Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp trẻ tuổi ở bên ngoài Trung Quốc

[MINH HUỆ 17-09-2019] Ngày 13 tháng 9 năm 2019 là ngày Tết Trung thu ở Trung Quốc, cũng là dịp để gia đình đoàn tụ. Dưới đây là lời tự thuật của một phụ nữ trẻ mà cha cô đã bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ vì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện đang bị Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại.

Không nhà

Triển lãm Nghệ thuật Quốc tế Chân-Thiện-Nhẫn đã trưng bày một bức tranh mang tên Không nhà. Bức tranh miêu tả cảnh một bé gái vừa từ trường trở về nhà nhưng rồi chỉ thấy cha mẹ của em đã không còn ở đó. Hai mảnh giấy trắng ở cửa là những thông báo chính thức thể hiện rằng ngôi nhà này đã bị niêm phong bởi Phòng 610 (một tổ chức giống như Gestapo của Đức quốc xã được tạo lập chuyên để bức hại Pháp Luân Đại Pháp). Tờ giấy đỏ trên cửa có dòng chữ “Chân-Thiện-Nhẫn”. Cô bé bỗng nhiên trở thành đứa trẻ không nhà.

14523d073cb2ae733bde38b23b022e1d.jpg

Tranh sơn dầu: Không nhà

Nước mắt tôi cứ lăn dài trên má khi tôi xem đoạn video giới thiệu về triển lãm. Khi tôi xem tới bức tranh Không nhà này, tôi không thể kìm nén được cảm xúc của mình thêm nữa. Tôi thu mình vào trong chăn rồi khóc nức nở, bởi vì chính tôi cũng đã trải qua hoàn cảnh tương tự.

Khi tôi được hai tuổi thì cha tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Ông đã dạy tôi cách thiền định. Đối với tôi, ngồi song bàn thật là dễ.

Hàng ngày, cha con tôi cùng nhau học các kinh sách Đại Pháp.Tôi ngồi vào lòng cha và đọc sách cùng với ông. Thỉnh thoảng, tôi nghịch ngợm và cố tình duỗi thẳng tay cầm sách ra xa nhất có thể. Khi khoảng cách quá xa, cha tôi sẽ nói: “Cha không thể nhìn được chữ nữa rồi.” Lúc đó, tôi sẽ cười vang bởi tôi vẫn có thể nhìn thấy chữ rõ ràng.

Thời gian đó, tôi thích đọc Hồng Ngâm nhất. Chúng tôi có thể nhanh chóng đọc xong Hồng Ngâm nhưng tôi phải ngồi rất lâu khi cha con tôi đọc cuốn Chuyển Pháp Luân và tôi không thể hiểu được nhiều Pháp lý. Nhưng tôi có thể hiểu được các bài thơ trong Hồng Ngâm. Tôi có thể nhớ được từng bài thơ trong Hồng Ngâm và cảm thấy các bài thơ đó rất hay và gần gũi với tôi. Thông qua Đại Pháp, tôi đã dần hiểu được về thế giới và lớn lên trong hạnh phúc.

Khi tôi sáu tuổi, một hôm sau khi tan trường, như thường lệ tôi tìm cha tôi trong dãy các phụ huynh ở bên ngoài lớp học, nhưng tôi không thể tìm thấy cha. Khi đó tôi thấy rất lạ bởi vì cha luôn đến sớm và chờ tôi tan học. Tôi lo lắng nhìn mọi người đến rồi đi. Cuối cùng, chỉ còn duy nhất mình tôi tại trường. Tôi đã nghĩ có thể là tôi đã làm gì sai nên cha không yêu tôi nữa.

Tôi đã phải tự tìm đường về nhà bằng trí nhớ của mình. Trên đường về, tôi vẫn thầm nghĩ: “Tôi sẽ nói với cha rằng tôi đã lớn và có thể tự về nhà. Khi đó cha sẽ tự hào về tôi và khen ngợi tôi.”

Khi tôi tới cửa nhà, tôi liên tục gõ cửa nhưng không có ai trả lời hay mở cửa. Tôi liên tục gọi cha và nghĩ rằng hẳn là tôi đã làm điều gì đó không tốt khiến cha bực bội với tôi. Tôi nói ở cửa: “Cha ơi, con biết con đã mắc lỗi, con biết con sai rồi. Hãy tha thứ cho con. Con xin cha, hãy mở cửa cho con đi.”

