Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở hải ngoại

[MINH HUỆ 12-10-2019] Mặc dù đã sống ở hải ngoại khoảng gần 10 năm, nhưng tôi vẫn không thể bỏ được hoàn toàn những quan niệm và hành vi không tốt hình thành từ khi còn ở Trung Quốc Đại lục.

Gần đây tôi có hai giấc mơ – một là lời nhắc nhở không được tự mãn trong khi thực hiện sứ mệnh cứu người, một chỉ ra rằng tôi cần quy chính một trong những thói quen xấu của mình.

Trong giấc mơ đầu tiên, tôi là hành khách trên một chiếc xe buýt. Có người hô lớn về phía tôi để tôi nhìn ra ngoài. Tôi đã sững sờ! Một thứ chất lỏng màu đen nhanh chóng nuốt chửng lấy hầu hết mọi thứ. Bọt nổi trên bề mặt, chất lỏng này đã lan rộng và cuốn trôi các ngôi nhà, vùng đất và đang đuổi theo xe buýt của chúng tôi. Tôi lo sợ, nhưng ngay sau đó phát hiện ra rằng giữa xe buýt của chúng tôi và thứ chất lỏng đó vẫn còn một khoảng cách an toàn.

Tôi cảm thấy vô cùng buồn bã rằng có vẻ như ngày tận thế đã bắt đầu.

Khi xuống xe buýt, tôi nhìn thấy một người ngã gục ở một bể bơi cạn. Tôi tới gần và nhấc đầu anh ấy ra khỏi đống chất bẩn. Khi tôi nâng đầu anh ấy lên, anh ấy bắt đầu phun nước ra khỏi miệng. Tôi vui mừng rằng anh ấy vẫn còn sống.

Trong nhiều năm, tôi làm việc tình nguyện cho Epoch Times vào thời gian rảnh, nó chưa bao giờ là việc dễ dàng. Nhưng từ trong sâu thẳm, tôi biết rằng tôi vẫn chưa thực sự đủ chủ động trong việc cứu người. Ví dụ khi luyện các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp ở trước Lãnh sự quán Trung Quốc, tôi sẽ không dừng lại để nói chuyện với những khách du lịch đang dừng lại ở chỗ chúng tôi, không giống như các bạn đồng tu khác. Trong giấc mơ, tôi cảm thấy tuyệt vọng vào ngày tận thế, mặc dù vậy tôi vẫn cảm thấy an tâm, biết rằng bất kỳ nỗ lực cứu người nào, dù nhỏ hay lớn, đều có ý nghĩa và đắc thiện quả.

Giấc mơ thứ hai của tôi còn rõ ràng hơn. Có người đưa tôi ra ngoài đi dạo. Ông ấy chỉ cho tôi làm thế nào để bước đi điềm đạm và bảo tôi đừng vội vàng. Tôi cảm thấy bối rối – làm sao ông ấy lại biết được tôi đi quá nhanh? Sau đó tôi nhận ra rằng chính Sư phụ đang chỉ cho tôi cách bước đi. Lúc này, người đàn ông quay mặt mỉm cười với tôi rồi biến mất.

Đó là một câu chuyện dài. Tôi là một sinh viên xuất sắc, tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng ở Trung Quốc. Trong khi còn đang theo học tại một trong những trường trung học tốt nhất của tỉnh, tôi đã sống sót qua hàng núi bài tập về nhà và các bài kiểm tra bằng cách chạy đua thay vì đi bộ. Nhưng thói quen đó đã theo tôi ngay cả sau khi tôi rời Trung Quốc. Mặc dù đồng nghiệp và cả những quản lý của tôi đều nhận xét về thói quen ấy, nhưng tôi cũng không coi trọng. Vội vã để tiết kiệm thời gian được coi là đức tính tốt ở Trung Quốc, căn bản tôi không ý thức được mình có vấn đề.

Một lần, một bạn đồng tu nói với tôi rằng lúc tôi bước lên bục Pháp hội phát biểu nhìn hùng hùng hổ hổ. Anh cũng nghe học viên cạnh anh đánh giá: “Lại một nữ nhân mạnh mẽ”. Vào lúc đó tôi không để ý, cảm giác đi nhanh là chuyện nhỏ, có thể nói là “bất động tâm”.

Một ngày, khi tôi đi ngang qua bàn của quản lý, người tôi có quan hệ rất tốt, anh ấy nghiêm khắc nói: “Dừng lại! Chậm lại chút đi.” Tôi nhận ra rằng việc tôi đi nhanh thực sự là vấn đề. Trước đó, quản lý rất kiên nhẫn chỉ cho tôi việc quản lý dự án, trong khi tôi thuần túy là một kỹ sư thiết kế. Việc anh thay đổi ngữ điệu đột ngột khiến tôi ngạc nhiên và sửng sốt. Sau đó, anh nói lại với tôi rằng tôi không nên đi như thế. Lúc đó tôi cho rằng, quản lý được giáo dục ở Anh, phong độ và dáng vẻ đều có chuẩn mực, không tiếp thụ được việc tôi đi qua nhanh như vậy.

Tôi bắt đầu chú ý đi chậm lại, nhưng sau đó công việc biến động, tôi rời đi và lại trở về với tốc độ đi cũ. Làm công việc mới, vị quản lý thân thiện đôi lúc nói đùa về cách tôi đi, nhưng tôi cũng lại không nghĩ ngợi nhiều.

Giấc mơ khiến tôi suy nghĩ rất nhiều lần về việc tôi đã đi bộ nhanh như thế nào. Ở trong nước, giáo dục và hoàn cảnh sinh hoạt không bình thường, những thứ rất quen thuộc tưởng là ưu điểm nhưng lại không phù hợp với hành vi của một người bình thường, bởi vậy người phương Tây truyền thống rất khó tiếp nhận. Nếu muốn để người giới chủ lưu có thể tiếp nhận, tôi nhất định phải cải biến hành vi tập quán của mình.

Sư phụ đã giảng về vấn đề này rất nhiều lần trong các bài giảng, nhắc nhở các học viên Trung Quốc sống ở hải ngoại phải chú ý vứt bỏ văn hóa Đảng. Tôi nhận ra rằng đi quá nhanh cũng là một loại thể hiện của văn hóa Đảng. Người Trung Quốc có trình độ học vấn cao bước ra từ hệ thống giáo dục ở Trung Quốc có kỹ thuật tuyệt vời nhưng họ lại thiếu các kỹ năng xã hội, những điều là chuẩn mực trong bất kỳ xã hội văn minh nào. Vì những hành vi không thể chấp nhận được này lại rất bình thường ở Trung Quốc, nên phần lớn thời gian chúng ta thậm chí còn không nhận thức ra vấn đề. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta nên tập trung vào những vấn đề lớn và bỏ qua những vấn đề nhỏ.

Tuy nhiên, không còn là vấn đề nhỏ nếu hành vi bất thường “không đáng kể” của bạn khiến những người khác xa lánh bạn. Nếu bạn muốn làm tốt công việc của mình và gây dựng cơ sở tốt để giảng chân tướng hiệu quả, bạn không chỉ phải giỏi kỹ thuật mà còn cần có những kỹ năng xã hội tốt được đa số xã hội phương Tây chấp nhận.

Hai giấc mơ đã khích lệ tôi và hy vọng rằng những chia sẻ của tôi có thể giúp các học viên đang đối mặt với những vấn đề tương tự. Có điểm nào không phù hợp với Pháp, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2019/10/12/394489.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/12/30/181379.html

Đăng ngày 17-02-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share