Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 28-5-2017] Tôi đã luôn thắc mắc tại sao con người tồn tại, nhưng chưa từng có được câu trả lời thỏa đáng. Mãi cho đến cuối năm 2012, khi lần đầu tiên tiên đọc cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Đại Pháp, và bị thu hút bởi câu này:
“Con người phải phản bổn quy chân, đó mới là mục đích chân chính để làm người; do vậy một cá nhân hễ muốn tu luyện, thì được [xác] nhận là Phật tính đã xuất hiện.” (Chuyển Pháp Luân)
Đây là câu trả lời mà tôi đang tìm kiếm, và vì thế tôi đã bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Nhờ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp tôi đã thấy được nhiều chấp trước mà mình cần phải từ bỏ.
Trang phục
Là một nữ học viên trẻ (thế hệ sau 80), tôi cảm thấy rằng trang phục của mình khá trang nhã và phù hợp.
Gần đây tôi đã mặc một chiếc quần ngắn khi khi ra ngoài vì trời nóng. Trên đường đi làm, có một đồng nghiệp nam đã nhắc tôi: “Hôm nay em mặc đồ mát nhỉ, chỉ cần nhìn em là chúng tôi cảm thấy sảng khoái.”
Tôi không nghĩ gì về nó, chỉ nói đùa với anh ấy và những người đàn ông khác đang đi cùng anh. Khi xuống xe buýt, tôi đã bị quệt bắp đùi vào một miếng kim loại trên ghế và bị rách ít da. Nó đau đến nỗi tôi phải chờ cho cơn đau giảm bớt trước khi tiếp tục đến chỗ làm. Tôi đã không nghĩ ngợi chút gì về sự cố này.
Khi về đến nhà, mẹ tôi, cũng là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, đã nhận xét rằng: “Quần của con quá ngắn và quá hở hang! Thật là thiếu đứng đắn!”
Tôi cãi lại: “Tại trời nóng quá. Ai ra đường cũng mặc như vậy mà mẹ. Mẹ đừng làm phiền con nữa!”
Tuy nhiên, tôi đã tự hỏi liệu mình có nên mặc quần ngắn thế này không. Nhưng tại sao không?
Một học viên cao tuổi ghé qua nhà chúng tôi buổi tối hôm đó, và đã nói: “Con cần phải chú ý đến những hành vi của giới trẻ ngày nay.”
Sau khi nghĩ về câu nói này, tôi chợt nhận ra rằng lời bình luận của người đồng nghiệp nam lúc trước là có ý nói về chiếc quần ngắn của mình, nó làm tôi trông hấp dẫn và sexy. Nó khơi dậy chấp trước dục vọng. Tôi đã không nhìn nhận vấn đề từ quan điểm của một học viên. Đó là lý do tại sao tôi bị rách ở đùi khi xuống khỏi xe buýt.
Trước kia, mọi người đặt rất nhiều tâm tư vào trang phục của họ. Những ai ăn mặc lịch sự và nhã nhặn nhận được sự tôn trọng từ những người quanh họ. Các học viên nên suy nghĩ cẩn thận về thứ mình mặc. Mỗi bước đi của các học viên chúng ta đều là [tấm gương] để lại cho thế hệ tương lai. Nhiều thứ trông có vẻ đúng nhưng khi dùng các tiêu chuẩn của Pháp để đo lường thì chúng không thật sự là đúng.
Mua đồ trên mạng
Tôi thường hay mua đồ trên mạng và sẽ so sánh giá của vài cửa hàng để xem chỗ nào có được giá tốt nhất. Thi thoảng tôi có thể dành vài giờ hay thậm chí cả ngày để tìm kiếm đồ trên mạng trước khi quyết định mua một bộ quần áo.
Tôi dần nhận ra rằng mặc dù so sánh và tìm ra những món hời có vẻ như là bình thường trong mắt người thường, nhưng các học viên mà ngộ được Pháp lý “thuận theo tự nhiên” sẽ biết rằng cho dù bạn có lựa chọn thế nào đi nữa, thì thứ đến tay bạn là thứ đã có tiền duyên với bạn. Vì thế toàn bộ khoảng thời gian mà tôi đã lãng phí để tìm kiếm đồ trên mạng là khoảng thời gian quý báu mà Sư phụ đã ban cho chúng ta để chúng ta tu luyện và cứu người.
Tôi mặc những bộ quần áo mới là vì muốn mọi người nhìn thấy chúng. Tôi sẽ rất vui mừng nếu có ai đó khen về bộ quần áo của mình, giá tiền mà tôi đã trả hay hình dáng của tôi. Nếu họ cảm thấy rằng bộ quần áo chất lượng xấu hay quá đắt, tôi sẽ cảm thấy chán nản. Mong đợi của tôi về những lời khen ngợi bắt nguồn từ tâm hiển thị của tôi.
Khi tôi tìm kiếm những bộ quần áo trên mạng, tôi cũng sẽ nhận xét về hình dáng của những người mẫu. Tôi đã không tu khẩu và cũng không kiểm soát được chấp trước vào sắc của mình.