Tôi không biết mình đã kêu khóc trong bao lâu nữa. Tôi chỉ nhớ là mình đã òa khóc và gào thét một cách tuyệt vọng ở cửa. Sau đó, tôi nói: “Cha ơi, con cần đi vệ sinh, con không thể nhịn được thêm nữa. Xin cha hãy mở cửa cho con đi.” Một phụ nữ lớn tuổi ở tầng dưới đi lên và nói tôi có thể sử dụng phòng tắm nhà bà. Tôi đã lắc đầu vì tôi sợ rằng nếu tôi đi thì khi cha mở cửa ông sẽ không thấy tôi.

Khi trời đã tối hẳn, một người họ hàng của tôi đã tới và đưa tôi tới nhà ông bà ngoại. Tôi nghe thấy người thân đang đổ lỗi cho cha tôi. Thông qua cuộc nói chuyện của họ tôi biết được rằng cha tôi đã bị đưa vào tù.

Tôi sợ hãi và không hiểu tại sao cha tôi lại đột nhiên bỏ tôi lại một mình. Tôi tự hỏi không biết cha có còn yêu tôi không và khi nào cha sẽ quay về. Tôi không thể hiểu được tại sao những người họ hàng lại nói về cha tôi như vậy và tại sao họ lại nhìn tôi khác lạ như thế. Đêm hôm đó, tôi không thể nào ngủ được, cứ không ngừng khóc trên giường.

Ngày đó đã để lại một vết thương đau đớn trong ký ức của tôi. Tôi nhớ cha và không thể hiểu được chuyện gì đang xảy ra nữa. Tôi cảm thấy không ai hiểu tôi. Từ đó trở đi, tôi trở nên trầm lặng và rụt rè. Một số người sợ sâu bọ, sợ bóng tối hay sợ ma nhưng tôi thì lại sợ mọi người. Tôi không dám nói chuyện với người lạ.

Nhà ông bà tôi rất náo nhiệt, người ra người vào mỗi ngày. Họ hỏi tôi nhiều câu hỏi hoặc nói một vài lời với tôi. Tuy vậy, trong hoàn cảnh đó tôi vẫn cảm thấy bị uy hiếp và tổn thương cho dù họ có nhìn tôi bằng sự thương hại hay khinh bỉ đi nữa. Tôi biết Đại Pháp là tốt, Sư phụ Lý Hồng Chí là tốt, cha tôi cũng là một người tốt, và bỏ tù cha tôi là việc làm sai trái. Nhưng nỗi sợ hãi đã ngăn cản tôi thể hiện suy nghĩ của mình.

Cuối cùng, cha tôi cũng trở về nhà. Tôi vui mừng khôn xiết vì cha cuối cùng cũng đã trở về, nhưng có rất nhiều người trong gia đình vây quanh và tôi không dám đến gần cha. Tôi nhìn ra cửa sổ và đứng lại. Cha đến ôm tôi và đặt tôi vào lòng. Giây phút đó khiến nỗi buồn và cảm giác cô đơn bay biến ngay lập tức. Nhưng từ đó trở đi, tôi lo lắng rằng cha tôi sẽ lại gặp nguy hiểm thêm lần nữa.

Tôi lo lắng bất cứ khi nào cha đón tôi muộn. Thường thì đó là bởi vì cha bận họp hay có việc khác cần giải quyết. Mỗi lần cha tới muộn, sự lo lắng bồn chồn của tôi trở thành sự tức giận. Tôi đã khóc và hỏi tại sao cha lại đối xử với tôi như vậy. Cha luôn xin lỗi tôi và kiên nhẫn giải thích tại sao cha lại tới muộn.

Cha tôi đã viết cho tôi một bức thư trong thời gian ông bị cầm tù bất hợp pháp. Cha nói cha nhớ tôi rất nhiều và dặn tôi cần phải là một cô gái tốt. Cha hứa sau khi về nhà cha sẽ đưa tôi đi chơi đu quay cạnh bờ sông. Hàng ngày tôi đều mang theo bức thư của cha và đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần.

