Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 21-11-2019] Một đêm nọ, khi đang ngồi xem TV với cha mình, tôi tình cờ nhận xét rằng có một số nhân vật rất giỏi nịnh bợ, câu này khiến cho cha tôi đột nhiên nổi giận và quay sang bảo rằng tôi luôn nghĩ về người khác với thái độ tiêu cực. Tôi cảm thấy xấu hổ và trong lúc hướng nội thì phát hiện ra mình thực sự có vấn đề này. Ác ý đánh giá người khác là tư duy xuất phát từ văn hoá Đảng.

Tôi nhớ lại một sự việc xảy ra gần đây ở nơi làm việc. Máy tính của tôi không có âm thanh từ khi nó được lắp đặt hai năm trước. Khi ấy, kỹ thuật viên máy tính của công ty nói với tôi rằng máy tính của tôi không có card âm thanh. Vì vậy trong thâm tâm tôi cho rằng ông chủ đã quá keo kiệt đến mức không thêm tiền để mua card âm thanh, và tôi đã mang tâm bất mãn với ông ấy.

Mãi đến hai năm sau, khi có một kỹ thuật viên máy tính khác đến và chỉnh lại cấu hình máy tính của tôi, thì âm thanh đã hoạt động rất tốt. Tôi nhận ra mình đã trách oan ông chủ của mình suốt hai năm qua. Máy tính này vốn đã tích hợp card âm thanh rồi, nhưng vì nó chưa được thiết lập đúng cách nên mới không hoạt động. Mặc dù là tôi đã bị kỹ thuật viên máy tính ban đầu đánh lừa, nhưng cũng chính tôi đã nghi ngờ người khác ngay từ đầu.

Thật sự sai lầm khi nghĩ xấu về người khác. May mắn thay là tôi đã không bày tỏ cảm xúc của mình ra lời và gây hại cho người khác. Nhưng loại ác ý này đã tồn tại trong tâm trí tôi một thời gian dài. Tôi cũng đã từng nói ra những điều tiêu cực khác ở trong văn phòng, điều này đã vô tình làm tổn thương người khác.

Khi xem xét lại những hành xử hằng ngày của mình, tôi phát hiện bản thân vẫn còn có rất nhiều tư tưởng và quan niệm xấu ẩn sau chúng. Ví dụ như, khi ông chủ khen ngợi tôi hoặc là thưởng tặng thêm cho tôi bất kỳ phúc lợi nào, ý nghĩ đầu tiên của tôi là những đồng nghiệp khác sẽ đố kỵ với mình. Vì vậy tôi đã cố gắng tỏ ra như thể mình không quan tâm về nó hay muốn thứ phúc lợi này, mặc dù hành động theo cách đó của tôi làm cho ông chủ cảm thấy lúng túng khó xử.

Đó thực sự là một hành vi giảo hoạt vì lo sợ bị đồng nghiệp cô lập hay đối xử tệ, thay vì thực sự xem nhẹ danh lợi và vận may. Ngoài ra khi tôi nghĩ xấu về người khác, chẳng phải là nó đang thực sự phơi bày ra những suy nghĩ tiêu cực trong tâm của tôi, thay vì là thiếu sót của người khác hay sao? Nhìn từ quan điểm của những người khác, có lẽ chính tôi mới là người thực sự có những quan niệm xấu nếu tôi không thể chịu đựng được khi nhìn thấy điều tốt ở họ.

Xu hướng chỉ trích này là biểu hiện của nghi tâm trong tôi. Tôi luôn luôn ngờ vực rằng người khác sẽ làm tổn thương tôi hoặc làm gì đó với tôi. Thi thoảng khi tôi ra ngoài làm các việc chứng thực Pháp, đột nhiên những tư tưởng xấu về việc ai đó đang theo dõi chúng tôi hiện ra trong đầu tôi.

Tư tưởng của người tu luyện có năng lượng. Nếu tôi luôn có những ý nghĩ tiêu cực về người khác và về những thứ xung quanh mình, không phải là nó sẽ tạo thành một “cái tôi giả” hay sao? Điều này tương tự như khi người thường sử dụng chất kích thích hoặc bị nghiện điện thoại di động và kết quả đã tạo ra một “cái tôi giả” của chính họ. Đó là bởi vì chấp trước của họ quá mạnh.

Nếu tôi không buông bỏ được những chấp trước này kịp thời, “cái tôi giả” này sẽ trở nên mạnh hơn trong khi chủ nguyên thần của tôi ngày càng yếu đi. Cuối cùng nó có thể khống chế, làm chủ thân thể tôi. Điều này thật sự rất nguy hiểm!

Tôi đã hướng nội để hiểu được lý do tại sao mình lại có những tư tưởng xấu này trong đầu. Tôi biết lý do tại sao mình tu luyện và nhớ những lời giảng của Sư phụ, nhưng khi những tình huống kia xảy đến, đôi khi ý nghĩ đầu tiên xuất hiện lại là điều tiêu cực.

Sư phụ giảng:

“Chư vị không cải biến cái Lý của con người vốn được hình thành vào tận xương cốt cả trăm nghìn năm ở người thường ấy, thì chư vị vẫn không bỏ đi được cái tầng xác bề mặt của con người, nên không cách nào viên mãn.” (Cảnh tỉnhTinh Tấn Yếu Chỉ)

Đây chẳng phải là “cái Lý của con người vốn được hình thành vào tận xương cốt cả trăm nghìn năm ở người thường ấy” mà Sư phụ đang cảnh tỉnh chúng ta hay sao?

Điều quan trọng là chúng ta phải luôn luôn nhắc nhở bản thân mình học Pháp, không ngừng buông bỏ những quan niệm của bản thân, yêu cầu bản thân hành xử theo các Pháp lý, và cố gắng làm tốt. Đây chính là tinh tấn đề cao!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/11/21/396074.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/1/16/182198.html

Đăng ngày 25-02-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share