Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại TrungQuốc
[MINH HUỆ 05-01-2020] Trong quá trình tu luyện của chúng ta, thường sẽ có lúc xuất hiện các nhân tâm khiến chúng ta quên mất phải chiểu theo Pháp để đối đãi vấn đề.
Ví dụ, khi tôi bị tống giam vì cuộc bức hại, rất nhiều lần tôi đã ước mình có một người họ hàng làm quan chức cao cấp, với niềm tin rằng người này có thể giúp tôi thoát khỏi khổ nạn, hay ít nhất là, có thể giảm bớt sự bức hại mà tôi phải chịu đựng.
Nhưng tôi không có người thân nào như vậy. Tôi phải đối mặt với thực tế. Hy vọng duy nhất của tôi là nhẩm Pháp, nghĩ về việc mình nên phủ nhận cuộc đàn áp và sự an bài của cựu thế lực, và duy trì chính niệm.
Mặc dù tôi hiểu rằng cuộc bức hại không chỉ đơn thuần là con người bức hại con người, nhưng trong tâm trí tôi vẫn giữ quan niệm rằng một người họ hàng có chức vị cao có thể cứu tôi khỏi bị bức hại – hoặc ít nhất là bức hại không quá nghiêm trọng. Nhìn lại, tôi nhận ra rằng suy nghĩ như vậy là do chấp trước người thường và thể ngộ không đầy đủ về Pháp. Từ một cơ điểm khác, mong muốn dựa vào các mối quan hệ xã hội để tránh bị bức hại là một chấp trước mà tôi cần phải buông bỏ.
Một ví dụ khác về quan niệm người thường là tôi thiếu tự tin khi giảng chân tướng trực diện. Tôi tin rằng nếu tôi có một địa vị nhất định trong xã hội, tôi sẽ có thể giảng chân tướng tốt hơn. Do đó, trong một thời gian dài, tôi muốn đạt được vị thế cao hơn, nhưng địa vị xã hội của tôi vẫn ở rất thấp.
Mặc dù tôi hiểu rằng hiệu quả của việc giảng chân tướng phụ thuộc vào sức mạnh của chính niệm và sự thuần tịnh của lời nói, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn ước mình đạt được sự tự tin hơn nhờ vào sự giàu có và địa vị. Thực tế là việc tôi tập trung quá nhiều đến sự giàu có và địa vị là một chấp trước người thường cần phải được phóng hạ. Từ một cơ điểm khác, việc không giàu có và không có địa vị xã hội đang giúp tôi bước đi trên con đường của mình mà không cần dựa vào những thứ bên ngoài của người thường.
Gần đây, con trai đã về quê thăm tôi. Thay vì về nhà trước, con trai tôi ở lại nhà bạn cháu một ngày. Tôi cảm thấy có chút thất vọng và nghĩ: “Chúng ta làm cha mẹ đối xử với nó tốt như vậy, nhưng nó thậm chí còn không về nhà để gặp chúng ta trước”. Tôi than thở về những mối gắn kết tình cảm thật mong manh. Rồi tôi chợt nhận ra mình cần buông bỏ cái tình của con người. Tôi càng cảm thấy hành vi của cháu không tốt, thì vật chất tình mà tôi có càng nhiều. Tôi đã thấy được chấp trước của mình thông qua hành vi của con trai. Có lẽ đó là lý do tại sao cháu hành xử như vậy.
Vì cuộc bức hại, tôi không có nhiều tiền hoặc địa vị xã hội. Tôi cảm thấy tự ti khi trở về quê hoặc tới các cuộc họp lớp. Tôi cố gắng để lại ấn tượng tốt với những người có địa vị, thậm chí huyễn tưởng rằng họ có thể cho tôi cơ hội thăng tiến. Bây giờ tôi biết rằng những quan niệm người thường này đã ngăn cản tôi bước đi trên con đường của mình một cách cởi mở và trang nghiêm.
Nhưng sự thật là, tôi may mắn biết bao khi được tu luyện trong Đại Pháp. Đây quả là một vinh dự vô cùng to lớn! Là một học viên Đại Pháp, tại sao tôi không thể ngẩng cao đầu? Nếu mọi người nghĩ rằng cuộc sống của tôi thật tồi tệ, đó là vì họ không biết được chân tướng. Tại sao tôi phải cảm thấy như vậy? Có phải vì tôi không có địa vị xã hội, tiền bạc hoặc sự công nhận từ người khác? Nhưng tất cả chúng chỉ là quan niệm người thường.