Khi đó tôi đã thu mình lại và dành phần lớn thời gian để suy ngẫm về chính mình, khiến tôi bỏ quên thế giới bên ngoài. Các bạn cùng lớp thấy tôi cứ luôn đắm chìm vào bức thư và bắt đầu tò mò. Một lần tôi không thể nín cười khi tôi đọc đoạn thư cha tôi viết về việc đi chơi đu quay. Một vài người bạn cùng lớp đã trông thấy và chộp lấy lá thư.

Khi họ hỏi về cha tôi, tôi nói với họ rằng cha đang ở trong tù. Họ đã hỏi rằng cha tôi có phải là một người xấu không, rồi làm sao mà ông lại phải ngồi tù và điều gì đã xảy ra. Tôi lặng người, lấy lại lá thư và không nói gì với họ nữa. Tuổi thơ đã khiến tôi như một con nhím, nhạy cảm và sợ bị tổn thương.

Ngược lại, cha tôi rất lạc quan và sự tích cực của ông đã ảnh hưởng đến tôi khi ông còn ở nhà. Tôi sôi nổi, vui vẻ, vô tư, lạc quan và hạnh phúc có cha ở bên. Tuy nhiên, khi vắng mặt cha, tôi cảm thấy bị cô lập với thế giới. Tôi trở nên tiêu cực, u sầu và cực đoan. Tôi đã trải qua thời thơ ấu khác biệt như vậy.

Một đứa trẻ lạc lối

Khi tôi lên lớp 6, mẹ tôi khi ấy đang sống ở nước ngoài, đã đón tôi tới sống cùng bà, và suốt 5 năm sau đó tôi không được gặp cha mình. Suốt năm năm đó, mẹ tôi đã không cho phép tôi có bất kỳ mối liên hệ nào với Đại Pháp. Một hôm, qua lịch sử lướt web trên máy tính của mẹ, mẹ đã phát hiện được rằng tôi đã dùng máy tính để đọc sách Chuyển Pháp Luân. Mẹ đã trách mắng tôi suốt cả chiều hôm đó. Tôi rất sợ khi thấy khuôn mặt giận giữ của mẹ đến nỗi không dám đọc sách thêm lần nào nữa.

Đến tận bây giờ, phần tính cách nhút nhát đó của tôi vẫn còn. Tôi hiếm khi nói chuyện với bất kỳ ai và đều thông qua mẹ tôi khi tôi cần thứ gì từ người khác. Khi ai đó nói chuyện với tôi, tôi sẽ quay mặt sang hướng khác và từ chối trả lời. Không biết bao nhiêu lần tôi đã ngồi bên đường và lặng nhìn xe cộ qua lại, nghĩ đến việc có nên kết thúc cuộc sống tuyệt vọng này không. Không biết bao lần tôi đã khóc trên giường.

Tôi thật kỳ quặc, ích kỷ, tự cho mình là trung tâm và lòng tràn đầy sự tự thương hại. Sự tuyệt vọng và cô đơn xâm chiếm tôi và tôi không hề cảm thấy hạnh phúc. Cứ khi nào tôi cảm thấy đó là ngày tận thế thì những lời chỉ dạy của Sư phụ Lý lại triển hiện cho tôi: “..tự sát là có tội” (Giảng Pháp tại Pháp hội Sydney [1996]). Bất cứ khi nào tôi không thấy được hy vọng thì những bài thơ trong Hồng Ngâm lại xuất hiện trong tâm và kết nối tôi với Đại Pháp.

Trong suốt khoảng thời gian đó, mẹ tôi đã xin nhập cư cho gia đình chúng tôi, nhưng cha tôi không thể có được hộ chiếu vì ông bị liệt vào danh sách đen của chính quyền Trung Quốc. Cũng vì trong đơn xin nhập cư mẹ tôi đã viết rằng cha tôi đã một lần bị giam giữ nên đơn này đã không được chấp thuận trong một thời gian dài.

Vì vậy, để mẹ con tôi có thể được nhập cư, mẹ tôi đã gây áp lực ép cha tôi ly dị, nhưng ông không đồng ý. Tôi nhận ra rằng cha tôi muốn cho tôi một gia đình trọn vẹn mặc dù mẹ tôi luôn nóng nảy, thô lỗ và vô lý.

