Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-11-2017] Một đoạn băng hình do máy quay của cảnh sát ghi lại đã phơi bày rõ sự bạo lực cũng như các vi phạm pháp luật của cảnh sát khi tiến hành bắt giữ bốn học viên Pháp Luân Công và một người thân của họ. Đoạn băng hình được đưa ra làm bằng chứng đã được trình chiếu trong phiên tòa xét xử học viên Trần Tái Hoa vào ngày 22 tháng 11 năm 2017 theo yêu cầu của luật sư.

Trong đoạn băng hình, hai người đàn ông mặc thường phục đứng bên ngoài căn hộ của ông Trần cùng với các dụng cụ trong tay để sẵn sàng phá cửa. Họ cùng hô to: “Mở cửa! Mở cửa!” Khi không có ai ra mở cửa, họ đã phá cửa và đột nhập vào nhà.

Một nhóm cảnh sát đã xông vào nhà ông Trần. Con trai ông Trần đã đối chất họ và hỏi rằng họ đang làm gì. Lý Lôi, đội trưởng đội an ninh nội địa ra lệnh: “Trói anh ta lại!” Bốn viên cảnh sát ập tới còng tay con trai ông Trần lại và nhốt anh cùng với bố mẹ mình vào một căn phòng.

Lúng túng trước những hình ảnh được trình chiếu, đoạn băng hình còn chưa chạy hết thì chủ tọa phiên tòa đã yêu cầu dừng lại.

Vi phạm pháp luật hiện hành về các quy định liên quan đến việc bắt giữ, tịch thu và các vấn đề khác

Luật sư của ông Trần cho biết rõ ràng là cảnh sát đã tiến hành bắt giữ phi pháp thân chủ của ông. Không một cảnh sát nào mặc đồng phục cảnh sát và họ cũng không có phù hiệu cảnh sát hay bất kỳ một lệnh khám xét nào. Sau một hồi im lặng, công tố viên đã đưa ra lập luận rằng cảnh sát không cần phải mặc đồng phục mặc dù luật pháp đã có quy định rõ ràng rằng cảnh sát phải mặc đồng phục và đeo phù hiệu cảnh sát trong khi làm nhiệm vụ.

Sau đó, luật sư đã chỉ ra một số vi phạm pháp luật khác của cảnh sát khi họ bắt giữ hai vợ chồng thân chủ của ông cùng cậu con trai của họ. Không một thành viên nào trong gia đình ông Trần có mặt vào lúc cảnh sát tiến hành lục soát nhà. Ngoài ra, cảnh sát cũng không cung cấp bất kỳ một thông tin xác thực nào về nhân chứng được nêu tại hồ sơ vụ án và nhân chứng này cũng không xuất hiện trước tòa để làm chứng tại phiên xét xử. Thẩm phán tuyên bố rằng sự vắng mặt của nhân chứng là do vấn đề sức khỏe nhưng lại không đưa ra được bất kỳ một thông báo nào từ bác sỹ.

Thứ hai, cảnh sát đã thu giữ nhiều đồ đạc có giá trị ở nhà ông Trần mà không liên quan đến Pháp Luân Công. Theo luật định, các đồ vật này phải được trả lại cho chủ sở hữu trong vòng ba ngày sau khi bị tịch thu. Ngay cả các đồ vật có liên quan đến Pháp Luân Công thuộc quyền sở hữu của ông Trần là các vật dụng cá nhân hợp pháp và không được sử dụng làm chứng cứ để buộc tội ông bởi không có một điều luật nào của Trung Quốc cấm Pháp Luân Công.

Ngoài ra, Bộ luật hình sự của Trung Quốc cũng quy định tòa án có nghĩa vụ phải thông báo cho bị đơn biết về phiên xét xử trước đó ba ngày, nhưng thực tế cả ông Trần và luật sư của ông đều không nhận được bất kỳ thông báo nào trong thời hạn quy định này.

