Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Toronto
[MINH HUỆ 24-07-2019] Kính chào Sư phụ! Chào các bạn đồng tu!
Tôi tham gia Đoàn nhạc Tian Guo đã hơn mười năm. Mười năm trôi qua với nhiều khảo nghiệm và những ký ức không thể phai mờ. Mỗi từng thành viên của ban nhạc đều được Sư phụ trợ giúp và đã mang đến những điều tốt đẹp nhất cho thế nhân qua mỗi lần trình diễn. Tham gia vào đoàn nhạc còn mang đến cho chúng tôi nhiều cơ hội tu luyện. Nhạc cụ tôi đang chơi là euphonium. Tôi xin được chia sẻ những kinh nghiệm tu luyện của mình.
Tống khứ quan niệm người thường
Vì đoàn nhạc không có bè trầm nên tôi đã chuyển từ kèn trumpet sang kèn tuba. Kỹ thuật bấm ngón tay cũng tương tự nên việc này không có vấn đề gì, tôi chỉ cần thổi mạnh hơn là ổn. Tuy nhiên, do kèn mới to hơn và nặng hơn trumpet nên thoạt đầu tôi có chút nản lòng. Lần đầu chơi kèn mới, tôi không biết cách giữ kèn cân bằng bằng tay trái để tay phải có thể thoải mái bấm nốt.
Khi nghĩ đến những lần diễu hành với đoạn đường dài, tôi rất lo lắng. Tôi cũng e ngại rằng kích thước của nhạc cụ sẽ che mất tầm nhìn của mình trong lúc diễu hành. Nếu đường đi có ổ gà, tôi có thể sẽ bị vấp và v.v… Sư phụ đã dùng lời của một học viên khác để điểm hóa cho tôi: “Bạn đừng nghĩ đó là gánh nặng. Nếu bạn không có quan niệm về gánh nặng thì nó sẽ không là gánh nặng.”
Tôi nhớ đến năm tham gia diễu hành vào ngày lễ Thánh Patrick. Đó là lần đầu tiên tôi và một học viên khác chơi tuba trong cuộc diễu hành dài. Tôi có chút lo lắng. Trước khi diễu hành, chúng tôi luyện công bài hai với hy vọng nó sẽ có ích cho chúng tôi.
Sư phụ giảng,
“Cần làm cho chư vị vứt bỏ những tâm nào mà chưa vứt bỏ được ở nơi người thường. Tất cả các tâm chấp trước, miễn là chư vị có, thì cần phải vứt bỏ tại các chủng hoàn cảnh [khác nhau]. [Sẽ] làm cho chư vị trượt ngã, từ đó mà ngộ Đạo; tu luyện là như thế.” (Chuyển Pháp Luân, Bài giảng thứ tư)
Trong lúc diễu hành có một cuộc chiến lặp đi lặp lại giữa chính niệm và quan niệm của tôi, chẳng hạn như sợ lạnh, sợ nóng, sợ nặng nhọc, sợ phơi nắng, sợ đau đớn v.v… Cuộc nội chiến này luôn luôn khuấy đảo tâm tôi. Trong đợt diễu hành dịp lễ hội Calgary Stampede hai năm trước, vì năm đó trời nóng hơn, nên lần diễu hành nặng nhọc và kéo dài này đã làm tôi tổn sức. Đêm trước tôi cũng ngủ ít. Kết quả là tôi bị dao động. Chấp trước sợ hãi hiển hiện lên bề mặt, nhưng chính niệm tôi đã áp chế được nó. Giữa cuộc diễu hành, một vài học viên đã mang nước uống đến, nhắc tôi nhớ đến cảm giác nóng và khát. Tôi cũng sợ phải uống thứ gì đó vì nó có thể buộc tôi phải dừng lại giữa chừng.
Hàng nghìn người đứng hai bên đường, nhưng tôi chơi không tốt, và tôi phải vật lộn để hoàn thành cuộc diễu hành. Sau đó tôi nhận ra rằng tôi đã không đạt được kỳ vọng của Sư phụ chỉ vì tôi đã không hoàn toàn loại bỏ được các quan niệm. Tôi nhận ra rằng lo lắng (hoặc sợ hãi) được sinh ra từ những quan niệm người thường và làm cho tôi cảm thấy mệt mỏi.
Tôi nghĩ về những gì mà các học viên Trung Quốc đang phải chịu đựng. Khi cảnh sát ép buộc họ từ bỏ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, đầu tiên chúng tạo ra bầu không khí sợ hãi bằng cách bắt học viên vào một căn phòng tối tăm trống trải. Sau đó, khoảng một tá cảnh sát cao lớn cầm dùi cui điện phát ra những tia lửa xanh và nổ răng rắc đe dọa học viên. Trước khi những kẻ đi theo tà ác định làm gì đó, chúng muốn học viên chúng ta nghe và thấy những cảnh tượng ghê rợn. Liệu ý niệm của học viên vào thời điểm đó có bị dẫn động bởi phán đoán và suy luận của nhân tâm hay không sẽ quyết định kết quả, chứ không phải căn phòng tăm tối, không phải cảnh sát và không phải dùi cui điện.