Mẹ bắt đầu hỏi tôi những câu tương tự lặp đi lặp lại rằng: “Con sẽ chọn ai? Con chọn cha con hay chọn mẹ?” Tôi trả lời với mẹ rằng: “Con không biết. Con không có lựa chọn nào cả, và con không trả lời.” Tuy vậy, mỗi lần mẹ hỏi tôi, tôi lại suy nghĩ trong một thời gian dài. Cuối cùng, tôi nói với mẹ rằng: “Con chọn cha con.”

Mẹ đã phớt lờ sự phản đối của cha con tôi và đệ đơn ly dị. Tòa án đã cho mẹ tôi quyền nuôi con, và đơn xin nhập cảnh của tôi đã được chấp thuận không lâu sau đó.

Tôi nói với mẹ: “Mẹ đã chia cắt gia đình chúng ta và khiến con chỉ có một nửa tình yêu thương so với những đứa trẻ khác. Con muốn có một gia đình trọn vẹn.” Kể từ đó, tôi ghen tị với tất cả những đứa trẻ có cả cha lẫn mẹ.

Tôi nhớ tất cả những điều xấu mà mẹ tôi đã làm đối với cha tôi. Mẹ trở nên tức giận mỗi khi mẹ trông thấy cha tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Có lần mẹ tôi còn dùng dao chém vào tay cha, làm ông chảy rất nhiều máu. Bà còn đổ nước tiểu trong một cái chậu lên đầu cha tôi bởi vì ông ra ngoài học Pháp nhóm vào buổi tối. Một lần, khi hai cha con tôi khóa cửa phòng để đọc các kinh sách Đại Pháp và luyện công. Khi mẹ tôi nghe thấy tiếng nhạc, bà đã gào lên, liên tục đập cửa và cuối cùng xông vào phòng và la mắng cha tôi.

Trong suốt thời gian tôi sống cùng mẹ, tôi đã rời xa Đại Pháp và lạc lối trong cuộc sống thường nhật. Một hôm trên đường tới trường, tôi chợt nhìn thấy một vài bức tượng Phật khổng lồ cao như cả bầu trời. Cảnh tượng rất rõ ràng, không thể nhầm lẫn. Tôi đã rất sốc. Sau khi đi bộ một quãng đường dài mà những bức tượng này vẫn còn ở đó.

Tôi đã nhận ra sự huyền diệu của Đại Pháp và sự từ bi của Sư phụ. Sau khi tan học, tôi tới một thư viện gần trường và đọc sách Chuyển Pháp Luân trên máy tính. Khi tôi đọc đến mục “Chân chính đưa con người lên cao tầng” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân), nước mắt tôi tuôn rơi. Khi tôi bắt đầu đọc sách Chuyển Pháp Luân và một lần nữa đồng hóa bản thân mình với Đại Pháp, tôi đã thay đổi, từng chút từng chút một, để trở nên tốt hơn.

Giờ đây tôi đã là một người trưởng thành và mọi người nói rằng tôi sôi nổi, vui vẻ và hay nói. Họ nói họ khó có thể tin được rằng trước đây tôi lại nhút nhát và thất thường như vậy. Đó là nhờ Đại Pháp đã cải biến tôi thành một con người mới. Tôi đã chính lại suy nghĩ và hành vi của mình chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Đại Pháp.

Quay trở về bên cha

Tôi đã quyết định rời xa mẹ tôi bởi vì cuộc sống cùng với mẹ thật đau khổ và tăm tối. Tuy nhiên, mẹ đã ép tôi phải sống cùng bà và không để tôi tới thăm cha. Tôi đã phải dùng đến những cách khác. Hàng ngày, tôi ngồi đối diện với bức tường trong nỗi thất vọng. Tôi khóc lóc hàng đêm để buộc mẹ phải mua vé máy bay cho tôi về Trung Quốc thăm cha. Thời gian đó, tôi đã không từ bi và không hiểu được rằng tôi cần đối xử tốt với cả những người đã gây đau khổ cho mình.

Trong năm năm sống cùng với mẹ, tôi đã không biết làm thế nào để giao tiếp với người khác và hòa đồng với họ, ngay cả khi họ là họ hàng thân thích của tôi. Tôi đã hoàn toàn bị cô lập với xã hội. Vì vậy, khi tôi quay trở về sống cùng với cha, tôi kiêu ngạo, độc đoán và tính khí thất thường. Khi không vui, tôi liền ném đồ đạc, đổ nước lên các bạn cùng lớp và đá họ.