Rất nhiều cửa hàng còn hoàn lại cho khách hàng của mình một chút tiền như là một phần thưởng nếu những vị khách đó sẵn sàng để lại những ý kiến tích cực. Nếu chất lượng của món hàng xấu, và chúng ta viết ra những ý kiến tích cực chỉ để nhận vài đồng giảm giá, điều đó đồng nghĩa với việc thiếu trung thực, và gây hiểu lầm cho những người tiêu dùng tương lai. Học viên Đại Pháp nên hành động chiểu theo tiêu chuẩn cao của Vũ trụ: Chân–Thiện–Nhẫn.
Trò chơi trực tuyến
Tôi có thể được xem là “bậc thầy chơi game” trên internet trước khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Tôi đã chơi game hơn 10 năm cả không trực tuyến lẫn trực tuyến. Thậm chí có một nhà cung cấp game còn mời tôi làm người điều hành để tổ chức các sự kiện trao đổi trang thiết bị và tiền ứng trong game. Tôi cảm thấy rất tự hào về bản thân vì được đóng vai trò quan trọng thế trong thế giới game.
Tuy nhiên sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi nhận ra rằng trò chơi trực tuyến hủy hoại con người, và các học viên thậm chí không nên đụng vào những trò chơi này. Nó không chỉ mất thời gian mà còn mang lại hậu quả tai hại. Các trò chơi ngày nay hầu như yêu cầu người ta phải hoàn thành nhiệm vụ để tăng cấp. Một số những yêu cầu trong các trò chơi này có liên quan đến giết quái vật, động vật, thực vật và thậm chí cả con người.
Sư phụ giảng:
“Bất kể vật chất nào trong vũ trụ, bao gồm tất cả toàn thể những vật chất tràn đầy trong toàn vũ trụ, chúng đều là những linh thể, chúng đều có tư tưởng; chúng đều là những hình thái tồn tại của Pháp vũ trụ tại các tầng khác nhau.” (Chuyển Pháp Luân)
Chẳng phải cây cối và động vật trong trò chơi cũng là những sinh mệnh sống sao? Về khách quan đúng là như vậy.
Vì thế giết chúng cũng tương đương với việc giết một sinh mệnh. Vậy thì biết bao nhiêu sinh mệnh đã bị chúng ta giết chỉ để hoàn thành một nhiệm vụ? Có bao nhiêu sinh mệnh đã bị giết sau một giờ chơi game? Bao nhiêu sinh mệnh bị giết sau một ngày chơi game? Những hậu quả nghiêm trọng gì nằm sau trò chơi game?
Chỉnh sửa ảnh
Nhiều phần mềm chỉnh sửa hình ảnh có thể làm đẹp một tấm hình hay làm cho một người trong thu hút hơn. Tôi đã thích dùng nó cho những tấm ảnh của mình và sản phẩm cuối cùng rất là hoàn hảo đến nỗi thi thoảng tôi còn thậm chí không thể nhận ra chính mình.
Tôi cảm thấy rất vui khi người khác khen gợi mình trong những bức ảnh đó. Điều này thậm chí còn củng cố lòng tin của tôi dành cho những phần mềm chỉnh sửa hình ảnh này, đến nỗi tôi chỉ cho người khác xem những bức ảnh của mình sau khi đã chỉnh sửa.
Sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp tôi nhận ra mục đích của việc gửi ra những bức ảnh đã được chỉnh sửa này chỉ với hy vọng nhận được lời khen ngợi, làm gia tăng chấp trước vào danh của tôi. Nhưng những bức ảnh đã được chỉnh sửa này thậm chí trông không giống tôi. Làm điều đó cũng đồng nghĩa với việc tôi đang lừa dối người khác về bản thân mình? Điều này cũng ngược lại với nguyên lý Chân của Đại Pháp.
Hát bài hát của người thường
Tôi thích hát và thậm chí đã làm và bán một số album. Một ngày kia, có một học viên đến nhà tôi, và nhìn thấy một trong những album của tôi. Cô ấy hỏi xem nó có thật là do tôi hát hay không. Tôi khẳng định rằng nó đúng là của tôi và đề nghị tặng cho cô ấy một đĩa. Nhưng cô ấy đã lắc đầu và nói: “Chị không muốn. Chính Pháp đã gần kề rồi, em nên bước đi trên con đường của mình.” Tôi nghĩ rằng vì mình không hát những bài hát của cộng sản, nên nó không có vấn đề gì với con đường tu luyện của bản thân.