Sau đó, tôi càng chú ý hơn tới nhất tư nhất niệm của bản thân và nghĩ rằng: “Điều này không phải luôn luôn xảy ra,” để phủ nhận thói quen phán đoán và suy luận của mình. Hai năm trước, trước lần diễu hành nhân ngày lễ Tạ ơn, đầu gối của tôi sưng lên đau đớn và tôi phải bước đi khập khiễng. Gần đến ngày diễu hành, tôi nghĩ rằng dù gì thì mình cũng sẽ tham gia, ngay cả khi mình có khập khiễng đi nữa. Vài ngày sau tôi nhận ra rằng ý niệm này không đúng; làm sao mà tôi có thể chứng thực Pháp khi đi khập khiễng như thế? Tôi cần linh hoạt và tràn đầy năng lượng trong khi diễu hành. Trước khi diễu hành, tôi nhảy lên nhảy xuống, và mỗi bước nhảy tôi tiêu diệt một ý niệm xấu. Khi tiếng nhạc bài “Pháp Luân Đại Pháp Hảo” vang lên, nhạc cụ của tôi âm vang và uy lực hơn bao giờ hết. Dưới sự giúp đỡ của Sư phụ, tôi đã hoàn thành buổi diễu hành và mỗi bước đi của tôi đều vững vàng, tràn đầy năng lượng.
Đề cao tầng thứ
Khi sức chịu đựng của tôi tăng lên, tôi bắt đầu để ý tới cây sousaphone lớn hơn vẫn được cất giữ trong phòng nhạc cụ. Khi chúng tôi mới tham gia Đoàn nhạc Tian Guo, Sư phụ đã mua và cho vận chuyển tất cả nhạc cụ, bao gồm bốn cây sousaphone và sáu cây tuba. Hai đồng tu đã chơi sousaphone, và họ thường nói nên có thêm hai người chơi sousaphone nữa để ban nhạc có thêm khí thế.
Tôi thấy đau lòng mỗi khi nhìn thấy hai nhạc cụ nằm yên trong phòng nhạc cụ. Tôi còn có thể cảm thấy nỗi buồn của hai cây sousaphone. Chúng là những sinh mệnh chuyển sinh thành nhạc cụ, và được Sư phụ lựa chọn, nhưng lại không ai chơi. Thật đáng tiếc thay! Ý nghĩ chơi sousaphone đến với tôi. Trước đây, điều này là không thể tưởng tượng được, bởi vì dường như chơi tuba đã là quá sức với tôi. Những học viên chơi sousaphone ở cuối ban nhạc trông như những vị thần hạ thế. Chơi sousaphone thường là những học viên nam cao lớn. Nhưng rất khó tìm được những học viên như thế, vì thế tôi cũng muốn thử sức. May mắn thay, hai người chơi sousaphone không quá cao, nên tôi đứng cạnh họ cũng không ảnh hưởng tới đội hình của ban nhạc. Sau gần một tháng luyện tập, tôi vẫn còn ngại diễu hành với nhạc cụ này. Tôi quyết định chơi sousaphone trong cuộc diễu hành ngắn hơn – diễu hành nhân dịp lễ Phục sinh.
Một ngày khi tôi đang luyện sousaphone, một học viên trong ban nhạc đã nói với tôi: “Tôi nghĩ anh có thể làm được. Cứ đi diễu hành đi. Nếu anh muốn chơi thì cứ chơi thôi. Đừng nghĩ về nó nhiều quá.” Tôi cảm thấy Sư phụ đang dùng lời của cô ấy để khích lệ tôi tiến về trước một bước.
Vì thế, trong buổi diễu hành tiếp theo, tôi đã chơi sousaphone dù không biết đoạn đường diễu hành sẽ dài như thế nào. Cuối cùng, độ dài đoạn đường không còn ảnh hưởng tới tôi nữa. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ là nhạc cụ lớn hơn sẽ có khí thế hơn. Kèn sousaphone cộng hưởng với trống ở phía trước, nên ban nhạc không còn mất cân bằng nữa.