Tôi về muộn vào ban đêm và những người bạn cùng lớp sợ sự nóng giận của tôi. Ở nhà, họ hàng nghĩ rằng tôi là một đứa trẻ hư và một số việc tôi đã làm là không thể tha thứ được.

Nhưng cha tôi thì khác. Bất kể là tôi đã hành xử tệ hại ra sao, ông cũng không chỉ trích hay buộc tội tôi vì bất kỳ lý do gì. Ông chỉ đưa tôi đi đọc sách Chuyển Pháp Luân cùng ông. Mỗi tối, tôi thức khuya học Pháp cùng cha sau khi tôi tan học. Sau khi cha con tôi đọc xong, cha đọc những bài chia sẻ trên trang Minh Huệ cho tôi nghe bên giường của tôi, tôi lắng nghe tới khi chìm vào giấc ngủ.

Cha đã dẫn dắt tôi với thiện tâm và sự từ bi, dần dần, tôi đã thay đổi.

Ông cũng cho tôi xem Shen Yun (hồi đó các đĩa DVD về các buổi biểu diễn của Shen Yun có thể tìm được ở Trung Quốc). Cha nói lần nào ông xem chương trình đó, ông cũng được tịnh hóa. Tôi đã không tin điều đó. Tôi từng nghe nhạc pop và thật khó để tôi xem một chương trình biểu diễn truyền thống như vậy. Sau khi xem một lúc, tôi lại chuyển ti vi sang một chương trình biểu diễn khác. Tôi không thể cảm nhận được sự thần thánh như cha tôi đã nói.

Nhưng khi tôi tu luyện tinh tấn hơn, càng ngày tôi lại càng thích xem Shen Yun. Một lần, tôi đã xem tất cả các chương trình biểu diễn trước đây của Shen Yun. Tôi không thể hiểu được tại sao, nhưng tôi cảm thấy rất thích xem. Âm nhạc, vũ đạo, giọng hát nam cao và những câu chuyện truyền thống đã khiến tôi cảm thấy bình yên, tĩnh lặng và an tâm.

Bởi tuổi thơ đầy ám ảnh mà tôi luôn sợ cánh cửa sẽ đột nhiên mở ra và người xấu sẽ xông vào và bắt cha tôi đi khi ông tu luyện Đại Pháp tại nhà. Tôi cũng lo lắng cho sự an toàn của cha khi ông không ở nhà. Tôi luôn gặp ác mộng, mơ thấy cảnh sát tới bắt cha con chúng tôi. Tôi vẫn còn sợ hãi ngay cả sau khi đã thức dậy. Tôi không bao giờ kể với cha về nỗi sợ hãi đó mà chỉ nói rằng tôi muốn quay trở lại nước ngoài.

Ác mộng quay trở lại

Sau khi tôi ra nước ngoài, một ngày trước kỳ thi giữa kỳ năm thứ 2 đại học, mẹ tôi gọi điện cho tôi thông báo rằng: “Cha con đã bị bắt rồi.”

Tôi chỉ biết khóc. Tôi không biết nơi cha tôi bị giam giữ và cũng không biết cha đã phải chịu đựng những hình thức tra tấn nào. Tôi tự hỏi không biết liệu tôi có thể gặp lại cha hay không.

Tôi gọi điện cho ông bà nội ở Trung Quốc và muốn an ủi họ nhưng tôi không nói được lời nào mà chỉ khóc. Bà nội không ngừng thở dài và nói với tôi: “Cháu đừng khóc, đừng khóc nữa.” Tôi cảm thấy đó là ngày tận thế. Tôi không thể kiềm chế được và trở nên run rẩy.

Đó là vào nửa đêm, và tôi sống một mình ở một căn hộ thuê gần trường đại học. Tôi chạy ra phòng khách, ngồi trên sàn và bật khóc.

Khi còn là một đứa trẻ, tôi chưa bao giờ lên tiếng vì cha khi ông bị bắt. Nhưng lần này, tôi cần phải đứng lên vì ông. Tôi đã gọi điện tới Phòng 610, nơi chịu trách nhiệm đối với việc bắt giữ cha. Thông tin hồi đáp đầy đe dọa. Họ nói với tôi rằng không được có bất kỳ mối liên hệ nào với những người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, nếu không điều đó sẽ ảnh hưởng tới thị thực xuất nhập cảnh của tôi. Tôi đã cố gắng nói lý lẽ với họ nhưng họ không nghe. Họ đã bị tẩy não và liên tục phỉ báng Đại Pháp. Phương thức tư duy của họ rất phi lý và khó có thể nói chuyện được với họ.

