Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 14-09-2024]

Họ và tên: Dương Tuệ Vinh
Tên tiếng Hán: 杨 慧荣
Giới tính: Nữ
Tuổi: 83
Thành phố: Tam Hà
Tỉnh: Hà Bắc
Nghề nghiệp: Giáo viên nghỉ hưu
Ngày mất: 4 tháng 9 năm 2024
Ngày bị bắt gần đây nhất: 31 tháng 12 năm 2007
Nơi giam giữ cuối cùng:Trại tẩy não thành phố Lang Phường

Một giáo viên đã nghỉ hưu ở thành phố Tam Hà, tỉnh Hà Bắc, đã bị mù và nằm liệt giường vào năm 2015 vì bị bắt giữ, giam cầm và quấy nhiễu liên tục chỉ bởi bà kiên định với đức tin vào Pháp Luân Công. Bà qua đời vào ngày 4 tháng 9 năm 2024, hưởng thọ 83 tuổi.

Bà Dương Tuệ Vinh không phải là người duy nhất trong gia đình bị nhắm đến vì tu luyện Pháp Luân Công kể từ khi chính quyền cộng sản Trung Quốc ra lệnh đàn áp vào năm 1999. Con gái lớn của bà bị bắt vào các năm 2001 và 2002 và buộc phải tiết lộ thông tin về mẹ mình và các học viên Pháp Luân Công khác. Sau đó cô đã rơi vào trạng thái suy sụp tinh thần và qua đời do ngã từ trên cao xuống vào ngày 24 tháng 6 năm 2003.

Buộc phải sống lang thang sau nhiều lần bị bắt

Bà Dương đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, ngày mà chính quyền bắt đầu đàn áp. Công an đã bắt giữ bà và đe dọa sẽ ném bà xuống cống hoặc chôn sống. Bà bị đưa đến Đồn công an Lê Viên ở quận Thông Châu, ngoại ô Bắc Kinh lúc 10 giờ tối. Tại đây, công an la hét và chất vấn ai đã chỉ đạo bà đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện. Họ cáo buộc các học viên đến kháng nghị làm xấu hình ảnh của Bắc Kinh, gây tắc nghẽn giao thông và để lại hậu quả nghiêm trọng cho quốc gia. Sau ba giờ thẩm vấn, bà được phép về nhà.

Trở về nhà, bà Dương bị giám sát chặt chẽ bởi công an ở địa phương và khu dân cư. Chồng bà bị ép phải báo cáo các hoạt động hàng ngày của bà cho chính quyền và ngăn không cho bà tu luyện Pháp Luân Công tại nhà hoặc gặp các học viên khác. Công an đe dọa sẽ bắt giữ cả hai vợ chồng nếu bà tiếp tục đến Bắc Kinh thỉnh nguyện.

Ngày 4 tháng 2 năm 2000, đêm giao thừa Tết Nguyên Đán, bà Dương lại đến Bắc Kinh thỉnh nguyện. Bà lại bị bắt và bị đưa đến Trại tạm giam Kiều Trang. Một phạm nhân tên là Phó Xuân Diễm đã dùng giày tát vào mặt bà nhiều lần, trong khi vừa mắng chửi. Các lính gác xô bà vào tường khiến bà ngã xuống các thùng nhựa và mặt bị thương. Ngoài ra, họ còn buộc bà đi dọn vệ sinh, rửa bô, và lau sàn nhà. Ban đêm, bà còn bị bắt đứng hơn ba giờ đồng hồ và bị các phạm nhân làm nhục. Bà bị giam 43 ngày và vẫn tiếp tục bị quấy rối sau khi được thả ra.

Bà Dương đến thăm con gái lớn vào ngày 5 tháng 6 năm 2001 thì bị công an tìm kiếm khi phát hiện bà không có nhà. Để tránh bị bắt, bà sống xa nhà suốt một năm. Công an chờ ngoài nhà bà, sẵn sàng bắt giữ khi bà quay về. Một lần, họ nhầm một cụ bà đi ngang qua là bà Dương và chạy ngay tới, khiến bà cụ quá sợ hãi mà tiểu ra quần.

Không thể chịu đựng áp lực từ cuộc đàn áp, chồng bà đã ly hôn.

