Bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại Phần Lan
[MINH HUỆ 22-09-2019] Ngày 18 tháng 9 năm 2019, hội thảo về nạn mổ cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc đã diễn ra tại Tòa nhà Tổng cục Bưu điện ở Helsinki, Phần Lan.
Buổi hội thảo này do Tổ chức Ủng hộ Nhân quyền tại Trung Quốc (SHRIC) tổ chức. Các diễn giả gồm các điều tra viên độc lập, luật sư nhân quyền David Matas; phóng viên điều tra cấp cao Ethan Gutmann; ông Enver Tohti, cựu bác sỹ phẫu thuật đến từ Tân Cương, Trung Quốc, người đã chứng kiến các bác sỹ mổ lấy một cơ quan tạng của một người sống; và Tiến sỹ Marja Heinonen-Guzejev, nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng tại Đại học Helsinki.
Các nghiên cứu Trung Y bị từ chối vì không giải thích được nguồn gốc nội tạng
Tiến sỹ Marja Heinonen-Guzejev thay mặt cho Hiệp hội Bác sỹ vì Trách nhiệm Xã hội (LSV), một hiệp hội y khoa của Phần Lan với mục đích nâng cao sức khỏe và bình đẳng ở Phần Lan và trên toàn thế giới, đã có bài trình bày tại hội thảo. Bà cho biết các vấn đề đạo đức xung quanh việc cấy ghép tạng ở Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của giới khoa học quốc tế.
Tiến sỹ Marja Heinonen-Guzejev trình bày về các vấn đề đạo đức liên quan đến việc cấy ghép tạng ở Trung Quốc.
Tiến sỹ Heinonen-Guzejev cho biết, trong tháng 8 vừa qua, hai tạp chí khoa học, Plus One và Transplantation, đã hủy bỏ 15 bài nghiên cứu khoa học đến từ Trung Quốc vì những tác giả của các nghiên cứu này không lý giải được nguồn gốc của các cơ quan tạng đã sử dụng trong nghiên cứu của họ.
Theo Tạp chí Y học Anh, các tác giả của hơn 400 bài báo khoa học đến từ Trung Quốc không thể giải thích nguồn gốc của các cơ quan tạng người đã sử dụng trong 92% trường hợp nghiên cứu của họ.
Tiến sỹ Heinonen-Guzejev cho biết Tây Ban Nha, Israel, Ý, Na Uy và Đài Loan đã cấm công dân của họ đến Trung Quốc để ghép tạng.
Lấy nội tạng từ những người còn sống
Bác sỹ Enver Tohti là một cựu bác sỹ phẫu thuật người Duy Ngô Nhĩ hiện đang sống tại London. Ông cho biết chính quyền Trung Quốc đã coi khoảng 1 triệu tù nhân Duy Ngô Nhĩ như những “người hiến tạng sống”, giống như chính quyền này đã áp dụng đối với các học viên Pháp Luân Công.
Ông lưu ý rằng các bệnh nhân ở Trung Quốc chỉ phải đợi một tuần để có được một cơ quan tạng phù hợp. Ông cũng chiếu một bức ảnh về một làn đường đặc biệt tại một sân bay ở Trung Quốc được sử dụng riêng cho việc chuyên chở nội tạng được lấy từ người sống. Những người tham dự hội thảo đã kinh hoàng khi biết Bệnh viện Nhân dân tỉnh Hồ Nam đã có lần chạy quảng cáo sẽ cung cấp 20 ca phẫu thuật ghép thận miễn phí.
Ông Enver Tohti là một cựu bác sỹ phẫu thuật đến từ Tân Cương, Trung Quốc, người đã chứng kiến một cơ quan nội tạng bị mổ lấy cưỡng bức từ một người còn sống.
Ông Gutmann cho biết các cơ quan nội tạng lấy từ những tù nhân lương tâm còn sống đã được sử dụng cho khoảng 60.000 đến 100.000 ca ghép tạng được thực hiện hàng năm tại Trung Quốc, và phần lớn nạn nhân là các học viên Pháp Luân Công.
Phóng viên điều tra Ethan Gutmann thuyết trình về nạn thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm của chính quyền Trung Quốc.
Luật sư nhân quyền David Matas đề xuất các hành động mà Phần Lan có thể thực hiện để giúp giảm thiểu sự tàn bạo này.
Các diễn giả cũng nhấn mạnh về phán quyết cuối cùng của Tòa án Trung Quốc, nơi đã thu thập lượng lớn bằng chứng từ các nhân chứng, tạp chí y khoa và các cuộc điều tra độc lập trước khi kết luận vào ngày 17 tháng 6 năm 2019, rằng chính quyền Trung Quốc đang giết hại tù nhân lương tâm để thu hoạch nội tạng trên quy mô lớn. Tòa án độc lập này được chủ tọa bởi Ngài Geoffrey Nice, QC, công tố viên của Tòa án Quốc tế Xét xử Tội phạm Chiến tranh Nam Tư cũ.
Truyền thông đại chúng đưa tin
Nhóm diễn giả đã có một cuộc thảo luận sôi nổi cùng khán giả, theo đó thời gian hội thảo được kéo dài thêm nửa giờ so với dự kiến, thành hai tiếng rưỡi. Sau hội thảo, phóng viên từ các phương tiện truyền thông đại chúng đã xếp hàng để phỏng vấn các diễn giả.
Ngày hôm sau, tờ Helsingin Sanomat, tờ báo có ảnh hưởng nhất Phần Lan và tờ HSL, tờ báo Thụy Điển có số lượng ấn bản lớn nhất tại Phần Lan, đã đưa tin về hội thảo này trên trang nhất của mình. Các bài báo đề cập đến việc số ca ghép tạng ở Trung Quốc tăng nhanh như thế nào sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, cũng như một nghị quyết của Nghị viện Châu Âu vào năm 2013 lên án sự tàn bạo này.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/9/22/393652.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/9/29/180102.html
Đăng ngày 03-10-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.