Đêm đó, tôi đã mơ thấy mình quay trở lại ngôi nhà thời thơ ấu. Khi ấy mẹ tôi mới đắc Pháp. Trong phòng khách có một bức ảnh chân dung của Sư phụ và một chiếc ghế sofa bên dưới tấm chân dung. Tôi đang dọn dẹp chiếc bàn của mình và khi quay lại tôi trông thấy một người phụ nữ cao tuổi đang ngồi trên ghế sofa. Tôi có cảm giác rằng người phụ nữ cao tuổi này là Sư phụ. Tôi hỏi: “Cháu nên gọi tên bà là gì ạ?” Người phụ nữ cao tuổi mỉm cười và nói không có gì cả. Tôi muốn hỏi xem họ của bà có phải là Lý không, nhưng thay vào đó tôi đã hỏi: “Bà từ đâu đến ạ?” Người phụ nữ chỉ vào bức ảnh của Sư phụ và nói: “Ta đến từ đây! Con hãy đọc thuộc lòng một vài câu thơ trong Hồng Ngâm và hát một vài bài hát Đại Pháp cho ta nghe được không?“ Đầu tôi hoàn toàn trống không, nhưng sau đó bà liên tục nhắc tôi, tôi đã thốt ra được vài câu của một bài hát Đại Pháp.
Tôi thức dậy bởi tiếng đồng hồ báo thức, và nhận ra rằng Sư phụ đang cố gắng điểm hoá cho tôi ghi nhớ Pháp và tập trung hát các bài hát Đại Pháp thay vì các bài hát của người thường.
Sư phụ giảng:
“Nếu chư vị chân tu một môn, thì chư vị chỉ xem kinh [sách] của môn ấy.” (Chuyển Pháp Luân)
Các học viên nên thật sự đặt toàn bộ năng lượng của mình vào Pháp và gồm cả nghe nhạc Đại Pháp như một cách thư giãn thay vì nghe các bài hát của người thường.
Các bài hát của Đại Pháp rất thuần tịnh, nhưng các bài hát của người thường thì chứa đựng thông điệp của họ vì thế khi chúng ta nghe chúng và học thuộc chúng, tương đương với việc chúng ta đang cầu những thông điệp đó. Khi đó chúng sẽ đến can nhiễu trường tu luyện của chúng ta.
Khiêm tốn
Có lần khi tôi đang học Pháp cùng với mẹ mình, bà bảo tôi rằng tôi đã đọc sai, nên tôi đã đọc lại. Nhưng tôi phát hiện thấy mình đã không đọc sai, và nghĩ rằng mẹ tôi đã bị phân tâm và nghe không được chính xác. Một lúc sau mẹ tôi lại nói rằng tôi đọc không đúng. Tôi nhìn kỹ hơn và thấy chẳng có gì sai cả, vì thế tôi đã cằn nhằn: “Con đâu có đọc sai, mẹ đã nói không đúng như vậy mấy lần rồi.”
Mẹ tôi đáp: “Khi người khác chỉnh lỗi của con, đôi khi là do con, nhưng cũng có lúc là do họ nghe không rõ. Nếu con vẫn giữ thái độ này thì con sai rồi. Mẹ sẽ không chỉnh con nữa.”
Mặc dù cảm thấy có lỗi nhưng tôi vẫn im lặng và tự nhủ rằng mình phải nhẫn. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy khó chịu trong tâm. Sau đó, chữ “khiêm tốn” chợt lóe lên trong đầu tôi. Tôi đã bình tĩnh lại và hướng nội.
Khi cùng học Pháp nhóm, tôi thường đọc Pháp trôi chảy mà không bị vấp, và được những học viên khác khen ngợi. Khi tôi nghe những học viên khác đọc chậm và vấp nhiều, tôi đã chỉnh họ bằng một giọng khích động.
Khi nghe những học viên khác chia sẻ kinh nghiệm tu luyện của họ, hoặc là tôi cảm thấy chán nản bởi những nội dung được nói đi nói lại của một số học viên lâu năm, hoặc là tôi cảm giác mình vượt trội hơn những người đọc kém hơn mình.
Đúng là tôi đã có tâm cao ngạo và tự mãn đến nhường nào!
Sư phụ luôn rất thân thiện và nhẫn với tất cả mọi người. Tôi mới chỉ học được một phần của Pháp, vậy mà tôi đã đánh giá cao bản thân mình. Tôi cảm thấy thật là xấu hổ.
Tìm kiếm lời khen
Tôi đã có thói quen tìm kiếm những lời khen ngợi của chồng mình, và liên tục nhấn mạnh những việc tốt mình đã làm, chỉ để thoả mãn bản thân khi mỗi lần chồng tôi đều bày tỏ sự ghi nhận của anh.
Một lần, khi tôi cố gắng để được chồng tôi khen, anh ấy đã không những không khen như tôi mong đợi mà thay vào đó còn quát to: “Em hãy dừng cái việc chờ anh khen ngợi mọi việc mà em đã làm đi. Em đang cố gắng làm gì vậy?
Việc này khiến tôi băn khoăn, tại sao tôi lại muốn tìm kiếm lời khen ngợi? Đó là mong muốn được người khác đánh giá cao và biết ơn mình. Tôi đang đòi hỏi một hành động từ người khác. Tôi thật là ích kỷ khi cố gắng thoả mãn những ham muốn của mình!
Các học viên Đại Pháp nên từ bi, và thật lòng nghĩ cho người khác thay vì mong chờ sự báo đáp từ người khác.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/5/28/348294.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/9/2/165268.html
Đăng ngày 18-9-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.