Bài viết của Thanh Lưu, một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 10-6-2017] Tôi từng gặp nhiều khó khăn trong tu luyện và không thể trở nên tinh tấn. Nhưng thông qua bài giảng Pháp gần đây của Sư phụ, tôi đã có một số thể ngộ mới.

Sư phụ giảng:

“Đương nhiên làm đệ tử Đại Pháp mà giảng, đã trải qua những năm mưa gió bão bùng ấy, tôi vẫn luôn nói rằng, có thể từ “20 tháng Bảy” năm 1999 sau đó vượt qua thì thật xuất sắc, chư Thần đã vô cùng trân quý chư vị rồi; do đó khi bản thân làm đệ tử Đại Pháp mà nói, cũng cần trân quý bản thân mình, con đường mà mình đi qua, tống khứ cặn bã.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York kỷ niệm 25 năm Đại Pháp hồng truyền 2017)

Kỳ tích và những tiếc nuối

Một đồng tu mà tôi biết đã qua đời gần đây khi mới ngoài 30 tuổi. Sau khi khám nghiệm tử thi và lục soát nhà anh ấy, cảnh sát và bác sĩ đã bác bỏ khả năng bị sát hại hoặc tự tử.

Tôi cảm thấy rất chấn động sau cái chết của anh. Cũng như anh, tôi sống một mình và bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công trước năm 1999. Bởi cuộc đàn áp mà chúng tôi chỉ biết đến nhau chứ không biết đến các đồng tu khác. Chúng tôi không tinh tấn, nhưng cũng đã cố gắng hỗ trợ lẫn nhau.

Năm ngoái, anh ấy hai lần bị triệu chứng giống như đột quỵ. Tôi đã ghé thăm và phát chính niệm cho anh. Nhưng lúc đó, tôi lại có những cảm xúc tiêu cực, thầm trách anh ấy tại sao không tự vượt quan. Tuy nhiên, lần vượt quan thứ hai của anh tương đối nhanh, chỉ trong ba ngày anh đã trở nên thanh tỉnh. Anh thậm chí còn nhắc nhở tôi làm tốt ba việc mà Sư phụ yêu cầu. Tôi không nghĩ nhiều về tình trạng của anh, chỉ nghĩ rằng anh vẫn ổn. Và cũng do anh còn trẻ nên tôi không lo lắng nhiều về tuổi thọ của anh.

Nhưng đối mặt với sự thật tàn khốc này, tôi rất buồn. Anh ấy thậm chí không có cơ hội để cầu cứu đồng tu. Nó giống như một cơn ác mộng: tuổi còn trẻ như vậy, tại sao anh ấy lại rời đi như thế?

Tôi cảm thấy tồi tệ vì đã không giúp anh. Tôi xin Sư phụ tha thứ và hy vọng rằng tôi có thể đến nhà anh để chuyển các tài liệu Đại Pháp đến một nơi an toàn.

Khi tôi đến nơi, cảnh sát đã phong tỏa hiện trường và cấm không cho ai vào. Vì vậy, tôi bắt đầu phát chính niệm. Một lát sau, nhân viên của nhà tang lễ đã đến và cần người giúp. Tôi đã tình nguyện xin giúp và được phép vào trong.Tuy nhiên, có rất nhiều cảnh sát bao quanh, nên tôi chỉ có thể đứng ở gần cửa ra vào.

Sau đó, bỗng nhiên một nhân viên cảnh sát hỏi tôi có biết niệm kinh Phật không để có thể niệm cho người học viên kia. Tôi xem đây là một cơ hội tốt nên đã gật đầu. Tôi liền chắp tay hợp thập và phát chính niệm.

Khi vào trong phòng, tôi thấy các cảnh sát khác đã rời đi. Tôi liền đi một vòng và gói tất cả tài liệu Đại Pháp mà tôi thấy vào trong một cái túi. Nhưng tôi rất lo lắng vì ở đó vẫn còn nhiều hộp tài liệu khác, mà túi của tôi không thể chứa hết được.

Ngay lúc đó, một viên cảnh sát quay lại với một chiếc ba lô trống và nói: “Một đồng nghiệp của tôi đem cái này đến nhưng anh ấy không cần nó nữa. Anh có thể lấy nếu anh muốn.” Tôi liền cảm ơn anh. Sau khi anh bước ra ngoài, ngay lập tức tôi cho tất cả tài liệu Đại Pháp vào chiếc ba lô đó.

Khi tôi rời đi với hai túi đồ to, không một viên cảnh sát nào chặn tôi lại. Điều này rất kỳ lạ, bởi vì theo thông lệ, không ai được phép mang ra khỏi hiện trường bất kỳ tài liệu nào khi vụ án còn chưa kết thúc.

Khi về đến nhà, tôi mở hai chiếc ba lô ra. Tôi đã nhìn thấy sách Chuyển Pháp Luân và nhiều sách Đại Pháp khác. Tôi rất biết ơn Sư phụ vì đã bảo hộ cho tôi.