Ngày xưa, nếu ai đó trong một gia đình lựa chọn tu luyện, mọi người sẽ nghĩ rằng gia đình đó đã tích được đại phúc đức. Và thực tế đúng như vậy. Là một người tu luyện, tôi nên biết ơn vì đã hiểu được ý nghĩa nhân sinh và minh bạch chân tướng. Tôi nên cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày; nhưng tại sao tôi không cảm thấy vậy? Bởi vì tôi quá để tâm vào những thứ nơi thế gian con người. Những chấp trước này đã dẫn khởi áp lực và căng thẳng trong cuộc sống và làm ô nhiễm tư tưởng của tôi. Kết quả là tôi không thể nào suy xét mọi thứ dựa trên tiêu chuẩn của Pháp.
Khi tôi muốn được người khác công nhận, đó chính là tâm hư vinh; khi tôi muốn có những mối quan hệ xã hội tốt, đó là để được hưởng lợi từ họ; khi tôi nói với mọi người một cách ấp úng và do dự, đó là vì tôi sợ làm mất lòng họ. Vì chấp trước và quan niệm của con người, quá trình tư duy của tôi bị vòng vo và hỗn độn. Điều này gây khó khăn cho việc đồng hóa với Pháp và dùng Pháp để chỉ đạo.
Trên thực tế, các học viên Đại Pháp có mặt trong mọi ngành nghề và mọi tầng lớp xã hội. Không phải là sự giàu có hay địa vị xã hội, điều quan trọng là nhân cách của họ. Sư phụ đã ban cho tôi mọi thứ. Tất cả những gì tôi cần làm là thực sự tín Sư tín Pháp, làm những gì tôi cần làm một cách đường đường chính chính, và không phụ thuộc hay theo đuổi bất kỳ điều gì của con người.
Vấn đề lớn nhất của tôi là, khi đối mặt với một vấn đề, tôi thường tiếp cận nó bằng tư tưởng và phương thức của người thường. Nếu nó có thể được giải quyết bằng cách này, thì tôi sẽ quên việc sử dụng Pháp để đối đãi. Chỉ sau khi tôi thử mọi cách của con người và hết ý tưởng, tôi mới nhớ tới việc tìm giải pháp trong Pháp và tuân theo các yêu cầu của Pháp. Tôi đã lãng phí rất nhiều thời gian và nguồn lực theo cách này.
Nó giống như khi một học viên nào đó có triệu chứng bệnh. Anh ấy không thể buông bỏ cái tâm bệnh này. Chỉ khi bệnh viện chẩn đoán anh mắc bệnh nan y, cuối cùng anh ấy mới buông bỏ nó. Nhưng sự “buông bỏ” đó không phải là thể ngộ chân chính đến từ Pháp, nó là thực tế được ép buộc lên anh ấy. Nói đúng ra, nó không được tính là vượt quan.
Hành xử như vậy là một phản ánh của việc không hoàn toàn tín Pháp sau khi đắc Pháp, và nó có thể biểu hiện trong nhiều khía cạnh. Học viên đó đơn giản là không thể thoát khỏi lối nghĩ người thường, luôn tin rằng ý tưởng và phương pháp của mình là đáng tin cậy. Anh ấy không thể làm theo yêu cầu của Pháp về buông bỏ.
Sư phụ giảng:
“Chư vị không cải biến cái Lý của con người vốn được hình thành vào tận xương cốt cả trăm nghìn năm ở người thường ấy, thì chư vị vẫn không bỏ đi được cái tầng xác bề mặt của con người, nên không cách nào viên mãn“. (Lời cảnh tỉnh, Tinh tấn yếu chỉ)
Thông thường, niệm đầu tiên một người khi gặp phải một vấn đề sẽ thể hiện ra tầng thứ và cảnh giới của người đó. Đó là quan niệm người thường hay chính niệm sẽ phân biệt giữa người và Thần. Mong muốn của tôi trong năm mới này là tôi sẽ luôn duy trì chính niệm và phóng hạ chấp trước và nhân tâm của con người.
Trên đây là những thể ngộ hiện tại của tôi; xin vui lòng chỉ ra bất cứ điều gì không phù hợp.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/1/5/398611.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/2/6/183119.html
Đăng ngày 07-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.