Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 01-12-2024] Ba cư dân thành phố Đông Doanh, tỉnh Sơn Đông, đang chờ phán quyết sau ba phiên tòa xét xử liên quan đến đức tin chung của họ vào Pháp Luân Công, môn tu luyện cả tâm lẫn thân bị Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp từ tháng 7 năm 1999.

Ông Đỗ Kiến Tân, 50 tuổi, vợ ông là bà Vương Phàm, 49 tuổi, và ông Phó Kiện, 46 tuổi, đã bị bắt vào ngày 29 tháng 11 năm 2023 trong lần truy quét các học viên Pháp Luân Công tại địa phương. Theo một nguồn tin nội bộ, các vụ bắt giữ quy mô lớn này do Phòng công an thành phố Đông Doanh và Phòng công an Tân Hải phối hợp thực hiện. Trước đó, công an đã dành một tháng theo dõi cuộc sống hàng ngày của các học viên, lắp đặt thiết bị định vị trên xe hơi của họ và cử người theo dõi, chụp ảnh.

Công an Ngụy Ngật (Wei Yi, +86-18205462707), Trương Vĩnh Cương, Trương Thụy, Ông Kiến Trung, Thường Vỹ, và Diêu Tĩnh thuộc Phòng công an Tân Hải đã nộp hồ sơ của ông Đỗ, bà Vương và ông Phó lên Viện kiểm sát quận Đông Doanh. Ba học viên này đã bị truy tố vào một ngày không rõ.

Mẹ ông Đỗ, do quá đau buồn vì con trai và con dâu bị bắt giữ, đã qua đời vào tháng 5 năm 2024. Gia đình đã thuê luật sư đại diện cho họ, nhưng Trại tạm giam Tân Hải đã cấm luật sư gặp thân chủ với lý do cần sự phê duyệt của Phòng công an thành phố Đông Doanh. Ngoài ra, công an tuyên bố họ không cho phép gặp mặt vì đang “tiến hành thẩm vấn” và “thu thập chứng cứ.” Tuy nhiên, thực tế, công an chưa từng đến trại tạm giam để thẩm vấn hai vợ chồng. Bà Vương đã tuyệt thực để phản đối và bị bức thực.

Phiên tòa đầu tiên diễn ra vào ngày 3 tháng 7 năm 2024 tại Tòa án quận Đông Doanh. Chủ tọa Lưu Nam không cho phép các học viên hoặc luật sư của họ trình bày bất kỳ tuyên bố bào chữa nào. Trong các phiên tòa thứ hai và thứ ba ngày 16 và 21 tháng 10, thẩm phán mới cho phép đưa ra tuyên bố bào chữa. Luật sư đã biện hộ vô tội cho các thân chủ.

Một trong những bằng chứng truy tố chính của công tố viên Lữ Sa Sa (+86-18661396357) là các bản ghi lời khai liên quan đến một học viên Pháp Luân Công khác ở địa phương, bà Lưu Xuân Dung, một nhân viên nghỉ hưu của công ty cấp nước. Bà Lưu bị bắt ngày 29 tháng 11 năm 2023 nhưng được thả vào 10 giờ tối ngày hôm đó. Một tuần sau, ngày 7 tháng 12, bà lại bị bắt và đưa đến Trại tẩy não Tập Thâu, nơi bà bị ngược đãi đến mức phát sinh rối loạn tâm thần chỉ trong năm ngày. Sau đó, công an ép bà ký nhiều tài liệu, bao gồm cả các tờ giấy trắng.

Công tố viên Vương cáo buộc những biên bản thẩm vấn của bà Lưu là “tố cáo” ông Phó, ông Đỗ và vợ ông và “lời thú tội” của bà Lưu đủ bằng chứng để buộc tội ba học viên vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, cả ba người và luật sư của họ, sau khi biết được về việc bà Lưu bị ngược đã qua một nguồn tin nội bộ, đã yêu cầu công tố viên trình bày các video cho thấy bà Lưu bị ngược đãi và cưỡng ép ký vào các tài liệu trong tình trạng không tỉnh táo. Công tố viên đã không đưa ra bất kỳ video nào hoặc giải thích về cách những “bằng chứng” thu thập bất hợp pháp dùng để chống lại ba học viên lại được coi là hợp lệ trong phiên tòa.

Hiện vẫn chưa rõ khi nào thẩm phán Lưu sẽ đưa ra phán quyết. Cả ba học viên vẫn đang bị giam giữ tại trại tạm giam Tân Hải tại thời điểm viết bài. Cả ba người trước đó đều từng bị bức hại vì tín ngưỡng của mình.

Bức hại trong quá khứ

Ông Đỗ và bà Vương từng làm việc tại Công ty Vận tải Dầu khí Long Khẩu, trong đó ông Đỗ là thủy thủ còn bà Vương là thông dịch viên, chuyên xử lý tài liệu tiếng Nga. Kể từ khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, hai người đã nhiều lần bị bắt giữ. Ngày 5 tháng 6 năm 2002, bà Vương bị kết án ba năm rưỡi tù giam và 3 năm lao động vào năm 2008. Do không chịu từ bỏ Pháp Luân Công, chính quyền đã kéo dài thời gian ở trại lao động thêm 3 năm nữa. Ông Đỗ nhiều lần bị giam trong các trại tẩy não và sau khi bị bắt vào tháng 1 năm 2011, ông đã bị kết án 10 năm tù giam.

Ông Phó, một cựu chiến binh, từng làm việc tại Nhà máy Nhiệt điện Cự Năng ở thành phố Thọ Quang (cũng thuộc tỉnh Sơn Đông) và nhiều lần nhận giải thưởng “Nhân viên xuất sắc”. Ngày 15 tháng 4 năm 2013, vào lúc 8 giờ sáng, ông bị bắt khi đang đi xe buýt của công ty đến chỗ làm. Ông bị giam ở trại tẩy não và bị còng tay, xích chân, ngồi trên ghế kim loại liên tục trong 30 ngày. Sau khi được thả khỏi ghế, chân và bàn chân ông bị sưng phồng, và đi lại khó khăn. Ông đã tuyệt thực trong năm ngày, dẫn đến tình trạng sức khỏe suy kiệt. Ông bị rụng tóc và răng bị lung lay do bị ngược đãi liên tục khi bị giam giữ. Sau khi được thả khỏi trại tẩy não, ông buộc phải lẩn trốn và sau đó chuyển đến thành phố Đông Doanh, cách Thọ Quang khoảng 96km (60 dặm ).

Báo cáo liên quan bằng tiếng Hán:

https://www.minghui.org/mh/articles/2024/10/12/483802.html

https://www.minghui.org/mh/articles/2024/7/4/479317.html

Báo cáo liên quan:

Thành phố Đông Doanh, tỉnh Sơn Đông: 18 học viên Pháp Luân Công bị bắt trong một ngày

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/12/1/485628.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/12/4/221943.html

Đăng ngày 12-12-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share