Hướng nội

Tôi đã học được nhiều điều từ cái chết của đồng tu kể trên. Thứ nhất, tôi đã nhận ra tầm quan trọng của việc thực tu bản thân, và không nên tập trung vào thiếu sót của người khác. Tôi thường nghĩ rằng anh có quá nhiều chấp trước. Nhưng thực tế là, chấp trước của tôi cũng nhiều không kém anh.Tôi không dành nhiều thời gian luyện công hàng ngày. Hơn nữa, tôi rất lười biếng, còn có tâm an dật và sắc dục.

Thứ hai, tôi có quan niệm rằng người trẻ tuổi sẽ không phải lo lắng về cái chết. Kỳ thực, tu luyện là vô cùng nghiêm túc, chúng ta chỉ có thể hoặc là bơi hoặc là chìm. Tôi cũng muốn nhắc nhở các học viên trẻ tuổi khác không nên lầm tưởng rằng mọi thứ sẽ ổn chỉ vì chúng ta còn trẻ. Chúng ta cần phải làm tốt ba việc mà Sư phụ yêu cầu, bao gồm cả việc luyện công.

Thứ ba, tôi đã có cảm giác đau buồn khi đồng tu qua đời. Tôi cảm thấy cô đơn và luôn muốn khóc òa lên. Tôi thấy hối hận và tự trách mình, luôn ước gì tất cả chỉ là một giấc mơ.

Bây giờ, tôi biết rằng các tư tưởng tiêu cực đó đều đang can nhiễu tôi. Chỉ khi nào tôi chú tâm học Pháp và luôn nhắc nhở bản thân là một đệ tử Đại Pháp, thì tình hình mới trở nên tốt hơn.

Kỳ thực, đây chính là một quan khảo nghiệm vào sự kiên định và tín tâm của tôi đối với Sư phụ và Đại Pháp.

Sư phụ giảng:

“Ngay cả khi thật sự rất nguy hiểm nhưng lại không biết vấn đề xuất hiện ở đâu thì cũng không được không có chính niệm; bất kể là ở tình huống nào thì chư vị cũng không được dao động tín niệm căn bản đối với Đại Pháp, vì bấy giờ chư vị thậm chí có chưa suy nghĩ thông suốt hoặc là việc đó chưa làm được tốt, chưa vượt được quan ải lớn, thậm chí là mất đi thân thể mà rời bỏ thế gian, thì cũng sẽ viên mãn như thế, (vỗ tay) vì Sư phụ không thừa nhận cuộc bức hại này, mà [chỉ] là cuộc bức hại này tạo thành cho chư vị [khó nạn ấy]; vậy nên nhất định phải chú ý. Chư vị [nếu] lúc ấy đột nhiên chuyển hướng, lập tức biến thành bất hảo, thì hết thảy những gì của chư vị đều có thể là kết thúc rồi. Chính niệm mọi người nhất định phải đầy đủ; tuy không vượt qua tốt một ‘quan’, nhưng vấn đề tối căn bản là không thể dao động…” (Giảng Pháp tại Pháp Hội San Francisco năm 2005)

Không còn tiêu trầm nữa

Tôi đã minh bạch nhiều Pháp lý, nhưng lại không thể làm theo. Trong nhiều lần giảng Pháp, Sư phụ đều nhắc đến vấn đề thời gian cấp bách, vì vậy tôi cảm thấy sợ hãi, nghĩ rằng mình không thể hoàn thành thệ ước. Nhưng thay vì tinh tấn để theo kịp, tôi lại trở nên tiêu trầm.

Bài Giảng Pháp tại Pháp hội New York kỷ niệm 25 năm Đại Pháp hồng truyền [2017] mới đây đã khiến tôi có một cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng, như được trở về nhà vậy. Tôi có thể cảm thấy sự từ bi của Sư phụ và tôi cũng tự hỏi bản thân tại sao lại trở nên quá bi quan về những chuyện trong quá khứ. Những tư tưởng tiêu cực kia là từ bản thân tôi hay là bị cựu thế lực cưỡng ép thêm vào? Suy cho cùng, tôi cũng đã trải qua rất nhiều năm tu luyện trong thời kỳ Chính Pháp.

Tôi không cho phép sự tiêu trầm đó khống chế bản thân và ảnh hưởng đến ba việc mà tôi làm. Bất luận quá khứ đã xảy ra sự việc gì, tôi vẫn phải trân quý thời gian, trân quý bản thân mình như một đệ tử Đại Pháp, và cũng trân quý tất cả chúng sinh.

Tôi thành tâm mong rằng các học viên khác cũng có thể làm được như vậy.


Bản tiếng Hán : https://www.minghui.org/mh/articles/2017/6/10/年轻同修-请珍惜自己-珍惜时间-349396.html

Bản tiếng Anh : https://en.minghui.org/html/articles/2017/8/17/165064.html

Đăng ngày 29-11- 2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share