Bức hại và cái chết của con gái lớn

Con gái lớn của bà Dương, cô Lưu Dĩnh, là kỹ sư Công ty thiết bị máy móc Thái Thản. Cô bị bắt tại nơi làm việc ngày 4 tháng 2 năm 2002 và bị đưa đến Trại tẩy não Đại Doanh. Các lính gác dán giấy lên mặt và buộc cô ngồi xổm dưới bàn, hai tay đặt lên đầu. Họ đe dọa giữ cô trong tư thế này mãi mãi nếu không từ bỏ Pháp Luân Công. Ngoài ra, những người từng tập Pháp Luân Công nhưng đã từ bỏ trong cuộc bức hại cũng tấn công cô bằng những tuyên truyền bôi nhọ Pháp Luân Công. Không chịu nổi áp lực tinh thần, cô buộc phải cung cấp thông tin về mẹ cô vốn đang phải sống xa nhà và các học viên khác có liên lạc với bà.

Công an buộc cô Lưu đưa đến nơi tạm trú của bà Dương vào đêm ngày 5 tháng 3 năm 2002 nhưng không gặp bà. Sau đó công an bắt giữ chồng của con gái thứ hai của bà tại nơi làm việc và buộc anh đưa đến nhà riêng. Bà Dương bị bắt và đưa đến Trại tẩy não Đại Doanh.

Công an Đái Minh Tường ở Đồn công an Lê Viên cho biết chính phủ đã tiêu tốn 200.000 nhân dân tệ để bắt giữ bà Dương; mỗi sĩ quan tham gia vụ bắt giữ nhận được 6.000 nhân dân tệ, và trưởng đồn Trương Chí Thần nhận thưởng 50.000 nhân dân tệ.

Để duy trì kiểm soát cô Lưu, họ thường xuyên gọi cô nhiều lần mỗi ngày, kể cả lúc cô làm việc hoặc đang ngủ. Quấy rối liên tục khiến cô bị suy sụp tinh thần. Cô thường đi vòng quanh một khu đất trống từ hai đến ba tiếng, không để ý đến xung quanh.

Viên chức “Phòng 610” còn cố gắng ép cô Lưu hợp tác vào tháng 6 năm 2003 để giúp họ chuyển hoá các học viên khác. Công không muốn hợp tác và rời vào tuyệt vọng. Cô đã qua đời khi rơi từ trên cao xuống vào ngày 24 tháng 6 năm 2003, hưởng dương 35 tuổi, để lại một đứa con nhỏ.

Bà Dương qua đời sau nhiều năm bị bức hại

Bà Dương lại bị bắt vào ngày 27 tháng 2 năm 2003 bởi Đội an ninh nội địa thành phố Tam Hà và bị giam trong trại tẩy não hơn hai tháng. Năm đó, con gái thứ hai của bà, cô Lưu Tĩnh, cũng bị bắt và giam 15 ngày.

Lần bị bắt tiếp theo của bà là ngày 31 tháng 12 năm 2007, sau khi có người tố giác bà dán biểu ngữ về Pháp Luân Công. Bà từ chối trả lời thẩm vấn trong ba phiên điều tra. Công an bắt bà lãnh ánh hai năm lao động cưỡng bức. Khi bà từ chối ký, họ ép con rể thứ hai của bà ký thay và dọa sẽ khiến anh mất việc nếu không tuân thủ. Tuy nhiên, khi cảnh sát đưa bà đến trại lao động, bà bị từ chối nhập trại nhiều lần trong hai tháng vì sức khỏe kém. Cuối cùng, bà bị giam tại Trại tẩy não thành phố Lang Phường trong ba tháng.

Con gái bà, cô Lưu Tĩnh, bị bắt giam 25 ngày trong Trại Lao động thành phố Tam Hà khi tìm cách cứu bà. Công an cũng đe dọa sẽ giam cô hai năm trong trại lao động.

Sau khi được thả, bà Dương vẫn tiếp tục bị quấy rối thường xuyên. Hai người luôn theo dõi bà mỗi khi bà ra ngoài. Vì áp lực tâm lý, bà bị mù năm 2015 và mất khả năng đi đứng. Dù đã nằm liệt giường, nhưng công an và viên chức khu phố vẫn thường xuyên quấy rối, chụp ảnh, ghi âm và quay video bà. Bà qua đời vào ngày 4 tháng 9 năm 2024.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/9/14/482304.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/11/14/221638.html

Đăng ngày 18-11-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share