Nhiều vi phạm khác cũng được chỉ ra

Công tố viên đã không trả lời các câu hỏi của luật sư mà đưa ra lập luận rằng trường hợp của ông Trần là bị tố tụng hình sự mà theo đó ông đã bị kết án đưa vào trại lao động cưỡng bức. Luật sư đã biện hộ rằng hệ thống cải tạo lao động đã bị bãi bỏ từ vài năm trước vì tính bất hợp pháp của nó và rằng ngay bản thân bản án đó cũng cho thấy việc truy tố ông Trần là bất hợp pháp; do đó, nó càng không thể được coi là một hồ sơ hình sự hay để hỗ trợ cho những cáo buộc mới đối với ông.

Trong phiên xét xử kéo dài một giờ đồng hồ, ông Trần cũng tự biện hộ cho mình. Ông lập luận rằng ông hoàn toàn có quyền được tu luyện Pháp Luân Công vì đó là quyền tự do tín ngưỡng và đã được thừa nhận trong Hiến pháp Trung Quốc. Ông Trần đã chứng thực rằng việc tu luyện Pháp Luân Công đã khiến ông trở nên tốt hơn và biết quan tâm đến người khác, cũng như giúp ông có được mối quan hệ hòa thuận với các thành viên khác trong gia đình. Sau đó, thẩm phán đã ngăn không cho ông tiếp tục nói về Pháp Luân Công.

Bị bắt và bị giam giữ

Ông Trần và vợ ông, bà Phùng Thư Đông cùng con trai đã bị bắt vào ngày 20 tháng 6 năm 2017. Hai học viên khác vô tình cũng bị bắt giữ là ông Quách Lập Quang và bà Trần Quốc Văn khi đang gặp ông Trần vào đúng thời điểm ông bị bắt. Nhà của các học viên này đều bị lục soát.

Cảnh sát đã đưa năm học viên này đến Đồn Cảnh sát Nhữ Nhân Hà vào lúc 2 giờ sáng và thẩm vấn họ cho đến tận 4 giờ chiều ngày 21 tháng 6.

Khi con trai ông Trần tranh luận với các cảnh sát về việc bắt giữ phi pháp này, cảnh sát đã còng tay cậu ra phía sau lưng trong hơn 10 giờ đồng hồ, khiến cánh tay và ngực của cậu bị thương.

Con trai ông Trần và bà Trần Quốc Văn đã được thả vào chiều ngày 21 tháng 6. Vợ ông Trần và ông Quách Lập Quang bị giam giữ trong 10 ngày. Ông Trần bị chuyển đến Trại tạm giam thành phố Cẩm Châu.

Viện kiểm sát quận Thái Hòa đã chấp thuận việc bắt giữ ông Trần và chuyển vụ việc của ông lên Tòa án quận Thái Hòa vào tháng 8 năm nay. Ông đã bị cáo buộc với tội danh “sử dụng tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một tội danh đã được định sẵn mà Đảng Cộng sản Trung Quốc thường sử dụng nhằm bỏ tù các học viên Pháp Luân Công.

Sau năm tháng bị giam giữ, ông Trần đã bị đưa ra xét xử vào ngày 22 tháng 11. Ông bị trùm kín đầu bằng mũ đen và bị còng tay và đeo cùm.

Công tố viên Lý Lập Huy đã nói với những người đang cố gắng đến tham dự phiên xét xử rằng: “Chúng tôi cho phép các thành viên gia đình đến tham dự phiên xét xử, nhưng nếu các vị là học viên Pháp Luân Công thì các vị không được chào đón ở đây.”

Các bên có trách nhiệm liên quan:

– Trương Đức Tồn (张德存): Chánh án, Tòa án quận Thái Hòa +86-18941601911, +86-13941687505, +86-416-2872811 (Cơ quan)

– Lý Lập Huy (李立辉): Thẩm phán: +86-18940673111, +86-416-2872856 (Cơ quan)

– Vương Hiểu Phảng (王晓仿): Công tố viên, Viện kiểm sát quận Thái Hòa: +86-13941618138, +86-416-5081518 (Cơ quan)

– Lý Lôi (李蕾): Trưởng phòng An ninh nội địa + 86-13940696877, +86-4165165688 (Cơ quan)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/11/27/357212.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/12/5/166643.html

Đăng ngày 15-12-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share