Giờ đây trong hầu hết các buổi diễu hành, chúng tôi đã có bốn người chơi sousaphone. Sức chịu đựng của tôi cũng đã tăng dần. Tôi không còn e ngại kích cỡ của nhạc cụ nữa. Tôi nhận ra rằng khối lượng và kích thước của nó trong nhân thế không phải là hình dạng thật sự của nó. Trong không gian khác nó có thể khác hẳn. Sư phụ dùng chữ “dám” trong bài “Thùy cảm xả khứ thường nhân tâm?” trong Hồng Ngâm (Tạm dịch: Ai dám xả bỏ tâm người thường)
Trong Pháp hội năm nay, Sư phụ cũng giảng:
“Làm đệ tử Đại Pháp mà nói, theo bộ Pháp này mà tu. Sư phụ từng nói một câu này, tôi bảo rằng, ‘Này chư vị, muốn tu cao đến đâu, chỉ cần chư vị dám!’” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019)
Thể ngộ của tôi là đầu tiên chúng ta cần phải dám làm, Pháp mới triển hiện uy lực siêu thường. Nếu năng lực chúng ta không đủ, Sư phụ sẽ bổ sung cho chúng ta. Giống như khi xuống thế gian này, chúng ta đã dám đối diện với nguy cơ bị tiêu hủy trong thế giới người thường. Chúng ta đã nguyện theo Sư phụ chính Pháp, và Ngài đã ban cho chúng ta vinh diệu và Pháp lực.
Sư phụ còn giảng:
“vì cái Lý của tu luyện và cái Lý của con người là phản [đảo]. Người ta cảm thấy rằng sống thoải mái là tốt, còn người tu luyện cảm thấy không thoải mái lại là việc tốt đối với đề cao; đó chẳng phải ‘Chính Lý trong phản Lý’ đó sao? (Giảng Pháp tại Pháp hội San-Francisco năm 2005)
Trong tu luyện hàng ngày, tôi cũng cố gắng suy nghĩ theo logic của người tu luyện. Tôi có thật sự lấy khổ làm vui chưa? Mỗi lần tôi nhìn những đồng tu chơi sousaphone trong những buổi diễu hành ở Hong Kong, tôi biết mình đã tụt lại phía sau.
Nguyện ý đóng vai phụ và để người khác tỏa sáng
Tôi từng chơi trumpet. Mặc dù trumpet không phải là bè chính, nhưng vẫn có chơi một số chủ âm, có những giai điệu nghe rất hay. Từ khi chơi bè trầm, vai trò của tôi hầu như là bè đệm và ban đầu tôi không dễ chịu lắm. Do kèn tuba rất to và dài, tôi cần dùng rất nhiều sức để thổi một nốt. Nếu tôi không thổi đủ mạnh, âm thanh sẽ không tròn và đầy.
Một bản nhạc sẽ hay sẽ hơn khi có thêm bè trầm của chúng tôi. Chúng tôi từng đùa là sẽ trao thưởng cho người có thể đoán được chúng tôi đang chơi nhạc cụ gì. Tôi dần dần nhận ra rằng những nốt nhạc đơn điệu và vô vị thật sự rất đẹp và hòa hợp khi chơi cùng ban nhạc, và đôi khi tôi đã xúc động. Cụ thể, mỗi lần được Sư phụ gia trì trong mỗi buổi diễu hành, tôi thật sự cảm nhận được lời giảng của Sư phụ:
“Tu tại tự kỷ, công tại Sư phụ” (Chuyển Pháp Luân)
Mặc dù giờ đây chúng tôi có bốn người chơi sousaphone, nhưng không có ai chơi tuba nữa. Vì thế, tôi từng đùa là bè bass chúng tôi là giàu có nhất, vì mỗi người có hai nhạc cụ lớn, một để diễu hành và một để luyện tập. Sư phụ biết giới hạn của bè bass chúng tôi, đặc biệt là sức lực của tôi không đủ lớn mạnh, nên khi buổi diễu hành bắt đầu, âm lượng của nhạc cụ của tôi lớn hơn nhiều so với khi diễn thử.
Những chấp trước được phơi bày
Con đường tu luyện thực sự rất hẹp, và một số tâm chấp trước ẩn giấu chỉ có thể lộ ra trong những tình huống nhất định. Buông lỏng một ly có thể đi sai một dặm. Sau khi tôi bắt đầu chơi nhạc cụ to lớn này, các đồng tu thường xuyên khích lệ và khen ngợi tôi, tôi nghe cũng rất dễ chịu. Sự công nhận và khen ngợi của họ đã khích lệ tôi tiếp tục, đặc biệt khi tôi mệt mỏi lúc cuối cuộc diễu hành. Một cách không hay biết, tâm hoan hỷ, tâm hiển thị, tâm coi thường người khác dần dần nổi lên bề mặt. Tôi nhận ra chúng và chú ý đến những cảm xúc này. Những suy nghĩ này đôi khi bị che giấu và không dễ phát hiện. Nếu không phát hiện và tiêu trừ ngay lập tức, chúng sẽ thoát ra và gây gián cách giữa các học viên.
