thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ.

Lần bắt giữ cuối cùng của bà Kiều là vào ngày 31 tháng 10 năm 2017. Bà bị giam tại trại tạm giam Gia Cách Đạt Kỳ trong một khoảng thời gian không rõ.

Sau khi bà Kiều được thả, cảnh sát tiếp tục sách nhiễu bà. Bà sống trong sợ hãi và đã qua đời vào ngày 17 tháng 4 năm 2019.

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/3/24/491959.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/4/10/226175.html

Đăng ngày 21-04-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share