Khi cha tôi bị giam giữ, ông được thông báo rằng tôi sẽ bị bắt nếu tôi quay trở về Trung Quốc. Cha đã cảnh báo tôi không được quay trở về.

Sau đó, tôi tìm hiểu được rằng cha tôi đã bị giam giữ tại một trung tâm tẩy não và đã bị cấm ngủ trong nhiều ngày. Tôi đã cố gắng tìm hiểu xem tôi có thể cố gắng chịu đựng không ngủ được trong bao lâu để hiểu được sự đau khổ mà cha tôi đã phải chịu đựng. Tôi cảm thấy thật khủng khiếp chỉ sau một ngày không ngủ. Nỗi buồn và những đau đớn trong tâm tôi không thể nói lên lời.

Đề cao

Tôi trở nên vui vẻ và tích cực trở lại thông qua việc học Pháp bởi vì tôi dần hiểu rằng kết quả tối hậu của tu luyện là một điều hạnh phúc và sự bức hại này chỉ là một phần của quá trình đó. Kết thúc của mỗi chương trình biểu diễn của Shen Yun đều là cảnh người tu luyện trở thành những vị Thần. Sự bức hại chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và tôi có thể coi đó như một câu chuyện buồn.

Tôi hiểu rằng mục đích cuối cùng của tu luyện là trở thành Thần nhưng tôi lại không hiểu được tại sao cha tôi lại bị bức hại tàn bạo đến vậy. Mỗi khi tôi nói chuyện với mọi người về cuộc bức hại này, nếu tôi nói về những gì cha tôi đã phải trải qua thì lòng thù hận của tôi đối với những kẻ đã bức hại cha tôi lại nổi lên.

26fdf2569ebc43566d1142647d42e6b0.jpg

Tranh sơn dầu: Kiên định trong bức hại

Năm nay, Triển lãm Nghệ thuật Quốc tế Chân-Thiện-Nhẫn đã được tổ chức tại thành phố nơi tôi sinh sống. Là một tình nguyện viên, tôi đã giải thích ý nghĩa của các tác phẩm nghệ thuật này cho các du khách. Một bức tranh trong đó có tên Kiên định trong bức hại. Cô gái trong bức tranh đã bị treo trên những thanh sắt của buồng giam và năm viên gạch được treo từ sợi xích quấn quanh cổ cô.

Tôi nói với các vị khách du lịch: “Cô gái trẻ này cũng cùng độ tuổi với tôi. Cô ấy đã bị treo như vậy trong một thời gian dài. Dấu tay đầy máu trên thanh kim loại cho thấy cô đã bám vào đó từ trước đó, nhưng vị trí hiện tại của cô cho thấy cô không thể nắm vào nó thêm được nữa. Hãy để ý là tay cô đã bị sưng tấy.

“Dấu chân trên quần áo cô cho thấy rằng cô đã bị dẫm đạp. Mặc dù cô bị đối xử tàn bạo như vậy nhưng ánh mắt cô không có sự hận thù khi cô nhìn vào những người đàn ông đã bức hại cô.

“Biểu hiện của cô ấy thật thuần khiết, kiên định và xót thương cho những kẻ đã bức hại mình mà không hối tiếc.”

Sau khi tôi giới thiệu xong, lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự kiên định và từ bi của cô gái trong bức tranh. Tôi nhận ra rằng bước tiếp theo trong quá trình tu luyện của bản thân tôi đó là không ôm giữ tâm thù hận đối với những kẻ đã bức hại chúng ta.

Trước đây tôi đã đọc những câu chuyện về sự từ bi như vậy trên trang Minh Huệ, nhưng tôi chưa bao giờ liên hệ những câu chuyện đó với bản thân mình. Khoảnh khắc đó tôi cảm nhận được sự mỹ hảo cùng uy lực của sự từ bi.

Tết Trung thu đã đến. Tôi mong chờ được đoàn tụ hạnh phúc cùng với cha trong tương lai.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/9/17/393422.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/10/21/180421.html

Đăng ngày 12-12-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share