Nếu tôi có vấn đề với ai đó, tôi sẽ nói thẳng với người ấy. Mặc dù chỉ ra vấn đề không sao, nhưng đan xen với những lời nói của tôi là nhân tâm. Một lần có người chỉ ra cách làm của tôi không phù hợp. Tôi đã dùng tâm tranh đấu để tự vệ. Người học viên này thông thường rất tốt bụng, đã nặng lời nói: “Đừng chỉ nhìn người khác, hãy nhìn anh đi.” Từ thái độ của anh ấy, tôi đột nhiên nhận ra mình đã làm tổn thương anh ấy. Tôi đã nghiêm túc nhìn lại mình toàn diện và cảm ơn anh ấy từ tận đáy lòng.
Sau đó tôi nhận ra điểm khác biệt giữa tu luyện Đại Pháp và tu luyện trong quá khứ. Hướng nội vô điều kiện là Pháp bảo Sư phụ ban cho chúng ta. Nếu bạn không thể tự nhìn thấy vấn đề của mình, Sư phụ sẽ giúp bạn bằng lời của học viên khác. Khi tâm chấp trước quá mạnh, bạn sẽ cảm thấy không thoải mái.
Chúng ta nên đặc biệt chú ý đến điều người khác nói khi họ có tâm trạng không tốt. Đó là khi họ không che đậy mà biểu lộ thẳng ra, là thái độ thật sự của họ đối với bạn. Không có gì là ngẫu nhiên. Chắc chắn có gì đó để bạn tu luyện.
Chú ý tới những người hay chê trách bạn cũng quan trọng. Một học viên đã so sánh quan hệ này với con dao và hòn đá mài – con dao dựa vào hòn đá mài để sắc bén hơn. Người này có thể đã có quan hệ với bạn trong tiền kiếp. Nếu bạn có thể hữu hảo với tất cả mọi người nhưng người đó thì không, thì đó cũng là chỗ lậu trong tu luyện của bạn. Nếu tôi có gặp người như vậy, thì điều này hẳn là chỗ lậu của tôi. Khi một vài chấp trước của tôi nổi lên, tôi sẽ tìm thấy nhiều lỗi của người khác và không chịu nói chuyện với họ. Lúc này, tôi tự buộc mình nghĩ về ưu điểm của họ và áp chế suy nghĩ về khuyết điểm của họ.
Biết ơn vì được chơi một nhạc cụ đệm
Tôi từng nghe ai đó nói tôi đang chơi một nhạc cụ tông thấp. Ở thời điểm đó, từ “tông thấp” được nhấn mạnh (trong tiếng Hoa từ này cũng có nghĩa là thấp kém). “Thấp kém”! Tôi thường rất khoe mẽ và hay tự do biểu đạt ý kiến của mình. Đôi khi tôi còn không chú trọng đến lời nói. Lời của người đó chẳng phải là một điểm hóa nhắc nhở tôi phải khiêm tốn sao?
Khi tôi nhìn cây kèn trầm phía trước mình, tôi thấy hình dáng của nó không được nổi bật. Nó không khi nào chơi solo, mà lặng lẽ bổ sung cho các nhạc cụ khác. Nó luôn ở vị trí cuối cùng trong ban nhạc. Nó khiến nhạc cụ khác nổi bật lên và làm cho ban nhạc hoàn hảo. Đây chẳng phải là cảnh giới tu luyện mà Sư phụ muốn chúng ta có sao? Tôi đã hiểu vì sao Sư phụ cho tôi cơ hội chơi bè trầm, không phải vì tôi có năng lực, mà là vì tôi cần đề cao bản thân trong quá trình này. Tôi nhận ra những học viên phối hợp với nhau để trợ Sư chính Pháp và cứu độ chúng sinh cũng giống như các nhạc cụ phối hợp với nhau trong ban nhạc. Người nhạc công không chỉ cần có kỹ thuật mà còn cần phải cởi mở và rộng lượng với người khác. Chỉ khi chúng ta tâm thản đãng, không còn bất mãn mà bao dung, chúng ta mới có thể chơi nhạc hay và triển hiện được uy lực của Đại Pháp.
Để kết thúc, tôi xin trích dẫn giảng Pháp của Sư phụ:
[Từ] khai thiên tịch địa chưa từng có Thiên tượng hồng đại như vũ trụ Chính Pháp này; [từ] khai thiên tịch địa cũng chưa từng có đệ tử Đại Pháp. Sư phụ đã khai sáng ra huy hoàng này, dẫn chư vị nhập vào thời khắc lịch sử này. Chư vị hãy tu luyện cho tốt chính mình, tận tình triển hiện bản thân chư vị khi cứu độ chúng sinh, và thực hiện cho tốt hơn nữa!“ (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019)
Con cảm ơn Sư phụ, cảm ơn các đồng tu.
Bài chia sẻ được trình bày trong Pháp hội Canada 2019
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/7/24/390503.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/7/27/178606.html
Đăng ngày 12-08-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.